Sự trở lại của năng lượng hạt nhân

Thứ Năm, 20/08/2009, 22:20
Sau thảm họa Chenobyl, bất cứ quốc gia nào cũng không dám đặt hết niềm tin vào điện hạt nhân và thậm chí các công ty năng lượng trên thế giới cũng không tin nó sẽ là công nghệ của tương lai.

Nhưng hiện nay nỗ lực quốc tế chống sự thay đổi khí hậu mở đường cho những công nghệ ít làm sản sinh carbo dioxide, Mà các lò phản ứng hạt nhân chỉ thải một phần nhỏ CO2 vào môi trường. Một nhà máy năng lượng than điển hình (đốt than non) thải ra trên 1.150g CO2/KW giờ điện năng được sản xuất, trong khi với nhà máy điện hạt nhân con số đó chỉ ở khoảng 30g.

Không một lò phản ứng mới nào được xây dựng tại Mỹ kể từ năm 1979 sau tai nạn ở Three Mile Island. Nhưng điều đó sắp thay đổi. Tất cả bắt đầu ở Viện Thí nghiệm quốc gia Idaho ở phía tây Rocky Mountains, khi một bóng đèn sáng lên lần đầu tiên nhờ năng lượng hạt nhân vào tháng 12/1951.

Thành phố Arco gần sa mạc trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có được đặc ân sử dụng điện từ nhà máy điện hạt nhân. Ngày nay bóng đèn và lò phản ứng EBR-I là nơi thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. 104 nhà máy điện hạt nhân tồn tại trên đất Mỹ đang sắp sửa về hưu, tuy nhiên, hơn một nửa nhà máy trong số đó được phép hoạt động thêm 2 thập niên nữa.

Ví dụ, Nhà máy Calvert Cliffs ở Maryland hoạt động từ năm 1974 nay có thể tiếp tục mở cửa đến năm 2034 thay vì 2014. Khoảng 30 lò phản ứng mới sắp sửa ra đời ở Mỹ. Nhưng đối với một số người thì con số đó vẫn chưa đủ! Không chỉ có Mỹ đặc biệt quan tâm đến điện hạt nhân trong tình hình khí hậu thay đổi như hiện nay. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người từ lâu đề xướng điện hạt nhân, thông báo sẽ xây dựng thêm lò phản ứng thứ 61 của nước Pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đầu tư khoảng 130 tỉ USD vào khu vực năng lượng vào năm 2020, tức khoảng 9,8 tỉ USD một năm. Với sự sở hữu điện hạt nhân, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng và đất nước càng phồn vinh với nhu cầu thiết bị điện gia đình và hàng điện tử giải trí tăng cao. Quốc gia này dự tính vào năm 2020 mức tiêu thụ điện trong nước sẽ tăng đến 400.000 gigawatt, tức là cao gấp đôi lượng điện tiêu thụ hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo về mối nguy hiểm ẩn tàng ở một quốc gia nằm trong vùng động đất như Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ trận động đất năm 1999 cướp đi sinh mạng của 20.000 người đã cho thấy Istanbul chưa sẵn sàng để đối phó với thiên tai. Trong khi đó, Akkuyu, một thành phố xinh đẹp ở vùng biển Aegean nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chỉ cách vùng động đất chừng vài kilômét.

Thụy Sĩ có thể sẽ triển khai đội hình điện hạt nhân của mình từ 5 đến 8 lò phản ứng. Phần lớn điện năng của Thụy Sĩ có nguồn từ năng lượng tái sinh. Nước này hiện đang tiêu thụ 60% điện năng từ các nhà máy thủy điện và 40% từ điện hạt nhân.

Thụy Sĩ đã có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân mới (với sản lượng dự tính là 4.800 megawatt), đồng thời chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia để thay thế hoặc hiện đại hóa các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cả 3 dự án mới này thật sự có đơm hoa kết trái hay không.

Vì 3 công ty điện lực chính của Thụy Sĩ là Axpo, Atel và BKW tính toán chỉ cần 2 nhà máy năng lượng hạt nhân mới là đủ cung cấp cho nhu cầu điện năng. Điện hạt nhân là vấn đề bàn cãi căng thẳng ở Thụy Sĩ, một phần vì hậu quả của tai nạn hạt nhân nếu xảy ra sẽ đặc biệt rất thảm khốc trong một quốc gia nhỏ bé như Thụy Sĩ.

Trong tháng 6/2008, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thông báo về sự bắt đầu của một cuộc "cách mạng xanh". Điều mà ông Brown gọi là "sự thay đổi ấn tượng nhất trong chính sách năng lượng" bao gồm cả hai vấn đề: xây dựng 7.000 turbine gió và lắp đặt khoảng 7 triệu panel mặt trời; cũng như sự hồi sinh của điện hạt nhân.

Theo kế hoạch của Chính phủ Anh, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ tạo ra 100.000 công việc làm mới và đất nước sẽ có thêm 40% năng lượng. Dự kiến Anh sẽ xây dựng ít nhất 20 lò phản ứng mới và nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong số này có thể hoạt động vào đầu năm 2018.

Nước Nga dự kiến sẽ xây dựng 40 lò phản ứng hạt nhân mới trong vòng 25 năm nữa. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng kế hoạch này khó thể thành công, vì Nga thiếu chuyên gia tài năng và còn lúng túng trước vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân.

Sergei Kiriyenko, lãnh đạo Công ty Điện hạt nhân Rosatom do nhà nước quản lý và là cựu Phó thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin cho biết, Nga cũng có kế hoạch xây dựng 60 lò phản ứng ở nước ngoài, và 2 trong số đó sẽ nằm cách Kalinigrad 120km. Những lò phản ứng này sẽ được xây dựng theo thiết kế hiện đại nhất gọi là RBMK.

Châu Á cũng nhìn nhận điện hạt nhân là lựa chọn cho tương lai. Ấn Độ hiện có 17 lò phản ứng và muốn xây dựng thêm nữa. Trung Quốc muốn tăng số lượng nhà máy hạt nhân từ 11 hiện nay đến khoảng 40 trong thời gian sắp tới.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng  một mặt kêu gọi đầu tư mạnh vào các năng lượng tái sinh, và mặt khác đề nghị thế giới cần có trên 1.300 lò phản ứng hạt nhân mới vào năm 2050. Ngay đến các tổ chức bảo vệ môi trường cũng chọn giải pháp điện hạt nhân trong tình hình khí thải CO2 đang tràn ngập bầu không khí như hiện nay

An Di (tổng hợp)
.
.