Sự việc và suy ngẫm: Nỗi niềm kẻ đọc - người xem

Thứ Tư, 19/07/2017, 13:03
Nhắc tới hai cặp từ trên, hiển nhiên là tác giả bài viết này đề cập tới hệ thống truyền thông đại chúng (báo viết, báo nói (radio), báo hình) những thứ gắn liền với cuộc sống mọi giai tầng xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin này.

Từng giờ, từng ngày có biết bao thông tin dội tới tác động tâm lý con người: Mừng vui, buồn phiền, hoài nghi, day dứt... Có những thứ tưởng như chẳng thể nào xảy ra trong thời điểm này thì nó lại thư thư diễn ra khiến báo giới phải tốn công, tốn mực.

Tỷ như cái hiện tượng “loạn cấp phó” đã diễn ra từ nhiều năm trước, báo chí đã phanh phui nhiều vụ - Theo quy định chung, thông thường mỗi đơn vị cấp phòng, ban, vụ, cục, sở - có 1 trưởng và từ 1 tới 3 phó (tùy theo đặc thù từng đơn vị mà tính toán số lượng là 1, 2 hoặc 3 cấp phó). Vậy mà khối nơi đã đủ cấp phó rồi mà vẫn cứ đề bạt thêm. Thậm chí có nơi đề bạt đầy đủ cấp trưởng, cấp phó nhưng chẳng được lãnh đạo ai. Bởi có nhân viên đâu mà lãnh đạo! Một đơn vị cấp sở có 46 người thì 44 vị là lãnh đạo, chắc chắn ở đó có nhiều phòng, ban “bạch định” nhân viên.

Rồi nữa, có một đơn vị cấp sở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể coi là sở vô địch cấp phó (1 giám đốc và 8 phó giám đốc) đành rằng ở đây có vấn đề lịch sử để lại là do sáp nhập. Thực ra sáp nhập cũng đã dăm sáu năm rồi sao vẫn để tồn tại cảnh ấy?

Đó là chuyện cũ. Những điều nhức nhối hài hước ấy trở thành chuyện cả làng đều biết, cả nước nực cười, tưởng sẽ là bài học nhớ đời để không nơi nào mắc phải.

Vậy mà, tuần qua, trong khi hồ hởi tìm kiếm thông tin liên quan tới Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29), đặc biệt là những thông tin liên quan tới đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) với tình cảm của một người mà 28 năm trước, may mắn được là thành viên của Đoàn TTVN tham dự SEA Games lần thứ 15 cũng tại Malaysia.

Đối với Việt Nam, đây là SEA Games mang ý nghĩa lịch sử, bởi lần đầu tiên sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đi với tư cách “Đoàn thể thao nước CHXHCN Việt Nam”. Mừng vui bởi đoàn ta tới Kuala Lumpur lần này thật hoành tráng về thành viên tham dự, hoành tráng về các môn tham gia thi đấu và “hoành tráng” về đội ngũ lãnh đạo đoàn.

Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 chỉ còn 1 trưởng đoàn và 2 phó trưởng đoàn.

Theo báo chí thì danh sách ban đầu Đoàn TTVN tham dự SEA Games 29 là 693 thành viên. Riêng lãnh đạo Đoàn có tới 11 người (1 trưởng đoàn và 10 phó trưởng đoàn) thật ớn lạnh, nổi da gà giữa nắng hè đổ lửa! Mà sao kỳ lạ đến thế, bộ phận tham mưu giúp lãnh đạo Bộ chủ quản lại thản nhiên đề xuất một danh sách “hoành tráng” cấp phó đoàn giữa thời điểm dư luận xã hội, báo chí rần rần lên tiếng phê phán hiện tượng “loạn cấp phó” xảy ra ở nhiều nơi.

Sao không chịu khó tìm hiểu xem 28 kỳ SEA Games trước các nước người ta cơ cấu lãnh đạo các đoàn ra sao? Tiêu chuẩn, chế độ, trang thiết bị của nước chủ nhà ra sao đối với lãnh đạo các đoàn...

Nhớ lại chuyện cũ - thời SEA Games 15 với 9 nước tham gia (lúc đó chưa có Đông Timor). Cơ cấu lãnh đạo các đoàn có 1 trưởng đoàn và 2 phó trưởng đoàn. Đoàn TTVN do ông Trịnh Ngọc Chữ (Phó Tổng cục trưởng TCTDTT) làm trưởng đoàn. Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang, là Phó trưởng đoàn (phụ trách chuyên môn) và tác giả bài viết này là Phó trưởng đoàn chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn cho đoàn.

Đoàn Việt Nam ở gọn trong 1 khách sạn tại trung tâm Kuala Lumpur. Lãnh đạo đoàn được bố trí mỗi người một  phòng riêng. Trưởng đoàn được trang bị 1 ôtô con (loại 4 chỗ ngồi). Hai phó đoàn chung 1 xe. Tất cả đều sơn cờ VN ở 2 bên thành xe. Vận động viên và các thành viên khác có xe du lịch đưa, đón.

Tất tần tật mọi chi phí như ăn ở, vé máy bay, kể cả tiền tiêu vặt cho các thành viên, các nước tham gia tự lo.

Thời đó, đất nước còn quá khó khăn nên kinh phí cho đoàn hạn hẹp lắm. Tỷ như tiền tiêu vặt, mỗi người được 25,2 USD, chia cho 18 ngày (cả ngày đi và về), vị chi mỗi ngày được 1,4USD.

Vì kinh phí ngặt nghèo như vậy, nên cấu tạo đoàn đi, lãnh đạo ngành chủ quản thời đó phải tính toán, cân nhắc chi ly tới từng môn thi đấu, từng người tham gia.

Nhớ lại chuyện xưa để ngẫm chuyện bây giờ. Rất may, Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL đã lắng nghe dư luận báo chí, dư luận xã hội, sớm chỉ đạo rà soát lại cơ cấu lãnh đạo để đi tới quyết định còn 1 trưởng đoàn và 2 phó trưởng đoàn, đúng theo quy định của Ban tổ chức Đại hội.

Nói về mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên, người đời vẫn có câu “thần thiêng tại bộ hạ” - nói về trách nhiệm của cơ quan tham mưu với lãnh đạo cấp trên. Sự việc trên, thiết nghĩa là bài học kinh nghiệm cho cơ quan tham mưu giúp việc của tất cả các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới cơ sở để không xảy ra những hiện tượng tương tự.

Bây giờ điều kiện kinh tế đất nước khá hơn, đoàn đi hoành tráng hơn. Những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Nơi có thể diễn ra những đại hội văn hóa, thể thao tầm châu lục và khu vực, lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao địa phương cũng cần đi để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tổ chức của bạn. Có thể đi bằng kinh phí địa phương và không nhất thiết phải bố trí làm phó trưởng đoàn để tạo nên “hàng đống” cấp phó, tạo nên dư luận ồn ào chẳng giống ai, tạo nên nỗi niềm cho người đọc, người nghe.

Khổng Minh Dụ
.
.