Sức hấp dẫn của mái tóc và mặt tối thị trường

Thứ Bảy, 29/12/2018, 11:37
Tóc người rất có giá trị không chỉ về mặt tâm linh mà còn về kinh tế ở Ấn Độ. Nhiều phụ nữ láng giềng của Amma thu gom tóc của họ dính trên chiếc lược - được gọi là “rác lược” - để bán hay trao đổi hàng hóa với những người thu mua tóc thường xuất hiện ở địa phương mỗi tháng một lần. Tùy theo cân nặng mà số tóc có giá khác nhau. Sau đó, những người thu mua sẽ bán tóc cho các nhà máy xử lý.

Ý nghĩa tâm linh và giá trị kinh tế

Loại tóc “rác lược” rối bù thường chỉ có giá vài rupee. Trong khi đó, mái tóc được cạo sạch trên đầu có giá trị cao hơn vì nó rơi xuống một cách tự nhiên và có thể xử lý làm tóc giả. Từ Hollywood cho đến nước Anh và Nam Phi, tóc người được sử dụng rộng rãi có nguồn gốc từ Ấn Độ. Thị trường tóc người ở Ấn Độ có giá trị hơn 250 triệu USD/năm. Một kg tóc cạo trực tiếp từ đầu có giá 130 USD và mái tóc dài của Amma - cân nặng khoảng 160g - được định giá 20 USD.

Theo thần thoại Ấn Độ, Vishnu bị mất một chỏm tóc trên đầu và sau đó được nữ thần Neela Devi tặng cho một nhúm tóc của mình để thay thế. Do đó người Ấn Độ tin rằng thần Vishnu sẽ ban phước cho bất cứ ai chấp nhận hy sinh mái tóc của mình dâng lên thần. Nghi lễ cạo đầu diễn ra phổ biến nhất tại 2 bang miền nam Ấn Độ - Tamil Nadu và Andhra Pradesh. Mỗi tháng, 2 ngôi đền chính ở Tirutanni và Tirupati thu thập hàng tấn tóc người.

Tóc được xử lý rất nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu.

Một người hành hương vừa mới được cạo đầu xong ở Tirutanni mô tả cảm giác: “Tôi thấy rất hổ thẹn, song vô cùng hạnh phúc”. Những ngày tốt được chọn để tiến hành nghi lễ cạo đầu cho người hành hương. Ngôi đền ở Tirupati là nơi thu gom tóc người nhiều nhất thế giới, với trung bình 100.000 người hành hương đến đây mỗi ngày. Nhờ tóc người hành hương mà ngôi đền Tirupati kiếm được 3 triệu USD/năm. Số tiền này được sử dụng vào mục đích từ thiện, ủng hộ các trường học và bảo tồn ngôi đền. Thợ cắt tóc được trả 15 rupee (khoảng 20 cent) cho mỗi lần cạo đầu người hành hương.

Yin Thein - người phụ nữ chuyên kinh doanh tóc ở thủ đô Yangon của Myanmar từ nhiều năm qua và bán được trung bình 40kg tóc trong một tháng - cho biết: “Người Trung Quốc thường đến cửa hiệu của tôi mua tóc và tôi đến đây bán 2 lần trong năm”. Yin Thein kiếm được chừng 4.800 baht (150 USD)/tháng - tức hơn mức lương giáo viên trường công ở Myanmar.

Trong khu buôn bán nhộn nhịp ở Yangon có chừng 7 cửa hiệu bán tóc khác nằm dọc theo phố Hlaing River và nơi đây được coi là trung tâm kinh doanh tóc của thành phố lớn nhất Myanmar. Đối với giới kinh doanh tóc, thời gian bận rộn nhất trong năm vào tháng 4 - tức tết Thingyan của người Myanmar.

Aye Aye Thein, người mở cửa hiệu mua bán tóc Ba Than cách đây hơn một thập niên, cho biết mỗi ngày có độ 30 đến 50 phụ nữ đến bán tóc cho chị. Theo Aye Aye Thein, giá bán tùy theo chất lượng tóc và “đối với tóc chất lượng tốt, tôi có thể bán 400g với giá 100 USD”. San Hlaing, 38 tuổi, là người thu mua sỉ tóc trong khu thương mại Thaketa của Yangon.

Tóc người rất có giá ở Ấn Độ.

Hlaing vốn là nông dân ở  tỉnh Shwe Bo miền bắc Myanmar và đến năm 2000 chuyển sang thu mua tóc sau khi nghe bạn bè nói nghề kinh doanh tóc kiếm tiền rất bộn. Hiện nay, Hlaing thuê 4 người đi tìm mua tóc ở trong và ngoài thành phố Yangon, nhất là tại những khu vực gần nhà chùa và những khu chợ nhộn nhịp. Hlaing cho biết cũng có khi người ta tìm đến anh để bán tóc và trong nghề này cũng có nhiều người trung gian. Hlaing bán tóc theo viss - đơn vị đo lường của Myanmar tương đương 1,6kg. Tùy theo các yếu tố như chất lượng, số lượng và chiều dài sợi tóc mà Hlaing có thể mua đến hơn 400 USD cho 1 viss.

Trung bình một tháng Hlaing bán được khoảng 650kg tóc. Hlaing cho rằng tóc được xuất khẩu đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí đến tận nước Mỹ xa xôi. Haling không nghe nói gì về chuyện đánh cắp tóc nhưng Aye Aye Thein thì có nghe đồn về nhiều vụ như thế. Và, để sống còn trong nghề kinh doanh tóc, Thein phải tìm hiểu rất kỹ về tóc.

Chị kể: “Có khi người ta bán cho tôi loại tóc nhân tạo hay thậm chí lông thú giả tóc nhưng tôi không dễ bị lừa. Lông thú dễ nhận biết do nó thô ráp, còn tóc nhân tạo khi đốt cháy sẽ không biến thành tro như tóc người”. San Hlaing cho biết, trước năm 2006 ngành kinh doanh tóc rất ổn định nhưng doanh thu trong nghề này sụt giảm đến 40% kể từ khi các kiểu tóc ngắn trở nên phổ biến ở Myanmar.

Lẫn lộn thật - giả

Emma Tarlo, nữ giáo sư khoa nhân chủng học và tác giả cuốn sách tựa đề “Entanglement: The Secret Lives of Hair” (tạm dịch Sự rối rắm: Đời sống bí mật của tóc), cho biết: “Những người làm việc trong ngành công nghiệp tóc đều nhận thức rõ rằng tóc Trung Quốc được đánh giá tiêu cực. Khi tra cứu thông tin trực tuyến, chúng ta sẽ thấy tóc Trung Quốc to sợi và thô. Tóc Philippines cũng tương tự nhưng sáng bóng hơn. Tóc Brazil chất lượng cao. Tóc Ấn Độ có nước bóng và tự nhiên nhất”.

Một gia đình hi sinh mái tóc cho thần Vishnu.

Theo nữ giáo sư Tarlo, tóc của người châu Âu “giá trị nhất, một phần do sợi tóc mịn, nhiều màu sắc song nguồn cung ứng hạn chế hơn”. Phần lớn loại tóc này có xuất xứ từ các quốc gia Đông Âu - như là Nga, Romania hay Ukraine. Đứng đầu thị trường là loại tóc “virgin” (tóc không hề được xử lý hóa chất) và tóc “remy” (được cắt hay cạo trực tiếp từ người bán tóc hay hiến tặng tóc). Kế đến là loại “tóc tiêu chuẩn” - thường được dùng như là từ tiếp thị cho loại tóc rụng hay “tóc rác” được gỡ ra từ lược. Nhưng, sau xử lý bằng hóa chất thì loại tóc rụng hay tóc rối này trở nên “đạt chuẩn” để nối tóc cho phụ nữ.

Emma Tarlo thừa nhận: “Các nhà máy ở Trung Quốc thường gọi loại tóc rác thu từ lược là tóc tiêu chuẩn” bởi vì phần lớn lượng tóc có được từ con đường này”. Trong khi đó, toàn bộ kênh phân phối đều giữ kín nguồn gốc thực sự của tóc nối đối với người tiêu dùng. Có cả một ngành công nghiệp để gỡ rối, phân loại và xử lý “tóc rác”. Khi sản phẩm cuối cùng được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không phân biệt nổi đâu là tóc chất lượng và đâu là “tóc rác” được xử lý hóa chất.

Tóc được thu gom và bán sang tay qua nhiều thương lái trước khi tập kết trong những phân xưởng tồi tàn ở Bangladesh, Ấn Độ và mới đây nhất là Myanmar - những đất nước mà người dân có thu nhập thấp và cần làm bất cứ công việc gì để có tiền. Emma Tarlo có dịp đến thăm vài phân xưởng như thế ở Myanmar và Ấn Độ, chứng kiến cảnh tượng hàng chục phụ nữ ngồi bệt trên sàn gắng sức gỡ rối những bó tóc người và sau đó phân thành những bó khác nhau tùy theo chiều dài tóc.

Công nhân ở Myanmar phân loại tóc theo chiều dài.

Tarlo kể: “Đó là công việc hết sức nhọc nhằn và căng thẳng. 1,5kg tóc thô cần khoảng 80 giờ lao động cật lực để gỡ rối”. Ở Myanmar, nữ công nhân được giao 100g tóc vào buổi sáng và 100g tiếp theo vào buổi chiều. Dân làng cũng mang về nhà số tóc rối từ lược chải đầu mà họ mua được để gỡ rối, sau đó bán lại cho người trung gian mua bán tóc. Giai đoạn tiếp theo là xử lý tóc. Lớp bên ngoài của tóc - gọi là biểu bì - có những lớp vảy ngã theo cùng một hướng, giống như vảy cá. Nhưng, vấn đề với tóc thu gom từ lược chải đầu là những lớp vảy ngã theo những hướng khác nhau dẫn đến tình trạng rối nùi.

Ở Trung Quốc, tóc thường được ngâm trong chậu chứa hóa chất để triệt tiêu hoàn toàn lớp “vảy cá” này. Tarlo giải thích: “Giải pháp này có thể giải quyết được tình trạng rối nùi song chất lượng tóc cũng vì đó mà giảm sút do thiếu lớp vảy đặc trưng của tóc người. Tuy nhiên, vào cuối tiến trình, tóc trông có vẻ đẹp hơn. Do đó, giống như lông đuôi ngựa pony quý giá, khách hàng sẽ không biết được tóc người đã trải qua hành trình xử lý như thế nào”.

Tóc Ấn Độ là nguồn cung cấp chính cho những người làm tóc giả trong các cộng đồng Do thái Chính thống ở khắp châu Âu, Mỹ và Israel. Theo Riqua Hailes - chuyên gia về tóc nối ở thành phố Los Angeles (Mỹ), ngành công nghiệp tóc giả hiện nay còn chưa có những quy định kiểm soát chặt chẽ cho nên sự xuất hiện ngày càng nhiều của những bộ tóc “giả” là điều không tránh khỏi. Nhất là, tóc giả được quảng cáo là tóc Brazil” song thực ra có thể đó là tóc có xuất xứ từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc được xuất khẩu sang Brazil. Nguồn tóc Brazil được ưa chuộng bởi nó nổi tiếng với độ bóng mượt và đen tuyền.

Gây án cũng chỉ vì mớ tóc

Lanita Jacobs, giảng viên Khoa Nhân chủng học Đại học Nam California (Mỹ), bình luận: “Tóc người là món hàng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD và không chỉ có người Mỹ gốc Phi quan tâm đến nó”. Tóc chất lượng cao dùng để làm tóc giả hay đan được nhập khẩu vào Mỹ chủ yếu từ Ấn Độ và Malaysia. Do nhu cầu tóc người tăng mạnh ở châu Âu, Mỹ Latinh và châu Phi nên giá cả từ đó cũng bị đẩy lên cao.

Theo Jacobs, phụ nữ da đen có nhu cầu làm tóc không phải hằng tháng mà là hàng tuần. Thậm chí trong thời buổi kinh tế khó khăn, khu vực kinh doanh tóc vẫn cứ làm ăn phát đạt. Nhu cầu nối tóc thường đến từ lớp người trẻ tuổi. Giá tóc trong những cửa hiệu làm tóc khá cao nên khách hàng thường tìm mua tóc trên đường phố do bọn trộm cắp bán với giá dễ chấp nhận hơn.

Hình ảnh camera theo dõi cho thấy một tên trộm đang lấy đi số tóc lớn.

Theo báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hiện nay thị trường tóc bất hợp pháp đang phát triển trong nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Làn sóng trộm tóc mới nở rộ trong thời gian sau này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Như Denise Ballew, người phát ngôn của FBI, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến loại tội phạm này”. Theo báo cáo của cảnh sát, do lợi nhuận thu được từ tóc quá cao nên khó tránh khỏi bạo lực.

Ở West Palm Beach, một cô gái 16 tuổi sử dụng bình xịt hơi cay tấn công chủ hiệu làm tóc chỉ để cướp đi món tóc nhỏ. Do mối đe dọa của nạn trộm cướp tóc ngày càng tăng nên các chủ hiệu tóc phải thuê vệ sĩ, lắp kính chống đạn và thậm chí đòi hỏi khách hàng phải trình giấy tờ trước khi vào bên trong cửa hiệu để chọn tóc. Thám tử Vito Ferro ở Sở cảnh sát Chicago báo cáo một số vụ trộm tóc xảy ra trong thành phố thậm chí được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng.

Hệ thống camera theo dõi của cửa hiệu làm tóc Beauty One ở Chicago cho thấy bọn trộm sử dụng xà beng và búa tạ để cậy cửa đột nhập hiệu làm tóc rồi vơ vét hết những hộp tóc có giá trị cao. Cảnh sát cho biết những món tóc bị lấy trộm có thể được bọn tội phạm bán lại cho chính cửa hiệu mà chúng đã đột nhập, hoặc đem bán lẻ tại số nơi như Bay Area, Los Angeles, Philadelphia và Houston.

Thị trường tóc người cũng cung cấp cho những bệnh nhân ung thư. Giá cả tùy theo chất lượng tóc cũng như sự hiếm hoi của những loại tóc được ưa chuộng nhất. Tóc của phụ nữ Ấn Độ được coi là tốt nhất nên thường là mục tiêu của bọn trộm cắp. Neal Lester, giáo sư tiếng Anh ở Đại học bang Arizona, nhận định nhu cầu nối tóc ngày càng tăng đã đẩy giá tóc lên cao và trở thành món hàng béo bở cho bọn tội phạm. Bởi vì tóc là dấu hiệu của thời gian, cho nên người ta không ngại bỏ ra số tiền lớn nối hay đan tóc để được trẻ hóa.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.