“Sức khỏe” nền kinh tế thế giới năm 2010

Thứ Ba, 05/01/2010, 14:40
Nhân nhịp cuối năm, hầu hết các báo và tạp chí kinh tế quốc tế đều có bài dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2010. Nhìn chung các báo đều nhìn nhận năm 2010 với một tinh thần lạc quan rằng,  kinh tế phục hồi trở lại so với năm 2009. Tuy nhiên, không phải tất cả các châu lục đều có mức độ phục hồi như nhau.

Tạp chí kinh tế nổi tiếng L'Expansion (Pháp) số cuối năm khẳng định năm 2010 là năm kinh tế thế giới sẽ khỏe hơn trong lúc chờ đợi sự phục hồi thật sự. Tạp chí đi từng vùng, nêu bật thành quả bên cạnh các khó khăn.

Nhìn chung các nước giàu có ở phương Tây hiển nhiên đã thoát khỏi suy thoái từ mùa hè năm 2009. Hoạt động kinh tế tốt hơn và đạt dần mức trước sự sụp đổ của Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, đưa thế giới tài chính vào cơn lốc mạnh mẽ. Thương mại thế giới cũng đã phục hồi, thị trường chứng khoán tăng hơn 60% so với mức mùa đông vừa qua, các ngân hàng đã cho vay trở lại, với lãi suất hợp lý hơn...

Đấy là những nhận xét về các điểm đáng phấn khởi. Đi từng vùng, tạp chí cũng nêu lên những điểm tích cực nhưng nhận thấy là sự hồi phục này không đồng đều, nhiều yếu tố còn tác hại đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tại Bắc Mỹ, nếu nét khả quan là tăng trưởng năm 2010 dự kiến là 2,5%, lĩnh vực địa ốc ngày càng cải thiện ở Mỹ và sẽ tiếp tục tăng vào năm tới, thì ngược lại nợ nần và thất nghiệp vẫn còn đáng  lo ngại.

Châu Âu cũng ra khỏi suy thoái, các lĩnh vực kinh doanh, du lịch đã tìm thấy sự khởi sắc, tăng trưởng dự kiến vào năm tới cho khu vực này là 0,9%. Nhưng tạp chí kinh tế Pháp cảnh báo là châu Âu mới chỉ đang trên đà khôi phục. Hơn nữa Tây Ban Nha vẫn còn suy thoái,  tăng trưởng quý III của Pháp chỉ ở mức 0,3%, thấp hơn Đức và Italia.

Để minh họa cho tình hình “sức khỏe” còn yếu ớt của châu Âu, L'Expansion cho là nếu cúm A/H1N1 phát triển mạnh lên hay dầu hỏa tăng giá là châu Âu có nguy cơ bị “bệnh” trở lại.Trong khi đó, châu Á và Đông Á lại được hầu hết các báo đánh giá là khu vực chống chọi tốt nhất với khủng hoảng.

Dưới tựa đề ''Sức đề kháng lạ thường'', tạp chí kinh tế Pháp nhắc lại rằng một trong hệ quả đáng ghi nhận của cuộc khủng hoảng này là trọng lực tăng trưởng thế giới đang chuyển sang châu Á và đã tăng tốc một cách ngoạn mục vào năm 2009. L'Expansion đăng bảng ghi nhận tăng trưởng khu vực năm 2010 sẽ là 4,6%.

Theo từng nước, tăng trưởng Trung Quốc sẽ đạt 9%. Kế đến Việt Nam, Lào: 5%, hơn mức 2009 theo đó tỉ lệ cả hai nước chỉ là 4%. Kế tiếp là MyanmarIndonesia với hơn 4% năm 2010. Những quốc gia còn lại, tăng trưởng từ 3,5% trở xuống. Thấp nhất là Nhật Bản với 1,5% hay Brunei, 0,5%.

Trong phần phân tích, L'Expansion ghi nhận là theo tính toán của họ thì Trung Quốc đã tạo được một số lượng của cải tương đương với số lượng mà Mỹ đã phá hủy khoảng 370 tỉ USD. Tạp chí còn ghi nhận sự vươn lên của Việt Nam hay Indonesia đang cạnh tranh với Trung Quốc trong xuất khẩu, chẳng hạn như trong ngành dệt may.

Điểm mà L'Expansion còn khen ngợi nơi các quốc gia châu Á, là ngoài việc chống chọi tốt với khủng hoảng, các nước vốn dựa vào xuất khẩu này, lại đang tìm cách chuyển hướng, bắt đầu tập trung vào thị trường nội địa, nhằm giảm lệ thuộc vào các thị trường tiêu thụ trồi sụt của nước ngoài.

L'Expansion cũng nhìn xuống vùng Nam Á, nơi có một quốc gia khác mà tăng trưởng cũng khá cao trong thời buổi thế giới đang dưỡng bệnh. Đó là Ấn Độ, với tăng trưởng dự đoán năm 2010 là 7%. Tuy nhiên, tạp chí kinh tế Pháp nhận thấy là thách thức lớn đối với Ấn Độ là cải tổ. L'Expansion so sánh một cách hóm hỉnh hoạt động kinh tế Ấn Độ, giống như con vật biểu tượng của mình là con voi: có sức chống chọi cao, to lớn, nhưng nặng nề và không phải lúc nào cũng linh hoạt.

Đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá.

Liên quan tới dầu hỏa năm 2010, các nhà phân tích cho rằng do nhu cầu ngày càng cao và sự yếu đi của đồng USD, giá dầu thô trong năm 2010 có thể đạt 90USD/thùng. Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau hai năm giảm mạnh, nhu cầu của thế giới về dầu thô trong năm sau sẽ tăng lên thành 85,1 triệu thùng/ngày, tăng 1%. Ở các nước thuộc khối OCDE, nhu cầu về dầu thông có thể sẽ tiếp tục giảm 0,3% vào năm sau do mức độ phục hồi kinh tế của khu vực này còn thấp.

Trong khi mức tăng trưởng chính trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ vì theo dự báo hai quốc gia này trong năm 2010 sẽ có mức phát triển vượt bậc và có thể vượt qua cả mức tăng trưởng trước khi chưa có khủng hoảng. Nhiều nhà phân tích sợ rằng nhu cầu dầu thô của thế giới trong năm tới còn có thể vượt mức kỷ lục của năm 2008.

Trong khi đó, sự tụt giảm của tờ bạc xanh hiện nay phản ánh sự mất lòng tin đối với những khoản nợ của Mỹ. Liệu lòng tin đó có quay trở lại vào năm sau? Không hoàn toàn chắc chắn. Sự phục hồi của thị trường việc làm và bán lẻ gần đây vẫn không thể xua đi nỗi lo ngại của giới đầu tư đối với đồng USD.

Hậu quả là đồng tiền này tiếp tục mất giá. Thực tế cho thấy tiền Mỹ mất giá chẳng có gì ngạc nhiên do Mỹ vẫn đang phải đối mặt với hiện tượng các nhà đầu tư rút vốn ồ ạt ra khỏi nước này. Điều này xuất phát một phần từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì mức lãi suất cho vay ở mức rất thấp.

Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là sự sụt giảm của đồng USD cũng phản ánh một sự mất lòng tin nào đó đối với những khoản nợ công của Mỹ: sau vụ khủng hoảng tín dụng hồi năm ngoái, các nhà đầu tư tránh mua vào những cổ phiếu của các nước đang mắc nợ nhiều.

Trong khi đó, nếu như đồng bạc xanh yếu đi thì đồng nghĩa với việc đồng euro mạnh lên. Chính điều này lại khiến ngành xuất khẩu của châu Âu gặp khó khăn, nên khả năng sớm thoát khỏi khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung này trong năm tới là ít khả thi

G.K. (tổng hợp)
.
.