Sức mạnh một phong trào trong quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm

Thứ Hai, 12/06/2017, 09:30
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (XDPTTDBVANTQ, 16-6-1967 - 16-6-2017), Cục XDPTTDBVANTQ đã chủ trì biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản CAND cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Quần chúng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự", tập hợp 47 bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn khoa học, các cuộc tiếp xúc cơ sở... của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.

Là người thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu, với những phân tích chuyên sâu về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm đặc biệt quan tâm và đánh giá rất cao việc XDPTTDBVANTQ, xem đó là sức mạnh, là đặc trưng cơ bản (so với các nước) của CAND Việt Nam.

Sự quan tâm ấy không chỉ thể hiện ở số lượng bài viết mà còn ở một nhận định có tính đúc kết của đồng chí Bộ trưởng: "Trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ của mình, biện pháp vận động quần chúng và XDPTTDBVANTQ là biện pháp nghiệp vụ và công tác quan trọng nhất của Lực lượng Công an".

Tự hào về "bản chất nhân dân" của Lực lượng CAND Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm từng hơn một lần khẳng định trước các đồng nghiệp nước ngoài: "Mặc dù Công an Việt Nam đang có quan hệ với các cơ quan cảnh sát, cơ quan tình báo, cơ quan an ninh của các nước, nhưng về bản chất thì chúng tôi khác với những tổ chức đó". Sự "khác" ấy được Bộ trưởng lý giải: "Công an Việt Nam có bản chất nhân dân, xuất phát từ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, không phải là cơ quan đặc vụ, không phải là cơ quan đàn áp, đây là bản chất rất rõ của CAND".

Bìa cuốn “Quần chúng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” của Bộ trưởng Tô Lâm.

Với nhận thức như vậy, trong bài viết "Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa IX của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới", sau khi "Xác định sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc ngày nay không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà là sức mạnh của toàn dân, sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ, lấy sức mạnh kinh tế, chính trị làm cơ sở", Bộ trưởng Tô Lâm đã có cách nhìn nhận vấn đề rất mới, mang tính chiến lược: "Bên cạnh đó, cần xác định vai trò của các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay; mà ở đó, lực lượng vũ trang chỉ làm nòng cốt trong đấu tranh vũ trang, còn trong điều kiện đấu tranh phi vũ trang thì vai trò của toàn dân phải được đặt lên hàng đầu".

Có thể nói, đây là quan điểm có tính xuyên suốt, rất nhất quán trong nhận thức và hành động của người đứng đầu Lực lượng Công an toàn quốc. Nó được minh chứng trong việc chỉ đạo giải quyết ổn thỏa, "xì van" các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự ở một số "điểm nóng" trên địa bàn cả nước thời gian qua.

Về điểm này, thiết nghĩ cũng cần nói thêm một chút: Qua các phương tiện truyền thông, hẳn đã nhiều lần bạn đọc được chứng kiến việc cảnh sát tại nhiều quốc gia trên thế giới xử lý các vụ biểu tình, gây rối của những người dân quá khích...

So sánh hình ảnh thường thấy của "họ" (cảnh hàng đoàn, hàng đoàn cảnh sát một tay cầm khiên, một tay cầm dùi cui ào ào xông tới, quật chan chát vào người biểu tình) với hình ảnh có vẻ "nhu mì", "kiên nhẫn chịu đựng" của các chiến sĩ cảnh sát Việt Nam trong một số trường hợp xảy ra gần đây, chúng ta sẽ thấy sự khác nhau ở đâu, và vì sao lại có sự khác biệt này.

Người thực lòng quan tâm, chăm lo cho sự bình yên của Tổ quốc hẳn sẽ thấu hiểu đó là sách lược "tránh khiêu khích; không để xảy ra xung đột; nếu xảy ra xung đột thì biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ; biến xung đột nhỏ thành không có xung đột" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và đó cũng là cách để Lực lượng Công an chúng ta thể hiện rõ bản chất nhân dân của mình (chỉ thực sự "mạnh tay" với những đối tượng cầm đầu, gây rối, chống phá có tổ chức; không "đánh" vào dân và chỉ sử dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp cấp thiết).

Nói vậy không có nghĩa, để thực hiện thành công sách lược nói trên, tất cả chỉ trông chờ vào quan điểm chỉ đạo đúng đắn, tinh tế của các cấp lãnh đạo Lực lượng Công an và sự quán triệt rốt ráo của cán bộ, chiến sĩ Công an. Sự "vào cuộc" của quần chúng nhân dân, của lực lượng an ninh cơ sở là hết sức quan trọng.

Trong bài "Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa IX của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới", mặc dù đánh giá rất cao sự phối hợp của các lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, song Bộ trưởng Tô Lâm cũng không quên chỉ ra: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng: Quốc phòng, an ninh chỉ là việc riêng của Quân đội, Công an, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và quốc phòng, an ninh chỉ nhằm chuẩn bị để đánh thắng chiến tranh vũ trang của các thế lực xâm lược".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trao tặng sách của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm và sách “Cẩm nang công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho đại diện Công an các địa phương (Hà Nội, 9-6-2016).

Đây là quan điểm mà Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng "chưa đúng", cần "kiên quyết khắc phục". Và để thực hiện điều này, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị: "Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng QĐND và CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có quy mô hợp lý; trong điều kiện hiện nay cần chú trọng hiện đại hóa một số lực lượng, binh chủng... kết hợp xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp "vững mạnh rộng khắp", nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...".

Về phía người dân, Bộ trưởng Tô Lâm mong rằng "mỗi người dân, trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước, với những phương tiện mà khoa học - công nghệ của thời đại đem lại, hoàn toàn có thể và cần phải chủ động, tự giác tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ quan, đơn vị và ngành mình bằng những việc làm và hình thức phù hợp".

Do đặc thù công việc, người viết bài này từng nhiều lần được dự hội nghị có đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Và điều dễ nhận thấy, bên cạnh những bài viết có tính hàn lâm, mang hàm lượng tri thức cao (sau này được in trên Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, các báo, tạp chí của Lực lượng Công an), Bộ trưởng Tô Lâm thường xen kẽ bằng những đoạn "nói vo" (nói là "đoạn" nhưng có khi dài tới cả tiếng đồng hồ), với nhiều thông tin chi tiết và các dẫn dụ rất sinh động, hấp dẫn, như thể đó là phần "minh họa" cho các ý tưởng mang tầm chiến lược trong bài viết của Bộ trưởng. Tiếc là, trong cuốn sách nhắc tới đây, hình như chưa có bài nào được hình thành từ việc ghi lại những "phát biểu vo" như vậy?

Tuy nhiên, với những bài phát biểu tại một số hội nghị diễn ra ở địa phương, là nơi có đối thoại, giao lưu trực tiếp với người dân, trong bầu không khí cởi mở, gần gũi, Bộ trưởng Tô Lâm đã có cách diễn đạt khá "đời thường"; câu chuyện minh họa cũng giàu hình ảnh và vì thế đã biến những vấn đề thuyết lý ngỡ khô khan trở nên dễ hình dung, dễ nhớ.

Như khi khẳng định chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta có những ưu điểm nổi bật so với nhiều nước phát triển (bài "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với PTTDBVANTQ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên"), Bộ trưởng Tô Lâm kể một câu chuyện: "Chúng tôi thường nói với các nước là: "Các bạn thường vỗ ngực nói rằng, đây là những quốc gia tự do tôn giáo, cái thứ tự do tôn giáo đó không giải quyết được vấn đề gì, khi mà hằng năm có hàng nghìn người chết vì xung đột tôn giáo".

Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam ngoài việc không có xung đột tôn giáo thì cũng không có sự hận thù trong tôn giáo so với các nước: "Tôi có nói với nhiều nhà lãnh đạo của các nước Mỹ và châu Âu: "Cái tự do tôn giáo của các bạn như thế nào mà để cho nhân dân Mỹ, nhân dân châu Âu sống trong hoảng loạn, đe đọa, bất an rất lớn. Cảnh sát, quân đội khám xét vô tội vạ. Chính sách đối với đạo Hồi như thế nào mà cả thế giới đạo Hồi chống lại; cả nước Mỹ, cả cộng đồng châu Âu sống trong bất an".

Tới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra một so sánh: "Ở Việt Nam, mọi người dân được sống trong hòa bình, không phải vì chống khủng bố mà ngăn cản các hoạt động bình thường của người dân, khám xét lung tung, lên máy bay cũng khám xét, vào trong cửa hàng cũng khám xét, đến khu đông người cũng khám xét". Đó là những dẫn dụ rất cụ thể và thuyết phục. Vấn đề là cái tâm lý "đồng hồ Tây có bao giờ sai" đã khiến một số người trong chúng ta ít khi nhận thấy những nét ưu việt của chế độ mà mình đang thụ hưởng.

Cũng vẫn liên quan đến vấn đề tôn giáo, trong bài "Một số kết quả nổi bật trong 20 năm thực hiện Chỉ thị số 11 CT/BNV của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về đẩy mạnh phong trào quần chúng BVANTQ vùng đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong tình hình mới, 2004-2014", Bộ trưởng Tô Lâm tiếp tục chỉ ra những điểm tiến bộ mà chúng ta làm được trong hơn một thập kỷ qua: "Thông qua công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đã giải quyết hàng vạn lễ nghi tôn giáo ngoài chương trình đăng ký; xem xét, chấp thuận cho Giáo hội thành lập hàng trăm tổ chức tôn giáo cơ sở; xây dựng, tu sửa, nâng cấp hàng ngàn cơ sở thờ tự; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng ngàn cơ sở tôn giáo; giao mới hàng triệu mét vuông đất cho các tổ chức tôn giáo sử dụng. Tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo hội và nhiều chức sắc Công giáo tham gia các hoạt động tôn giáo quốc tế, tham quan, du lịch, thăm thân, hội thảo, làm việc với các tổ chức, chức sắc tôn giáo nước ngoài tại Việt Nam bảo đảm quy định pháp luật".

Cùng với đó, một số điểm hạn chế trong lĩnh vực này cũng được Bộ trưởng Tô Lâm nghiêm khắc chỉ ra: "Bên cạnh những kết quả đạt được, PTTDBVANTQ trong đồng bào theo đạo Thiên Chúa vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa đều, chưa rộng khắp. Có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Nội dung, hình thức phong trào còn thiếu sức lôi cuốn quần chúng tín đồ tự giác tham gia. Khả năng vận động, tác động ảnh hưởng đến tín đồ các tôn giáo của các tổ chức, đoàn thể quần chúng chưa cao; thậm chí có một số nơi không tổ chức được cho quần chúng tham gia PTTDBVANTQ".

Với cương vị và trọng trách của mình, sau khi cung cấp cho người đọc - người nghe các thông tin, nhận xét phản ánh đúng bản chất tình hình, bao giờ Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giải quyết tình thế. 

Vì xác định vai trò đặc biệt to lớn của việc XDPTTDBVANTQ nên trong các bài phát biểu tại các hội nghị tổng kết phong trào ở địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm không bao giờ quên "Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cảm ơn sự đùm bọc, giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân tỉnh... đối với Lực lượng CAND nói chung và Công an tỉnh... nói riêng".

Ngay trong phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016), Bộ trưởng Tô Lâm vẫn không quên nhấn mạnh vai trò đặc biệt của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và yêu cầu: "Báo chí CAND phải thực sự là cầu nối, là kênh thông tin hữu ích để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng...", đồng thời phải "kịp thời biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong PTTDBVANTQ".

Và mặc dù trong cuốn sách dày gần 500 trang in này, không phải tất cả các bài viết của đồng chí Bộ trưởng đều đề cập tới hoạt động của Lực lượng XDPTTDBVANTQ, song dù đề cập tới hoạt động của đơn vị nào, lực lượng nào, Bộ trưởng không bao giờ quên "ngoặc" tới vai trò của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của PTTDBVANTQ. Điều này cho thấy, câu nhận xét của Bộ trưởng về Lực lượng XDPTTDBVANTQ mà tôi trích dẫn ở đầu bài viết là hoàn toàn có căn cứ.

Và đó chính là niềm tự hào của Lực lượng XDPTTDBVANTQ, nhất là trong thời điểm Lực lượng này chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì do Đảng, Nhà nước trao tặng.

Phạm Khải
.
.