Suy ngẫm về giá trị của cuộc sống bình yên nhìn từ vụ khủng bố 11-9

Thứ Năm, 14/09/2017, 09:57
Ground Zero (Khu vực số 0) là thuật ngữ chỉ một vùng đất sau khi một quả bom nguyên tử được ném xuống, nổ tung và biến nơi đây thành bình địa, không một cấu trúc nào hay sinh vật nào còn tồn tại. Sau vụ tấn công khủng bố chấn động nước Mỹ và toàn thế giới cách đây 16 năm vào Trung tâm Thương mại thế giới tại New York khiến 2.983 người thiệt mạng, giới truyền thông Mỹ đã gọi nơi mà hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới bị đổ sập này là Ground Zero.

Bằng tiềm lực kinh tế hùng mạnh và chí hướng vượt qua quá khứ đau thương, tại khu vực Ground Zero ngày nay sừng sững mọc lên 4 tòa tháp, một khu bảo tàng và khu tưởng niệm, một nhà ga sầm uất và một trung tâm biểu diễn nghệ thuật.

Biểu tượng hồi sinh

Để tưởng nhớ gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ và quyết tâm "hồi sinh New York", ngày 6-9-2005, tại khu vực Ground Zero, một tổ hợp tháp mới đã được khởi công xây dựng. Rộng đến 65.000m2, Ground Zero nằm gọn trong khu tài chính (Financial District) của Mỹ và liền kề Phố Wall - "trái tim của nền tài chính toàn cầu".

Lúc chưa bị hai chiếc máy bay do bọn khủng bố điều khiển đâm vào và sụp đổ, tòa tháp đôi World Trade Center từng được xem là một trong những biểu tượng cho sức mạnh kinh tế New York nói chung và nước Mỹ nói riêng. Ngày nay, trung tâm của Ground Zero là tòa tháp Trung tâm Thương mại Một Thế giới (One World Trade Center- OWTC) hay còn được gọi là "Tháp Tự do" (Tower of Freedom) là tòa tháp cao nhất nước Mỹ với chiều cao đầy tính biểu tượng 1.776 feet (tương đương 541m) tích hợp nhiều đặc điểm thiết kế đặc biệt để tránh lặp lại thảm kịch của tòa WTC cũ bị phá hủy hoàn toàn cách đây 16 năm.

Tòa tháp OWTC và 3 tòa tháp khác mọc lên thay cho tháp đôi từng bị nhóm khủng bố phá hủy.

Cần biết rằng, con số 1.776 tương ứng với năm ra đời bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, cột ăngten xoắn ốc có gắn đèn tín hiệu phát sáng trên độ cao 1.776 feet như hình ảnh tương tự ánh sáng trên ngọn đuốc của tượng Nữ thần Tự do.

Dự án thiết kế tòa tháp và khu phức hợp đã được công bố sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa kiến trúc sư Daniel Libeskind giành giải nhất trong cuộc thi thiết kế WTC mới và Larry Silverstein - người cho thuê khu đất này.

Tổng kinh phí xây dựng công trình được coi là biểu tượng hồi sinh sau tro tàn đổ nát của tòa tháp đôi năm 2001 này lên tới 3,9 tỷ USD. Cơ quan quản lý OWTC khẳng định: tòa tháp đã đặt ra những tiêu chuẩn mới cho thiết kế, xây dựng cũng như sự bền vững như lõi khẩn cấp chạy xuyên suốt tòa nhà theo chiều thẳng đứng ở trung tâm với hệ thống cáp thông tin, ống thông gió, ống nước, cầu thang bộ điều áp chuyên dụng, thang máy chống nước để lên xuống tòa nhà; kết cấu bê tông chống cháy có thể chống đỡ một lực va chạm rất lớn; cấu trúc lõi thép, xà dầm, các cột trụ chịu lực kết nối với nhau để nếu mất đi một cột trụ chính thì trọng lực của tòa nhà sẽ dàn đều khắp công trình.

Ngoài ra, dưới chân tháp có bức tường an ninh đặc biệt với 3 lớp kính chịu lực, mỗi lớp cách nhau một khoảng chân không, được tăng cường bằng kết cấu thép siêu chắc, giúp tòa nhà chống chọi được các vụ nổ lớn. Tòa nhà lấy không khí cho các văn phòng bên trong từ trên đỉnh, luồng không khí tự nhiên trước khi đưa vào tòa tháp phải trải qua hai lần lọc khác nhau nhằm đảm bảo tòa nhà sẽ có nguồn không khí sạch, kể cả trong trường hợp xảy ra tấn công bằng vũ khí sinh học hay hóa học.

Chất liệu kính bao bọc bên ngoài tất cả 4 tòa nhà chọc trời nhằm tạo ra sự tráng lệ cho khu vực này. 3 tòa nhà mọc lên xung quanh Tháp Tự do là tác phẩm của hai kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Norman Foster, Richard Rogers và kiến trúc sư Nhật Bản lừng danh Fumihiko Maki. Các tòa tháp đứng cùng Tháp Tự do tại Ground Zero được đánh số đơn giản là Tháp 2, Tháp 3 và Tháp 4. Tháp 2 do kiến trúc sư Norman Foster thiết kế nổi bật với phần đỉnh được tạo bởi 4 hình thoi khổng lồ, tất cả đều dốc xuống phía khu tưởng niệm bên dưới.

Công trình này có chiều cao ngang bằng biểu tượng của thành phố New York là tòa nhà Empire State.  Tháp 3 do kiến trúc sư Richard Rogers thiết kế có vỏ ngoài mạnh mẽ với khung sườn chắc chắn gồm những thanh xà đan chéo nhau. Điểm nổi bật là các góc trên đỉnh của tòa nhà được bố trí 4 tháp nhọn cao 30 mét.

Nhỏ nhất là Tháp 4 của kiến trúc sư Nhật Bản Fumihiko Maki, tuy nhiên chiều cao của tòa nhà này vẫn còn cao hơn so với tháp Citigroup Center ở trung tâm New York. Đây là công trình duy nhất trong nhóm tháp không có chóp nhọn.

Ngày 3-11-2014, Trung tâm Thương mại Một thế giới mới đã mở cửa đón công ty đầu tiên chuyển đến. Conde Nast- "Người khổng lồ" trong lĩnh vực xuất bản của Mỹ- là doanh nghiệp đầu tiên đặt đại bản doanh tại tòa tháp 104 tầng OWTC. Tháng 5-2015, đài quan sát trên nóc OWTC đã mở cửa đón những du khách đầu tiên. Đài quan sát này được đặt trên các tầng từ 100 đến 102 của tòa tháp, mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm.

Từ độ cao 380 mét, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố New York, kéo dài từ khu Manhattan đến tượng Nữ thần Tự do, phóng tầm mắt tới bang New Jersey, bang Connecticut và thậm chí đến bờ biển Đại Tây Dương.

Chảy mãi dòng hoài niệm

Khu Tưởng niệm Quốc gia 11-9, tác phẩm của kiến trúc sư Michael Arad và nhà kiến trúc cảnh quan Peter Walker gồm công trình tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố, hình thành ngay tại nền móng của 2 tòa tháp WTC ngày trước, được khánh thành đúng 10 năm sau kể từ ngày bị sụp đổ hoàn toàn.

Trên bờ tường dẫn vào khu là những bức phù điêu với các dòng chữ "Dành cho những người đã ngã xuống" hay "Chúng ta sẽ không bao giờ quên"...

Trên tấm bảng treo ở lối qua cửa an ninh trước khi vào khu tưởng niệm in lời ông Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York: "Nơi đây được xây dựng thể hiện sự tri ân những người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 11-9-2001 và ngày 26-2-1993. Tôi mong muốn các bạn tới đây để thể hiện suy nghĩ của mình về những người đã thiệt mạng, về sự can đảm của những người đã cứu người khác, quyết tâm của những người sống sót và sự đoàn kết mà thế giới đã dành cho New York".

Trong tổ hợp khu tưởng niệm lưu giữ những ký ức về sự kiện 11-9 là một khoảng không gian rộng lớn với rất nhiều hình ảnh và hiện vật gợi nhớ về ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những con số chết chóc, đau thương đã được hai kiến trúc sự thi vị hóa; không hình ảnh khói lửa hay sự sắp đặt mang tính ước lệ, thay vào đó là hai hồ nước với thác nước nhân tạo tuôn đổ ngày đêm như để gột rửa linh hồn của gần 3.000 nạn nhân, bao quanh là khuôn viên rợp bóng hơn 120 cây sồi trắng, giúp mọi người đến đây như được xoa dịu khỏi nỗi đau của quá khứ.

Giáo hoàng Francis đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong chuyến thăm New York ngày 26-9-2015.

Hai hồ nước vuông vức được xây dựng ngay trên chính nền cũ của tòa tháp đôi, và tên của 2.983 nạn nhân thiệt mạng (của tòa tháp đôi, Lầu Năm Góc ở Pennsylvania cùng 6 nạn nhân trong vụ đặt bom khủng bố WTC năm 1993) được khắc trên 76 tấm bảng đồng bao xung quanh hồ. Làn nước trong xanh nối nhau hòa vào dòng thác ầm ào tuôn xuống độ sâu 9 mét, như phản chiếu Những linh hồn đã khuất, đúng với tên tác phẩm mà kiến trúc sư Michael Arad tạo nên để vượt qua 5.201 tác phẩm dự thi đến từ 63 quốc gia.

Đây là nơi gần 3.000 con người từ hơn 90 quốc gia đã nằm xuống trong sự cực đoan và thù hằn của chủ nghĩa khủng bố. Những cái tên bao bọc khắp thành hồ gợi lên đủ màu da, sắc tộc, nghề nghiệp, giới tính… Người lớn tuổi nhất là 85 tuổi, còn nhỏ nhất khi mới vừa lên 2.

Hiện diện nhiều nhất trên những tấm bảng có lẽ là những anh hùng của đội cứu hộ, cứu hỏa thành phố New York hay những người làm nghề lau chùi cửa kính của tòa tháp. Hồ Bắc khắc tên các nạn nhân làm việc và có mặt ở tháp WTC Bắc vào ngày 11-9; hành khách và phi hành đoàn chuyến bay số 11 của hãng American Airlines; những người chết trong vụ đánh bom 1993 ở WTC.

Hồ Nam khắc tên các nạn nhân làm việc và có mặt ở tháp WTC Nam vào ngày 11-9, các hành khách và phi hành đoàn chuyến bay 175 và 93 của United Airlines, chuyến bay 77 của American Airlines; những người làm việc và có mặt ở Lầu Năm Góc vào ngày 11-9; những người hùng có mặt đầu tiên để cứu nạn được Nhà Trắng vinh danh vào ngày 9-9-2005.

Tên các nạn nhân được sắp xếp không phải theo thứ tự bảng chữ cái thông thường. Họ được nhóm lại theo gia đình, đồng nghiệp, những gia đình ngồi cạnh nhau trên các chuyến bay, hay chỉ đơn giản là những người xa lạ nhưng đã trút hơi thở cuối cùng khi cố gắng thoát khỏi thảm kịch…

Theo Alice Greenwald, Giám đốc Bảo tàng, mỗi hiện vật, hình ảnh nơi đây như phần kết cấu thép còn lại của tòa tháp đôi đến những vật dụng nhỏ bé như chiếc đồng hồ đeo tay của một nạn nhân đều có thể kể lại cho người tham quan những câu chuyện dạt dào cảm xúc. Những người thiết kế bảo tàng muốn đem tới cho du khách cảm giác như chính họ đã chứng kiến, vượt qua và là một trong những người sống sót sau vụ khủng bố.

Bước chân vào đây, người ta sẽ nhìn thấy hai kết cấu thép khổng lồ cao tới 21m từng đặt nền móng cho tòa tháp phía Bắc. Xuống sâu hơn nữa, du khách có thể ngắm nhìn những thanh thép đã bị kéo rời khỏi mặt đất vào năm 2002. Và khi đi xuống khu vực dưới cùng, người xem sẽ đối diện với một trong những cột thép bị uốn cong bởi chuyến bay số 11 định mệnh đâm vào tòa tháp phía Bắc.

Gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong bảo tàng là khu vực tái hiện chiếc cầu thang-lối thoát cho hàng trăm người cố gắng chạy trốn khỏi tòa nhà trước khi nó đổ sập. Người tham quan khi đặt bước xuống từng nấc thang có cảm giác giống như hàng trăm người khác đã băng qua nó để tồn tại.

Một chiếc lá cờ bằng thép có hình dạng như một lá cờ bay trong gió với dải ruy băng đỏ, cột thép hình chữ T trong cụm từ "World Trade Center cross" được phục hồi bởi hàng trăm công nhân tìm kiếm trong đống đổ nát, hay chiếc xe cứu hỏa của công ty Engine số 21 được giữ lại gần như nguyên vẹn.

Việc xây dựng Bảo tàng Quốc gia 11-9 từng hứng chịu nhiều chỉ trích. Theo Hãng tin AP, kinh phí cho toàn bộ dự án bị đội lên con số 700 triệu USD. Để so sánh, AP đưa ra một số dẫn chứng như Công viên quân sự quốc gia Gettysburg ở bang Pennsylvania mỗi năm chỉ ngốn 8,4 triệu USD chi phí vận hành, khu tượng đài tưởng niệm binh lính Mỹ hy sinh trong trận Trân Châu Cảng tại Hawaii tốn 3,6 triệu USD…

Trong khi đó, mỗi năm nước Mỹ phải chi đến 60 triệu USD cho chi phí vận hành tổ hợp công trình này. Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý của dự án thì không thể so sánh công trình này với các khu tưởng niệm - bảo tàng khác vì vị trí đặc thù và tầm vóc sự kiện.

Được biết, chỉ tính riêng công tác an ninh quanh khu tưởng niệm, hàng năm chính quyền liên bang và bang New York phải chi đến 12 triệu USD vì nơi này luôn được xếp vào danh sách những mục tiêu hàng đầu của bọn khủng bố. Riêng chi phí vận hành hai đài phun nước đánh dấu vị trí hai tòa tháp đổ sập cũng có thể lên con số 5 triệu USD/năm, chưa kể chi phí cho công tác bảo quản hiện vật, nhân viên hướng dẫn… có thể vượt 100 triệu USD/năm.

Nhưng nếu phải bỏ ra hàng trăm triệu đôla mỗi năm thì người Mỹ vẫn chấp nhận bởi vì dù 16 năm hay hàng chục năm nữa trôi qua, không chỉ trên nước Mỹ mà rất nhiều người trên thế giới vẫn tìm đến đây để đặt một bông hoa, để chạm tay vào từng cái tên khắc trên bảng đồng, để ngồi dưới tán sồi suy ngẫm về nỗi đau khó quên và về giá trị của một cuộc sống bình yên mà nhân loại đã phải đánh đổi rất nhiều…

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.