Suy nghĩ về vụ nữ sinh bị ép đeo biển “Tôi là người ăn trộm”

Thứ Ba, 22/04/2014, 14:45

Mới đây, trên một trang mạng dạng diễn đàn giải trí xuất hiện bức ảnh rất ám ảnh. Bức ảnh ấy ghi lại cảnh cô bé đang mặc đồng phục của một trường Trung học Cơ sở (THCS) còn đeo cả khăn quàng đỏ, áo khoác xộc xệch, tóc cột đuôi gà, chân mang sandal… đứng thụ động trên tầng 1 của hiệu sách với tấm biển hiệu bằng giấy khổ lớn có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.

Rất nhanh chóng, bức ảnh tạo thành một cơn bão dư luận trên mạng internet. Hầu như tất cả các trang báo mạng đều loan tin và truy tìm gốc tích của bức ảnh này.

Đến nay đã có lời giải cho sự phẫn nộ của đám đông... 

Trường hợp của S.

Nữ sinh bị ép đeo tấm biển hiệu vô cùng khủng khiếp ấy đang học lớp 8 tại Trường THCS  ở thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai), có tên viết tắt là S.. Nhà sách nơi mà S. bị ép đeo tấm biển hiệu ấy được gọi là siêu thị sách Vĩ Yên, cũng ở thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Người ép S. chịu nỗi mặc cảm thân phận ấy là nhân viên kế toán của nhà sách.

Căn nguyên để S. chịu hình phạt này là bởi, S. bị phát hiện mang hai quyển truyện tranh ra khỏi khu vực buôn bán của hiệu sách mà chưa tính tiền, bị máy kiểm soát phát hiện.

Trong cơn nóng giận không kiềm chế được, nhân viên kế toán của hiệu sách đã nghĩ ra cách trừng phạt S. như vậy. Tiếc rằng, việc làm này nhận được sự đồng thuận của tập thể các nhân viên khác trong nhà sách. Họ thực hiện hành vi rất có thể bị xử lý hình sự vì trong lúc đợi người thân của S. đến nhà sách để khắc phục hậu quả bằng cách đóng tiền phạt.

Bức ảnh S. với cái biển hiệu đáng nguyền rủa ấy bị một ai đó trong số những người chứng kiến vụ việc chụp lại và tung lên mạng Internet. Mặc dù đã làm nhòa mặt S., nhưng điều đó không có nghĩa là những người thân quen không nhận ra em.

S., đang trong những ngày có lẽ là hoảng loạn nhất trong cuộc đời mình. Bởi theo những gì mà thầy cô của S. trao đổi với giới truyền thông thì, có rất nhiều học sinh cùng trường kéo đến lớp học của S. để nhìn mặt S. nhằm thỏa mãn sự tò mò. Thật ra, không cần học sinh cùng trường kéo đến nhìn mặt, thì chỉ cần đối diện với bản thân mình, S. đã quá khó để vượt qua cú sốc này.

S., có phải là trường hợp cá biệt đang xảy ra trong xã hội hay không(?!). S., là trường hợp cá biệt, bởi S. là trẻ vị thành niên bị người lớn ép thực hiện hành vi mà S. hoàn toàn không mong muốn. Còn những cá nhân đến tuổi trưởng thành, vẫn đang bị bêu riếu về hành vi trộm cắp của mình trong ánh nhìn  thỏa mãn của những người thực hiện.

Cách đây ít lâu, một siêu thị tại TP HCM cũng đã nảy ra "sáng kiến" dán hình những cá nhân ăn cắp đồ trong siêu thị ngay trước cổng ra vào. Bệnh viện cũng đang thực hiện phương thức "loan tin" kiểu này.

Còn trên mạng Internet, thì vô số.

Ăn cắp là hành vi đáng xấu hổ và đáng lên án. Việc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm đáp ứng sự thụ hưởng về điều kiện vật chất mà không phải do chính mình làm ra đều đáng lên án. Nhưng những gì đang diễn ra, cho thấy rằng, hiện tại đang tồn tại một thực trạng "lấy cái xấu để chống lại cái xấu".

Vài tuần trước, trên mạng Internet có xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh rất đông người tấn công một kẻ trộm chó. Trong đoạn clip ấy, những thanh niên vừa cười cợt vừa đánh đối tượng trộm chó, họ vừa quay phim vừa thuyết minh với giọng hả hê, họ đạp vào đầu, đá vào người của đối tượng ấy kèm những câu: "Nó giả bộ đánh, nó không chết được đâu".

Họ hành động theo đúng cái cách, đối tượng trộm chó không phải là đồng loại của họ. Họ xem, đó là cá nhân đã tách biệt với xã hội, không xứng đáng đứng trong cộng đồng.

Cái cách mà siêu thị sách Vĩ Yên, một vài siêu thị khác lẫn bệnh viện đang thực hiện cũng có chung chiều hướng này.

Nhất thiết phải tin rằng, những cá nhân khi hành hạ một đối tượng trộm cắp, chỉ là sự bộc phát nỗi tức giận nhất thời. Rất ít người trong chúng ta có thể kiềm chế được cơn giận dữ và sự phẫn uất trong thời điểm ấy.

Chính nhân viên kế toán của siêu thị sách Vĩ Yên cũng trần tình: "Tôi chỉ nghĩ in tờ giấy đó để cảnh cáo, làm cho cô bé sợ chứ không nghĩ mọi chuyện lại nghiêm trọng như thế này".

Siêu thị sách Vĩ Yên nơi xảy ra sự việc đáng tiếc.

Người quản lý của siêu thị sách này cũng cho biết: "Giá trị vật chất không lớn nhưng cách hành xử như thế là phản cảm, chúng tôi sẽ xem lại sự việc để đưa ra hình thức xử lý".

Tuy nhiên, trong trường hợp của S., thì việc xem xét xử lý có thể đã không thuộc phạm vi của siêu thị sách Vĩ Yên nữa. Bởi, một vụ việc đình đám như thế này với đối tượng là một học sinh, gần như chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Và gần như, nhân viên kế toán của siêu thị sách ấy sẽ bị truy tố. Khi mà phương thức được lựa chọn để thõa mãn cơn tức giận bị đám đông lên án và có đối tượng cụ thể, thì hậu quả đã nằm ngoài chủ ý của cá nhân, luật định sẽ làm rõ điều đó.

Điều đáng tiếc nhất của nhân viên nhà sách trong trường hợp của S. chính là, khi nghĩ ra việc trừng phạt S., nhân viên ấy đã không xem S. là một đứa bé phạm lỗi. Họ chỉ nghĩ, S. là một kẻ cắp. Và kẻ cắp phải bị trừng phạt.

Họ cho rằng, không có sự trừng phạt nào tốt hơn là việc hạ nhục S., khiến S. phải luôn ân hận về hành vi của mình. Và họ đã nghĩ ra cách trừng phạt rất phản cảm ấy. Không phải chưa có những dẫn chứng đau lòng cho việc hạ nhục những đối tượng đang còn trong độ tuổi vị thành niên.

Một học sinh lớp 10 ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tự tử vì bị nghi ngờ lấy 5 triệu đồng. Một cô bé lớp 3 uống thuốc trừ sâu vì bị nghi ngờ lấy 500 ngàn của cô giáo ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), một nữ sinh khác tự tử vì bị phát hiện có ý định muốn ăn trộm một cái quần jean trị giá 300 ngàn…

Đã không còn là cá biệt

Cuối tháng 3 vừa rồi, tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra một phiên tòa hết sức đặc biệt. Người dân đang sinh sống tại thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã nhất loạt kéo đến phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo về hành vi "Cố ý gây thương tích".

Do cả thôn Nhĩ Trung thường xuyên bị mất chó, nên 3 thanh niên trong làng đã hẹn nhau sẽ rình để bắt tại trận những kẻ trộm chó đáng nguyền rủa ấy. Cuối cùng, sau nhiều ngày mai phục, họ đã phát hiện ra hai đối tượng lạ mặt điều khiển xe gắn máy chạy vào thôn. Ngay lập tức, họ hô hoán và truy đuổi.

Hai đối tượng này trong nỗ lực tìm đường đào tẩu, đã chống trả lại sự truy đuổi này bằng bột ớt. Nỗi uất ức vì con chó bị mất, cộng với sự tức giận vì bị chống trả, rất nhiều thanh niên của thôn Nhĩ Trung đã dùng gậy gộc tấn công hai đối tượng này. Kết quả, hai đối tượng đã tử vong sau khi hứng chịu cơn giận dữ của người trong thôn Nhĩ Trung.

Hình ảnh đầy ám ảnh của hai kẻ trộm chó bị phát hiện.

Một trường hợp khác, người dân thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, phát hiện ra hai đối tượng trộm chó. Dân cả thôn đã hò nhau truy bắt, bị hai đối tượng này chống trả, người dân trong thôn đã đánh hai đối tượng đến bất tỉnh. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường với xe cứu thương chở hai đối tượng đi cấp cứu, người dân đã vây lại kiên quyết không cho người thi hành công vụ đưa hai đối tượng rời khỏi hiện trường. Kết quả, hai đối tượng ấy đã tử vong do vết thương quá nặng.

Cũng đã có ý kiến trái chiều trong hành vi đánh chết những đối tượng trộm chó. Họ cho rằng, nếu chứng kiến cảnh đối tượng trộm chó dùng súng bắn điện bắn chết người truy đuổi, dùng hung khí chém trọng thương người truy bắt… sẽ thấy những kẻ ấy đáng chết như thế nào. Rõ ràng, lập luận này là không ổn. Làm sao trong một xã hội văn minh lại có thể tồn tại quan điểm "Giết người đền mạng", mà vốn dĩ chỉ được xem hay nghe nói trong phim cổ trang (lẫn phim xã hội đen) của Trung Quốc.

Ở một bệnh viện lớn tại TP HCM, tôi thấy có tấm ảnh chụp một đối tượng mặc áo blouse trắng được dán ngay vị trí dễ nhìn thấy nhất với dòng thông báo về lý lịch cá nhân và lý do bị dán ảnh là "Giả danh bác sĩ để lừa tiền bệnh nhân".

Đối tượng này sau khi bị bảo vệ của bệnh viện bắt giữ đã được giao cho Cơ quan Công an để xử lý. Những kẻ trộm cắp, lừa đảo tại bệnh viện là những kẻ đáng lên án hơn cả. Bởi, không ai lại tàn nhẫn đến mức đi lừa đảo, ăn cắp của những người đã tận khổ. Đó có khi là đồng tiền có thể đem lại mạng sống cho người thân họ. Mất tiền, đồng nghĩa với việc người thân của họ không được mổ kịp thời, không được cứu chữa… Đó là hành vi đáng lên án gấp trăm triệu lần những hành vi trộm cắp khác.

Tuy nhiên, việc dán ảnh của những đối tượng trộm cắp này khi đối tượng đã bị xử lý (thay vì có thể chỉ trưng một dòng thông báo tình hình trộm cắp cho người dân cảnh giác), có thể được xem là sự phản ứng “quá khích”. Một cá nhân đã bị xử lý về hành vi sai trái của bản thân, nhất thiết phải cho họ một cơ hội để làm người bình thường.

Cũng ở TP HCM, nhân viên của hệ thống phân phối Metro đã có rất nhiều hành vi xúc phạm khách hàng trong nỗ lực ngăn chặn nạn trộm cắp đồ trong siêu thị.

Cách đây vài năm, tại Nghệ An, một hệ thống siêu thị cũng đã nghĩ ra cách dán ảnh người trộm cắp để bêu riếu. Một sinh viên đã là nạn nhân của cách thức chống lại cái xấu vô cùng tiêu cực này.

Dẫn chứng rất nhiều trường hợp, để thấy rằng nghiễm nhiên trong xã hội đã thừa nhận việc "tự tách biệt những người trộm cắp ra khỏi cộng đồng".

Tôi vẫn tin, trong mỗi cá nhân đều có thiên lương. Đa phần các cá nhân vướng vào hành vi trộm cắp đều là bởi không kiềm chế được lòng tham bộc phát, như những bài viết về nạn hôi của trên đường. Ngoại lệ, có một số ít cá nhân đúng với đúc kết của tiền nhân: "Ăn cắp quen tay".

Nhưng, dẫu sao đi chăng nữa, thì cũng không thể nào xem những cá nhân này không phải là người, để đối xử với họ theo một cách ngẫu hứng, tùy tiện với chiều hướng vô cảm. Việc trừng phạt những cá nhân này nhằm thỏa mãn sự tức giận nhất thời không bao giờ mang lại một hiệu ứng tích cực.

Những vụ việc mang tính chất tự xử, như trường hợp của nhân viên kế toán siêu thị sách Vĩ Yên với nữ sinh S., không bao giờ là một hành vi được chấp nhận. Tất cả những hành động tự xử của đám đông hay cá nhân, đối với những đối tượng trộm cắp đều là hành vi không được chấp nhận. Mà đã là hành vi không được chấp nhận, thì quá khó để hy vọng vào điều gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Lên án nhân viên kế toán của siêu thị sách Vĩ Yên là điều hiển nhiên, nhưng đoán chắc rằng, chính nhân viên này trong thời điểm hiện tại, khi bị biến thành tâm điểm của dư luận, họ cũng đang ăn năn, dằn vặt mình vô cùng. Đó là chưa kể đến việc phải đối diện với pháp luật.

Tôi kết lại bài viết này bằng câu chuyện của chính mình. Ngày còn học tiểu học ở quê, ngoài chợ có quầy cho thuê truyện tranh cũ. Tôi vẫn thường đến đó để thuê truyện về nhà đọc. Một lần, tôi chứng kiến cảnh có cô bé học cùng trường bị ông chủ quầy truyện phát hiện cô cố tình giấu vài quyển truyện tranh trong áo. Ông làm rất dữ, người đi chợ vây lại coi rất đông. Cô bé không khóc, có điều ánh mắt toát lên vẻ hoảng loạn vô cùng đau đớn. Đó là ánh mắt của một cá nhân bị dồn đến đường cùng, ánh mắt của một cá nhân bị cộng đồng đặt ra bên lề của đời sống đám đông.

Một ánh mắt đớn đau. Tôi tự hỏi, tự bao giờ, chúng ta đã đánh mất sự khoan dung của chính mình với lỗi lầm của người khác (?!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.