Suy thoái và câu chuyện lãi suất âm

Thứ Tư, 11/12/2019, 13:03
Đề cập tới chính sách tiền tệ của Tổng thống Donald Trump, các học giả kinh tế đúc kết lại một câu: Mỹ phải có mức lãi suất thấp nhất trên thế giới. Đây sẽ là lợi thế đối với các nhà sản xuất và nhất là các nhà xuất khẩu Mỹ vì lãi suất thấp hơn sẽ gây sức ép giảm giá đồng USD, khiến hàng hóa Mỹ trở nên rẻ hơn ở nước ngoài.

Nhưng, nó cũng sẽ phát động một cuộc chạy đua “chạm đáy” khi Mỹ tìm cách cạnh tranh với lãi suất âm ở châu Âu và Nhật Bản.

Câu chuyện Nhật Bản

Đó là câu chuyện khi lãi suất của Nhật Bản đã trượt xuống mức âm khi chính phủ và ngân hàng trung ương nước này tìm cách đối phó với thời kỳ đình trệ dai dẳng sau khi bong bóng khổng lồ trên thị trường bất động sản và chứng khoán nước này tan vỡ vào năm 1990. Hạ lãi suất là nhằm mục đích khuyến khích các công ty đầu tư và đồng thời cũng có xu hướng làm tăng lạm phát - hai mục tiêu mà Nhật Bản khi ấy muốn đạt được trong bối cảnh giá cả và tiền lương không ngừng đi xuống. Trong khi đó, chính phủ phát động các chương trình chi tiêu theo từng đợt liên tiếp, đẩy nợ của nước này lên mức cao kỷ lục.

Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trong lịch sử chuyển sang chính sách lãi suất bằng 0 vào năm 1990, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tìm cách ngăn không cho nền kinh tế nước này rơi vào giảm phát bằng việc cho phép người dân tiếp cận vốn vay mà hầu như không một chút phí tổn nào. Họ hy vọng rằng sau đó các ngân hàng sẽ cấp vốn cho các công ty xứng đáng và rồi những công ty này sẽ đầu tư, đem lại kết quả là sẽ gia tăng nguồn cung tiền dẫn tới lạm phát.

Biện pháp này không đạt hiệu quả như kế hoạch và nền kinh tế vẫn vướng vào bẫy thanh khoản mà ở đó các nhà đầu tư, khi phải đối mặt với lợi nhuận gần như bằng 0, gửi tiền trở lại vào các tài khoản ngân hàng, nơi mà khoản tiền đó trên thực tế được rút ra khỏi nền kinh tế.

Việc viện tới những biện pháp cực đoan như vậy để kích thích một nền kinh tế trì trệ dai dẳng từng bị coi là “vấn đề Nhật Bản”, phản ánh bản chất khác thường của nền kinh tế và tính cách dân tộc của Nhật Bản.

Chính sách kích thích của Nhật Bản đã trở nên quyết liệt hơn trong năm 2013 dưới thời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda, người đã cam kết tiến hành các biện pháp còn mạnh mẽ hơn chính sách nới lỏng định lượng mà FED đã khởi xướng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông đã tiến hành một đợt mua sắm ồ ạt mà chưa ngân hàng trung ương nào từng thực hiện và gọi đó là “nới lỏng tiền tệ về định lượng và định tính”.

Mục tiêu của Kuroda là bơm đủ tiền để kéo việc tăng lạm phát lên mức 2% trong 2 năm. Quả thật đã có một số tiến bộ. Thay vì giảm phát với tỷ lệ từ 0,5% đến 1,0%, ông đã tạo ra lạm phát với tỷ lệ khá ổn định, dao động quanh mức gần 1%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giờ đây chi tới 80.000 tỷ yên (735 tỷ USD) mỗi năm để mua vào trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Họ cũng hoạt động trong thị trường chứng khoán, mua vào cổ phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục và các quỹ đầu tư ủy thác bất động sản.

Đằng sau tất cả là biện pháp này đã mở rộng bảng cân đối kế toán của ngân hàng Nhật Bản tới mức có thể gây nguy hiểm. Tài sản và nợ phải trả của ngân hàng này đang lớn gấp 2,5 lần so với khi ông Kuroda nhận chức và lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản chi tới 80.000 tỷ yên mỗi năm để mua vào trái phiếu chính phủ.

Lý giải

Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, việc mở rộng tiền tệ như vậy sẽ thúc đẩy siêu lạm phát mà trên thực tế sẽ khiến một quốc gia phá sản, như trường hợp nước Đức trước chiến tranh. Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua trái phiếu cho phép chính phủ tiếp tục chi tiêu thâm hụt mà không phải chịu rủi ro từ việc lãi suất tăng làm giảm tốc độ tăng trưởng hơn nữa. Dù phản đối mạnh mẽ quan điểm cho rằng họ đã tiền tệ hóa nợ công nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện nắm giữ khoảng 45% tổng số trái phiếu chính phủ của Nhật Bản.

Và Nhật Bản không phải là nước duy nhất. Sau khi thử áp dụng lãi suất âm vào năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu giờ đây đã quyết liệt trở lại với chính sách này khi ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,5% vào tháng 9-2019 dù đã có những bước đi nhằm bảo vệ một số khoản tiền gửi trước mức lãi suất mới này.

Theo Chỉ số nợ lợi tức âm toàn cầu của Bloomberg Barclays, nợ có lợi tức âm đã đạt mức kỷ lục 17.000 tỷ USD vào tháng 8. Từ đó đến nay con số này đã giảm nhưng loại hình nợ này vẫn tương ứng với khoảng 15% đến 25% thị trường trái phiếu toàn cầu.

Martin Schulz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo cho biết: “các ngân hàng trung ương về cơ bản chỉ sử dụng lãi suất âm như một biện pháp tình thế nhưng cuối cùng họ cũng hiểu ra rằng giai đoạn này sẽ kéo dài hơn nhiều so với họ tưởng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hoàn toàn đúng về xu hướng này”.

Bản thân khái niệm lãi suất âm đã trái với lẽ thường. Vì lẽ gì mà người ta phải đưa tiền của mình cho ai đó chỉ để nhận lại ít hơn sau một khoảng thời gian? Khi thị trường tài chính giao sau của Nhật Bản bắt đầu thay đổi hệ thống phần mềm giao dịch của họ vào năm 2001 để các nhà giao dịch thị trường tiền tệ có thể nhập vào các số âm, nhiều người đã tỏ ý hoài nghi. Hóa ra trong hệ thống tài chính, các nhà đầu tư vẫn có những lý do để mua chí ít là nợ ngắn hạn với lãi suất âm.

Một trong số đó là vấn đề về sự tiện lợi - các chứng khoán có thanh khoản cao như tín phiếu kho bạc Mỹ là cách dễ dàng để các ngân hàng quản lý lượng tiền mặt mà họ nắm giữ và đáp ứng các quy định về mức vốn của họ. Ngoài ra, người ta còn mua nợ có lợi tức âm dựa trên một lý do đi ngược lại logic thông thường: Họ kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong tương lai, điều sẽ làm gia tăng giá trị của các trái phiếu hiện tại.

Ngọc Lan (theo Foreign Policy)
.
.