TP HCM - Tỉnh Bình Dương: Chung tay làm sạch môi trường

Thứ Ba, 26/08/2008, 10:30
Nằm trên tuyến đường chính, kênh Ba Bò thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP HCM), giáp ranh tỉnh Bình Dương. Chỉ với chưa đầy 3m chiều rộng, nhưng mức độ ô nhiễm của con kênh này đã đạt đến mức kỷ lục do hứng chịu chất thải công nghiệp của các khu chế xuất xả trực tiếp xuống lòng kênh.

Con kênh gắn liền với nhiều phận người sinh sống xung quanh đó, những con người ấy buộc phải chấp nhận sự “san sẻ” về độ ô nhiễm của kênh do Cơ quan chức năng ở TP HCM và tỉnh Bình Dương chưa có biện pháp khắc phục sự ô nhiễm của con kênh này

Con kênh bị...bức tử

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đành, năm nay đã hơn 81 tuổi, ngụ tại số 1133 khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức thì trước đây, con kênh Ba Bò nước trong vắt, chiều rộng chỉ khoảng hơn 1m. Mà cái thời đó vẫn chưa xa lắm, chỉ mới cách đây hơn 15 năm. Ông Đành nói, ông và những người bạn hàng xóm khi làm ruộng hoặc trồng rau ở phần đất khu vực gần kênh Ba Bò, lúc mệt mỏi vẫn có thể xuống kênh vạch cỏ vốc nước uống rất tự nhiên.

Người hàng xóm của ông Đành là ông Nguyễn Văn Thơm, đã hơn 68 tuổi cũng cho biết, kênh Ba Bò cái thời ông Đành kể có nhiều cá lắm, nước lại trong nên đứng trên bờ có thể nhìn thấy hàng đàn cá trắng hoặc cá lòng tong bơi lội dưới đáy kênh. Nhưng, tất cả những tín hiệu an lành về môi trường đó đã dừng lại theo đà phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) mọc lên ở những nơi mà dòng kênh chảy qua.

Hàng loạt các loại chất thải công nghiệp được thải xuống lòng kênh Ba Bò một cách vô tội vạ. Con kênh xanh ngày nào bị biến dạng thảm hại với màu nước đen xám, loại màu sắc đặc trưng phản ánh mức độ ô nhiễm do chất thải công nghiệp tạo nên. Kèm theo màu nước đen xám là lượng bọt hóa học bất kể khi ngày nắng hay mưa đều sủi lên trên mặt nước, nhìn mà nhờn nhợn người. Đó là chưa kể đến mùi hôi thối bốc lên từ kênh Ba Bò. Con kênh đã bị người ta “bức tử” hoàn toàn.

Hôm chúng tôi đến kênh Ba Bò trời nắng rất gắt, mùi hôi thối bốc từ kênh lên khiến không khí có cảm giác đặc quánh lại, rất ngộp thở và khó chịu. Anh Nguyễn Văn Cu, trưởng khu phố nói chuyện kênh bốc mùi hôi ngộp thở là bình thường. Đoạn cống đầu kênh Ba Bò giờ đã được nhân dân trong khu phố đặt cho cái tên mới là cống Hôi.

Từ miệng cống Hôi thuộc kênh Ba Bò, nước bao giờ cũng sủi đầy bọt hoá chất.

Từ ngày kênh Ba Bò ô nhiễm nghiêm trọng đến giờ, gần như các hộ dân làm nông nghiệp nơi này đã lâm vào tình trạng... thất nghiệp. Lý do rất đơn giản, kênh ô nhiễm không còn nguồn nước tưới cho cây trồng. Nông dân hết kế sinh nhai, bèn góp tiền xây nhà trọ cho công nhân ở các KCN gần đó thuê với giá 400 ngàn đồng/phòng.

Theo quyết định phê duyệt của UBND TP HCM vào tháng 7/2007, thời gian thực hiện cải tạo kênh Ba Bò là từ năm 2007 đến 2010, tức là còn hơn 1 năm nữa sẽ cải tạo xong. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu khởi động sự cải tạo. Hơn nữa, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh, UBND TP HCM đã ban hành quyết định thu hồi trên 139.000 m2 đất tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để mở rộng lòng kênh.

Song song với việc cải tạo kênh thì việc mở rộng kênh cũng nhằm cải thiện hệ thống thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng cho lưu vực thuộc TP HCM và tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, đâu chỉ đơn giản là chuyện thu hồi đất để cải tạo và mở rộng kênh Ba Bò.

Ông Nguyễn Văn Đành nói, nếu UBND TP HCM thu hồi đất để mở rộng kênh Ba Bò thì ông cũng ủng hộ thôi. Nhưng vấn đề bồi thường cho phần đất của các hộ dân nằm trong diện giải tỏa quá thấp. Thấp đến mức phi lý. Lần đầu tiên khi mời người dân lên UBND phường Bình Chiểu họp bàn giá bồi thường, những người có trách nhiệm ra mức bồi thường là 380 ngàn đồng/m2. Tuy nhiên, đến kỳ họp sau, giá đất bồi thường bị giảm xuống còn 240 ngàn đồng/m2.

Phía người dân có nêu thắc mắc vì sao giá đất bồi thường lại thấp vậy thì nhận được câu trả lời đó là do chính sách của UBND TP HCM. Ông Nguyễn Văn Thơm tâm sự: “Với cách bồi thường đất giá rẻ như vậy thì chúng tôi biết xoay sở  sinh sống ra sao. 240 ngàn giờ chưa mua nổi 2kg thịt bò. Giả dụ tôi có 1.000m2 đất, bồi thường cũng chỉ được 240 triệu. 240 triệu ở TP HCM thì chúng tôi sẽ định cư và sinh sống ra sao?”.

Câu hỏi của ông Nguyễn Văn Thơm cũng là câu hỏi của nhiều hộ dân khác trong khu vực giải tỏa để mở rộng kênh.

Bao giờ giải quyết tận gốc?

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP HCM, kênh Ba Bò đã nhận một lượng nước thải khổng lồ từ các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đổ vào qua nhiều tuyến thoát nước, chịu nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy dệt, nhuộm, chế biến bột mì, hóa chất, mỹ phẩm. Hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và các đơn vị sản xuất thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương giáp ranh với phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đã xả khoảng 15.000m3/ngày xuống kênh Ba Bò.

Kết quả phân tích về ô nhiễm vi sinh ở kênh Ba Bò của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM cho thấy: nhiều chất độc hại đã vượt tiêu chuẩn tới 22.000 lần. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý này sẽ chảy ra rạch Nước Trong, sông Vĩnh Bình rồi đổ ra sông Sài Gòn...

Tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND TP HCM khóa VII mới đây, các đại biểu tỏ rõ quyết tâm “đòi nợ” kênh Ba Bò. Những hình ảnh ghi lại tình hình ô nhiễm, nỗi khổ cực của người dân sinh sống hai bên bờ kênh được chiếu trên màn ảnh tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Minh Hương nói: “Chuyện ô nhiễm ở kênh Ba Bò, tôi đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, tức suốt 4 năm nay, nhưng mỗi năm Sở lại trả lời một kiểu và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Năm thứ nhất: đang làm dự án; năm thứ hai: 2 địa phương đang bàn triển khai; năm thứ ba: dự án đang chỉnh sửa và năm nay, năm thứ tư: dự án đang nằm trong danh sách phải... hoãn thi công”.

Đại biểu Đặng Văn Khoa bức xúc: “Nếu không phải là những người nghèo, tôi dám cam đoan không một ai dám để gia đình mình sống gần những nơi ô nhiễm như thế này trong cả chục năm qua”.

Dòng kênh Ba Bò nhìn từ phía trên xuống trắng màu hoá chất.

Năm 2007, một dự án cải tạo kênh Ba Bò với kinh phí 300 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP HCM đóng góp gần 202 tỉ đồng, còn lại do tỉnh Bình Dương chi, nhưng theo người dân sống tại kênh Ba Bò hiểu thì đây chỉ là dự án chống ngập,  nếu hoàn thành, cũng chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm trên kênh Ba Bò.

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP HCM về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kênh Ba Bò ngày 22/7, ông Ngô Quang Mãnh, Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước thành phố cho rằng, nếu hai KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dù dự án cải tạo kênh Ba Bò có hoàn thành thì cũng không giải quyết được tình trạng ô nhiễm con kênh này.

Ngày 22/7 vừa qua, HĐND TP HCM đã có buổi làm việc với Sở TN-MT và một số sở, ngành khác để tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò.

Theo Sở TN-MT TP HCM, có 3 tuyến thoát nước chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương đổ vào thượng nguồn kênh Ba Bò gồm tuyến thoát nước chảy từ KCN Sóng Thần 1, nơi hiện có khoảng 140 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80 doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà đổ thẳng vào kênh với lưu lượng khoảng 500 m3 mỗi ngày. Kết quả quan trắc của Sở TN-MT TP HCM, kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng bởi vi sinh, chất rắn lơ lửng... Sở TN-MT TP HCM kết luận: “Chất lượng nước khu vực khảo sát từ đầu kênh Ba Bò ra đến sông Vĩnh Phú không đạt tiêu chuẩn cho phép đối với nước loại B và thể hiện mức ô nhiễm cao”.

Trước tình trạng ô nhiễm và ngập úng của kênh Ba Bò, từ năm 2003, TP HCM đã có chủ trương đầu tư dự án tiêu thoát nước cho toàn bộ lưu vực 1.560 ha. Thế nhưng, theo lãnh đạo của TP HCM nhận định nếu chỉ một mình TP HCM thì không thể làm được, bởi phần lớn diện tích của lưu vực thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt khẳng định: Vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực kênh Ba Bò là vấn đề môi trường mang tính khu vực, liên quan đến 2 tỉnh, thành, đồng thời liên quan đến đơn vị quốc phòng, nên gặp không ít trở ngại trong quá trình xử lý...

Trong quá trình bàn bạc để triển khai dự án, phía Bình Dương và TP HCM chưa thống nhất về nhiều vấn đề như vốn, quy mô dự án... Chính vì vậy, dự án kéo dài đến năm 2007 mới có được quyết định phê duyệt đầu tư.

Nhiều đại biểu đề nghị HĐND TP HCM phải có kiến nghị xem lại dự án cải tạo kênh, bởi nếu không xử lý nước thải đầu nguồn từ các KCN ở Bình Dương thì việc mở rộng kênh Ba Bò không khéo sẽ hút nước thải đổ vào sông Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng.

Đầu tháng 8/2008, UBND TP HCM chỉ đạo Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo đầy đủ những KCN, doanh nghiệp nằm đầu nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến TP và các doanh nghiệp nằm trên tuyến kênh Ba Bò, tổng hợp các kết quả làm việc trước đây giữa UBND TP với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về giải quyết ô nhiễm môi trường, dự thảo văn bản kiến nghị Bộ TN-MT nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến sông, kênh này.

Chiều 12/8/2008, đoàn lãnh đạo TP HCM do đồng chí Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải dẫn đầu đã đến khảo sát tình hình ô nhiễm tại kênh Ba Bò. Sau chuyến thị sát, đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu các cơ quan chức năng của TP HCM và Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tại đây.

Đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “TP HCM và tỉnh Bình Dương xem việc ô nhiễm tại kênh Ba Bò là trách nhiệm chung cần phải sớm thống nhất các phương án để xử lý rốt ráo, trả lại môi trường trong lành cho người dân”. Các bên liên quan cũng thống nhất việc bàn giao giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành ngay trong năm 2008.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định, nếu các doanh nghiệp không xử lý nước thải thì sẽ bị rút giấy phép. Đây là một tín hiệu vui đối với những người dân sinh sống ở Ba Bò. Tính đến nay, đã có rất nhiều dự án cải tạo Ba Bò, một con kênh dài chưa đến 3km, có chỗ rộng chưa đến 2m, nằm giáp ranh giữa địa bàn 2 địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh nhất nước, nhưng con kênh nhỏ vẫn trở thành nỗi khổ của hàng ngàn hộ dân của hai địa phương lớn...

Chắc chắn rằng, việc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm nằm trong tầm tay của ngành chức năng của 2 địa phương TP HCM và Bình Dương

T.Thiên - K.Hữu
.
.