TP HCM: Bến “cóc”, xe “dù” bức tử vận tải chính thống

Thứ Ba, 07/10/2014, 22:35

Sau khi Chuyên đề ANTG phản ánh về tình trạng xe khách liên tỉnh trá hình không vào bến hàng ngày vận chuyển được cả chục ngàn hành khách, khiến ngân sách thất thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm; tình trạng bến "cóc" vây ép bến xe Miền Đông gây bức xúc trong giới vận tải khách và dư luận.

Chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về vấn đề bến "cóc", xe trá hình đang ngang nhiên thống lĩnh để dần xóa sổ hoạt động vận tải khách trong bến xe chính thống. Để rộng đường dư luận, Chuyên đề ANTG tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vấn đề này.

Xử phạt chẳng đủ "gãi ngứa" 

Tìm hiểu về nguyên nhân khiến 2 bến "cóc" có thể ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài; bất chấp phản ứng của giới vận tải chính thống, hàng ngày ngấm ngầm vây ép bến xe Miền Đông, tại UBND phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM tôi được ông Đặng Minh Nguyên, Chủ tịch phường cho biết, phường đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm về hoạt động đón trả khách tại 2 bến "cóc" này. Phần nào thuộc trách nhiệm của phường, địa phương đã ra quyết định xử phạt; phần trách nhiệm nào thuộc cấp quận, phường đã có văn bản kiến nghị lên quận xử lý.

Về cơ sở pháp lý hoạt động, bến "cóc" ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh được UBND quận Bình Thạnh cấp giấy phép hộ đăng ký kinh doanh với ngành nghề "vận chuyển hành khách, cho thuê xe ôtô và dịch vụ trông giữ xe ôtô" nhưng kèm theo yêu cầu chỉ được kinh doanh sau khi thực hiện đủ các điều kiện về xử lý môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông...

Với bến "cóc" mang tên Trân Bảo Trân tại số 391 Đinh Bộ Lĩnh, tuy có giấy phép dịch vụ trông giữ xe và một số dịch vụ khác do Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cấp cho chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ vận tải hành khách Trân Bảo Trân, nhưng cũng kèm theo điều kiện là phải thực hiện đúng những quy định pháp luật.

Trong hồ sơ lưu trữ tại phường 26, thì vào ngày 21/1/2014 bến "cóc" Trân Bảo Trân đã bị tổ công tác của phường 26 kiểm tra, phát hiện lập biên bản quả tang khi có một xe khách giường nằm loại lớn đang xuống khách bên trong. Sau đó chủ bến đã bị quận Bình Thạnh ra quyết định xử phạt 6 triệu đồng.

Cùng trong ngày 21/1, tổ công tác của phường 26 cũng đã lập biên bản với bến "cóc" 397 Đinh Bộ Lĩnh về hành vi lên xuống khách tại đây, sau đó phường này ra quyết định xử phạt với mức 3 triệu đồng. Song với thu nhập rất lớn do các bến "cóc" này mang lại, thì mức phạt trên chẳng đủ “gãi ngứa” với các chủ bến.            

Suốt 9 tháng mới chỉ bị xử phạt 1 lần, nhưng khi nói về các mức phạt trên, ông Đặng Minh Nguyên cũng thừa nhận rằng nếu chỉ xử lý ở mức phạt vài triệu đồng như vậy sẽ không đủ sức răn đe với hành vi tổ chức đón trả khách, giao nhận hàng hóa của các chủ bến "cóc".

Cách đây khoảng 2 tháng, phải chờ đến khi chiếc xe khách mang biển số 48B-00045 đang đậu trong bến cóc 397 Đinh Bộ Lĩnh bị rơi tõm xuống rạch Xuyên Tâm nhưng may không gây thiệt hại về người; khi đó chính quyền quận Bình Thạnh, phường 26 và các lực lượng có trách nhiệm mới tá hỏa phối hợp cưỡng chế việc đổ đất lấn chiếm rạch để làm chỗ đậu xe của bến "cóc" này.

Toàn bộ phần lấn diện tích bị chủ bến "cóc" 397 Đinh Bộ Lĩnh đổ đất đá lấn chiếm đã được lực lượng cưỡng chế tổ chức đào xúc lên và chở đi trong nhiều ngày. Thấy bị làm gắt, chủ bãi giữ xe Trân Bảo Trân ở số 391 cạnh đó cũng đã phải tự giác tháo dỡ một căn nhà xây dựng trái phép trong bến "cóc".

Về hướng xử lý với các bến "cóc" trên, ông Nguyên cho biết, mới đây Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT), quận Bình Thạnh và phường 26 đã tổ chức họp bàn hướng xử lý. Thống nhất từ đầu tháng 10 tới sẽ tổ chức lực lượng chốt chặn kiểm tra, giám sát thường xuyên. Hiện phường 26 và quận Bình Thạnh cũng đang ráo riết tập hợp vi phạm của 2 bến xe này để xử lý mạnh tay hơn. Bởi đây là 2 tụ điểm gây nhức nhối về trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường… 

Hậu thuẫn cho xe khách không đủ điều kiện         

Để đối phó với cơ quan chức năng, hàng ngày, 2 bãi xe trá hình này luôn đóng một bên cổng sắt, chỉ mở cả 2 cánh cổng khi có xe khách hoặc xe tải ra vào. Là bãi giữ xe, nhưng khách ra vào gửi, nhận hàng và đi xe khá tấp nập. Án ngữ ngay vị trí cửa ngõ thành phố, lại thuận hướng với khách từ Thủ Đức, Bình Dương tới và chứa chấp xe khách chạy trên các tuyến đông khách đi miền Trung, Tây Nguyên nên các bến "cóc" này thu hút được khá nhiều khách.

Bến "cóc" ngang nhiên thách thức bến xe chính quy, nên nhiều nhà xe không đủ điều kiện xuất bến trong bến xe Miền Đông bị buộc chạy xe không về để hoàn tất các loại giấy tờ, thủ tục là chủ xe sẵn sàng tạt qua đây để kiếm khách. Thực tế hàng ngày đều có tới vài chục lượt xe khách đậu tại các bến "cóc" này, đây là loại tài sản có giá trị lớn với nguy cơ cháy nổ cao; lượng người ra vào đi xe, gửi nhận hàng hóa khá đông, nhưng các điều kiện để bảo đảm an toàn là khá sơ sài. Xe đậu chen chúc, nên nếu xảy ra cháy nổ hậu quả sẽ khôn lường.

Ngoài việc gây mất an toàn cho người dân, đây cũng chính là lo lắng của những người có trách nhiệm, song nhìn lại việc ngang nhiên lộng hành của các bến "cóc" này, thì ngoài việc thiếu kiểm tra xử phạt, dư luận còn cho rằng, nếu không có hậu thuẫn của ai đó, thì không có chuyện các bến "cóc" này có thể ngang nhiên thách thức pháp luật như vậy. Thực tế, giới vận tải khách quanh bến xe Miền Đông vẫn cho rằng, sở dĩ bến "cóc" 391 Đinh Bộ Lĩnh có thể tồn tại vì đây là của người nhà một cán bộ có trách nhiệm của quận Bình Thạnh. 

Xe, khách tập nập ra vào bến "cóc" 397 Đinh Bộ Lĩnh.

Đã nhiều năm và nhiều lần lên tiếng trong các cuộc họp về xe trá hình và bến "cóc"; thậm chí là bằng nhiều văn bản gửi tới chính quyền quận Bình Thạnh và cả Sở GTVT, về 2 tụ điểm bến "cóc" trá hình dưới bãi giữ xe. Song tất cả đều rơi vào im lặng... Không thể im lặng để 2 bến "cóc" này mặc sức hoành hành trước sự lý giải vòng vo của chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm, cuối tháng 7 vừa qua ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe Miền Đông đã tiếp tục làm văn bản gửi tới Sở GTVT, Sở Tài chính và UBND quận Bình Thạnh.

Trong đó ông Thừa đã phải làm thay việc của cơ quan thực thi pháp luật về GTVT là chỉ rõ rằng 2 bến "cóc" này đã không thực hiện đúng chức năng trông giữ phương tiện được quy định tại Khoản 2 Điều 51 trong Luật Giao thông đường bộ, rằng: Bến xe, bãi đỗ xe trạm dừng nghỉ phải được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; quy định về quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ trông giữ phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bãi đỗ xe. Ngoài ra còn có thể áp dụng một loạt các quy định khác trong Nghị định 171 của Chính phủ đối với hành vi "lập điểm giao dịch, đón trả khách trái phép" cũng như với hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe… nhưng đến nay sự việc đang được địa phương và Sở GTVT nghiên cứu, tìm biện pháp.

Một trá hình "đánh đổ" hơn 200 chính thống 

Có một đội xe hùng hậu với 2.790 đầu xe, năng lực vận chuyển một lượt gần 97,9 ngàn hành khách chạy trên hàng trăm tuyến liên tỉnh. Mỗi ngày bến xe Miền Đông cũng chỉ có chừng 20 ngàn hành khách đi xe, bình quân mỗi xe chỉ có hơn 1/4 số ghế hoặc giường nằm có khách khi xuất bến. Nhưng theo như công bố của hãng xe Phương Trang, bất cứ ai cũng không khỏi giật mình vì với 500 - 600 chuyến xe trên đường mỗi ngày, hãng này đã phục vụ được 20-25 ngàn hành khách.

Xe đã nhiều, lại hoạt động trên vài chục tuyến liên tỉnh về đồng bằng sông Cửu Long, rồi ra đến miền Trung hay lên Tây Nguyên, nhưng số lượt xe vào bến chính thống của hãng này lại quá ít. Nhiều nhất, tại bến xe Miền Đông hàng ngày hãng cũng chỉ có hơn 40 chuyến xe xuất bến và theo danh sách hơn 30 văn phòng - cũng là địa điểm đón trả khách và bán vé của hãng xe này tại các tỉnh thành, chỉ có khoảng 12 địa chỉ được đặt trong các bến xe khách, còn lại là do hãng tự mở ở nhiều nơi.

Mặc cho hệ lụy về an toàn giao thông các bến "cóc", tụ điểm đón trả khách tự phát của hãng này và nhiều nhà xe khác vẫn ngang nhiên lên xuống khách ngay tại các khu dân cư đông đúc. Hãng lớn đưa bớt xe ra ngoài, nhà xe nhỏ cũng theo nhau bỏ bến để ra ngoài mở vặn phòng đưa, đón khách. Nên mặc dù để xin được vào chạy trong bến xe chính thống là rất khó, thì chỉ trong 4 năm trở lại đây, ở bến xe Miền Đông đã giảm tới gần 100 ngàn doanh nghiệp vận tải khách và giảm gần 1.000 đầu xe.   

Khách vào bãi giữ xe trá hình Trân Bảo Trân.

Sau khi bị giới vận tải chính thống đồng loạt lên tiếng phản ứng vào năm 2011. Để né bị phạt và tránh bị xã hội và hành khách coi là xe "dù", những năm gần đây các hãng vận tải khách, nhà xe ngoài bến chuyên vận chuyển khách lẻ trên tuyến liên tỉnh cố định đã tìm đường lách luật để đặt cho mình cái tên nghe khá mỹ miều là xe opentour, xe chở khách theo hợp đồng. Bằng cách đăng ký thêm mảng kinh doanh du lịch, lữ hành và đăng ký cấp giấy xác nhận ôtô vận chuyển khách du lịch tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP HCM. Cùng lúc, nhiều hãng bố trí để lái phụ xe, hướng dẫn viên trên xe đi đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ vài ngày tại một cơ sở do ngành du lịch quản lý để có thẻ đàng hoàng.

Hiện tượng này dẫn tới những con số quá khủng khiếp, khi trên thực tế đến nay TP HCM chỉ có 866 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế. Nhưng đội xe đăng ký để được cấp giấy xác nhận ôtô vận chuyển khách du lịch đã lên tới con số 8.950 xe. Đem chia bình quân, mỗi doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải nhận tới hơn 100 đầu xe. Trong khi lượng xe của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch, lữ hành lớn tại TP CM như Saigon Tourist, Hòa Bình Tourist hay Viet Travel… số lượng xe chở khách du lịch cũng chưa chắc đã vượt quá con số này. Nên trừ đi một vài ngàn xe của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chính thức và một vài ngàn đầu xe của những doanh nghiệp, chủ xe chuyên hợp đồng vận chuyển khách du lịch cho các doanh nghiệp làm tour, thì một nửa số đầu xe đăng ký với ngành du lịch nói trên đang có vấn đề - tức mượn bình phong để hoạt động vận chuyển khách liên tỉnh trên tuyến cố định trá hình.

Thực tế cho thấy, bất kỳ ai đã từng một lần đi xe khách giường nằm xưng danh là xe hợp đồng, xe opentour chạy cố định hàng ngày trên các tuyến từ TP HCM đi Đà Lạt, Phan Thiết hoặc về miền Tây hay ra miền Trung… đều thừa biết rằng, hợp đồng hay lữ hành du lịch chỉ là hình thức trá hình cho dù khi bị kiểm tra, lái xe vẫn có thể xuất trình được hợp đồng, hóa đơn VAT và lệnh vận chuyển. Bởi làm gì có chuyện xe hợp đồng, xe opentour lại đi gom từng khách lẻ rồi thu tiền từng người một khi lên xe kiểu như xe "chợ"?

Bến xe chính thống đang bị bến "cóc" bao vây… Hàng ngàn xe khách chạy tuyến chính thống đang bị xe khách "trá hình" thao túng. Đã nhiều năm nay doanh nghiệp và địa phương bất lực ,dư luận chỉ còn trông chờ "tiếng còi thiêng" của vị Tư lệnh ngành giao thông!

Thái Bảo
.
.