Cảnh báo thông tin thiếu chính xác về dịch tả lợn châu Phi

Thứ Ba, 18/06/2019, 17:45
Như vậy là sau rất nhiều những hành động để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, cuối cùng TP Hồ Chí Minh, địa bàn rộng lớn nhất cả nước, cũng đã công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.

Xung quanh thông tin này, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo, xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng. Đồng thời, các ngành chức năng ở TP Hồ Chí Minh đã tăng cường các biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan sang các đàn lợn khác trên địa bàn.

Ổ dịch đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đã được khống chế

Thông tin về ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh chính thức công bố vào chiều 11-6.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, qua chủ động giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi, đơn vị này đã phối hợp cùng chính quyền địa phương ghi nhận một hộ chăn nuôi lợn tại phường Phú Hữu, quận 9, có triệu chứng điển hình của bệnh vào ngày 10-6.

Cơ quan thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 6, kết quả được trả ngày 11-6 xác định các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. 

Chủ đàn lợn là bà Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con (23 con nái sinh sản, 112 con lợn thịt, 28 con lợn sữa). Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND quận 9 tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và thức ăn thừa tại khu đất xa dân cư. 

Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở quận 9.

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Phát, đây là khu vực chăn nuôi có mật độ thấp, hộ chăn nuôi gần nhất cách ổ dịch hơn 1km. Toàn xã Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con, những hộ này sẽ được triển khai cấp phát thuốc sát trùng liên tục 7 ngày kể từ ngày 11-6 và tiêu độc khử trùng 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo và tạm thời trong 30 ngày các hộ này không được xuất bán lợn.

Đối với vùng uy hiếp (bán kính 3 km từ ổ dịch) có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng UBND quận 9 và quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11-6.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết hộ dân này không dùng cám công nghiệp mà sử dụng thức ăn thừa tại các quán ăn. Nguyên nhân và nguồn gây bệnh đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Hiện ổ dịch đã được khống chế và ngành chức năng đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực xung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

"Do quận 9 nói riêng và TP Hồ Chí Minh có nguồn cung cấp lợn cho thành phố tương đối nhỏ so với nguồn lợn từ các tỉnh thành khác, nên ổ dịch vừa phát hiện không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn của thành phố", ông Nguyễn Phước Trung cho biết. Về tiền hỗ trợ cho hộ dân này, ông Nguyễn Phước Trung cho biết đang chờ UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt trên tinh thần không dưới 80% giá thị trường.

Bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết địa phương đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại khu vực cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng, có lực lượng gồm: Cảnh sát giao thông, Thú y, Thanh niên xung phong, Công an phường và Dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện.

Không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng

Trên phạm vi thành phố, theo thông tin từ Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện ổ dịch nhằm triển khai các biện pháp cách ly, khu trú, bao vây xử lý nhanh khống chế ổ dịch, ngăn chặn việc đưa lợn bệnh, sản phẩm lợn ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo đó, thành phố đã cấp phát hơn 10.000 tờ bướm tuyên truyền phòng chống dịch và hướng dẫn việc sử dụng thuốc tiêu độc khử trùng; tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm thịt lợn; tại 5 chốt kiểm dịch tạm chắn tại các "cửa ngõ" ra vào TP Hồ Chí Minh (giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh) đều có lực lượng kiểm tra 24/24h.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Cấp phát hơn 10 tấn vôi bột cho các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thu gom từ nhà hàng, quán ăn, và cấp phát thuốc sát trùng cho 1.854 hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ (từ 20 con/hộ trở xuống).

Ông Nguyễn Phước Trung cho biết, để kiểm soát, quản lý chặt chẽ bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thiết lập nhóm chia sẻ thông tin nhanh qua ứng dụng Zalo gồm: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các quận, huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất giống lợn, để cập nhật những thông tin dịch bệnh và chỉ đạo nhanh các biện pháp phòng chống dịch.

Giao cho UBND các quận, huyện tập trung rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó là kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là việc thực hiện tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học...

Tại các hệ thống siêu thị, mặc dù thịt lợn bán ở kênh này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đánh giá là kiểm soát tốt chất lượng hơn kênh truyền thống, nhưng trước tình trạng dịch bùng phát, để người tiêu dùng thật sự yên tâm tiêu thụ thịt lợn, một số siêu thị cũng đã tung lực lượng túc trực tại các lò giết mổ để giám sát chặt chẽ quy trình.

Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra các điểm chốt chặn tại các trạm đầu mối giao thông, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm kinh doanh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Phú Lữ - Thúy Hà
.
.