Thu phí đậu xe theo giờ lũy tiến liệu có khả thi?

Thứ Ba, 07/08/2018, 10:05
Việc triển khai thu phí xe ô tô tính lũy tiến theo giờ đậu/đỗ dưới lòng lề đường đang làm "nóng" sự quan tâm, bức xúc của nhiều người không thua kém "cuộc chiến" tranh giành vỉa hè cho người đi bộ cách nay không lâu được triển khai thí điểm từ Quận 1.

Bắt đầu từ ngày 1-8-2018, TP Hồ Chí Minh áp dụng thực hiện việc thu phí cho các loại xe ô tô đậu tính theo giờ tại 35 tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố thông qua các ứng dụng công nghệ thông minh. Kế hoạch này đã một lần lùi thời gian thực hiện (dự định bắt đầu vào ngày 1-6), do công việc chuẩn bị chưa đồng bộ. 

Việc triển khai thu phí xe ô tô tính lũy tiến theo giờ đậu/đỗ dưới lòng lề đường đang làm "nóng" sự quan tâm, bức xúc của nhiều người không thua kém "cuộc chiến" tranh giành vỉa hè cho người đi bộ cách nay không lâu được triển khai thí điểm từ Quận 1.

Thu phí tăng lũy tiến theo giờ bằng công nghệ số Viettel

Quan tâm đầu tiên và nhiều nhất với người dân thành phố trong lần Sở GTVT TP Hồ Chí Minh trình đề án được HĐND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt và ban hành quyết định thu phí xe ô tô đậu tại khu vực trung tâm là giá tiền. Mức giá được tính theo giờ từ thấp nhất là 20.000đồng/giờ đến cao nhất là 40.000 đồng/giờ và sẽ tăng lũy tiến nếu đậu thêm giờ.

Bãi giữ xe, đậu xe trên đường Lê Lai đìu hiu sau 2 ngày áp dụng tính tiền lũy tiến theo giờ.

Tuy đã có điều chỉnh "phù hợp" tại các quận trong 35 tuyến đường qui định khác nhau chênh lệch cỡ 5.000đồng/giờ, nhưng người dân có xe ô tô, người đang sinh sống tại khu vực trung tâm, người đang thường xuyên làm việc tại khu vực trung tâm nghe thông tin đều "giật mình chới với" nghĩ đến việc phải "gồng mình" chi trả thêm một khoản phí không dưới 170.000đồng/xe ô tô/một ngày làm việc góp phần làm giảm lượng xe ô tô vào khu vực trung tâm và "trật tự" ổn định việc thu phí đậu xe mỗi nơi một kiểu tuỳ tiện.

Theo "sáng kiến" của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, đây chỉ là mức tạm thu. Đậu xe ô tô dưới lòng lề đường tính lũy tiến theo giờ trong ngày được qui định từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, đồng thời áp dụng cho hai nhóm ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và nhóm ô tô từ 10 chỗ trở lên, xe tải trên 1,5 tấn đến 2.5 tấn.

Trong đó, ô tô đến 9 chỗ và xe tải có trọng tải đến 1,5 tấn khi tạm dừng đậu tạm dưới lòng đường thuộc vỉa hè quận 1,3,5 phải trả 25.000đồng/xe/giờ đầu tiên. Đến giờ thứ 2 sẽ phải trả thêm số tiền tương tự 25.000 đồng/giờ. Khi sang giờ thứ 3, thứ 4 sẽ phải trả mỗi giờ 30.000 đồng/giờ. Nếu sang giờ thứ 5 sẽ tăng lên 35.000 đồng/giờ.

Tương tự với nhóm xe ô tô từ trên 9 chỗ và xe tải trên 1,5 tấn sẽ phải trả phí giờ đầu 30.000 đồng và tăng đến 40.000 đồng/xe/giờ theo cấp lũy tiến. Trường hợp xe đậu qua đêm tại khu vực trung tâm trên 35 tuyến đường qui định sẽ bị thu phí 150.000 đồng -170.000 đồng/một đêm.

Bằng cách này, theo đề án được duyệt ban hành, thì bình quân trong một tháng ngân sách Thành phố sẽ thu được khoảng 31 tỷ đồng. Đây mới chỉ áp dụng trên 35 tuyến đường trung tâm. Nếu thử tạm thu phí ô tô đậu theo giờ thành công, chắc chắn với hàng ngàn tuyến đường thành phố do Sở GTVT quản lý và các quận huyện sẽ mang về khoản thu rất lớn cho ngân sách và giúp giảm lượng xe ô tô dày đặc khu vực trung tâm, giảm áp lực và nạn kẹt xe.

Nhưng chỉ 2 ngày "có hiệu lực" đầu tiên đã cho thấy những tín hiệu là hoàn toàn không dễ mà thu được dù là 1/10 chỉ tiêu này. Chúng tôi thử chạy một vòng qua đường Lê Lai, (Quận 1) bên lề trái vỉa hè công viên 23/9, trước khách sạn 5 sao New World - một trong những nơi đậu, gửi xe nhiều nhất khu vực trung tâm.

Những dãy xe ô tô đậu san sát nhau hai hôm trước giờ đã biến mất dạng, chỉ còn lác đác mấy chiếc ô tô 7, 4 chỗ nằm vạ vật như xe vô chủ. Một nhân viên tay cầm tập biên lai cho biết: Sáng mà chỉ lèo tèo mấy xe thì chiều chắc khó mà nhiều hơn.

Tài xế Lê Văn Ân chạy xe Fortuner rất lém lỉnh giải thích: "Đường ngang ngõ dọc của thành phố như mạng nhện, không khó tìm chỗ núp. Tự nhiên mất 215.000 đồng cho 8 tiếng chở sếp đi làm thì vô lý quá… Mấy tay tài xế kia còn chỉ chiêu xách xe chạy loanh quanh thấy có chỗ trống thì sà vô hỏi han, tắt máy cho xe nghỉ… rồi túc tắc lết qua chỗ khác. Giống như nước ngập, từ chỗ cao dồn sang chỗ thấp".

Trên lòng lề đường bên phải của đường Lý Tự Trọng, Pham Ngọc Thạch, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Alexandre De Rhode, Nguyễn Văn Chiêm… xe ô tô đậu san sát nhau rồng rắn kéo dài với tín hiệu đèn nhấp nháy vì đây là những tuyến đường cấm dừng lâu, cấm đậu không thuộc diện thu phí theo giờ.

Có 35 tuyến đường thu phí đậu theo cấp lũy tiến, sử dụng công nghệ thông minh My Parking của nhà mạng Viettel… nhưng không biết đã có bao nhiêu tài xế cài đặt phần mềm chuyên dùng này. Có quy định, nhưng nhiều tài xế khi được hỏi đều tỏ thái độ rất bất cần, không hợp tác. Do đó, trong 2 ngày đầu tiên thu phí mới của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, các điểm cho phép đậu xe có thu phí mọi khi, giờ trở nên rất đìu hiu.

Còn các đường hẻm, đường nhỏ, các khoảng trống lân cận bỗng dưng trở thành nơi cho xe ô tô ẩn núp tránh đóng phí đậu tính theo giờ. Ngay cả khi tài xế muốn đậu xe trả phí kiểu mới mà chưa cài đặt phần mền ứng dụng, đặt chỗ trước thì cũng không thể tìm được chỗ đậu xe. Và câu trả lời ai cũng biết, toàn bộ những xe trước đây đậu có thu phí giá 5.000 đồng/lượt giờ đang ở nơi đâu?

Chìa khóa giải ùn tắc là các bãi đậu xe ngầm

Thu phí ô tô đậu cấp lũy tiến theo giờ mức cao, hạn chế xe tải lưu thông vào khu vực nội đô trong giờ cao điểm… liệu có làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay không? Hầu hết ai cũng cho rằng, nếu các dự án xây dựng các bãi đậu xe ngầm của thành phố triển khai hơn chục năm qua không còn nằm trên giấy, đã thành sự thật thì mọi biện pháp, giải pháp giải bài toán ùn tắc, kẹt xe, ngập nước… sẽ không còn giá trị thời sự.

 Qua rất nhiều lần đặt lên, để xuống trên bàn giấy, 4 dự án bãi đậu xe ngầm của thành phố lại trở về vạch xuất phát trong khi số lượng xe ô tô tăng lên từng ngày, nhu cầu đi lại, giao dịch của người dân tăng cao. Trong 4 dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố: công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng hiện vẫn chưa thể triển khai.

Có nhiều lý do được viện dẫn do thiết kế, kế hoạch tài chính, điều chỉnh thiết kế, qui mô… do đó, tất cả đều nằm trên giấy vẽ và ai cũng biết chắc chắn rằng: chỉ do kinh phí đầu tư rất lớn, xoay vòng đồng tiền vốn chậm theo hợp đồng TPP, nên nhà đầu tư không mặn mà với 4 dự án bãi đậu xe ngầm. Dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám do Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đến nay xem như phá sản sau khi khởi công hơn 10 năm trước.

Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng do Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ cũng đang xin điều chỉnh thiết kế vì có phần liên quan đến tuyến Metro số 2. Nhưng thực ra, nhà đầu tư đang bẻ lái hướng đầu tư bổ sung thêm dự án xây dựng nhà ga trung chuyển hành khách sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người hoài nghi về lý do "chồng lấn" thiết kế liên quan đến Metro số 2 là vô lý.

Vì thiết kế Metro số 1, 2 đã có hơn chục năm qua, còn dự án bãi đậu xe ngầm dưới khu vực sân khấu Trống Đồng mới xuất hiện vài năm nay. Hai dự án tại Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư do liên danh Vingroup - Công ty TNHH Đầu tư Văn hóa - Thể thao Sài Gòn hiện đang lập dự án khả thi, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019.

Khu vực trung tâm thành phố, nhu cầu đậu gửi xe của  người dân rất cao, nhưng các dự án bãi đậu xe ngầm của thành phố suốt hơn 10 năm qua vẫn chỉ múa nhảy trên giấy. Mấu chốt của tình hình rối về trật tự giao thông, quản lý dịch vụ giao thông tại các quận huyện thời gian qua, có phần không nhỏ từ việc không có bãi đậu xe phục vụ nhu cầu người dân.

Lần áp dụng công nghệ thông minh thu phí này, ngoài việc tính giá lũy tiến theo giờ thì việc tạo thói quen sử dụng tiền thẻ không sử dụng tiền mặt cũng đang là một vấn đề liên quan không nhỏ.

Hoàng Châu
.
.