TP Hồ Chí Minh: Hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập vẫn cứ úng

Thứ Hai, 28/05/2018, 14:06
Hàng chục ngàn tỷ đồng với hàng trăm dự án lớn nhỏ, nhưng hình như tiền đã trôi theo nước, ngập vẫn cứ ngập. Phải chăng việc chống ngập đang thiếu những phương án, giải pháp hữu hiệu?

Trận mưa đầu mùa của năm 2018 đổ ập xuống TP Hồ Chí Minh tối ngày 19-5 kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã biến đường phố thành những dòng kênh, dòng sông khiến cho hàng trăm ngàn người và xe lóp ngóp bơi về nhà.

Không một người dân nào của thành phố chấp nhận cách giải thích đầy lạc quan của ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm điều hành chống ngập TP trong cuộc họp ngày 22-5 cho rằng: Số liệu thống kê của cơ quan này cho biết toàn thành phố chỉ ngập 10 điểm, còn khoảng 22 tuyến đường khác chỉ là "tụ nước" theo tiêu chí, quy định của Bộ Xây dựng.

Thực tế, hàng trăm ngàn người dân đã phải lội về nhà đến tận hơn 22h đêm, rất khổ sở vì hàng trăm tuyến được bị ngập, có nơi nước ngập hết yên xe gắn máy.

Hàng chục ngàn tỷ đồng với hàng trăm dự án lớn nhỏ, nhưng hình như tiền đã trôi theo nước, ngập vẫn cứ ngập. Phải chăng việc chống ngập đang thiếu những phương án, giải pháp hữu hiệu?

Sài Gòn xưa …

Vào năm 1862, sau khi chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, người Pháp cho đào ngay một con kênh rất dài, rất rộng phía Bắc Sài Gòn theo dự án "TP Sài Gòn 500 ngàn dân" của Trung tá Công binh Coffyn. Theo bản đồ hiện tại, con kênh này bắt nguồn từ đường Trần Quang Khải (Q1) ngày nay, thẳng qua giữa rạch Thị Nghè, qua đường Cách mạng Tháng 8, cư xá Bắc Hải, vòng sau lưng sân Phú Thọ (Q11) nối kênh Lò Gốm sát chân đồn Cây Mai (góc đường Nguyễn Thị Nhỏ, Hồng Bàng). Con kênh này gần như song song nương theo lũy Bán Bích của Nguyễn Cửu Đàm quy hoạch Sài Gòn năm 1772.

Như vậy, ban đầu người Pháp đã qui hoạch vùng lõi trung tâm Sài Gòn như một cù lao bao bọc bởi những tuyến kênh rạch, mà tất cả các hướng giao thông thủy bộ đều đổ về Sài Gòn, Chợ Lớn thông thương với Nam kỳ lục tỉnh, tập trung phát triển Sài Gòn theo trục hướng Đông- Tây.

Hình ảnh thi công công trình cống kiểm soát triều cường.

Đến năm 1902, do xảy ra nhiều biến cố chính trị thế giới, nên chính quyền thuộc địa Pháp bỏ dở dang kế hoạch đào kênh khổng lồ này, mà chỉ đào nhỏ hẹp hơn từ "bề ngang 20 thước, bề sâu 6 thước" chỉ còn 10m và 3m. Kênh nhỏ, cạn, đáy bùn tràn lên cao nên tàu thuyền lớn không thể ra vào. Tuy nhiên bản đồ về kênh "Vòng thành" bao quanh Sài Gòn vẫn thể hiện rõ trên bản đồ của thời VNCH cho đến ngày 30-4-1975.

Có thể nhìn thấy một Sài Gòn xưa từ các dãy nhà phố, các cây cầu, những tuyến đường giao thông, các dòng kênh, rạch đều theo hướng Đông - Tây. Rõ nét nhất là việc xây dựng một con đường từ Rạch Bến Nghé (Sài Gòn) vô Chợ Lớn tên đường Dưới (đường Trên là Nguyễn Trãi ngày nay) theo đó, hình thành hàng loạt các bến bãi chuyên vận chuyển hàng hóa từ Nam kỳ lục tỉnh lên Sài Gòn như: bến Bạch Đằng, Chương Dương, Vân Đồn, Bình Đông, Hàm Tử… nay là đại lộ Võ Văn Kiệt.

Ngay cả tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương người Pháp xây dựng năm 1885 từ ga Sài Gòn trước chợ Bến Thành cũng hướng về Chợ Lớn, rồi xuống Mỹ Tho dài 70km cũng theo trục Đông - Tây. Từ quy hoạch này cho thấy, toàn bộ hệ thống thoát, tiêu nước của Sài Gòn xưa đều hướng ra các kênh rạch, tập trung chủ yếu theo hướng trục trung tâm phát triển TP từ Đông sang Tây. Quy hoạch đô thị xưa, các tuyến đường chính rộng 40m, vỉa hè hai bên 4m, có 2 hàng cây mỗi bên. Đường phụ 30m, vỉa hè 2m, mỗi bên trồng một hàng cây.

Riêng các bến sông, rạch Bến Nghé, Thị Nghè rộng 40m, vỉa hè 6m, hai hàng cây trồng hai bên. Do địa hình không bằng ph, nên hệ thống nước thoát nước, cung cấp nước tiêu dùng luôn có hệ thống cửa đóng mở có tác dụng ngăn triều, xả lũ khi cần thiết…Một đô thị Sài Gòn xưa tuy mới sơ khai nhưng đã được quy hoạch thiết kế có tầm nhìn tương lai, mặc dù khi đó chỉ có hơn nửa triệu dân.

Kể từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chọn Bến Nghé trên bờ sông Sài Gòn làm trung tâm hành chính, thương mai, quân sự đã xác định vị trí nằm nơi cao ráo, sát bờ sông nối với sông rạch chi chít, thông thương khắp nơi.

Từ năm 1929 đến hết thập niên 1960 Sài Gòn không hề bị ngập lụt. Thời kỳ trước 1975, dưới thời VNCH, Sài Gòn từng có những trận lũ lụt, nhưng không đáng kể.

Trong ký ức người Sài Gòn và Nam bộ nói chung, chỉ duy nhất  có trận bão lụt, cuồng phong kinh hoàng nhất xảy ra vào năm 1904, tâm bão đi vào đất Gò Công, Bến Tre quét sang tận Campuchia mới có thể nhấn chìm Sài Gòn trong biển nước. Mô tả trên Nam kỳ tuần báo số 85 ra ngày 8-6-1904: "Đến 5 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, làm ngã cây cối, đứt mất dây thép và dây điện, nhận chìm tàu ghe, cột đèn, cột dây thép…"

Tờ  L'Opinion và Le Courrier de Sai Gon thì viết: "Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn có một cái vòi rồng từ trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mười thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không rồi khiêng đại xuống mặt đất".

Cơn bão lịch sử ấy đã làm chết trên 3.000 người và thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng ngày nay. Còn mưa gió, triều cường bình thường theo chu kỳ thì hầu như không ảnh hưởng gì đến Sài Gòn, không  gây ngập lụt. Vấn đề cốt lõi ở đây là hệ thống thoát nước, tiêu nước đảm bảo không gây ngập, dân cư còn ít, bê tông hóa chưa san bằng tất cả mặt đất đô thị như ngày nay.

…và nay, nước ngập vẫn đe dọa người dân từng ngày

Tổng chiều dài hệ thống thoát nước toàn thành phố hiện có trên 4.176 km. Theo phân cấp quản lý, Trung tâm chống ngập thành phố quản lý hơn 1.469km cống cấp 2, 3 cùng 68.490 hầm ga. UBND các quận, huyện quản lý 2.707km cống cấp 4 và hẻm nhánh cùng 146.638 hầm ga.

Hiện TP đã đầu tư thêm hơn 618 km cống các loại để phục vụ chống ngập và thoát nước đô thị. Riêng khu vực nội thành tại các quận 1,3,5 có trên 100km cống vòm xây dựng từ năm 1870 thời Pháp, nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng. TP đã đầu tư 320 tỷ đồng cải tạo 4.000m cống đã cũ triển khai thực hiện trong thời gian 2017 đến 2020.

Chương trình chống ngập của thành phố đặc biệt quan tâm từ sau trận ngập lụt lịch sử do mưa lớn suốt 3 ngày liên tiếp vào 15-12-2008, sau 50 năm mới có, khiến nước ngập nhiều nơi trên 1,55m, gần 100 điểm ngập nặng thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hàng Bàng, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kinh Đôi - Kinh Tẻ, bùng binh Cây Gõ, và các quận còn lại…

Rốn lũ trong lòng đô thị được khoanh vùng rộng ước khoảng 350 ha thuộc khu vực quận 5,6,11 không chỉ nước ngập đường đi mà cả khu vực dân cư sinh sống. Nguyên do từ các tuyến cống, hố ga, các kênh, rạch thông ra các sông kênh khác nối thông thương đều bị tắc nghẽn, lấn chiếm, ô nhiễm nặng nề do dân số tăng đột biến và đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất cao.

Chương trình chống ngập thành phố được xác định theo quy hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị.  Từ  2011 - 2015 có 3 dự án triển khai với tổng vốn đầu tư 22.948 tỷ. Trong đó, có 2 dự án ODA cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 (JICA), vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 (WB) và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát.

Năm 2016, TP Hồ Chí Minh cho khởi động thêm siêu dự án xây 6 cống kiểm soát triều và 7km đê ven sông Sài Gòn bảo vệ 570km2 khu trung tâm thành phố và bờ hữu sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng do tập đoàn Trung Nam đầu tư. Hiện công trình đang tạm ngưng thi công dở dang do chưa giải ngân.

Thành phố vẫn ngập dù đã tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập, nhưng người dân không an tâm. Nhiều cấp ngành của Thành phố cùng lo việc chống ngập, ngăn triều, thoát tiêu nước… nhưng theo Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn II từ 2016-2020, các dự án lớn nhỏ trong chương trình  chống ngập vẫn phải cần thêm 73.379 tỷ đồng thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch trong phạm vi trung tâm. 

Ngay trong đồ án đầu tiên về Sài Gòn, Trung tá công binh Coffyn tính toán đô thị Sài Gòn thiết lập trên bờ sông cao ráo có diện tích khoảng 2.500ha, với 500 ngàn dân. Theo đó, để thoát nước tự nhiên theo triền dốc, cần thiết lập các hồ nhân tạo có cửa mở đóng tự động nhận nước sạch từ sông, kênh và thải nước bẩn ra các kênh Bến Nghé, Thị Nghè khi triều rút.

Năm 1943, kỹ sư Pugnaire và KTS Cerutti công bố đồ án chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn đến năm 2000, ước khoảng 1 triệu dân. Đặc biệt trong dự án này, có đề xuất đào một hồ nhân tạo phía Tây đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay, vừa lấy đất tôn nền nhà xây dựng đô thị vừa chứa nước mưa dựa vào hệ thống thoát tự nhiên ra kênh mương dẫn ra sông Sài Gòn. Đáng tiếc, dự án đã không được thực hiện do chiến tranh.

Dưới thời VNCH, các KTS Ngô Viết Thụ, KS Trần Lê Quang cũng đã từng công bố dự án thiết kế Sài Gòn. Theo đó, căn cứ các chi tiết nghiên cứu toàn diện, đã đề xuất Sài Gòn chỉ phát triển theo trục Đông - Tây hướng xa lộ Biên Hòa, Đại Hàn và hướng Đông Bắc (Thuận An, Dĩ An), Tây Bắc (Củ Chi).

Các KTS, Ks cũng khuyến cáo việc phải di dời các cơ sở kỹ nghệ, đại học ra khu vực đô thị mới song song với Sài Gòn cũ và bất luận mọi điều kiện cũng không được phát triển kỹ nghệ và đô thị hóa về hướng Nam và Đông Nam tại Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh ngày nay. Vì đây là vùng trũng, nên xây dựng các hồ điều tiết nước, chỉ thích hợp phát triển sinh thái, không được bê tông hóa. Tất nhiên, dự án 12 thiết kế này đã không thực hiện vì xảy ra sự kiện giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975. 

Cần có tầm nhìn lâu dài và đồng bộ việc chống ngập với quy hoạch chung

Theo các nhà khoa học và chuyên gia trong nước, quốc tế tại các hội thảo, hội nghị do TP Hồ Chí Minh tổ chức trong nhiều năm qua, khái quát công trình chống ngập lụt cho TP chia thành 3 vùng thủy lợi gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè; khu vực ngã 3 sông Sài Gòn -  Đồng Nai và khu vục bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp.

Riêng khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, tập trung khống chế, điều tiết nước, cải thiện môi trường, xây dựng hệ thống công trình khép kín gồm khoảng 13 cống kiểm soát triều và 172km đê bao biến thành dòng chảy hai chiều để nhận và tiêu thoát nước đô thị trung tâm. Dự án này thực hiện có điều chỉnh và bổ sung, thay đổi nhiều hạng mục.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai hàng chục dự án chống ngập, thoát nước, cải tạo tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, triển khai xây dựng các hồ điều tiết nước mưa, xây cống đập ngăn triều, đê bao, nạo vét các kênh rạch, phục hồi khai thông các kênh rạch tắc nghẽn, bị vùi lấp khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Tham Lương, Xuyên Tâm, nâng cốt nền nhiều tuyến đường huyết mạch, cải tạo thay thế hệ thống cống, hầm hố ga…

Thế nhưng, chỉ những việc này thôi là chưa đủ, chưa thể giúp thoát nước, thoát ngập. Liên tục hai ba trận mưa vào các ngày 19, 20-5 vừa qua cho thấy, đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Hóa… ngập rất sâu, trong khi đường vừa đặt hệ thống cống thoát rất lớn. Nguyên do chính là không có sự kết nối, liền mạch, đồng bộ với các kênh rạch và các cống thoát khác nên bao nhiêu nước trút xuống cống lại tràn lên mặt vì không có đường thoát.

Không thể tách riêng việc chống ngập một đô thị hiện đại có khoảng 10 triệu dân sinh sống khi công cuộc đô thị hóa đang diễn ra gần như vượt quá tầm nhìn quy hoạch. Các nhà quản lý, hoạch định chiến lược và kiến trúc đô thị hiện đại hình như đang chăm chú vào chống ngập thoát nước, ngăn triều mà không quan tâm về sự mất cân bằng về quy hoạch đô thị.

Có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên như nấm từng ngày, từng giờ và diện tích mặt đất bị bê tông hóa đang thu hẹp dần đến mức không còn trong khu vực trung tâm thì đồng nghĩa với việc thoát nước tự nhiên sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn trong thời gian ngắn. Và thực tế, về tầm nhìn hiện nay cho thấy: đô thị hóa, công kỹ nghệ, các trường đại học… đang xây dựng, sử dụng lại diễn ra về hướng biển Đông, hướng Đông Nam thành phố rất rầm rộ phá vỡ mọi cảnh báo của các nhà khoa học khi chúng ta đang lầm lũi từng bước tiến về biển Đông…

Trong bối cảnh diễn biến thay đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, chúng ta đang đi vào vùng ngập lụt một cách tự nguyện. Vậy thì dù có phải tiêu tốn thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng chống ngập nữa thì ngập vẫn là ngập.

Hoàng Châu
.
.