Tái hiện những đề tài “nóng” trên sân khấu

Thứ Năm, 23/07/2015, 18:55
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu (NTSK) về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đã đi được gần hết chặng đường với những vở diễn đủ các đề tài, thể loại… Những buổi diễn chật ních khán giả trong khán phòng tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội đã khẳng định được sức hút của Liên hoan.

27 vở diễn với rất nhiều diễn viên tham gia, dù họ là đoàn trung ương hay địa phương thì cũng đã và đang thể hiện hết sức mình những tâm huyết để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND một cách trọn vẹn, sâu sắc nhất. Bởi vì, nói như nhà văn Xuân Đức, thành viên Ban Giám khảo, bên cạnh việc đạt được yêu cầu mà Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đặt ra thì hầu hết các vở diễn đã phản ánh được cả những vấn đề lớn của xã hội: từ cuộc sống hiện đại, đạo đức xã hội, những vấn đề nóng của thời cuộc, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, trộm cướp, giết người… Đó là những tác phẩm trọn vẹn về mọi vấn đề của cuộc sống đương đại.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, người khởi xướng, đề nghị tổ chức Liên hoan về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” định kỳ 5 năm 1 lần: Liên hoan đáp ứng được mọi tiêu chí quốc gia

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Hình tượng Người chiến sĩ CAND luôn là một đề tài mới lạ và hấp dẫn đối với các nhà văn, các nhà viết kịch, đặc biệt là trên sân khấu và phim. Từ sau giải phóng đến nay thì đây là một trong những đề tài nóng nhất. Đặc biệt, gần đây thì không tháng nào không có phim về đề tài Công an trên các kênh sóng và trên sân khấu thì hầu như tất cả các nhà hát, các đoàn trên cả nước đều có ít nhiều các vở diễn có Hình tượng Người chiến sĩ CAND.

Từ thực tiễn đó, năm 2005 tôi đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập CAND, tổ chức Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”. Thành công rực rỡ của lần đầu tiên, đã cho phép chúng tôi tổ chức thường niên lần II và đến nay, là lần thứ III. Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945-19/8/2015) và 10 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (19/8/2005-19/8/2015).

Là Liên hoan thường kỳ lần thứ ba nhưng là lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan NTSK toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND". Như vậy, đề tài về hình tượng Người chiến sĩ CAND có sức lan tỏa rất mạnh, nó tạo cảm hứng cho tất cả các nhà văn, các nhà sáng tác viết về hình tượng Người chiến sĩ CAND. Đối với các đoàn nghệ thuật là một sân chơi đầy lý thú vì đã ra sân khấu là biểu diễn hết mình để đem về huy chương, danh hiệu cho đoàn mình.

Một cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu”.

Như vậy, liên hoan này đã đáp ứng được 3 yếu tố: thứ nhất là về chính trị, thứ hai là góp phần cho các hoạt động của sân khấu nói chung bớt tẻ nhạt và giúp các nghệ sĩ thể hiện vai trò của mình và quan trọng hơn là để cho công chúng hiểu thêm về những chiến công thầm lặng, những hy sinh gian khổ và cả lòng quả cảm của Công an Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình.

Tôi tin rằng, Liên hoan NTSK về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" sẽ được tổ chức thường kỳ và sẽ mang lại cho khán giả những điều lý thú, bổ ích…

Diễn viên Nguyệt Hằng: Đau tận cùng nỗi đau của nhân vật

Diễn viên Nguyệt Hằng.

Tôi vào vai người mẹ có con là kẻ giết người trong vở kịch "Ai là thủ phạm" của Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung. Vai diễn xuất hiện ngay từ đầu nhưng đến giây phút cuối mới thực sự bùng cháy. Đây là một vai diễn đầy nội tâm. Người mẹ, một người phụ nữ tưởng cam chịu, bảo sao nghe vậy, sợ chồng, chỉ biết câm lặng trước mọi sự sắp xếp của ông chồng nhưng cuối cùng lại là người đầy mạnh mẽ trước tội ác của con mình, hiểu con mình hơn ai hết. Chính bà là người đã khuyên chồng không nên giấu tội của con, đưa con ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Những cảnh cuối cùng đầy nước mắt, đầy nỗi đau của tấm lòng người mẹ, nhưng sự mạnh mẽ, dứt khoát đã toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chấp nhận đau một lần để được thanh thản và mang lại hạnh phúc cho con mình. Đây là một vai diễn tôi thích vì nó hợp với tạng của tôi, diễn nội tâm. Đây cũng là vở kịch mà trước khi tham gia Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, chúng tôi đã có những suất diễn ở nhiều sân khấu và được nhiều người yêu thích.

Tôi cho rằng, đề tài hình sự, đề tài an ninh luôn là một đề tài hay, được chú ý, quan trọng là có kịch bản hay, có đạo diễn tốt, có một đội ngũ diễn viên yêu nghề… thì sẽ có một vở diễn hay để cống hiến cho khán giả. Thực tế cho thấy, trên các báo, các mạng hiện nay, ở đâu cũng ngập tràn các chủ đề về cướp của, giết người, đó là một thực trạng đời sống cần phản ánh. Và Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần này đã là một điểm nhấn để sân khấu kịch có một cái nhìn tổng quát, chân thực về hình ảnh người chiến sĩ CAND.

Thật sự mà nói, không có các anh thì cuộc sống rất bất an. Cứ ở đâu có bóng dáng cảnh sát, công an là yên tâm ở đó. Tôi nhiều đêm đi diễn về khua, đi đường thấy bóng các chiến sĩ Cảnh sát cơ động là yên tâm hẳn. Tôi mong rằng, sẽ có những kỳ liên hoan nữa và nhà hát của tôi cũng sẽ có những vở kịch về đề tài an ninh tham gia, bởi vì trước hết đây không chỉ là một đề tài an ninh chuyên biệt, mà là mọi vấn đề của đời sống được tái hiện và đẩy đến tận cùng với những va đập của các cảnh huống xã hội và các diễn viên có dịp được thể hiện hết cá tính của mình trên sân khấu. Hơn nữa, về mặt nghề nghiệp đây cũng là dịp hội ngộ các nghệ sĩ ba miền mà rất ít khi bên sân khấu có những dịp tụ hội như vậy.

NSƯT Minh Béo: Gương sáng người chiến sĩ Công an đã đi vào lòng dân

NSƯT Minh Béo.

Đây là lần đầu tiên Sân khấu CINEMA Sao Minh Béo tham gia Liên hoan NTSK về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” với mục đích được học hỏi, giao lưu và trải nghiệm cũng như cơ hội cọ xát với đồng nghiệp. Cũng bởi đến với cuộc thi tâm trạng thoải mái nên cả đoàn của tôi không phải chịu một áp lực nào về giải thưởng hay danh hiệu. Bởi vì, trước hết, chúng tôi muốn cống hiến cho khán giả Thủ đô một vở kịch hay, vừa có tính giải trí, vừa có tính chính thống, vừa có những yếu tố hài hước, vừa có những bất ngờ thú vị trong việc tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ CAND trong thời đại mới.

Vở kịch của chúng tôi tham gia là "Kẻ máu lạnh", đây là một vở kịch gói gọn trong một vụ án mạng với những kiểu giết người đầy man rợ của đời sống hiện đại. Những cuộc thảm sát, phanh thây, độc ác, như rất nhiều các vụ án mà chúng ta vẫn thấy hàng ngày trên đất nước. Những cuộc thảm sát đẫm máu và đau đớn nhưng cũng đầy tinh vi của kẻ giết người, khiến cho công việc điều tra của các chiến sĩ rất gian nan. Trước cái ác, họ, những người chiến sĩ CAND đã phải chịu nhiều hy sinh mất mát, những khó khăn và hiểm nguy…

Trong vở kịch, Minh Béo cho một hình ảnh nữ CSND xuất hiện trong vai trò là một nữ diễn viên chính. Làm người chiến sĩ CAND đã chịu nhiều vất vả, nhưng là nữ chiến sĩ CAND điều tra, phá án, thì sự vất vả ấy còn nhân lên gấp bội. Ở đây, khi xem kịch khán giả sẽ thấy ngoài yếu tố nghệ thuật thì vở kịch còn mang tính giải trí, có nhiều chiêu trò, sẽ không bị kêu là khô khan mà ngược lại nó mượt mà và đời hơn. Vở kịch đã chinh phục được khán giả miền Nam với hơn 20 suất diễn tại sân khấu CINEMA Sao Minh Béo.

Tham dự Liên hoan, chúng tôi muốn chinh phục khán giả Thủ đô. Bản thân Minh Béo, cũng vào một vai phản diện, chính là tên giết người với bệnh đa nhân cách. Một căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Tôi cho rằng, vai diễn đã là một lời cảnh báo thực sự đối với những ai đã và đang mắc phải căn bệnh này, bởi vì hậu quả của nó là tất yếu. Vai diễn thực sự đã mang lại cho Minh Béo nhiều cảm xúc, giúp tôi vượt qua được chính mình. Bởi vì nói đến Minh Béo là nói đến các vai hài, và đây là lần đầu tiên tôi đóng vai tâm lý này, nhưng nó thực sự bị ám ảnh. Thậm chí có nhiều đêm nằm ngủ tôi bị giật mình vì nằm mơ thấy đang diễn và bị… bắt!

Vai diễn của tôi là cái ác, là kẻ giết người, cuối cùng bị trừng trị theo cách nói của cha ông, gieo nhân nào gặt quả đó, cái ác cuối cùng cũng phải trả giá, hình tượng người chiến sĩ công an vụt sáng vào những giây phút cuối cùng thể hiện cho công lý và công bằng xã hội. Khi hóa thân vào nhân vật, mình bị ám ảnh ghê lắm, và đó cũng là một trong những "bệnh nghề nghiệp", sự ảnh hưởng của nhân vật quá lớn khiến mình khó thoát ra được. Có lẽ tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục có những vở diễn thuộc đề tài này, để có thể đưa được những vấn đề nóng của xã hội lên sân khấu.

Diễn viên Hòa Hiệp: Khâm phục tài năng của các chiến sĩ CAND

Diễn viên Hòa Hiệp.

Trong Liên hoan này, Công ty CP Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn tham gia hai vở và tôi đóng hai vai ở hai trạng thái đối lập: một vai phản diện và một vai chính diện. Vai phản diện trong vở "Chuyên án 292", còn vai chính diện trong vở "Người đàn bà uống rượu".

Đối với Hiệp, vai diễn nào cũng đầy tâm trạng. Ở vai phản diện, bản thân mình là dại diện cho cái xấu, cái ác, nên bị trừng trị. Còn ở vai chính diện, thì nỗi đau, nước mắt lại đẩy lên tột cùng khiến cho diễn viên là những người tập, diễn nhiều, mà vẫn thực sự xúc động. Ở vai chính diện trong "Người đàn bà uống rượu" Hòa Hiệp vào vai một người lính cảm tử, đã hy sinh, đoạn cuối thấy vợ con cầm di ảnh của mình với những câu chuyện, những lời lẽ xót xa, mà ở trong cánh gà, Hiệp cứ khóc mãi không ngừng được.

Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” diễn ra trong thời điểm có những vụ án mạng lớn xảy ra trên đất nước chúng ta, khiến cho khán giả, bản thân các diễn viên như tôi cũng cảm thấy cuộc sống đầy nỗi bất trắc, đầy những cái ác đang lẩn khuất đâu đó trong bóng tối, chỉ cần có cơ hội là nó xuất đầu lộ diện.

Tôi cũng khâm phục các chiến sĩ CAND, thực sự là không có vụ án nào các anh để lọt lưới tội phạm. Dù vất vả, hiểm nguy, thậm chí gian khổ hy sinh họ vẫn quyết tâm tìm ra thủ phạm. Đó là một điều rất giỏi ở các chiến sĩ CAND Việt Nam. Chắc chắn những vở kịch không thể nào tái hiện lại một cách trọn vẹn các chiến công ấy, chúng tôi cũng không thể nói hết được những nhọc nhằn mà các anh phải trải qua, song đây cũng là dịp mọi người có một cái nhìn tổng quát về hình tượng Người chiến sĩ CAND để từ đó mang đến một thông điệp cho khán giả, cho người xem về bài học cảnh giác trong cuộc sống.

Bởi vì chờ đến khi xảy ra vụ án rồi, các chiến sĩ Công an tìm ra thủ phạm rồi thì có khi mọi việc đã an bài, bị kẻ xấu lừa, dính vào vòng lao lý hay hy sinh bản thân cũng chỉ là một hậu quả cho những việc không lường trước của mỗi con người trong cuộc sống. Bởi vậy, bài học cảnh giác cần được nêu cao trong cuộc sống để có thể giảm bớt nỗi đau.

Tôi cũng rất may mắn vì mới đây vừa vào vai một chiến sĩ công an trong bộ phim "Bản năng nguy hiểm" dài 35 tập. Một chiến sĩ công an làm về pháp y chuyên mổ tử thi sinh ra trong một gia đình có truyền thống công an. Với 35 tập phim, tôi cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để có thể từ đó, mang hơi thở với đầy chất "hình sự" đến với các vở kịch của mình, để cống hiến cho khán giả những giây phút thực sự có ý nghĩa.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.