Tai hoạ từ bẫy điện

Thứ Bảy, 22/09/2007, 14:15
Khi nạn nhân Lê Đăng Lệ, 16 tuổi, được phát hiện trong nhà kho của Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa thì anh ta chết đã khoảng 4 ngày. Thời tiết nóng nực tháng 6 làm tử thi phân hủy mạnh.

Theo ông Trịnh Quang Nhàn 68 tuổi - bảo vệ kho vật tư của HTX - người đầu tiên phát hiện tử thi thì sáng sớm ông mở cửa kho thấy anh Lệ chết nằm trên nền nhà kho, các cửa, mái kho không có dấu hiệu cậy phá.

Trong kho trống rỗng, chỉ có khu vực sát tường hồi phía bắc, nơi phát hiện tử thi có nhiều thùng đựng thuốc trừ sâu và bình phun thuốc, mấy chiếc xe cải tiến đã hỏng, tre pheo và những đồ bỏ đi khác chăng đầy mạng nhện.

Đặc biệt khác lạ là trên các vật dụng này được chăng quấn chằng chịt những dây kim loại chắp nối để trần trên một diện tích, không gian khá rộng. Tường hồi phía bắc có một lỗ thủng cũ bám bẩn do gà, chó chui nhưng rộng đủ để người chui lọt. Hai bàn chân anh Lệ rất gần lỗ thủng này còn thân thì ở trong đám hỗn tạp kia, bên cạnh có một bóng điện tròn đã cháy dây tóc.

Kinh nghiệm nghề nghiệp làm các cán bộ Kỹ thuật hình sự tính đến tình huống đây là chỗ gà đậu ban đêm, chủ gà đã chăng bẫy điện và Lê Đăng Lệ đã bị điện giật chết khi chui qua lỗ tường thủng vào bắt trộm gà?

Khi khám nghiệm hiện trường mở rộng tại nơi ngủ của bảo vệ Trịnh Quang Nhàn có một phích cắm nối với một đoạn dây dẫn có vỏ bọc được kéo qua đầu hồi phía bắc vào trong kho. Khám nghiệm chi tiết thì thấy điện được truyền vào “hệ thống mạng nhện” từ chỗ đui bóng đèn (bị cháy, phát hiện cạnh tử thi).

Tử thi có hai vết cháy song song ở vai áo phải và hai vết cháy lõm da song song màu đen, khô cứng ở cổ sau và vai phải. Các cán bộ điều tra không khó khăn gì khi thuyết phục bảo vệ Trịnh Quang Nhàn nhận đúng tội của mình!

Những năm gần đây người ta khoái ăn thịt “tiểu hổ”, trước nữa là món chế biến từ rắn, vì thế hai loài này bị hạ thủ không thương tiếc nên họ nhà chuột sinh sôi đàn đống. Nhà nông khổ sở vì chuột phá lúa màu nên nhiều nhà mua nilon để bao quanh ruộng lúa chống chuột. Một số người lại nghĩ ra cách bẫy chuột bằng điện.

Cứ nơi nào có của nả, đã bị mất trộm hay có nguy cơ mất trộm là có thể xuất hiện bẫy điện. Hai anh em cháu H., 9 tuổi; cháu T., 6 tuổi ở xã B., huyện Thanh Oai, Hà Tây sang hàng xóm xem nhờ tivi, giữa chừng T. bỏ ra ngoài. Khi hết chương trình không thấy em đâu, H. về nhà...

Cả nhà đi tìm, đến chỗ ruộng dưa lê nhà M. thì thấy ánh lửa điện lập lòe. Soi đèn pin thấy cháu T. chết nằm sấp trên mặt đất, dây điện trần dính ở trán vẫn đang phóng điện. Xung quanh vườn dưa nhà M. được bao bằng tường gạch, nhưng có một đoạn là dậu tre dây, chỗ này có một lỗ hổng sát mặt đất như lỗ chó chui. Cháu T. vừa chui lọt vào vườn thì trán chạm phải dây điện trần chăng cách mặt đất khoảng 10 phân... làm cháy hết da vùng trán...

Ở một xã huyện Hoài Đức, Hà Tây có một nhà chuyên chứa đám đánh bạc đêm và nhà bên cạnh thỉnh thoảng cứ đêm đến lại mất gà. Bẫy điện giăng ra, thế rồi một sáng dậy chủ nhà hoảng hồn thấy người hàng xóm chết cạnh chuồng gà do bẫy điện của nhà mình. Nhà bẫy điện ân hận nhưng đã muộn.

Ở xã N., Nghi Xuân, Thanh Hóa, vì mất trộm lợn nên anh H. mua 2kg dây thép 1 ly (loại buộc cốt thép bêtông) đan quanh chuồng lợn, ban đêm đấu điện vào đó. Chuồng lợn nhà anh H. lại sát lối đi nên người dân bám vào để tránh ngã. Người không may là anh L. bị điện giật chết ngay tại chỗ.

Ở xã T., huyện Thanh Hà, Hải Dương có nạn trộm cắp cành chiết cây vải thiều. Một ông chủ dựng chòi trong vườn, thuê một thanh niên trông coi 24/24 giờ. Anh chàng này nghĩ ra “diệu kế” chăng bẫy cắm điện ban đêm, ban ngày rút ra.

Một sáng kia anh chàng ngủ quên, đến khi có tiếng hô hoán ầm ĩ, giật mình tỉnh dậy mới biết có người bị điện giật chết trong vườn. Người xấu số là một thanh niên xã bên cạnh đi đánh cá về vướng phải dây điện chăng bẫy.

Các giám định viên Pháp y cho biết so với  các loại tai nạn lao động thì bị điện giật nguy hiểm hơn các loại tai nạn khác 9 đến 15 lần, nghĩa là số người tử nạn nhiều gấp 9 - 15 lần.

Điện được sử dụng hầu hết là dòng xoay chiều có tác dụng kích thích (giật) rất mạnh và rất khó biết trước mức độ nguy hiểm. Khi bị điện giật có khi chết ngay tức thì; có khi chết chậm hơn một chút.

Những người bị điện giật mà thoát chết thì có khi sợ quá mà có cảm giác như tắc ở cổ không nói được, có người rối loạn tâm thần, quên, co giật, có khi lên cơn như động kinh, cơ thể có rất nhiều biến loạn, rồi loét dạ dày, viêm khớp, ung thư da chỗ bị điện giật...

Ai cũng mong nông thôn có điện. Nhưng từ khi làng xóm có điện đến nay đã xảy ra không biết bao nhiêu tai họa đau lòng. Tai nạn điện do sinh hoạt, sản xuất xảy ra thường xuyên ở mọi nơi, mọi chốn do thiếu hiểu biết sinh ra bất cẩn, cùng với nếp sinh hoạt cẩu thả, tùy tiện của người dân. Nhưng cần phải lên án mạnh mẽ hành vi bẫy điện.

Đành rằng người nông dân một nắng hai sương, cóp nhặt từng ngàn bạc xót xa lắm khi tài sản của mình bị lấy cắp, bị phá hoại. Nhưng bẫy điện chính là hành vi giết người cần phải được pháp luật xử lý nghiêm

Nguyễn Văn
.
.