Tại sao bột phát phạm tội?

Thứ Sáu, 24/05/2013, 22:25

Tội phạm xảy đến từ những người vị thành niên hoặc những người chưa từng dính líu tới pháp luật luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà chuyên môn cùng dư luận. Câu hỏi "tại sao…" luôn bàng hoàng và đau đớn mỗi khi một vụ án mạng xảy ra theo cái cách mà người ta cho là bột phát như thế. Những phân tích, giải đoán tâm lý đưa ra cho các trường hợp này xưa nay không thiếu, nhưng dường như cũng chưa bao giờ đủ cả.

Trong nhiều cuộc bàn thảo, các chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra các lý giải cho loại tội phạm kiểu này. Một đứa trẻ vị thành niên, chưa nhận thức được các giá trị cơ bản của cuộc sống hay một người xưa nay vốn được coi là hiền lành, nhẫn nhịn, chẳng va chạm với ai bao giờ bỗng phạm tội ác tày đình, cướp đi sinh mạng của người khác.

Những hành vi bột phát theo hướng tiêu cực ấy quả thực làm đau đầu nhiều chuyên gia. Không phải không có lý khi cho rằng những hành vi giết người tàn nhẫn, dù có nguyên nhân vô lý đi nữa, thì đều đã được nuôi dưỡng từ trước bởi những thói quen bạo lực lặp đi lặp lại trong gia đình, sự nuông chiều thái quá dẫn đến những góc nhìn lệch lạc của những đứa trẻ vị thành niên.

Các loại phim ảnh, ấn phẩm, trò chơi bạo lực được coi như tác nhân gây hại tiếp cận quá dễ dàng với giới trẻ. Trong khi đó giáo dục lối sống, giáo dục pháp luật và ý thức công dân bị buông lỏng. Sự tha hóa về đạo đức ở đâu đó đã và đang diễn ra công khai gây tác động xấu về nhận thức. Tuy nhiên, với những nguyên nhân này, ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể chỉ ra được, chỉ có điều không ai hành động và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm, trừ những người trực tiếp liên đới vụ việc!?

Những nguyên nhân ấy giờ đã trở nên cố hữu, được nhắc đến nhiều. Một tiến sĩ tâm lý từng bàn rằng, nguyên nhân xã hội đối với những trường hợp phạm tội kiểu này đương nhiên là có, nhất là đối với những người trẻ. Bởi con người là thành tố của xã hội, con người chịu chi phối trong đó và tác động ngược lại.

Như một cơ thể, ung nhọt từ chính cơ thể ấy sinh ra, nói cách khác là do chính cơ thể ấy nuôi dưỡng, và rồi nó lại ảnh hưởng, gây đau đớn lại cho cơ thể ấy. Nhìn nhận vấn đề thì đúng là như vậy.

Nhưng cũng như kết quả của nó, những lý giải kiểu này thường khiến người ta cảm thấy "dễ chịu" với vụ việc nhưng lại không thực sự có thể đi đến tận cùng của sự việc. Bởi nhẽ cái "nguyên nhân xã hội" ấy có thể hiểu là những gì xung quanh tác động đến một con người cụ thể nhưng nếu đứng trên bình diện khác để quan sát thì cái nguyên nhân ấy thực ra lại chẳng phải của ai cả, và như thế cũng có nghĩa rằng cũng chẳng - là - ai - cả!

Đến đây chắc hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc vậy thì cái gì đã khiến cho một thanh niên còn chưa đủ 18 tuổi trong một lúc nhẫn tâm có thể giết cả nhà cửa hàng vàng để cướp vàng? Hay một cô bé học trò còn chưa rời khỏi ghế nhà trường đã đủ phẫn uất để làm một việc tày trời là dùng dao đâm chết người khác?

Chuyên gia tâm lý - thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đã đưa ra kiến giải sự việc trên dưới góc độ tâm lý bằng cách quy về hoạt động sinh học của bộ não. Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, những hành vi được coi là bột phát ấy thực ra là cả một quá trình diễn biến trong bán cầu đại não dưới sự tác động của một loại hormon có tên là cortisol.

Theo ông Quân, bằng cách lý giải này, người ta có thể hiểu được tại sao những trường hợp giết người hoàn toàn bột phát, mù quáng như con giết cha, anh giết em, chồng giết vợ… một cách man rợ rồi sau đó, chính đương sự khi "tỉnh" lại, lại ngồi khóc hu hu hoặc hối hận vô cùng chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì cortisol là một loại hormon corticosteroid (tức là loại hợp chất hữu cơ tự nhiên được tổng hợp bởi các tuyến nội tiết trong cơ thể) được sản sinh bởi bộ phận tên là Zona fasciculata trên vỏ thượng thận (thuộc tuyến thượng thận). Đây là hormon vô cùng quan trọng và thường được xem là "hormon stress" (hormon bắt buộc). Nó làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và có tác động kháng miễn dịch (tức ngăn cản khả năng miễn dịch trong cơ thể).

Trong dược lý học (nghiên cứu tác dụng của thuốc đối với cơ thể), cortisol tổng hợp được xem như hydrocortisone và được dùng như là chất đối kháng để điều trị bệnh dị ứng (đối với thuốc hoặc thức ăn) và các chứng sưng, viêm cũng như dùng làm chất thay thế bổ sung trong các chứng thiếu hụt cortisol.

Khi lần đầu được giới thiệu như là thuốc điều trị chứng thấp khớp nó được gọi là hợp chất E. Cortisol thuộc loại Glucocorticoid, kiểm soát quá trình giáng hóa hydrat-cacbon, chất béo và trao đổi protein và là chất kháng viêm với tác dụng ngăn cản sự giải phóng phốtpho-lipít, giảm hoạt động bạch cầu ưa toan và hàng loạt các cơ chế khác.

Cortisol được sản sinh ra mỗi khi con người ta cảm thấy bị stress. Stress được giải tỏa thì cortisol cũng sẽ được cơ thể bài tiết. Stress không được giải tỏa thì cortisol tích tụ ngày càng nhiều. Một hình họa xoáy trôn ốc hướng tâm mô tả cụ thể cơ chế tác động của cortisol. Với tác động cơ bản đã nói ở trên, cortisol ngăn cản "một cách nhiệt tình" bán cầu đại não tiếp nhận thông tin mới.

Khởi điểm là vòng ngoài của vòng xoáy trôn ốc, và đỉnh điểm của stress là điểm cuối cùng trong vòng xoáy ấy. Đến thời điểm ấy, cortisol tràn ngập vỏ não, đương sự gần như mất kiểm soát, không thể tiếp nhận bất cứ thông tin nào khác từ bên ngoài, kể cả tiêu cực lẫn tích cực. Tất nhiên, như đã nói, vòng xoáy trôn ốc của mỗi người là khác nhau. Bởi thế không phải ai lên đến đỉnh điểm của stress cũng phải đi… giết người!

Nhưng điều này lý giải khá rõ ràng rằng một khi cơn nóng giận lên, người ta không còn muốn nghe ai nói - tiếp nhận thông tin - nữa, cho dù đó có là lời khuyên nhủ hay đe dọa. Bởi vậy, theo lời bàn của chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì cách hiệu quả nhất để xử lý stress - cơn nóng giận - đó là những người có liên quan tốt nhất là không nên nói gì cho đến khi cơn giận nguôi đi - cortisol đã tan bớt đi - thì não bộ lúc ấy mới có thể tiếp nhận thông tin được.

Trở lại với chủ đề chính, như vậy có thể hiểu cái gọi là bột phát trong hành vi phạm tội kia chỉ là hành vi không kiểm soát cuối cùng trong chuỗi ức chế xoáy theo hình trôn ốc. Thực tế cho thấy hầu hết các trường hợp chồng giết vợ, vợ giết chồng đều do mâu thuẫn nung nấu, mâu thuẫn từ nhỏ thành to. Trừ các trường hợp tội phạm chuyên nghiệp không bàn đến tâm lý trong chuyên đề này hoặc người bị tâm thần gây án, thì hầu hết các vụ thảm án do ngộ sát từ hành vi được coi là bột phát của các đối tượng thanh thiếu niên thời gian qua, đều mang yếu tố dồn nén này.

Vụ án mạng do nữ sinh Nguyễn Thị Hoa, học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lục Nam gây ra trước cổng Trường THPT Đồi Ngô có thể coi như là một điển hình. Trong một phạm vi hẹp (một hoặc một vài nhóm bạn chơi đan xen), những ức chế cứ thế lặp đi lặp lại mà không có cách giải tỏa, vòng xoáy trôn ốc cứ thế tiến dần đến tâm để rồi bột phát thành hành vi đâm chết người.

Đáng buồn là ở chỗ, sau khi vụ việc xảy ra, ông Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Lục Nam từng trả lời rằng ông biết giữa hai học sinh Hoa và My có mâu thuẫn, thậm chí còn biết khá rõ rằng đó là một chuyện nhạy cảm liên quan đến quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, theo ý của ông Giám đốc, thì "tuy trước đây có mâu thuẫn nhưng chưa từng xảy ra xô xát".

Và theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì đây cũng là một yếu tố đáng để xem xét nếu muốn nhìn sự việc trên góc độ diễn tiến tâm lý tội phạm. Mâu thuẫn dồn nén ngày qua ngày không có cách giải tỏa, cộng với nhận thức về mọi mặt còn quá non nớt của một cô học trò 16 tuổi đã khiến cho sự việc không thể cứu vãn được nữa.

Bàn về phương pháp giải quyết, theo chuyên gia tâm lý - thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, đưa ra biểu đồ diễn tiến tâm lý ức chế của cortisol xoáy theo hình trôn ốc như thế để thấy, việc cần làm là phải ngăn không cho vòng xoáy ấy đi đến điểm cùng cực của nó ở tâm đường xoáy. Điều này đòi hỏi một sự quan tâm đúng mực từ phía người thân xung quanh đương sự.

Đối với những đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên thì mối quan tâm giải quyết kịp thời của giáo viên chủ nhiệm cũng như các bạn cùng lớp, gia đình là vô cùng quan trọng. Quan tâm không chỉ đơn giản là biết việc, mà phải có những phương pháp giải tỏa bức xúc tâm lý hiệu quả. Cố nhiên đòi hỏi điều này đối với một số trường hợp có vẻ như vượt quá tầm, nhưng sự quan tâm giải quyết một cách kịp thời vẫn phải coi là mấu chốt giải quyết vấn đề.

Với lứa tuổi học trò, với sự hiểu biết xã hội, luật pháp còn quá nhiều hạn chế thì để cho sự việc trở nên trầm trọng, vòng xoáy trôn ốc càng đi đến gần tâm thì càng khó gỡ.

Quan điểm của chuyên gia tâm lý - thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, bức xúc kiểu nào thì gỡ kiểu đó. Quan trọng nhất là phải có cái nhìn thiện cảm với người đang có vấn đề. Trong một câu chuyện khác, ông Quân lấy ví dụ về trường hợp trẻ "nghiện" game online. Theo đó, việc nhìn một đứa trẻ đang quá mê game, thấy nó quá mê mẩn với game mà đã vội kết luận đứa trẻ đó hỏng là một sai lầm cực lớn.

Đơn giản đối với một đứa trẻ, khi đầu óc đang rất mở - như là một đặc trưng của lứa tuổi - thì những hình ảnh game online sinh động bắt mắt thâm nhập vào vỏ não gây ra cảm xúc là chuyện rất bình thường. Người lớn còn bị thế nữa là trẻ con. Cảm xúc khiến cho đứa trẻ ấy lúc nào cũng nghĩ đến game, mong muốn được nhập vai trong game… và trở thành nguyện vọng mỗi khi có thể.

Nguyện vọng lặp đi lặp lại trở thành nhu cầu. Mà đã là nhu cầu thì phải được thỏa mãn. Đứa trẻ sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn điều đó, tựa như nhu cầu khát nước thì phải tìm nước uống cho bằng được. Đây chính là giai đoạn phát sinh những hệ lụy. Một khi đã trở thành nhu cầu, thì con người ta sẽ cố tìm mọi cách để đạt được, kể cả đó là hành động tiêu cực. Càng ngăn cản càng cố gắng đạt tới. Đến giai đoạn này chính là lúc người ta cho rằng đứa trẻ đã… hỏng!

Tuy nhiên, xét trên góc độ tâm lý, chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân khẳng định nhu cầu là không thể thay thế, là phải được thỏa mãn. Nhu cầu không tự nhiên mất đi, nhưng nó lại có thể bị thay thế bởi nhu cầu khác mãnh liệt hơn. Và đây chính là chìa khóa của vấn đề. Quan tâm đúng mức, kiên trì, không cưỡng ép và thiết lập cho trẻ một mối quan tâm khác tích cực hơn, đến mức nó trở thành nhu cầu lấn át toàn bộ mối quan tâm thì việc trẻ tự rời bỏ thói quen kia chỉ còn là vấn đề thời gian

Việt Ba (vietanhp@gmail.com)
.
.