Tại sao chúng ta chớp mắt?

Thứ Sáu, 25/01/2013, 14:30

Tất cả chúng ta đều chớp mắt, dù nhiều lần hay ít lần. Tính trung bình, con người chớp mắt khoảng 15 đến 20 lần/phút với thời gian chớp mắt trong khoảng 0,2 đến 0,4 giây mỗi lần. Một nghiên cứu mới cho rằng bộ não sẽ bước vào trạng thái tạm thời nghỉ ngơi khi chớp mắt, có lẽ để giúp chúng ta tập trung đầu óc tốt hơn sau đó.

Mặc dù sự chớp mắt có mục đích rõ ràng - phần lớn là để bôi trơn nhãn cầu và đôi khi bảo vệ mắt khỏi bụi bặm và các tác động có hại khác - song các nhà khoa học nói rằng, chúng ta thường chớp mắt nhiều hơn mức cần thiết vốn dành cho riêng chức năng này. Do đó, chớp mắt là một bí ẩn về mặt sinh lý học.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào tháng 12/2012, một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đưa ra lời giải đáp đáng chú ý: Chớp mắt hay hành vi nhắm mắt trong thời gian cực ngắn có lẽ nhằm giúp chúng ta tập hợp những suy nghĩ lại và không còn tập trung vào thế giới xung quanh.

Sau các nghiên cứu sơ bộ về sự chớp mắt, nhóm nhà nghiên cứu cho rằng, những khoảnh khắc khi chúng ta chớp mắt không là ngẫu nhiên. Mặc dù có vẻ như tự phát, các nghiên cứu tiết lộ con người có xu hướng chớp mắt vào những lúc có thể dự đoán được. Đối với một số người đang đọc sách, chớp mắt thường xảy ra sau mỗi lần một câu kết thúc; trong khi ở số người đang lắng nghe một bài diễn văn thì đôi mắt họ sẽ chớp mỗi khi diễn giả dừng lại giữa các câu.

Một nhóm người xem cùng một video trong cùng một thời gian cũng vậy - tức là họ sẽ chớp mắt mỗi khi hành động trên màn hình ngắt quãng. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta theo tiềm thức mà sử dụng hành vi chớp mắt như là một điểm dừng nghỉ ngơi của trí tuệ, để tạm thời cắt đứt sự kích thích thị giác và cho phép chúng ta thoát khỏi tập trung sự chú ý.

Để thử nghiệm ý tưởng này, nhóm nhà khoa học Nhật Bản xét nghiệm 10 người tình nguyện khác nhau bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ gọi là fMRI  khi họ đang xem chương trình "Mr. Bean" trên tivi. Giám sát những vùng não cho thấy hoạt động tăng hay giảm khi các đối tượng nghiên cứu chớp mắt.

Theo phân tích, khi các đối tượng này chớp mắt thì những vùng não liên quan đến sự tập trung chú ý tạm ngưng hoạt động trong giây lát hay còn gọi là chuyển sang "mạng mặc định". Về lý thuyết, “mạng mặc định” này phục vụ sự nghỉ ngơi trí não tạm thời và sau đó đầu óc sẽ hoạt động mạnh trở lại khi sự chớp mắt chấm dứt.

Dữ liệu fMRI cũng cho thấy, khi các đối tượng chớp mắt thì những vùng não liên quan đến "mạng mặc định" sẽ không "nhìn thấy" bất cứ thứ gì trước mắt. Nói tóm lại, ngoài phản xạ thần kinh giúp bôi trơn để bảo vệ mắt, chớp mắt là sự nghỉ ngơi tạm thời của trí óc trước khi tập trung chú ý trở lại. Nếu chúng ta hoàn toàn không chớp mắt thì bộ não sẽ hoạt động liên tục và sự tập trung tinh thần sẽ giảm sút đáng kể

An Di (theo Science)
.
.