Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại SABECO:

Tại sao đã khởi tố vụ án mà chưa có bị can nào bị khởi tố?

Thứ Năm, 26/04/2012, 06:35

Sau 4 năm (2009 - 2012), các cơ quan chức năng đã tiến hành 9 cuộc thanh kiểm tra để làm rõ những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Đây quả là một khoảng thời gian quá dài để tiến hành làm rõ một vụ tiêu cực lớn trước sự trông chờ của dư luận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở việc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bức xúc: “…Dư luận băn khoăn là tại sao đã khởi tố vụ án nhưng đến nay chưa có bị can nào bị khởi tố? Đứng về mặt luật pháp, chứng cứ đã rõ ràng, nhưng để vụ án “lơ lửng” như vậy dư luận có quyền nghi ngờ có chuyện không minh bạch ở đây…”. Trước những bức xúc của bạn đọc, Chuyên đề ANTG xin trở lại vụ việc này để bạn đọc rõ thêm.

Những sai phạm về quản lý kinh tế

Theo kết quả thanh tra công tác quản lý tài chính tại Sabeco thì đơn vị này đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền 1.597 tỉ đồng thông qua việc mua 87.136.133 cổ phần và chứng chỉ quỹ của 20 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như tài chính, ngân hàng (621,5 tỉ đồng), các quỹ đầu tư (361,6 tỉ đồng), ngành điện (189,5 tỉ đồng), bất động sản (370,5 tỉ đồng), du lịch (49,1 tỉ đồng) và lương thực (5,4 tỉ đồng). Đến nay, thị trường chứng khoán giảm, hầu hết giá trị cổ phần, chứng chỉ quỹ đều bị giảm giá trị so với giá trị đầu tư ban đầu hàng trăm tỉ đồng.

SABECO đầu tư vào 7 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, 4 quỹ đầu tư, 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 09/2009/ND-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ "đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp, mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp".

Việc SABECO ký hợp đồng qua Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với giá là 220.000đ/1 cổ phần, trong khi Công ty Cổ phần quản lý tài sản Tương phản và cộng sự mua trên thị trường OTC với giá bình quân là 155.000đ/1 cổ phần (chênh lệch 57.000đ/1 cổ phần); hiện nay công ty này đang không thực hiện các cam kết đã ký và còn chiếm dụng của SABECO số tiền khoảng 60 tỉ đồng.

Ngoài ra, SABECO còn ký hợp đồng môi giới chứng khoán với Cty Cổ phần Đức Minh Quang với giá trị là 500 triệu đồng trong khi công ty này không có chức năng mua bán, môi giới chứng khoán, chiếm dụng vốn của SABECO trong 2 năm và chưa thanh toán cho SABECO 122 triệu đồng.

Như vậy, việc SABECO đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm, ngoài ngành nghề kinh doanh chính với số vốn lớn (chiếm 25% vốn  điều lệ); gây thất thoát làm sụt giảm giá trị đầu tư có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế của ban điều hành.

Việc thực hiện các dự án đầu tư từ năm 2003 đến nay, SABECO đã sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ quỹ đầu tư phát triển để đầu tư vào các dự án nhà máy sản xuất bia với tổng số tiền là 9.838 tỉ đồng (SABECO trực tiếp đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất bia tại Củ Chi, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và nâng cấp nhà máy bia Nguyễn Chí Thanh - TP HCM với số tiền là 3.864 tỉ đồng; góp vốn cổ phần, liên doanh liên kết để đầu tư vào 5 nhà máy bia tại Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Đắk Lắk với tổng số tiền là 5.974 tỉ đồng), nhưng trong quá trình thực hiện nhiều dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu. Có dự án phải xem xét lại chủ trương đầu tư; nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu không đúng quy định; suất đầu tư ở các nhà máy có chênh lệch lớn; một nhà thầu trúng thầu nhiều dự án và có nhà thầu tham gia lập dự toán, thiết kế hầu hết các dự án.

Dự án xây dựng Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi có tổng mức đầu tư là 2.326 tỉ (suất đầu tư cao gấp 2 lần so với các dự án cùng thời điểm) đã thanh toán được 1.804 tỉ đồng nhưng dự án đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu trong quá trình thực hiện; thanh toán số tiền 23,225 tỉ đồng vi phạm quy định của hợp đồng EPC (chưa có chứng chỉ nghiệm thu hoàn thành), toàn bộ phụ tùng trị giá trên 1 triệu euro bị thay thế so với hợp đồng ban đầu mà không đánh giá lại chất lượng và giá trị; hệ thống xử lý nước cất  với tổng giá trị trên 3 triệu euro không sử dụng được, muốn sử dụng phải đầu tư thêm 3 triệu euro; dự án đã đưa vào sản xuất bia từ tháng 12/2007 nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán theo quy định.

Nhà máy bia Sài Gòn.

Hành vi cố ý làm trái

Hiện nay, trên cả nước có 24 nhà máy sản xuất bia lấy thương hiệu bia Sài Gòn và SABECO cung ứng toàn bộ nguyên liệu, vật liệu chính gồm Malt, Houblon (chiếm 90% giá trị nguyên liệu phải nhập khẩu), lon nhôm, thùng, nút và nhãn; các nguyên liệu phụ khác giao cho các đơn vị tự thực hiện. Về việc này các công ty thành viên, công ty cổ phần bia có văn bản kiến nghị gửi SABECO đề nghị được chủ động nhập, mua các nguyên liệu chính này vì giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn so với nguyên liệu do SABECO cung cấp nhưng không được chấp nhận.

Giá Malt do SABECO cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia trong năm 2009 là 12.090 đồng/kg trong khi giá Malt cùng loại, cùng thời điểm được Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây báo cáo SABECO được mua có 10.236 đồng/kg, chênh lệch giảm 1.854 đồng/kg, nên với tổng số lượng Malt trong năm SABECO cung cấp là 114.500 tấn Malt thì số tiền chênh lệch tăng so với giá của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây là 212,283 tỉ đồng (114.500 x 1.854.000).

Tổng giám đốc SABECO ký hợp đồng mua Malt với các nhà cung cấp quy định giá mua không đổi kéo dài từ 3 - 4 năm và trong khi Nghị quyết HĐQT SABECO quy định giá mua Malt chỉ ký hợp đồng cho 1 năm. Việc ký hợp đồng quy định giá mua với thời gian dài này dẫn đến việc SABECO mất hàng trăm tỉ đồng khi giá Malt trên thị trường giảm.

Giá Houblon cao do SABECO cung cấp cho các nhà máy trong năm 2009 là 6.046.296 đồng/kg     trong khi giá Houblon cao cùng loại, cùng thời điểm do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây báo cáo SABECO được mua có 3.230.350 đồng/kg; chênh lệch giảm 2.815.946 đồng/kg  nên với tổng lượng Houblon cao SABECO nhập trong năm là 36.500 kg   thì số tiền chênh lệch tăng so với giá của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây là 102,782 tỉ đồng (36.500 kg   x

2.815.946 đồng/kg  ). Việc SABECO mua Houblon viên được tính tương tự cũng có chênh lệch là 45,662 tỉ đồng (19.500kg x 2.341.683 đồng).

Như vậy, việc SABECO mua 2 loại nguyên liệu này phát sinh chênh lệch tăng so với giá mua do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây đề xuất số tiền 360,727 tỉ đồng.

Ngoài những hợp đồng nêu trên thì chỉ trong một hợp đồng ký kết mua vỏ lon bia cũng đã gây thiệt hại 9,6 triệu USD. Theo tài liệu chúng tôi có được thì trong các năm 2006, 2007, SABECO ký hợp đồng mua vỏ lon bia với Crown Saigon và Crown Hà Nội (cùng một nhà cung cấp) cùng một giá là 84,8 USD/1.000 bộ lon; nhưng cùng ngày 18/9/2008, SABECO đã ký 2 hợp đồng với nhà cung cấp này với giá và điều kiện khác nhau:

Hợp đồng số CrownHaNoi/SABECO No: 02, do Tổng Giám đốc SABECO ký với Crown Hà Nội mua 20 triệu bộ lon với trị giá hợp đồng là 2.232.000 USD (106 USD/1.000 bộ lon) đã quy định tại Điều 6 của hợp đồng là được phép điều chỉnh giá mua khi giá thị trường giảm nên khi giá thị trường giảm hợp đồng này được điều chỉnh giảm giá trị còn 1.628.000 USD; giá mua thực tế giảm còn 74 USD/1.000 bộ lon (giảm 32 usd/1.000 bộ lon).

Hợp đồng số CrownSaiGon/SABECO No: 098, do Tổng Giám đốc SABECO  ký với Crown Saigon mua 400 triệu bộ lon với trị giá hợp đồng là 43.120.000 USD (98 USD/1.000 bộ lon) nhưng lại bỏ quy định tại Điều 6 của hợp đồng nên khi giá thị trường giảm, SABECO không được điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng. Căn cứ vào mức giảm giá tại Hợp đồng số 02 thì tổng số tiền SABECO không được giảm (thiệt hại) của hợp đồng này là 9,6 triệu USD (400.000 x (98 USD - 74 USD)).

Các hợp đồng mua nguyên liệu ký giữa SABECO và các công ty trong nước (Công ty TNHH Thái Tân, Công ty TNHH Thanh Tùng… đứng ra nhập nguyên liệu từ nước ngoài về bán lại cho SABECO) quy định dùng USD để thanh toán (không sử dụng đồng Việt Nam) và đơn giá này không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng là không đúng với quy định về việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, quy định tại Điều 29, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, đã rõ dấu hiệu vi phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Tổng Công ty SABECO. Vấn đề dư luận đặt ra là các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để sớm đưa vụ việc  nghiêm trọng này ra ánh sáng pháp luật.

Luật sư Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM: “Biết mà không làm thì đó là dấu hiệu cố ý làm trái”

Dưới góc độ nhà quản trị doanh nghiệp, ai cũng biết việc thu mua nguyên liệu sử dụng cho sản xuất kinh doanh phải được ký dưới dạng hợp đồng mở, tức giá cả phải được điều chỉnh khi giá thị trường lên, xuống.

Ở vụ việc này, Tổng Giám đốc Sabeco Nguyễn Quang Minh đã biết và đã được cảnh báo về tình trạng biến động giá nguyên liệu mà không có biện pháp khắc phục ngay thì đó đã cấu thành dấu hiệu "Cố ý làm trái gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước".

Khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra đã nhận định có dấu hiệu phạm tội. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm những người liên quan, phát hiện cá nhân nào sai phạm Cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can với cá nhân đó. Việc người điều hành doanh nghiệp sai phạm ở vụ việc này đã có dấu hiệu khá rõ, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ và đưa ra kết luận cụ thể.

PV

Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật - Ủy Ban mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Ngưng chức ngay để tránh tiếp tục gây thiệt hại”

Các bài viết của Báo CAND và Chuyên đề ANTG về những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Sabeco cho thấy, các công ty con, công  ty thành viên của doanh nghiệp này đã lên tiếng cảnh báo về chuyện chênh lệch giá. Bằng chứng về sai phạm mà báo nêu cũng thể hiện dấu hiệu vi phạm "Cố ý làm trái…" do đã được báo trước. Điều đã rõ như vậy, dư luận băn khoăn là tại sao đã khởi tố vụ án nhưng đến nay chưa có bị can nào bị khởi tố? Với những sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước do ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Sabeco gây ra, ít nhất phải tạm ngưng chức vụ với ông Minh để ngăn chặn việc có thể tiếp tục gây thiệt hại lớn.

Kinh nghiệm từ các vụ án lớn xảy ra tại các tổng công ty như Vinashin vừa qua cho thấy: Đã phát hiện được sai phạm nhưng không kiên quyết xử lý càng gây tổn thất lớn và càng để kéo dài, hậu quả càng nghiêm trọng. Đứng về mặt luật pháp, chứng cứ đã rõ ràng, nhưng để vụ án "lơ lửng" như vậy dư luận có quyền nghi ngờ có chuyện không minh bạch ở đây.                                                

PV

Nhóm PV Pháp Luật
.
.