Tại sao họ trở thành người nổi tiếng?

Thứ Bảy, 14/05/2011, 15:45

Những động cơ sâu xa nào đã khiến cho những con người nổi đình nổi đám này thích sống dưới ánh chớp của các tay săn ảnh hơn là sống một cuộc sống bình dị? Có hai chuyên gia tâm lý trả lời cho câu hỏi này trong cuốn sách “Thành công bị nguyền rủa” và giải mã giúp chúng ta biết cuộc sống sau vầng hào quang của 4 ngôi sao.

Tại sao người ta trở thành SAO? Điều gì khiến một số người tìm kiếm sự nổi tiếng? Trước hết, phải có nhiều tham vọng, phải có một "cái tôi" to lớn và thật nhiều may mắn... Nhưng đây chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài thôi. Vì theo Eric Corbobesse và Laurent Muldworf, đồng tác giả của cuốn sách "Thành công bị nguyền rủa" thì nhu cầu mãnh liệt được mọi người biết đến chủ yếu là để "sửa chữa một danh tính bị tổn thương". Đây là phương cách dùng để xóa đi một chấn thương của thời thơ ấu: sự vắng bóng của người cha hoặc mẹ, một mặc cảm bị xa lánh, bị hạ thấp phẩm giá... Điều đó ai cũng biết, chắc bạn sẽ nói thế?

Tuy nhiên, chúng ta hãy nghe hai tác giả vừa là chuyên gia tâm lý vừa là nhà phân tâm học, đã phân tích rất chi tiết tiểu sử của các ngôi sao trước đây và hiện nay. Kết quả thật ấn tượng. Dĩ nhiên là có những con người bị dằn vặt mà ai cũng biết như: Marilyn Monroe, James Dean, Patrick Dewaere... Nhưng người ta còn thấy trong đó có cả Paul McCaney, Gérard Depardieu, Madonna, Eminem, Peter Doherty, Lily Allen, Lady Gaga...

Có thể xem John Lennon là người đưa ra bản tóm tắt khi tuyên bố vào năm 1971: "Bố mẹ tôi chia tay nhau và cho tới khi tôi được 20 tuổi, tôi mới thấy được mặt bố. Hơn nữa, tôi cũng chẳng mấy khi thấy mặt mẹ. Lý do duy nhất để tôi trở thành một ngôi sao, đó là vì sự dồn nén của tôi....Tôi đã không thể chịu đựng được những sự dồn nén đó nếu trước đó tôi sống như một người bình thường...".

Eric Corbobesse ghi nhận: "Đa số mọi người trong chúng ta đều hài lòng về đời sống vợ chồng, gia đình, công việc mang lại cho chúng ta. Điều đó đủ để giảm nhẹ tính tự mê hoặc của chúng ta. Nhưng các ngôi sao này thì không". Hai chuyên gia tâm lý này sẽ bình luận trường hợp của những người nổi tiếng và nỗi thống khổ mà họ đã trải qua.

Ngôi sao ca nhạc Lady Gaga: Người điên lành mạnh

Một số người có thể nghĩ rằng, cô nàng Lady Gaga  là người bị điên, lập dị, cao ngạo. Nhưng ngược lại, theo chúng tôi, Gaga cực kỳ lành mạnh, theo hướng mà cô ấy đã thành công trong việc tạo ra một bản sao của chính mình, và bản sao đó chẳng có tương quan nào với Stefani Germanotta cả. Một mặt, có một cô gái trẻ Lady Gaga người New York (Mỹ) gốc Italia rất gần gũi với gia đình, được giáo dục theo những giá trị thông thường.

Mặt khác, có một nhân vật, một người phụ nữ thống trị mà cô ấy tự tạo hoàn toàn cho mình. Lady Gaga là một ngôi sao tuyệt hảo, vì cô có được một bản sao của chính mình: có hình ảnh mà mình tự đưa ra và có con người thật sự. Đối với những người nổi tiếng, vấn đề làm chủ được bản sao này và đừng để bản sao đó vượt trội, đừng để mình bị mê hoặc về chính hình ảnh của mình như người tự mê. Qua đó, có thể thấy nhiều ngôi sao của truyền hình thực tế thường rất dễ bị tổn thương: biên giới giữa con người thật của họ và hình ảnh mà họ đưa ra rất nhỏ hẹp.

Dường như họ chỉ tìm kiếm thành công để cảm thấy mình đang hiện hữu. Vậy là khi hình ảnh của họ chịu một điều khó khăn bất ngờ, thì cả con người họ bị vạ lây. Còn với Lady Gaga thì cô tự bảo vệ rất tốt nhờ nhân vật mà cô tự tạo...

Siêu mẫu Kate Moss: Người mắc chứng hay sợ đã chiến thắng

Trường hợp của Kate Moss thật đặc biệt: cô vốn không muốn làm một ngôi sao. Năm 14 tuổi, Kate được một người đại diện phát hiện, thế rồi mọi thứ cứ nhanh chóng nối tiếp nhau. Phải có một cái gì đó rất bất ổn trong thời kỳ này, một thời kỳ mong manh dễ vỡ của tuổi vị thành niên, lúc mà người ta xây dựng nhân cách của mình, khám phá cơ thể của mình... Có lẽ vì thế mà Kate đã sống song song với hai lưỡng cực nhân cách: vi phạm luật lệ để phục hồi cơ thể và để chế ngự bản thân...

Có một nét đặc trưng khác nơi Kate, đó là sự im lặng và cách mà cô quy tụ quanh mình chỉ một nhóm bạn là các cơ chế bảo vệ chống lại những tác hại của một người quá nổi tiếng. Bởi vì những người mẫu thời trang, giống như những ngôi sao của truyền hình thực tế, đều ở trong một hoàn cảnh mong manh dễ vỡ: trong thế giới của họ, khoảng cách giữa cái thật và cái giả thì rất mong manh.

Người ta ca ngợi Kate Moss khi cô làm mẫu cho Hãng Opium, nhưng khi cô nghiện cocaine thì người ta bỏ rơi cô. Điều đó có thể khiến người ta phát điên. Tuy nhiên, Kate đã tự chủ được bản thân mình, đó là biết giữ im lặng, điều mà cô khiến người ta khâm phục.

Ngôi sao ca nhạc Victoria Beckham: Đã nổi tiếng càng thêm nổi tiếng

Trong trường hợp của Victoria, chính sự quyết đoán có thể được dùng để minh họa cho nét đặc trưng của các ngôi sao. Như một số người trong giới của cô, Vitoria có một khả năng tự thân vận động. Cô giàu có và nổi tiếng khi còn ở trong nhóm nhạc Spice Girls, và cô đã có thể dừng lại... Nhưng Vitoria lại bắt đầu còn tốt đẹp hơn cùng với ngôi sao bóng đá David Beckham khi trở thành "bà Beckham".

Cô nhập vai ngôi sao trong trạng thái thuần túy. Dường như Victoria chỉ sống để làm người nổi tiếng. Ở trình độ này, sự nổi tiếng là một "món đồ thay thế" của danh tính, một sự cộng thêm có thể lại rất nguy hiểm. Thái độ cao ngạo của cô với vẻ quá tự tin có thể làm cho người ta nghĩ đến điều mà một số chuyên gia tâm lý gọi là "cái tôi phát triển quá mức". Khi đó, việc biểu lộ tính vạn năng của mình lại là để phủ nhận những thiếu sót bên trong, và để vượt qua chúng.

Victoria đã thường xuyên nói rằng, hồi còn đi học cô hay bị trêu chọc và cô cần phải trả đũa. Nhưng tất cả những đứa trẻ bị bắt nạt đều không trở thành những Victoria Bechkam. Con người cô minh họa cho sự việc, xét theo mặt tâm lý, là chẳng hề có quy luật nào: một chấn thương nhỏ nhặt có thể gây nên một phản ứng quá mức...

Ngôi sao màn bạc Angelina Jolie: Người thích làm những chuyện lớn

Cô ấy đã được cứu thoát hai lần nhờ sự thành công. Như nhiều ngôi sao khác, Angelina Jolie đã chịu sự vắng mặt của người cha (diễn viên Jon Voight). Hơn nữa, cô còn gặp khó khăn khi bị xã hội coi thường vì người mẹ của cô...

Khi ở tuổi vị thành niên, cô cảm thấy bị hạ thấp  phẩm giá nên đã cho xăm đầy người với ý định để mọi người chú ý, và tự hủy hoại cơ thể  như một phương cách để vượt qua nỗi đau về tinh thần. Nhưng khi trở thành diễn viên, thay vì hủy hoại cơ thể, Angelina Jolie lại làm cho cơ thể đẹp thêm, đồng thời lấy họ "Jolie" và cắt đứt hẳn quan hệ với cha mình.

Năm 2001 tại Campuchia, cô có một linh cảm là sẽ đấu tranh cho những người nghèo khổ nhất, trở thành một "Bà mẹ hoàn vũ" qua việc nhận con nuôi. Angelina Jolie hướng bản năng thích làm chuyện lớn của mình sang việc phục vụ mọi người. Đây là cách mà ngôi sao thường dùng để tự bảo vệ mình khỏi chính mình, để khỏi bị suy sụp vì những gánh nặng tâm lý

Minh Thu (theo Elle)
.
.