“Tài xế” trên sao Hỏa

Thứ Sáu, 28/12/2007, 13:30
Ngày đêm của sao Hỏa dài hơn ngày đêm của trái đất 40 phút nên mỗi ngày ca làm việc của John Rite, một trong 8 “tài xế” xe tự hành trên sao Hỏa “Spirit” và "Opportunity”, phải dịch chuyển đi chừng đó thời gian. Ông cần phải ngồi sau bàn điều khiển vào những giờ bình minh của sao Hỏa để “đánh thức” robot 6 bánh xe của mình.

Cách đây vài ngày, NASA đã công bố những dữ liệu quan trọng: Trong thành phần đất do xe "Spirit" lấy được vào tháng 5 năm nay có dấu hiệu rõ ràng của sự tồn tại vi sinh vật. Stiven Skvaiers - chuyên gia cao cấp của NASA đã công bố phát minh này và khẳng định các nhà nghiên cứu trước kia chưa bao giờ tiến gần tới sự phát hiện dấu vết sự sống trên sao Hỏa như bây giờ.

Để có được những phát minh như vậy, người Mỹ đã đưa lên sao Hỏa 2 xe tự hành mang tên "Spirit" và "Opportunity". Trung tâm điều khiển các xe tự hành trên sao Hỏa thuộc Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA ở thành phố Pasadena

Điều khiển bằng “con chuột”

Ngày đêm của sao Hỏa dài hơn ngày đêm của trái đất 40 phút nên mỗi ngày ca làm việc của John Rite, một trong 8 “tài xế” xe tự hành trên sao Hỏa “Spirit” và "Opportunity”, phải dịch chuyển đi chừng đó thời gian. Ông cần phải ngồi sau bàn điều khiển vào những giờ bình minh của sao Hỏa để “đánh thức” robot 6 bánh xe của mình.    

Theo cách “tưởng tượng” thông thường, người lái ngồi trước màn hình tại trung tâm điều khiển, theo dõi qua ống kính những chiếc  xe kỳ diệu chạy trên bề mặt sao Hỏa, khéo léo đẩy các tay gạt, bàn đạp và nhấn các nút điều khiển để xe vòng tránh những tảng đá màu hồng và các hố đen.

Nhưng bánh lái của xe tự hành chỉ bắt đầu dịch chuyển sau 20 phút từ khi người điều khiển quay vô lăng, bởi vì thời gian tín hiệu đi từ trái đất đến sao Hỏa mất 20 phút. Trên thực tế người ta điều khiển các xe tự hành bằng “chuột” máy tính.

Đuôi về phía trước

Bên ngoài khoang tàu nhiệt độ là âm 115oC, cơn bão bụi nhẹ bốc lên với gió có tốc độ 127 km/h. Một nửa bánh xe bị ngập trong đất mềm, các tấm pin mặt trời kêu ầm ầm trên các mô đất sao Hỏa.

Theo ông John, bây giờ “Spirit” và Opportunity” đã là 2 cỗ xe “qua sử dụng quá nhiều”. Lúc đầu các nhà nghiên cứu cho rằng pin mặt trời sẽ nhanh chóng bị phủ một lớp bụi đỏ và sẽ “chết ngạt”. Nhưng hóa ra gió sao Hỏa thổi sạch bụi một cách lý tưởng.

Cho đến nay, trong điều kiện khí hậu khủng khiếp đó, các xe sao Hỏa vẫn phát ra đủ năng lượng để bóng đèn 100W có thể sáng trong 9 tiếng. “Tài xế” John đeo một loại kính đặc biệt, nhờ nó hình ảnh sao Hỏa trên màn hình trở nên “nổi”. Trên màn hình xuất hiện quang cảnh các đồi Colombia màu đỏ sẫm, được đặt tên để kỷ niệm tàu con thoi bị nổ.

Các xe sao Hỏa không có tay lái. Trong xe có cài đặt chương trình máy tính với khoảng 800 lệnh cho tất cả các tình huống. Nhưng khó có thể lường trước được hết các tình huống ngay cả đối với nơi mà dường như  không có sự sống.

Có thời điểm bánh xe phải phía trước của robot “Spirit” hầu như bị kẹt. May mắn là nó có tới 6 bánh. John đã phải mất cả tuần trên bãi thử nhỏ với xe sao Hỏa bằng kích thước thật để tìm cách khắc phục sự cố.

Và ông đã tìm ra giải pháp: ông học được cách điều khiển xe cho đuôi đi về phía trước. “Người sao Hỏa” (nếu có) chắc sẽ ngạc nhiên khi người trái đất đi thụt lùi và kéo lê bánh xe giống như chân bị đau.

Tìm kiếm dấu vết sự sống

Tất nhiên tất cả những gì làm kinh ngạc người khác, đối với các tài xế “sao Hỏa” là chuyện bình thường. Joy Krisp, lãnh đạo khoa học của dự án, cho biết những cảm giác đầu tiên mới là điều gây ấn tượng với họ. Đó là những bức ảnh toàn cảnh của sao Hỏa, trông tự nhiên như phong cảnh sau cửa sổ của văn phòng.

Khi quan sát vẻ đẹp ngoài trái đất đó, họ tập trung vào mục đích chủ yếu của dự án: Tìm kiếm nước. Có nghĩa là dấu vết của sự sống từng có trước đây.

Ban đầu “Spirit”, khi di chuyển từ miệng núi lửa mang tên Gusev đến đồi Colombia, đã phát hiện ra rất nhiều khối đá tròn, dường như  chúng đã được sông và đại dương tạo thành như vậy sau hàng triệu năm.

Xe “Opportunity”, chạy trong khu vực một miệng núi lửa ở mặt ngược lại của hành tinh, lần đầu tiên cho thấy sự hiện diện của muối axit sunfuric, chất không thể hình thành ra mà không có nước.

Sau khi phân tích thành phần của các mẫu đá, các chuyên gia đã đi đến kết luận trong giai đoạn đầu, sao Hỏa đã trải qua không chỉ 1 mà là 2 giai đoạn ẩm ướt.

Theo ông Charles Elachi, Giám đốc Phòng thí nghiệm, những vật tìm thấy này có thể làm thay đổi các khái niệm của chúng ta một cách  mạnh mẽ như các phát minh của các nhà thiên văn học thế kỷ XVI khẳng định rằng trái đất nói chung không phải là trung tâm vũ trụ.

“Đua xe” trên Sao Hỏa

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, xe tự hành “Lunokhod” của Liên Xô đã vượt qua 37km trên mặt trăng. Nhưng ông John cho biết so với tình trạng “không đường sá” trên sao Hỏa, bề mặt của mặt trăng có thể được coi là “đường cao tốc”.

Người ta đã từng tổ chức cuộc đua xe trên sao Hỏa: cho “Spirit” lao thẳng lên núi. Giống như một xe tăng, nó đã leo lên gần 12m với góc dốc 340!

Mặc dù được điều khiển một cách thông minh, các xe sao Hỏa đôi lúc vẫn bị lạc đường hay mắc kẹt. Khi đó ở trái đất các chuyên gia mất vài ngày để nghiên cứu mới điều khiển di chuyển được xe!

Những phiên liên lạc với xe-robot “Spirit” và “Opportunity” được thực hiện bằng lệnh vô tuyến. Những lệnh như vậy được kiểm tra lại nhiều lần và chạy thử trên mô hình máy tính. Sau đó chỉ còn việc nhấn nút “Enter” trên bàn phím và lệnh đã được gửi đi.

Sau 40 phút, robot sẽ trả lời bằng tiếng “bip” ngắn gọn. Điều đó có nghĩa tín hiệu đã được chấp nhận thực hiện. Ngày hôm sau trung tâm điều khiển sẽ nhận được ảnh, tọa độ mới và biết xe đã đi đến đâu.

Cuộc thám hiểm sao Hỏa vẫn đang tiếp tục. Dự án nhiều tham vọng nhất được dự định bắt đầu vào năm 2009. Người Mỹ dự định khi đó sẽ đưa lên hành tinh đỏ robot với động cơ nguyên tử, có nghĩa là với nguồn năng lượng không hạn chế. Điều chủ yếu nhất - người ta dự định lần đầu tiên các robot sẽ gửi về trái đất các mẫu đất sao Hỏa

Hoàng Thương (theo Sự thật Thanh niên)
.
.