Tạm biệt các Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Thứ Năm, 14/10/2010, 14:05
Giờ tiễn đưa 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng lên xe để trở về quê hương, nhìn từng hàng huân, huy chương lấp lánh trên những bộ quân phục của người anh hùng mới cảm nhận ngọn lửa yêu nước đến nồng nàn của một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Còn các Mẹ là nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử quá đỗi hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam.

Sáng ngày 1/10, giữa tiết thu dịu mát trong lành, từng đoàn xe ôtô chở 1.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, từ từ lăn bánh rời thủ đô Hà Nội về quê hương. Vậy là, cuộc hành trình xuyên Việt bắt đầu từ ngày 26/9 khởi hành ở đất mũi Cà Mau, đi qua muôn nẻo đường từ Nam chí Bắc, đón các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh, ra Hà Nội vào đúng dịp cả nước hân hoan chào đón Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã khép lại. Dư âm của cuộc hội tụ, đoàn viên giữa những người Mẹ tóc bạc, lưng còng, cả đời tần tảo, hy sinh cho Tổ quốc, với những người con anh hùng mà ai nấy trên ngực lấp lánh ánh huy chương, rưng rưng, lưu luyến giờ chia tay... Rồi đây, biết bao giờ gặp lại...

Một buổi trưa không giống như những buổi trưa khác, ngày 7/10, tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), hàng nghìn học viên quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm trang dưới nắng nhẹ mùa thu, từng gương mặt trẻ rạng ngời, phấn chấn đến kỳ lạ, hồi hộp, chờ đón... Có điều gì đặc biệt chăng?! Cách đây hơn một tháng, khi được thông báo Học viện An ninh sẽ là chốn dừng chân nghỉ lại cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng từ khắp 63 tỉnh, thành của cả nước về Hà Nội góp phần vào dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một niềm xốn xang, mong ngóng đã đến với những học viên dưới mái trường Học viện.

Thứ trưởng Lê Quý Vương bên mẹ Việt Nam anh Hùng Lê Thị Mèo, Thừa Thiên – Huế.

Và, giây phút ấy đã đến vào lúc 1h30', khi chiếc xe đầu tiên tiến vào Học viện, từng hàng xe nối nhau đỗ xuống trước sân trường, bên trong Hội trường đang sẵn sàng cho buổi mở màn của cuộc giao lưu gặp gỡ thân tình giữa các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng cùng lãnh đạo Bộ Công an, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ, và hàng nghìn học viên Học viện ANND...

Mẹ nào cũng vậy, thân hình nhỏ bé, khuôn mặt hằn lên những dấu vết thời gian, bóng mẹ thấp thoáng trong đàn con anh hùng trên xe. Từng Mẹ bước xuống, mái tóc trắng pha sương, lưng còng rạp, đôi tay gầy run rẩy vịn vào các con. Với sức vóc thanh tân và bầu nhiệt huyết hừng hực của con trẻ nâng đỡ Mẹ, dìu Mẹ bước từng bước khoan thai, chậm rãi do tuổi cao, sức yếu, lại qua chuyến hành trình dài xa lắc... Có lẽ, không có ngôn từ nào để tả cho hết tâm trạng của các con khi nhìn thấy các mẹ, dấu vết già nua của tuổi tác, của những biến cố lịch sử lớn lao, những đau thương và mất mát đã đổ ập vào số phận các mẹ, khi chồng, những người con, núm ruột yêu thương nhất của mẹ đã lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ...

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, Bắc - Nam sum họp một nhà từ cái ngày 30/4/1975 huyền diệu, nhưng thời gian đâu dễ gì xóa nhòa đi ký ức. Trong ngày vui đại thắng, hàng ngàn, hàng vạn người dân đổ ra đường, cờ hoa náo nức, vui ngày đoàn viên nhưng hòa với niềm vui chung lớn lao của đất nước, Mẹ còn có một niềm đau riêng khôn nguôi của người vợ, người mẹ, Mẹ đã mất đi người chồng, người con... Mẹ sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại chồng và các con của Mẹ. Chồng và các con của mẹ vì nghĩa lớn, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công an, Cục, Học viện An ninh nhân dân và các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng các Anh hùng trong những ngày Đại lễ Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.

Và, sau ngày độc lập, Mẹ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng, thật ra trong trái tim chúng con, Mẹ đã là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của đất nước, của dân tộc từ cái ngày chiến tranh tàn phá quê hương. Ngày đó, Mẹ lặng lẽ gạt nước mắt, tiễn chồng và con lần lượt lên đường ra trận, nơi tên rơi, đạn lạc ầm ào như trút, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nơi mà rất có thể có ngày đi mà không có ngày về. Có lẽ, chứng kiến sự tàn phá, áp bức, bất công của kẻ thù cướp nước, truyền thống yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm đã ăn sâu vào huyết quản của Mẹ, để Mẹ vững dạ, tiễn đưa chồng và các con mẹ lên đường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rồi, định mệnh khắc nghiệt, chiến tranh đã đang tâm cướp đi của mẹ người chồng, và lần lượt từng người con...

Trong đoàn người hành hương đấy, có rất nhiều Mẹ lần đầu ra thăm thủ đô, lại tụ hội về đây, quây quần dưới mái nhà của Học viện ANND, các mẹ và các anh hùng đến từ khắp 63 tỉnh, thành của cả nước vui trong tình thân, đầy thương mến của những người con Hà Nội. Lúc đầu theo kế hoạch, Ban tổ chức đưa các mẹ và anh hùng ra khách sạn thuộc hàng sang nhất của thủ đô. Nhưng để thắt chặt thêm tình nồng hậu, để cho những cán bộ, học viên của Lực lượng Công an nhân dân được hàng giờ kề cận, chăm sóc, thủ thỉ chuyện trò cùng với các mẹ, các anh hùng, Ban tổ chức đã đồng ý với đề xuất của Lãnh đạo Bộ Công an và Học viện ANND.

Trong số 1.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và Anh hùng khắp đất nước ra thăm thủ đô lần này, 91 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 170 Anh hùng được đón về dưới trường Học viện ANND. Nhìn các mẹ bỏm bẻm nhai trầu, xoa mái đầu xanh của các con, các con bên mẹ lần đầu tiên gặp gỡ mà ngỡ như có một sợi dây tình cảm vô bờ nào đó quấn quyện, bện chặt.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mèo, ở Thừa Thiên - Huế, tuổi ngoài 90, cả chồng và 3 người con trai lần lượt hy sinh trên chiến trường Bình Trị Thiên. Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Thỉ, tuổi đã 87, cũng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, mẹ chỉ có một người con trai duy nhất, và anh đã anh dũng hy sinh vào năm Mậu Thân 1968 khi vừa tròn 23 tuổi. Rồi đây nữa, mẹ Nguyễn Thị Thúc, ở mảnh đất Quảng Trị, mẹ Lưu Thị Pháo, 90 tuổi ở Quảng Ngãi...--PageBreak--

Các mẹ Việt Nam Anh hùng ai giờ trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi 80, đa phần các mẹ xấp xỉ tuổi 90, còn người nhiều tuổi nhất cũng đã lên tới gần 100 tuổi. Các Mẹ và các anh hùng đại diện cho 5 vạn Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng trong cả nước về thủ đô Hà Nội trong dịp Đại lễ đang hiện hữu trước mắt chúng tôi, bằng xương bằng thịt, cho thỏa lòng chúng con bấy lâu nay thương nhớ về các mẹ, chỉ biết bâng khuâng xót xa cho các mẹ, giờ đây các con xoắn xuýt bên mẹ, không khí  xúc động bao trùm, ai nấy rưng rưng, ngấn lệ...

Trải qua bao mùa mưa nắng, bao lam lũ cơ cực của thời gian, những nếp nhăn hằn sâu khắc khổ, những người mẹ tần tảo sớm hôm đã lên bà, lên cụ từ lâu lắm rồi, nhưng lịch sử của dân tộc vẫn khắc ghi và vang vọng mãi tiếng gọi Mẹ Việt Nam Anh hùng - Những người đàn bà mà người lính trẻ đã từng viết: "Bao năm, mẹ đợi hằng đêm/ Chờ con, tóc mẹ bạc thêm mấy phần". Mẹ giờ tuổi đã cao lắm, sức yếu đi nhiều rồi, mắt mờ, răng rụng, chân run... nhưng thật kỳ lạ, phải có sức mạnh thần kỳ nào đó đã đưa các mẹ vượt qua chặng đường dài có khi cả 2.000km ra với Hà Nội, trái tim của cả nước.

Trong những Bà mẹ Việt Nam anh hùng chúng tôi gặp hôm đó có nhiều mẹ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị... nghĩa là có một sự ngạc nhiên nho nhỏ, chuyến xe khởi hành đi từ Đồng Tháp  đến Đà Nẵng vào ngày mồng 1/10, ngay trong những ngày trận lụt lịch sử chưa từng thấy trong chục năm trở lại đây, mưa bão lụt lội khắp các tỉnh miền Trung, vậy mà đoàn xe vẫn đón được các mẹ, và các anh hùng, đưa các mẹ, các anh hùng đến làm lễ tại Thành cổ Quảng Trị, dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9, rồi tiếp tục chuyến hành trình xuyên Việt để tối 6/10  có mặt tại đất Tổ Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, TP Việt Trì) và sáng ngày 7 làm lễ dâng hương các vua Hùng, đã thế đúng trưa ngày hôm sau 8/10 lại có mặt tại thủ đô Hà Nội.

Thật đáng ngạc nhiên, với sức thanh niên mà nhiều ngày trời đi cả quãng đường dài hàng ngàn kilômét, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, xã hội liên tục trên suốt chặng đi, hẳn sẽ xuống sức vô cùng, vậy mà các mẹ ở độ tuổi chẳng mấy khi ra khỏi cổng nhà, ai nấy lại vẫn bình thản, ung dung... Có lẽ từ tinh thần hưng phấn đã nâng đỡ các mẹ, tạo nên sức sống bền bỉ, dẻo dai dù dịch chuyển liên tục suốt chặng đường dài cả hơn ngàn kilômét.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Pháo, ở Quảng Ngãi, 90 tuổi, móm mém phấn khởi nói: "Suốt cả chặng đường, được đi nhiều nơi biết nhiều chốn, tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, chúng tui vui lắm. Được gặp gỡ với những người đồng cảnh ngộ như mình, những chị em ở mãi tận đâu đâu, ngày thường chả bao giờ biết nhau, vậy mà gặp nhau trong hoàn cảnh này mới thấy thân thiết và đồng cảm lắm". Chợt đôi mắt Mẹ trùng xuống thăm thẳm: "Con ơi! Hơn chục ngày bên nhau, chia tay nhau biết có còn gặp lại...". Nghe thấy Mẹ nói vậy, mọi người ai nấy rưng rưng, chỉ muốn kéo dài mãi thời gian ở bên nhau thật quý và hiếm hoi này...

Học viên Học viện An ninh nhân dân đang ân cần bên các mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mẹ Trần Thị Hối đã 86 tuổi, quê mẹ ở vùng Đất đỏ, quê hương của người nữ Anh hùng cách mạng Võ Thị Sáu, Mẹ ao ước được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, được đến Hồ Gươm ngắm nhìn cầu Thê Húc cong cong như con tôm, chiêm ngưỡng Tháp rùa cổ kính, mà chắt của Mẹ vẫn đọc khi học một bài văn về Hà Nội. Vậy là, sự ao ước của Mẹ đã thành hiện thực, Mẹ lại được ra thủ đô vào dịp trọng đại của lịch sử nước nhà, mảnh đất linh thiêng này đã tròn 1000 năm tuổi, ngày 10/10/2010 một chấm vàng trên bản đồ lịch sử Việt Nam xuyên thời gian.

Giờ tiễn đưa 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng lên xe để trở về quê hương, nhìn từng hàng huân, huy chương lấp lánh trên những bộ quân phục của người anh hùng mới cảm nhận ngọn lửa yêu nước đến nồng nàn của một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Còn các Mẹ là nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử quá đỗi hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam. Cuộc hành trình xuyên Việt của 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng có ý nghĩa nhằm tri ân, tôn vinh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và giáo dục truyền thống, tiếp lửa yêu nước cho thế hệ trẻ.

Giờ thì đoàn xe đã đưa các Mẹ đi xa, nhưng hình ảnh của các Mẹ cứ in mãi thẳm sâu nơi chúng con. Bất giác tôi nhớ đến những câu thơ của người lính biên thùy viết tặng Mẹ Việt Nam có con hy sinh ngoài trận tuyến "Gió lĩnh xướng ngân nga miền ký ức/ Mắt mẹ hiền lấp lánh sao vui/ Nhìn tóc mẹ đổ thành suối bạc/ Đêm biên thùy nghèn nghẹn đắng bờ môi". Ôi! Biết đâu, sau những giây phút cận kề bên các mẹ, người chiến sĩ công an nào đó, hay trong cộng đồng cư dân lại chả có những dòng lưu bút mơ màng về Người Mẹ của chúng ta, Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trần Mỹ Hiền
.
.