Tạm biệt người anh hùng Jumong

Thứ Bảy, 22/09/2007, 12:05
Có lẽ, khán giả xem truyền hình ai cũng cảm thấy tiếc nuối khi Đài Truyền hình Việt Nam thông báo đã đến tập cuối của bộ phim "Truyền thuyết Jumong".

Thế là không còn những khoảnh khắc mong chờ đến buổi tối từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trên VTV1, để được xem và như đang được sống, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng những nhân vật chính nghĩa trong phim; những con người cao thượng, luôn hy sinh lợi ích của bản thân để sống vì mọi người.

Xem phim, ta được sống trong tình yêu nam nữ trong sáng, thủy chung, cao thượng gắn kết chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, như được củng cố niềm tin vào tình yêu thương con người, sống vì nhau, hy sinh cho nhau, sống vì nghiệp lớn, vì hạnh phúc của mọi người. Và như được ôn lại, được hun đúc ý chí lịch sử dân tộc mình dù bị các thế lực phong kiến, đế quốc xâm lược, đã dũng cảm chiến đấu giành chiến thắng.

Một đại nhân Mophano hết lòng trung thành với chủ (cũng là Tổ quốc); vào lúc nước sôi, lửa bỏng nguy nan nhất vẫn đặt trọn niềm tin phò chủ; suốt đời đau đáu với ước muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước, nung nấu ý chí làm thép tốt cũng chỉ vì muốn  sản xuất nông cụ để xây dựng đất nước mạnh giàu; ông chỉ vì bất đắc dĩ mới phải rèn kiếm, rèn áo giáp mà thôi.

Cũng giống như ở nước ta, những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng, ta yêu sao làng quê non nước mình, tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca”.

Thật vậy, đáng lẽ thầy giáo Võ Nguyên Giáp được yên tâm dạy dỗ đàn học trò để xây dựng đất nước, quê hương; đáng lẽ nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được toàn tâm, toàn ý nghiên cứu khoa học vì sự nghiệp phát triển, xây dựng Tổ quốc; và hàng nghìn, hàng triệu người con ưu tú khác nữa đáng lẽ được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc nhưng giặc đến nhà, các anh phải ra đi cầm súng giết giặc đền nợ nước, trả thù nhà.

Xem phim, ta thấy lúc như cuộn sóng trong lòng, lúc như phím đàn chùng xuống; một ông vua nhân đức, thật là độ lượng, thật là công minh, sáng suốt, đúng mực như Hoàng đế Cưmoa; thật mềm mại, dịu hiền, nghị lực như Vương phi Uhoa, như Nương nương Esoa; người phụ nữ quyết đoán đầy tình thương yêu như Sosono; huyền thoại như thần nữ Bikimson; nhân từ, đầy tình người, đầy ý chí như thần nữ Omiưn.

Song có lẽ, hình ảnh 3 người phụ nữ sẽ in sâu mãi trong lòng bạn xem truyền hình là Vương phi Uhoa, Nương nương Esoa - hiền dịu, nết na, hết lòng vì ý tưởng cao đẹp, vì nghiệp lớn của người đàn ông; người phụ nữ xinh đẹp, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, đầy tình thương yêu con người, đồng loại như Sosono.

Vương phi Uhoa phải sống trong ngang trái nhưng vẫn luôn nghị lực vượt qua, truyền ý chí gây dựng đại nghiệp từ tướng quân Hemosu sang người con trai và truyền ý chí của mình sang người con dâu; Nương nương Esoa và Sosono nhường nhịn nhau, nâng đỡ nhau, hy sinh vì nhau, sống vì nhau, và vì sự vững mạnh, thống nhất của đất nước.

Đứng trước đại nghiệp, Esoa phải ra đi để đất nước được thống nhất, phải sống trong đau khổ, thiếu thốn, cùng cực và Sosono cũng vậy, gây dựng đại nghiệp mới với tầm nhìn khoáng đạt, rộng lớn, mở rộng bờ cõi liên minh - để đáp ứng lòng mong muốn của dân. Đó là cái tình thật đằm thắm sâu sắc của người phụ nữ phương Đông.

Thật là cảm phục những người phụ nữ đầy vị tha, đứng đằng sau các bậc đại trượng phu, hết lòng vì chồng, vì con, vì người gửi gắm niềm thương yêu và cũng vì đại nghĩa.

Những con người đầy mưu mô như Deso, thực dụng như sứ giả Muducbun, ác nghiệt như Hoàng thái hậu và Hoàng hậu Sơlan; xảo quyệt, ác độc như Tộc trưởng Songang;... rồi vô dụng như Hoàng tử Ưngpho, lúc nào cũng như ngớ ngẩn trước thời cuộc, nhưng lại ngông cuồng gây ra bao phiền toái cho sự yên bình của bách tính, của dân tộc...

Nhưng cuối cùng họ đều bị khuất phục trước chính nghĩa, trước tấm lòng từ bi, độ lượng, bị khuất phục trước con người anh hùng Jumong đầy bản lĩnh, chí dũng; con người Jumong - con người có ý chí sắt đá trong gây dựng đại nghiệp, phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm riêng tư.

Ông không được sống trong tình thương yêu, dạy dỗ trực tiếp của người cha, đến lúc sống với cha mà thật đau đớn không biết đó là cha mình. Đau đớn hơn, khi phải nhìn mũi tên, lưỡi kiếm ác nghiệt giết cha mình.

Từ lúc còn là hoàng tử, rồi đi học hỏi nhân gian, đến khi trở thành Hoàng đế; con người Jumong bao giờ cũng chuẩn mực, nhớ ơn những người đã cứu giúp lúc hoạn nạn; chung vai gánh vác, dựng xây đại nghiệp.

Cái khéo léo, tài tình của người biên kịch, đạo diễn cho người xem thấy rất tình người, thấy rất đời thường; khi đứng trước tham vọng về quyền uy, về vật chất nhỏ mọn họ cũng đấu tranh tư tưởng, cũng suy nghĩ thật con người, và vượt qua những ý nghĩ nhỏ nhen một lúc nào đó đã xuất hiện, để vì những ý tưởng lớn, đại nghiệp của đất nước.--PageBreak--

Bộ phim đầy tính giáo dục nhưng không khiên cưỡng, không hề gò ép người xem. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim là tình người cao đẹp, là luôn hy sinh vì nhau, muốn cùng nhau kiến quốc, xây dựng, phát triển đất nước, thịnh vượng, hướng tới cái tốt đẹp nhất của tình người.

Qua đây, thấy nghệ thuật làm phim của ta còn nhiều điều phải học hỏi, để cũng có những phim chất lượng cuốn hút khán giả như thế.

Thực tế, chúng ta có rất nhiều sự kiện lịch sử hào hùng, rất đáng tự hào nếu các tác giả đi sâu nghiên cứu sáng tạo, chắc rằng có thể xây dựng được nhiều tác phẩm điện ảnh dài tập có chất lượng cũng chẳng kém “Truyền thuyết Jumong”.

Dù biết rằng cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn canh, dã bạn nhưng ai cũng cảm thấy nuối tiếc, thấy trống vắng một nỗi niềm. Đến hôm nay, trong tôi bộ phim vẫn sống động, cuốn hút. Tôi như thấy thời lượng phim ít quá, còn muốn phim dài nữa, dài nữa.

Thật vậy, những ngày phim trình chiếu, đi đến chỗ nào cũng thấy mọi người bàn tán, bình phẩm về tập phim vừa xem hôm qua; trao đổi, bàn luận, bênh vực những con người vì đại nghĩa, vì tấm lòng chân thật; căm hận những hành động trái ngược đạo đức, trái ngược với đạo làm người của một số nhân vật phi nghĩa; song cái được lớn nhất là ta thấy lóng lánh tình thương yêu con người, vì con người.

Mong sao những nhà làm phim của ta có sự nghiên cứu, sáng tạo để có được tác phẩm điện ảnh để đời như vậy. Những tác phẩm điện ảnh sau khi xem xong cũng đọng lại thật sâu lắng trong lòng người xem; góp phần thực hiện lời huấn thị của Hồ Chủ tịch: “Dân ta phải biết sử ta”; góp phần tích cực vào nhiệm vụ chính trị giáo dục kiến thức lịch sử thật hiệu quả qua phim ảnh

Nguyễn Đức Luận
.
.