Tầm nhìn chiến lược

Thứ Sáu, 30/11/2007, 13:50
30 năm qua, đến nay đã là muộn để nói đến những tầm nhìn chiến lược. Nhưng dĩ nhiên vẫn còn hơn là không nói đến. Thiết nghĩ, thời gian tới, hướng phát triển xã hội với những tầm nhìn chiến lược phải được chú trọng hàng đầu, bên cạnh những việc cụ thể.

Chiến lược hiểu nôm na là một chủ trương, đường lối toàn diện, lâu dài, tác động quan trọng đến sự phát triển xã hội, có khi thay đổi cả một tiến trình lịch sử.

Ví dụ: Sau khi ra đời (1930), Đảng ta xác định chiến lược cách mạng là Dân tộc, dân chủ. Sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai (1946), lúc này chiến lược cách mạng của Đảng là trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi...

Và hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, hội nhập với thế giới...

Từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn phát huy vai trò lãnh đạo để thực hiện đường lối chiến lược đã hoạch định. Đó là xét trên tổng thể.

Song, nhìn vào từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, chúng ta đã chưa có được tầm nhìn chiến lược cần thiết. Từ đó dẫn đến sự manh mún, chắp vá, nhiều công việc không đạt hiệu quả mong muốn nên đã kéo dài sự trì trệ lẽ ra  không đáng có. Rõ nhất là trong một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông, quản lý đô thị...

Nếu có được tầm nhìn chiến lược thì ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhiều vấn đề đã phải được đặt ra và xúc tiến. Chỉ xin nói lĩnh vực giao thông đô thị.

Hiện nay ai cũng thấy rõ nạn ùn tắc giao thông là hết sức trầm trọng ở Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố lớn khác gây lãng phí cực kỳ lớn. Chắc chắn  ngay từ sau ngày đất nước được hòa bình thống nhất, phải biết rõ dân số Việt Nam sẽ gia tăng, trong khi diện tích các đô thị không thể sinh sôi thêm. Người đông, dĩ nhiên là dẫn tới phát triển các phương tiện giao thông.

Từ 30 triệu dân (1975) đến nay đã trên 80 triệu, tăng gần gấp 3 lần chỉ sau 30 năm. Vậy mà đường phố ở hai thành phố lớn nhất nước chủ yếu vẫn chỉ mở rộng xén bớt vỉa hè. Số lượng tuyến phố mới cũng có nhưng không đáng kể, không tương xứng với tỉ lệ gia tăng người cùng phương tiện tham gia giao thông.

Ở Hà Nội, chỉ vài năm gần đây mới xuất hiện vài chiếc cầu vượt, không thấm tháp gì. Và sự thật thì tình trạng ùn tắc xe cộ vẫn cứ ngày càng gia tăng, hiện tại không có dấu hiệu giảm sút dẫu các ngành chức năng (cảnh sát giao thông, giao thông công chính) đang cố gồng mình khắc phục. Rất ít hiệu quả vì mọi biện pháp đang thực thi (phân luồng đường, tăng cường lực lượng CSGT, cấm ôtô, có thể cả xe máy trên một số tuyến phố, ấn định lệch giờ làm việc v.v...) chỉ là như “giật gấu vá vai”, hoàn toàn là giải pháp tình thế.

Và hoàn toàn chẳng có một chút gì gọi là tầm nhìn chiến lược. Nếu có thì cách đây 30 năm, chúng ta đã nghĩ cách di dời các nhà máy, bệnh viện, các trường đại học, nhiều cơ quan, đoàn thể ra ngoại vi thành phố, đã làm đường ngầm, đường nhiều tầng như ở các nước khác.

Chắc sẽ không ít người nói: “Đâu phải là không biết. Nhưng tiền đâu ra?”. Ngay ý nghĩ này đã phản ánh sự hạn chế của tầm nhìn.

Hãy thử làm một phép tính: Tổng cộng mọi sự phí phạm do tình trạng xập xệ và tắc nghẽn đường xá giao thông gây ra trong nhiều năm qua chắc chắn sẽ vượt xa số tiền đầu tư cho những công trường lớn ngay từ đầu.

Rồi giáo dục, y tế... đến hôm nay vẫn đang còn là những bài toán không dễ giải, luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Chúng ta vẫn còn phải bàn những việc lẽ ra không đáng bàn như học phí, việc phí, các khoản thu đối với người học, người bệnh, mà hướng sự bàn thảo đến việc sao cho các lĩnh vực này phát triển ngang tầm với thế giới, nhanh chóng thoát khỏi vùng trũng.

30 năm qua, đến nay đã là muộn để nói đến những tầm nhìn chiến lược. Nhưng dĩ nhiên vẫn còn hơn là không nói đến.

Thiết nghĩ, thời gian tới, hướng phát triển xã hội với những tầm nhìn chiến lược phải được chú trọng hàng đầu, bên cạnh những việc cụ thể

Nguyễn Đình San
.
.