Tâm trạng một con trâu

Thứ Hai, 26/01/2009, 15:00
Tôi là một con trâu già. Tên tôi là Pháo. Đám trâu con cháu gọi tôi là ông Pháo. Năm tới là năm Kỷ Sửu, năm của loài trâu nhà tôi nên tôi muốn nhân dịp này, bày tỏ tâm trạng của mình.

Vì tuổi đã già nên tôi từng chứng kiến nhiều chuyện vui buồn của nhà nông trên ruộng đồng, vườn tược. Nếu trước khi bị xẻ thịt lột da mà được rống lên mấy tiếng cho thấu tỏ lòng người thì tôi cảm thấy vui sướng lắm.

Là trâu, suốt đời gắn bó với nghề nông, chung thủy với nhà nông, tôi thu nhận vào lòng những ấn tượng vui có, buồn có từ sau ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng, như sau:

Trước hết, phải kể về cuộc sống hòa bình. Từ ngày dứt tiếng đạn bom, họ hàng nhà trâu chúng tôi được cày bừa, nhai cỏ trong cảnh thanh bình mà trước đó chưa được hưởng. Trong cảnh chiến tranh, nhiều khi đang kéo cày bỗng dưng một quả đạn rơi xuống cạnh mình, trâu tôi bỏ mạng.

Có khi đang nhai cỏ, một quả bom thù ném xuống chuồng trâu, trâu tôi tan xác. Cho nên dập tắt chiến tranh, chẳng những con người sung sướng mà họ nhà trâu cũng yên ấm vô cùng. Nhân danh một con trâu già, một con trâu chính hiệu, tôi xin vô cùng biết ơn những con người yêu nước đã ngã xuống để đem lại hòa bình cho đất nước.

Ruộng đất trở về ta, ta làm ta hưởng; nông nghiệp phát triển, nông thôn vui tươi, nhà nông hạnh phúc. Nhưng “sông có khúc, người có lúc”. Chẳng khác chúng tôi, nhà nông còn lắm nỗi nhọc nhằn. Cái thời ngăn sông cấm chợ đã qua, nhưng mỗi khi nhớ lại vẫn thấy đau lòng. Đều là bà con ta cả mà vùng này thiếu gạo, vùng kia thừa bia cũng không dễ gì chia sớt cho nhau. Nhưng rồi nghịch lý cũng qua đi, hạt gạo được chạy đi chạy lại với con người.

Ngày nay, người ta làm ruộng bằng máy móc nhiều hơn, trâu tôi đâm ra ế việc. Nghĩ cũng tội cho nhà nông, nuôi trâu tuy cực, công việc có kém năng suất, nhưng khỏi tốn xăng dầu, lại có phân bón rau, bón lúa. Thiếu phân chuồng thì ruộng phải ăn phân hóa học, thế nào rồi ruộng cũng bạc màu.

Có một dạo, người ta đua nhau đi lập vườn, bỏ bê đồng ruộng. Một thời hoa trái lên hương. Nhưng sự đời không bền, trái cây rớt giá thê thảm, nhà nông méo mặt. Thế là đốn cây này, trồng cây khác, đổi thay như chong chóng, nhưng rốt cuộc nhà nông có giàu đâu. Điều đáng tiếc là nhà nông thiếu những người chỉ lối dẫn đường tài ba để có thể nhìn xa thấy rộng, báo hiệu cho nhà nông được kịp thời, xác định đúng để tránh rủi ro.

Đằng này nhà nông cứ hùng hục chạy như trâu, nay té xuống mương, mai sa xuống hố. Về khoản này, trâu tôi hơn người. Chúng tôi chạy chậm mà chắc. Đố thấy chuyện chúng tôi té xuống ao như nhà nông. Nhưng nhà nông đáng thương chứ không đáng trách. Hăm hở làm giàu mà trách cái gì. Chỉ vì không có hướng dẫn kịp thời, không có thông tin cần thiết nên phải bị thiệt hại mà thôi.

Do đó, nghèo vẫn hoàn nghèo, cực vẫn hoàn cực. Lúa có giá thì không ai giục bán. Lúa rẻ như bèo thì lại hối bán đi. Làm ăn kiểu này thì làm giàu sao được. Nhân đây tôi muốn nhắn gửi cả những “nhà nông trên núi” như những ông chủ trồng cà phê chẳng hạn. Phải  canh me cho giỏi. Được giá thì bán đi. Đợi đến lúc giá rẻ như bèo thì đua nhau bán thì e rằng cà phê có ngày sẽ không mắc hơn cám là bao.

Ối trời ơi! Nãy giờ tôi nói huyên thuyên cái gì vậy? Tôi lỡ mồm lỡ miệng xúc phạm đến ai không? Nếu có gì sai sót, xin được niệm tình tha thứ vì loài trâu nhà tôi vốn dĩ là ngu, đâu có học hành gì. Cho nên suốt đời, đi đâu cũng phải có người dẫn dắt

Tam Tam
.
.