Tản mạn về giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM 2011

Thứ Năm, 24/11/2011, 10:45
Chiều ngày 8/11/2011, Hội Nhà văn TP HCM đã công bố danh sách các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội năm 2011. Cây bút trẻ Trần Minh Hợp, đoạt giải Nhà văn trẻ dành cho các tác giả dưới 30 tuổi với tập truyện ngắn “Cô gái bán ô màu đỏ”. Trường ca “Ăn xà bông” của nhà thơ Phan Trung Thành nhận được tặng thưởng. Đồng được tặng thưởng với trường ca “Ăn xà bông” là tập thơ “Những câu thơ ngoái lại” của Lương Hữu Quang….

Tất cả những gì có trong năm 2011 của Hội Nhà văn TP HCM chỉ có vậy. Chuyện gì đang xảy ra tại một trung tâm lớn nhất cả nước xét về nhiều phương diện (trừ diện tích), vốn bấy lâu nay được xem như là nơi “bước ra đường gặp toàn văn nghệ sĩ”.

1. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì giải thưởng năm 2010 của Hội Nhà văn TP HCM, được trao cho hồi ký "Được sống và kể lại" của họa sĩ Trần Luân Tín. Tặng thưởng thuộc về tập truyện ngắn "Cánh trái" của nhà văn Phan Hồn Nhiên và tập thơ "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Nhà văn Lê Văn Thảo cũng thôi làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM sau khi kết thúc phần trao giải thưởng của năm 2010, người thay thế nhiệm vụ của nhà văn Lê Văn Thảo là nhà phê bình Lê Quang Trang.

Theo cách đánh giá của một số người, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang là cái tên khá lạ lẫm đối với giới văn chương tại TP HCM. Nhưng, điều đó không có ý nghĩa gì, khi mà người ta đã quen việc chủ tịch một hội văn nghệ địa phương không cần thiết phải là người có nhiều danh vọng lẫn tài năng được giới cầm bút lẫn bạn đọc thừa nhận.

Nhà phê bình Lê Quang Trang về Hội Nhà văn TP HCM được ít lâu thì xảy ra liên tiếp nhiều chuyện mà thời của nhà văn Lê Văn Thảo chưa từng xảy ra. Đầu tiên, là vụ Báo Văn nghệ TP HCM có bài "tẩn" Hội Nhà văn TP HCM xung quanh chuyện ăn ở ngủ nghỉ của các cây bút trẻ trong chuyến thực tế sáng tác tại Cần Giờ (TP HCM). Kế đến, là vụ nhà thơ Ngô Thị Hạnh "tố" Ban chấp hành Hội Nhà văn TP HCM không công bằng trong việc lựa chọn các cây bút tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc…. Và những câu chuyện lùm xùm khác theo kiểu truyền miệng. Toàn là những chuyện không đâu vào đâu.

Từ trái qua: nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà phê bình Lê Quang Trang và nhà văn Trần Văn Tuấn.

Đến giờ, khi Hội Nhà văn TP HCM công bố giải thưởng năm 2011 lại có chuyện. Đầu tiên, theo thông tin chính thức từ trang web của Hội thì "Giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn năm nay lại không chọn được tác phẩm để trao, mà chỉ có hai tặng thưởng mang tính khuyến khích sự sáng tạo cho hai tập thơ của nhà thơ Phan Trung Thành và Lương Hữu Quang".

Trên thực tế, theo quan sát của tôi, năm 2011 này, giới cầm bút tại TP HCM có được nhiều tác phẩm gây tiếng vang, thu hút được sự quan tâm của người đọc lẫn dư luận, như: “Lên núi thả mây” (tập truyện của Lê Văn Thảo), “Bây giờ mà có về quê” (tập tản văn của Huỳnh Như Phương), “Lời tiên tri của giọt sương” (tập truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu), “Ổ thiên đường” (tập truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh), “Mùi” (tập tản văn của Trần Nhã Thụy), “Lá nằm trong lá” (tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh)…

Tôi đọc đa phần các tác phẩm này. Đặc biệt, tập tản văn nhan đề "Mùi" của nhà văn Trần Nhã Thụy cực kỳ xuất sắc, xét về cấu trúc, văn phong lẫn hơi hướng mới cho thể loại tản văn, một thể loại thuộc dạng chắc tay nhất của nhà văn Trần Nhã Thụy...

Tiếc là, đã không có tác phẩm nào lọt vào mắt xanh giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn TP HCM.

Đương nhiên, tác phẩm không có giải thưởng cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên do lớn nhất có thể là bởi tác giả của các tác phẩm trên không đăng ký danh sách tham dự vào giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM. Hơn nữa, nói ra cũng mất lòng nhiều người, nhưng đôi lúc, anh em văn nghệ sĩ vẫn kháo nhau chuyện "tặng thưởng" như ban phát.

Thông tin mà tôi nhận được thì năm 2011 này, có đến 3 tác giả xung phong nộp tác phẩm phê bình là Trần Hoài Anh, Lê Tú Lệ và Lê Thiếu Nhơn. Ba tác giả này đều là những cây bút phê bình ít nhiều tạo dựng được tên tuổi đối với bạn đọc.

Tiếc là, đã không có tác phẩm nào của họ nhận được sự lưu tâm của Ban Chấp hành Hội nhà văn TP HCM. Trong lúc, năm nào cũng có ai đó kêu lên rằng "rất lo lắng vì trống mảng phê bình" này kia kia nọ. Thậm chí, năm vừa rồi, không có tác phẩm phê bình nào được trao tay cho Hội Nhà văn TP HCM để Ban chấp hành có dịp thẩm định.

Cái cần khuyến khích đã không được khuyến khích(?!).

Tất nhiên là không phải vì không có giải thưởng mà tác phẩm dở đi hoặc tác giả trở nên vô danh. Nhưng, việc khích lệ tinh thần dành cho người cầm bút chuyên mảng phê bình là việc mà hầu như ai cũng biết rằng rất nên làm vào thời điểm này.

Vậy mà, dường như nơi đây đã không làm thế.

2. Tôi đã đọc "Cô gái bán ô màu đỏ" của Trần Minh Hợp cách đây khá lâu. Đây là truyện ngắn khiến cái tên Trần Minh Hợp được nhớ đến. Mừng là Trần Minh Hợp vừa được giải thưởng Nhà văn trẻ lại vừa được kết nạp làm thành viên của Hội Nhà văn TP HCM cùng lúc.

Quan điểm riêng của cá nhân mình, với tư cách là một độc giả, tôi cho rằng từ cấu trúc truyện và cả văn phong của Trần Minh Hợp không có nét độc đáo riêng biệt. Đọc nhiều truyện ngắn của Trần Minh Hợp cứ phảng phất suy nghĩ, hình như mình đã đọc cái này ở đâu rồi ấy, nhỉ(?!).

Tôi chịu trách nhiệm về quan điểm của mình, nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn những cố gắng của Trần Minh Hợp.

Nhà thơ Phan Trung Thành với tặng thưởng cho Trường ca “Ăn xà bông”.  Trong số ít các nhà thơ kiên trì với thơ một cách khó nhọc ở TP HCM, cần mẫn viết, ít lộng ngôn, ngại va chạm, góp ý với đồng nghiệp… phải kể đến Phan Trung Thành.

Phan Trung Thành làm thơ đủ thể loại, từ thơ dành cho thiếu nhi đến thơ dành cho người lớn, thơ tình yêu cho đến thơ xứ sở, thơ có vần đến thơ tự do. Rồi đột ngột Phan Trung Thành nhảy sang làm trường ca và được tặng thưởng.

Trao tặng thưởng cho một trường ca là điều hoàn toàn xác đáng. Không cần bàn đến nội dung của “Ăn xà bông”, bởi nội việc ngồi tư duy để viết ra một trường ca dài dằng dặc chữ đã là điều quá sức mẫn cán và đáng được ghi nhận.

Một vài ý kiến cho rằng việc Phan Trung Thành là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn TP HCM lại được tặng thưởng của chính nơi Phan Trung Thành đang công tác thì liệu có công bằng(?!).

Riêng bản thân mình, tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường. Ngay cả khi Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM trao giải thưởng chính thức của Hội cho tác phẩm của nhà phê bình Lê Quang Trang tôi vẫn thấy rất bình thường.

Với tôi, chức vụ hay vị trí công tác không liên quan đến nội dung của tác phẩm. Đương nhiên, người tế nhị luôn có những cách xử lý khác nhau.

Riêng về nhà thơ Lương Hữu Quang với tặng thưởng cho tập thơ "Những câu thơ ngoái lại", tôi không có bình luận gì. Bởi, thú thật là tôi cũng không biết nhà thơ Lương Hữu Quang là ai và chưa đọc thơ anh.

Tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, thấy có duy nhất bài viết về anh trên trang web của Hội Nhà văn TP HCM. Đồng thời, cũng trên trang web này có trích mấy bài thơ của anh, đọc vui vui, hơi bí hiểm, kiểu như: “Vết cắt thẳm sâu - trở trời - nhói đau. Mầm thơ lửa cháy - di cư trốn chạy - thoát nơi nào?. Cười gượng - mắt giới nghiêm - hôn trộm…”.

Tất nhiên, là với vài bài thơ đọc được trên trang web thì chưa thể nhận định gì được cả.

Dẫu sao, cũng chúc mừng nhà thơ Lương Hữu Quang với tặng thưởng của Hội Nhà văn TP HCM 2011.

3. Thông tin từ Hội Nhà văn TP HCM cho biết, ở đợt xét giải thưởng năm nay, có tổng cộng 26 tác phẩm của các tác giả là hội viên và chưa là hội viên của Hội Nhà văn TP HCM. Trong số đó, có 8 tập văn xuôi, 15 tập thơ và 3 tập phê bình.

Sau khi được Hội đồng chuyên môn xét chọn và bỏ phiếu ở vòng sơ khảo, đã có 5 tác phẩm được đưa vào vòng chung khảo gồm: “Cô gái bán ô màu đỏ” (Tập truyện ngắn, Trần Minh Hợp), “Một phẩy sáu nhân hai” (Tập truyện ngắn, Yến Linh), “Những câu thơ ngoái lại” (Thơ, Lương Hữu Quang), “Ăn xà bông” (Trường ca, Phan Trung Thành) và “Thức một miền xanh” (Thơ, Huệ Triệu).

Như vậy, ở vòng chung khảo, hoàn toàn không có một tập phê bình nào đủ trọng lượng để góp mặt.

Không biết vô tình hay hữu ý, mà Ban giám khảo của vòng chung khảo này gồm, nhà phê bình Lê Quang Trang, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà thơ Hoàng Đình Quang và nhà thơ Dương Trọng Dật đã loại tác phẩm của Yến Linh và Huệ Triệu, chỉ để sót lại "từ thanh niên cho đến đàn ông" trong việc trao giải và tặng thưởng.

Yến Linh là tác giả trẻ, rất trẻ đang tạo được ấn tượng tốt từ bạn đọc. Còn Huệ Triệu là nhà thơ nữ với những câu thơ tài hoa. Một nhà thơ là thành viên ban sơ khảo của Hội đồng thơ, cho biết: "Ở vòng sơ khảo, riêng lĩnh vực thơ, chúng tôi xác định năm nay không có tập nào xứng đáng được giải. Chúng tôi thống nhất chọn ra 3 tập thơ trao tặng thưởng khích lệ, trong đó có tập thơ “Thức một miền xanh” của Huệ Triệu". Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về ban chung khảo, gồm những người đứng đầu Hội Nhà văn TP HCM, và cuối cùng chỉ còn 2 tập thơ được tặng thưởng.

Cái khó của giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM 2011 là quy định, các nhà văn, nhà thơ phải nộp sách và ký tên xác nhận tham gia hoặc ủy quyền người khác thay mình về tư cách pháp nhân thì mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng có thể tự gửi tác phẩm do mình ấn hành để tham gia giải thưởng. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có nhà xuất bản nào "rảnh" đến mức bỏ thời gian để giới thiệu một tác phẩm do mình xuất bản nhằm hướng đến cái đích cuối cùng là…. vinh quang cho một cá nhân không thuộc nhà xuất bản.

Kế đến, tác phẩm dự giải có thể do các thành viên ở các hội đồng Thơ, Văn xuôi và Lý luận phê bình giới thiệu. Nhưng, khắc nghiệt ở chỗ nguồn sách này cũng bị vướng bởi quy định "Ủy viên các hội đồng giới thiệu tác phẩm nhưng không có chữ ký của tác giả thì tác phẩm bị loại".

Điều này hơi cứng nhắc, bởi không phải tác phẩm nào cũng có thể có được chữ ký của tác giả. Đặc biệt, là những tác phẩm thuộc dạng di cảo.

Đồng thời, quy định này cũng đã triệt tiêu luôn sự phát hiện tác phẩm hay của các thành viên trong hội đồng Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình của Hội Nhà văn TP HCM.

Hơn nữa, đối với văn nghệ sĩ thì cũng nên bớt lại các thủ tục hành chính không cần thiết. Việc tác phẩm ra đời có tiếng vang, tạo được hiệu ứng xã hội, thì không cần đến tác giả tự ứng cử, nhà xuất bản ứng cử giúp hay thành viên của các hội đồng đề xuất, thì những người có trách nhiệm tại Hội Nhà văn TP HCM cũng nên chịu khó chủ động thẩm định để từ đó có thể hướng đến việc trao giải thưởng cho tác phẩm một cách xác đáng.

Điều này hoàn toàn không khó. Đơn giản là tại TP HCM, năm nay không có quá 10 tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận về nội dung. Ngoại trừ, một tác phẩm rất dở nhưng lại bị đề xuất thu hồi vì "dâm ô" (?!) làm ầm ĩ cả lên, tạo nên hiện tượng săn lùng cuốn sách này một cách rầm rộ

Ngô Nguyệt Hữu
.
.