Tản mạn với Việt Nam Idol

Thứ Bảy, 18/09/2010, 05:30
Cuối cùng, sau nhiều ngày ẩn mình chờ phát sóng, thì chương trình truyền hình thực tế được Việt hóa với tên gọi "Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol" đã đến hồi... hấp dẫn nhất của nó. Phần hấp dẫn này không phải là sự xuất hiện của một giọng ca huyền ảo trong một hình thể không mỹ miều kiểu như Susan Boyle đã từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ, cũng chẳng phải một khuôn mặt nhiều triển vọng cho làng giải trí Việt trong tương lai gần…

Mà chính là các tình huống "xuất thần" trong diễn xuất của các thí sinh, các giọng ca mà theo đạo diễn Quang Dũng, thành viên Ban giám khảo Vietnam Idol là “siêu dở”, hai thứ ấy kết hợp lại chỉ với một mục đích duy nhất là tạo nên tiếng cười cho khán giả theo dõi cuộc thi qua sóng truyền hình như một đoạn tấu hài đã đến hồi bốc đồng nhất(!)

1. Tôi không hề có ý định bài xích cuộc thi đặt cao tiêu chí vui nhộn và kinh doanh như Vietnam Idol. Vì lẽ đơn giản, xét về các sự kiện văn hóa, có cảm giác rằng ở nước ta bất cứ cuộc thi nào cũng sẽ thu hút được hàng nghìn thí sinh tự nguyện và vui vẻ tham dự, từ hoa hậu trên 18 tuổi cho đến người đẹp xế chiều, từ “nữ hoàng nhan sắc” tuổi 13 cho đến hoa khôi đại đoàn kết, từ ca nhạc trên sóng truyền hình lan sang sóng phát thanh, từ thi hát qua điện thoại cho đến thi hát qua mạng Internet.

Bên cạnh đó, hình như mọi cuộc thi đều được giới truyền thông nhiệt tình ưu ái đến mức khoác lên mình nó chiếc áo choàng hiệp sĩ dẫu cho mục đích của nó chỉ là thương mại, thì ai mà chẳng quan tâm, ai mà không muốn đoạt giải. Và Vietnam Idol chính là giải thưởng mà nhiều bạn trẻ muốn sở hữu nhất. Còn chuyện đoạt giải Idol có thành sao trong làng giải trí hay không thì đó là chuyện hạ hồi phân giải. Chỉ biết rằng nhãn hàng dầu gội đầu Clear vẫn được nhớ đến trong chuyện "khai sáng" thần tượng cho làng giải trí Việt.

Lẽ dĩ nhiên, khi một thương hiệu quyết định tài trợ cho một cuộc thi nào đó, người ta luôn nhắm đến khả năng quảng bá cho thương hiệu của mình như thế nào để rót tiền cho tương xứng. Còn công ty tổ chức, đã tổ chức thì phải sinh lợi. Muốn sinh lợi thì cuộc thi phải thật thu hút được thí sinh tham gia càng đông càng tốt, sự quan tâm của dư luận càng cao càng lắm tiền... Muốn thí sinh tham gia nhiều cần có chiến thuật trong khâu tổ chức, còn muốn thu hút dư luận thì đơn giản hơn, chỉ cần cho họ thỏa mãn một trận cười. Vậy là thành công.

Chương trình "Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol" lần thứ 3 là một chương trình truyền hình thực tế sôi động; một chương trình giải trí mang ý nghĩa giáo dục cao, phù hợp với giới trẻ Việt Nam. Đây không hẳn là một cuộc thi mà là một sân chơi mơ ước - nơi các bạn trẻ có thể bộc bạch những ước mơ âm nhạc của mình. Qua các vòng thi, các bạn trẻ học hỏi được nhiều hơn về cách sống tập thể, tinh thần đồng đội, khả năng chinh phục khó khăn... để có thể thực hiện được ước mơ của mình... Đó cũng là một sự trải nghiệm thú vị mà chỉ có ở các chương trình truyền hình thực tế.

Ba “diễn viên” chính trong bộ phim bom tấn nhan đề Vietnam Idol.

Chương trình "Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol" lần thứ 3 không chỉ là cơ hội chắp cánh cho những giọng ca xuất sắc mà còn là sân chơi bình đẳng cho tất cả các bạn trẻ có niềm đam mê ca hát trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị cho đến nông thôn. Dù ở đâu đi nữa thì chỉ cần có niềm đam mê ca hát, các bạn trẻ đều có cơ hội thể hiện và chinh phục đam mê, ước mơ âm nhạc của mình. Đó cũng là sự khẳng định khả năng của các thí sinh đối với cha mẹ, thầy cô và bạn bè".

Tôi lấy nguyên văn hai đoạn viết về cuộc thi trên trang web vietnamidol.com.vn để bạn đọc dễ hình dung hơn về "ý nghĩa cao cả" của nó. Nhưng, những phân đoạn clip trên truyền hình cho chúng ta thấy ý nghĩa này cao cả như thế nào?

Người ta (tức Ban tổ chức) nói cuộc thi mang ý nghĩa giáo dục cao để rồi người ta biến giọng hát của một vài thí sinh thành trò cười cho khán giản xem truyền hình. Không lẽ, người ta muốn giáo dục cho các thí sinh ấy là "Hát dở như mày, đừng đi thi nữa, nhé. Coi đi, để xấu hổ mà cạch chúng tao ra"(?!). Người ta nói cuộc thi là một sân chơi mơ ước, để rồi sau đó, thí sinh nào vô phúc lỡ hưng phấn thái quá sẽ biến thành "ông trùm biểu cảm gây cười Mr.Bean" trước sự đỏ mặt của gia đình, sự toát mồ hôi hột của bản thân, sự dè bỉu của bạn bè... Thậm chí, là sự miệt thị của những thành viên trong các diễn đàn mạng.

Tôi xem các clip ấy, cứ thấy xót xa cho những thí sinh không may tin vào cuộc thi này. Giả như, là bất cứ ai đấy trong chúng ta trót dại đi thi Idol, lỡ "hưng phấn thái quá" và bị ống kính truyền hình của người ta lia vào mặt rồi cho lên sóng, không biết cảm giác sẽ như thế nào, nhỉ? Ai mà dám tưởng tượng ra được, có thể đoán với độ chính xác tầm 90% là kẻ ấy ngay lập tức muốn nhấn nút biến mất khỏi thế giới này. Bởi không ai dám "khẳng định khả năng của mình đối với cha mẹ, thầy cô và bạn bè" theo cách mà Vietnam Idol đã ban phát cho họ bằng những clip quái đản đóng đinh thương hiệu Vietnam Idol cả.

Người ta sẽ nói "Nhà báo bảo nhà báo không kỳ thị, thật ra nhà báo đang kỳ thị cuộc thi của chúng tôi". Không, tuyệt đối tôi không kỳ thị cuộc thi này. Bởi tôi biết người ta sẽ nói tiếp "Các cuộc thi Idol được tổ chức trên thế giới đều diễn ra như thế cả. Nhà báo chậm tiến, nhà báo bảo thủ, nhà báo không xem American Idol à, không nghe Ban giám khảo và thí sinh chửi nhau trối chết à... Chúng tôi đang làm xu hướng truyền hình mới. Là truyền hình thực tế, biết không?". Tôi biết điều này chứ(!).

Duy có điều, tôi cho rằng việc lợi dụng đam mê của người khác để biến họ thành trò cười cho dư luận nhằm mục đích kinh doanh là việc làm của một nhóm người... kém văn hóa (Tôi đã cố gắng để không sử dụng cụm từ vô văn hóa). Cũng có thể tôi lạc hậu so với thế giới, nhưng biết sao được, khi tôi vẫn giữ nguyên quan điểm mà tôi vừa nêu. Tất nhiên, tôi không hề muốn chúng ta tạo nên những cuộc thi cứng nhắc, khô khan... Xin đừng cố gắng hiểu nhầm ý của tôi.--PageBreak--

2. Có 3 nghệ sĩ từ nổi tiếng vừa vừa, sắp... gần hết nổi tiếng và có thể đã nổi tiếng tham gia trong thành phần Ban giám khảo của Vietnam Idol. Tôi lần lượt xếp họ theo thứ tự là đạo diễn Quang Dũng, ca sĩ Siu Black và nhạc sĩ Quốc Trung.

Trên các clip đang chuyển tải đầy trên mạng, dáng dấp của 3 vị giám khảo này xuất hiện rất cận cảnh, như khuôn mặt của đạo diễn Quang Dũng rất nghệ sĩ với cái vuốt mặt cực kỳ điệu nghệ. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nghệ sĩ không kém với phong thái cười nhếch mép đầy ẩn ý, mắt kính đen bản to tựa vào trán, hàm râu nghệ sĩ còn hơn cả nghệ sĩ. Và ca sĩ Siu Black, người sở hữu giọng cười quyến rũ và luôn sẵn sàng để mọi người thưởng thức giọng cười quyến rũ đầy chất nghệ sĩ ấy. Giọng cười được xuất hiện trong các clip của Vietnam Idol với thời lượng không kém gì quảng cáo trên sóng truyền hình. "Ca sĩ" là nghệ sĩ hát, "tiếu sĩ" nôm na là nghệ sĩ cười chăng(?!).

Ba nghệ sĩ đều có phong cách rất nghệ sĩ ấy, đã đáp ứng hoàn hảo tiêu chí cần cho cuộc thi Vietnam Idol này. Khi một đạo diễn nhận xét về một giọng hát là "siêu dở" và gợi ý với nam thí sinh là "khi nào phim của anh có vai diễn cần một cái... rất là cong thì anh sẽ mời em". Cũng là lúc một nhạc sĩ phán thí sinh rằng: "Em hát như bị cưỡng bức", và nhấn mạnh: "Em làm tôi có cảm giác đang xem tuồng hay kinh kịch". Phụ họa theo rất nhanh, là tiếng cười của một "tiếu ca sĩ" với âm lượng rất lớn, vang rền... mà không hiểu cười vì lý do gì.

Thí sinh biểu cảm, thì Ban giám khảo cũng biểu cảm. Họ sẽ biểu cảm theo cách của họ, như: cười nhếch mép, nhắm mắt, gục mặt xuống bàn giả vờ ngủ, chắp tay tỏ ý bái phục vì thí sinh hát quá dở, vò đầu bứt tóc như suýt trúng số độc đắc, cơ mặt giật giật như kẻ bị ép buộc làm điều gì đó... Họ làm những điều ấy trước ống kính truyền hình đạt thế. Đạt đến mức tôi quên mất họ là Ban giám khảo, cứ tưởng họ cũng là một trong những thí sinh đang tham dự Vietnam Idol trong cơn hưng phấn đến độ mất kiểm soát.

"Một điều rất dễ nhận thấy ở Vietnam Idol chính là tính tương tác rất cao, do đó khi tham gia chương trình dù với tư cách nào, bạn cũng đã là một phần của nó. Nói lên điều này để thấy rằng, vai trò của Ban giám khảo không chỉ là công việc chấm, chấm và... chấm. Hơn ai hết, họ chính là những “vai diễn” trong bộ phim bom tấn mang tên Vietnam Idol, do đó những người được chọn ngồi trên chiếc ghế nóng này không chỉ có trình độ và chuyên môn uy tín mà còn phải là sức hút nhất định với cả thí sinh lẫn khán giả. 3 người, 3 vai trò, 3 cá tính: Quang Dũng, Quốc Trung, Siu Black, tất cả đã tạo nên một team work (đội ngũ làm việc nhóm - PV) cần mẫn và hài hước suốt những ngày tháng chương trình diễn ra và hãy cùng dõi xem hành trình đầy hứng khởi của họ trên Vietnam Idol".

Lần này, thì tôi sẽ không tranh luận với phần viết về Ban giám khảo trên website của Vietnam Idol. Vì đơn giản, tôi hoàn toàn đồng ý 3 nghệ sĩ này là diễn viên chính trong bộ phim bom tấn mang tên Idol. Còn nội dung của bộ phim bom tấn ấy thuộc thể loại xúc phạm một nhóm người, hài kịch nhố nhăng hay kệch cỡm gì gì đấy là tùy vào đánh giá của người xem.

Báo Người Lao động có bài viết về Ban giám khảo Vietnam Idol rất hay, nhan đề được các trang mạng trích dẫn là "Khi Ban giám khảo cũng bị... "điên". Tít rất chuẩn, chỉ tiếc là từ "điên" lại bị che mất bởi biểu tượng ẩn ý. Nếu không, đã chính xác nay lại càng chính xác hơn.

Giấc mơ nào dành cho thần tượng tương lai.

3. Thí sinh - người có vai trò then chốt nhất trong cuộc thi, họ đang mơ gì nhỉ(?!). Mơ về một ngày được như Trà My, như Thanh Duy, như Thảo Trang. Tốt thôi, giấc mơ cũng như đam mê, luôn đáng được trân trọng. Nhưng, trong hàng chục nghìn thí sinh tham dự cuộc thi cuồng nhiệt này, có bao nhiêu thí sinh "thoáng có ý định nhấn nút biến mất" khi nhỡ xem chương trình truyền hình "Vietnam Idol hài hước" mà mình là nhân vật chính(!). Chắc cũng nhiều, rất nhiều. Vì sao người ta có thể nhẹ nhàng khiến một số thí sinh biến thành diễn viên hài siêu hạng trong tay họ, đơn giản là bởi họ tin vào sự hồn nhiên của những con người luôn khát khao được làm ca sĩ nhưng lại bị hạn định về giọng hát, luôn muốn bộc lộ hết mình nhưng lại quên mất nên và không nên bộc lộ với đối tượng nào(?!).

Giá như khi bị chế nhạo lần đầu họ sẽ rút kinh nghiệm để đừng khóc, đừng bức xúc, đừng cãi nhau trước ống kính máy quay phim, đừng trả lời những câu hỏi "gài" của chàng MC điển trai vô duyên đến mức đi nhại giới tính người khác ngay khi thu hình... Tiếc rằng, họ đã khóc, đã bức xúc, đã tranh cãi, đã trả lời... và họ lại thêm lần nữa bị biến thành trò cười "tập hai" trong bộ phim đáng bị thu hồi giấy phép mang tên Vietnam Idol.

Vài năm trước, khi người tiêu dùng mua một chai dầu gội đầu Clear sẽ được tặng 1 đĩa CD, ghi lại những pha "hưng phấn", những giọng hát "thần sầu" của các thí sinh Việt Nam Idol. Hình như, số lượng quà tặng có giới hạn nên Clear ngày ấy được tiêu thụ rất nhanh. Người tiêu dùng ào ào mua Clear về chất đống để dùng dần, miễn sao có được cái CD với sự tham gia của những diễn viên hài bất đắc dĩ ấy. Người ta kinh doanh tài đến thế là cùng(?!).

Thế thôi, tôi chỉ muốn tản mạn cùng Vietnam Idol đến đây. Vì thú thật là tôi cũng mong Ban tổ chức cuộc thi này tốt nhất là chỉ nên làm truyền hình thực tế, đừng cố gắng biến nó thành cuộc thi hay khai sáng, tìm tòi lục lọi gì cả, bởi điều mà người ta đang làm không đúng như tên gọi của cuộc thi. Làm gì có thần tượng nào cho những đam mê bị chế giễu(?!).

Hay, thi cũng được. Nhưng nên lưu ý thí sinh rằng "Vietnam Idol - Cuộc thi chống chỉ định với những thí sinh còn dây thần kinh cảm xúc"

Ngô Nguyệt Hữu
.
.