Tản mạn xứ Hàn

Thứ Hai, 02/04/2007, 11:00

Anh bạn người Việt công tác tại Hàn Quốc cho biết, có hai điều rất ấn tượng: Một là, Hàn Quốc cũng bị nạn cúm gia cầm hoành hành, nhưng chưa hề gặp trường hợp nào virút cúm gà lây sang người. Thứ hai, đây là nơi ma túy hiện diện không đáng kể.

Chúng tôi tham gia Đoàn Nhà báo Việt Nam sang Hàn Quốc dự Hội nghị do Liên đoàn Báo chí thế giới (IFJ) tổ chức vào trung tuần tháng 3 này, thời tiết sắp chuyển mùa, tuyết đang tan. Vùng ngoại ô Seoul còn loang lổ tuyết trắng trên những sườn đồi trơ đá, xác xơ cỏ cây. Quá ít màu diệp lục của cây cỏ. Dọc đường từ sân bay Incheol về thủ đô, qua cửa kính xe, xa xa trên sườn đồi cây cối đen đen màu nâu nâu như vườn đào Nhật Tân ở ta vào độ cháy vụ. Đó đây loáng thoáng màu xanh của cây thông, cây tùng cằn cỗi tán thấp còn trụ lại qua mùa trắng tuyết... Cảm nhận về xứ lạnh này hơi lạ.

1- Khách vùng nhiệt đới ra khỏi Cảng Hàng không Incheol là hứng ngay cái lạnh rất đột ngột. Nhiệt độ ngoài trời quá thấp, chỉ khoảng 0 đến 1 độ. Da tay, da mặt tê bì lên vì lạnh. Nhưng bước lên xe ca về Seoul là lập tức tháo găng, cởi áo ngay vì trên xe có hệ thống sưởi ấm, nhiệt độ trong xe lên đến 25-27 độ.

Những ngày ở xứ Hàn, chúng tôi rất mệt mỏi với động tác mất thì giờ ấy, cứ bước chân vào nhà là cởi áo, bỏ găng (nhiệt độ trong Lotte Seoul Hotel từ tầng 1 đến tầng thứ 34 có hệ thống sưởi hơi, đồng hồ nhiệt kế ở hành lang lúc nào cũng chỉ 28 độ), ra khỏi nhà, khỏi xe là lập tức "chằng đụp" khăn áo để chống chọi với giá lạnh. Nhiều người trong đoàn chúng tôi đã bắt đầu nói giọng mũi nghèn nghẹt.

Seoul đẹp và hiện đại. Đa số là các cao ốc, nhiều nhà cao 20 tới trên 30 tầng, và hun hút những đại lộ. Cũng có những con phố cổ, chùa chiền và cung điện, song cái sự choán ngợp vẫn là dáng dấp của một đô thị trẻ đầy sung mãn, một tiềm năng phát triển mạnh.

Quy hoạch hạ tầng giao thông ở đây khá quy củ và gây ấn tượng. Rất nhiều xa lộ vùng ngoại ô và đại lộ với nhiều làn xe chạy trong nội thành. Mặt đường chia hai chiều, mỗi chiều ba, bốn, năm làn xe chạy, rất thông thoáng. Dọc những xa lộ, do địa hình nhiều đồi núi (chiếm tới 70%) nên liên tục xe phải chui qua những đường hầm.

Các nhà báo Việt Nam thăm cung điện ở Seoul.

Trên đường vùng ngoại ô Seoul và trong thành phố, xe con, xe tải, xe ca trắng, đen, xanh đỏ, tím vàng đủ màu rất vui mắt rồng rắn trên đường như một đàn kiến. Có một điều lạ là, trong những ngày ở Seoul, chúng tôi chưa bao giờ nghe tiếng còi xe. Các lái xe ở đây dường như không có thói quen dùng còi; rẽ ngang, rẽ tìm nơi đỗ, vượt đường... chỉ thấy đèn xi nhan nháy sáng. Riêng xe bus đến gần điểm dừng đỗ, thì có thêm một làn đường riêng được phân định bằng màu đỏ, do vậy các làn xe trên đường vẫn lưu thông một cách bình thường. Không thấy hàng rong trên hè phố, trừ ở khu phố đi bộ.

Rất hiếm thấy cảnh sát xuất hiện trên mặt đường. Thi thoảng, chúng tôi mới gặp một vài nhân viên cảnh sát với bộ cảnh phục màu đen, ủng đen, mũ trắng, găng trắng, vai đeo bộ đàm đứng ở vài ngã tư, ngã năm đường trọng điểm để chỉ huy giao thông. Nhìn hàng xe rồng rắn trên những con lộ 6 đến 8 làn xe xuôi ngược và mật độ cảnh sát thưa thớt, đủ thấy việc chấp hành luật giao thông ở Seoul rất tốt.

“Vô phúc cho anh nào mặt đỏ, miệng phả đầy hơi men mà to gan dám ngồi sau tay lái. Bởi uống rượu mà lái xe ở Hàn Quốc bị xử phạt rất nặng, nhẹ thì phạt tiền, thu bằng; nặng thì đình chỉ lái xe đã đành, lái xe dại dột ấy có thể còn phải gò lưng đi lao động công ích. Vì thế lái xe ở đây khá biết thân biết phận - Anh bạn người Việt bạn tôi lái xe, quay sang nhắc - Các ông ở bên nhà không có thói quen ngồi vào xe là đeo dây an toàn, ông không đeo, cứ việc moi 40.000 won nộp phạt”.

Seoul có rất nhiều đường hầm dành cho người đi bộ sang đường, sang khu phố khác, thành thử mật độ người cắt ngang đường phố trên mặt đất rất thấp. Xuống đường hầm đi bộ thì thấy chan chan người. Đường hầm được thiết kế như một trung tâm siêu thị mini, người mua kẻ bán tấp nập và luôn sáng đèn. Các kiốt ăm ắp hàng hóa, nào giày dép, quần áo, mũ nón, đồng hồ, băng đĩa nhạc... Rất tiện và an toàn, chỉ khổ cho du khách lạ lẫm mỗi khi lên khỏi đường hầm là cứ ngơ ngơ ngác ngác để định lại phương hướng xem mình đang ở đâu.

Dưới lòng cái thành phố 10 triệu dân này chằng chịt đường xe điện ngầm. 5 phút một chuyến. Phần lớn người dân Seoul thường sử dụng tàu điện ngầm để đi lại. Tàu khá sạch sẽ. Chúng tôi nhiều lần gặp cảnh cô gái trẻ một mình bình tĩnh ngồi chờ tàu trong một ga vắng vẻ lúc 12h đêm. Không thấy bọn ma cô dặt dẹo, bọn hút chích lấy ga tàu làm “nhiệm sở”. Hỏi ra thì nơi đây cơ quan chức năng quản lý làm rất rát, liên tục quét vét, bọn ma cô khó có chỗ "hành nghề".

Dọc con sông Hàn (Han-gang) chảy giữa Seoul, chúng tôi đếm có đến khoảng gần 20 cây cầu hiện đại qua sông, mặt cầu lúc nào cũng ken dày xe. Dọc đại lộ liên tục gặp những vòng cuốn dẫn xe lên các cầu. Nhiều trụ móng cầu đang xây dựng dở dang nhô lên khỏi mặt sông. Cầu nhiều nên chuyện cách sông cách đò ở Seoul được xem như “no” vấn đề.

Thi thoảng cũng gặp cảnh tắc đường, nhưng chỉ diễn ra trong khoảng vài chục phút. Tôi bắt gặp một cảnh tắc đường ngay trước mặt tiền  Lotte Seoul Hotel vào lúc 5 giờ chiều. Một tổ cảnh sát giao thông từ 5 đến 6 nhân viên lập tức được điều đến, ra sức vung gậy, tuýt còi. Ken dày những mui xe ôtô ùn tắc bỗng chốc được giải quyết chóng vánh, tôi ước chừng chỉ trong khoảng hơn chục phút.

Hôm chúng tôi đi thực tế biên giới trên đường từ Sokcho trở về Seoul, gặp một chiếc xe con rúc đầu phá tan hàng rào bên đường cao tốc, như thế có nghĩa là tai nạn cũng có thể xảy ra ở nơi mà hạ tầng giao thông tốt thế này. Trên xa lộ cao tốc, xe chạy lúc nào đồng hồ công-tơ-met cũng chỉ 100km. Đường tốt vì rất ít giao lộ cắt ngang. Có rất nhiều cầu vượt ngang trên đầu cho nên lái xe luôn yên tâm mát chân ga.

Đường phố Seoul rất ít người đi bộ. Ở cửa ga tàu điện ngầm, cửa đường hầm đi bộ hoặc bến xe bus mới thấy người túa ra và tản nhanh vào công sở, nhà hàng, siêu thị. Trung tâm Seoul cũng có phố dành riêng cho người đi bộ giống như Hàng Đào, Đồng Xuân của Hà Nội. Rất nhiều xe bàn đẩy lưu động bán hàng rong, hàng lưu niệm, với đủ thượng vàng, hạ cám những quần áo, tất, ví da, kính, bút, đèn pin... Ngào ngạt mùi thơm từ những xe bán hàng ăn đêm, từ  đồ hải sản như những chiếc râu mực to đến ngô nướng, xiên xúc xích, xiên khoai tây rán... Mấy con phố xa tít tắp kẹp giữa hàng dãy cao ốc rực màu đèn xanh đỏ nghèn nghẹt những người. Và ở khu chợ, khu phố đi bộ mới thấy xuất hiện những chiếc xe máy dùng để chở hàng. Các phố khác rất ít thấy xuất hiện xe máy, còn trên xa lộ cao tốc thì bói không ra một chiếc. --PageBreak--

2- 8h30, tranh thủ tôi gọi điện cho anh bạn người Việt thường trú ở Seoul đề đạt nguyện vọng muốn... đi xem chợ. Anh bảo: “Phải sau 10 giờ thương nhân mới mở hàng. Phải đi chợ vào tầm trưa hoặc chiều. Người dân Seoul thường thức khuya, dậy muộn, trừ công chức”. À ra thế, hèn nào tôi thấy thành phố luôn ồn ào đến sau 0h. Sáng ra không thấy cảnh người dân tập thể dục buổi sáng như ở các thành phố bên ta. Trời lạnh, phố vắng vẻ, xe chạy trên đường thời điểm này cũng thưa mặc dù đã là 8h sáng (6h VN).

Chiều, chúng tôi ra cái chợ mà người Việt ta ở đây quen gọi là chợ Đông. Du khách và người dân thành phố thường đến mua bán, vì mức giá ở đây tạm gọi là bình dân, dễ mua, chứ không như những siêu thị sang trọng cao chót vót vài chục tầng và giá cả nghe qua cũng đủ làm người ta giật mình nhăn trán để ước lượng cái hầu bao của mình. Cầu thang máy cuốn đưa chúng tôi đi hết 4 tầng chợ. Trong chợ cũng chia làm nhiều quầy như chợ ở ta. Chợ Đông ban ngày rất đông khách.

Tôi hỏi một cái áo khoác kiểu măngtô nữ vải kaki dày, trong lót lớp lụa mỏng và giật mình: giá niêm yết những 345.000 won, nghĩa là khoảng 3 “vé” rưỡi, đắt quá! Áo ấy ở Hà Nội cao lắm chỉ 500.000đ. Hai cái áo vải mỏng cotton may kiểu cách cho nữ thanh niên, mỗi cái giá 10.000 won, tương đương khoảng 10 “đô”. Áo ấy, vải ấy ở ta chỉ 60.000 đồng là "kịch kim". Hàng da ở đây không đắt lắm. Một chiếc áo da xịn mác Korea giá dao động từ dưới 200 USD xuống đến 80 USD tùy loại. Chợ Đông có hẳn một tầng chuyên bán mặt hàng này. Cơ man kiểu cách, mẫu mã đẹp. Tất nhiên ở đâu cũng có chuyện mặc cả, ai khéo miệng thì mua được đồ rẻ.

An ninh trật tự trong chợ tương đối tốt. Theo quan sát của chúng tôi thì không thấy xảy ra chuyện trộm cắp, móc túi, giật dọc và cò hàng, hay cãi vã giữa bạn hàng với nhau. Tiểu thương người Hàn niềm nở và hiếu khách. Anh có thể chọn thoải mái hàng tiếng đồng hồ, sau không ưng ý thoái lui vẫn nhận được nụ cười tươi tắn, và cái cúi đầu cảm ơn của chủ hàng.

Tôi đến một quầy với ý định mua một chiếc dây lưng da, chọn mãi mà không có cái nào vừa ý, đến nỗi bà chủ hàng sau khi thấy lâu quá bỏ vào phía trong quầy làm việc gì đó. Tôi phân vân, sao người ta tin người thế nhỉ? Gặp người tốt không sao, lỡ kẻ xấu đến giả mua hàng rồi lừa cơ chôm hàng thì sao? Tôi thấy các hàng khác chủ hàng cũng như vậy. Lúc đến chợ, túi khoác tôi hơi cồng kềnh, bởi vai kia tôi còn phải khoác thêm chiếc máy ảnh thành thử rất vướng víu. Tôi đánh liều dúi cái túi khoác trong lỉnh kỉnh những đồ tạp pí lù vào một góc chân cầu thang máy. Lượn chán 4 tầng chợ đến hơn tiếng đồng hồ, lúc quay xuống thấy cái túi của mình vẫn còn nằm đó, mở ra, thở phào: mọi thứ vẫn nguyên.

Ngồi trên xe trở về, với ý định tìm hiểu xem tệ mại dâm ở xứ này ra sao, tôi nói vui là muốn đi “khám điền thổ” để lấy tài liệu viết báo, anh bạn tôi cho hay: “Trước đây nghề kinh doanh gái ở đây được coi là hợp pháp, nhưng giờ thì cấm rồi, độ 2 năm nay ai kinh doanh nghề này đều coi là bất hợp pháp, ông đến đấy rầy rà lắm, không nên. Người ngoại quốc vướng vào là bị trục xuất ngay, khiếp lắm!”. Nói rồi, anh quặt tay lái rẽ đưa tôi về Lotte Seoul Hotel.

3- Anh bạn người Việt công tác tại Hàn Quốc cho biết, có hai điều rất ấn tượng: Một là, Hàn Quốc cũng bị nạn cúm gia cầm hoành hành, nhưng chưa hề gặp trường hợp nào virút cúm gà lây sang người. Thứ hai, đây là nơi ma túy hiện diện không đáng kể. Cả nước này với khoảng gần 50 triệu dân, mới chỉ có khoảng 2.000 con nghiện. Nếu như đó là con số chính xác thì đây là một điều đáng lưu tâm trong khi các quốc gia khác đang phải khổ sở, mệt mỏi chống chọi với tệ nạn này...

Xã hội Hàn Quốc còn lưu giữ truyền thống Khổng giáo mạnh mẽ. Người Hàn rất tôn trọng những lễ giáo, tôn ti trật tự trong gia đình, mặc dù quốc gia này đã có những bước tiến rất mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội. Đối với người dân Hàn, học là một yêu cầu và là bí quyết của sự thành công, do vậy tỉ lệ người biết đọc biết viết khá cao 98%.

Bữa ăn truyền thống ở xứ sở Kim chi không thể lẫn với xứ nào. Rau rất hiếm, đừng nghĩ đến sự khiêm tốn mà đề xuất “Rau dưa thôi nhé” nếu anh được mời cơm, bởi rau là thứ thực sự xa xỉ trong bữa, còn thịt thà không phải là vấn đề. Hôm cùng anh bạn tôi đi ăn cơm Hàn, một rổ rau con con nhà hàng tính 4.000 won (4 “đô”). Món ăn Hàn tương đối ngon. Trước mặt bạn bày rất nhiều đĩa chén nông lòng nhỏ xinh, trong mỗi cái “tí xinh” ấy lón xón một đũa rau, một chút thịt, cá. Khá nhiều đồ cay, đĩa bát đỏ những ớt. Tôi bật cười nhác thấy một nữ nhà báo trẻ người châu Âu cứ há miệng hít hà ở bàn bên cạnh và lấy tay quạt... miệng. Dẫu thế, việc mời khách đi ăn để giới thiệu cái hồn cốt của văn hóa ẩm thực xứ mình là việc rất nên làm, ở đâu chả vậy. Giống như ở ta từng tự hào về phở Hà Nội, về nem, về bún bò Huế nổi tiếng...

Trong bữa ăn chia tay do mấy anh bạn trong Hội Nhà báo Hàn mời, nữ đồng nghiệp xinh xắn, chị Thao Sum (người đã từng nhiều năm công tác học tập ở Việt Nam, nói tiếng Việt rất rành, làu làu kể về các địa danh du lịch ở xứ ta, chị luôn miệng khen món ăn Huế của Việt Nam ngon. Chị mới lập gia đình được chừng một năm, và đi hưởng tuần “mật mỡ” ở Vũng Tàu), khi nghe tôi hỏi thăm chuyện con cái, chị bảo rằng chưa muốn sinh con, vì vợ chồng còn muốn kế hoạch, và thêm: “Thanh niên Hàn Quốc bây giờ rất ngại đẻ, không muốn có nhiều con, vất vả lắm, chỉ 1 con thôi. Chính phủ khuyến khích đẻ thêm, nhưng chẳng mấy ai chịu... đẻ anh ạ”. Thì ra, tâm lý chung của thanh niên trong xã hội hiện đại có lẽ ở đâu cũng vậy

.
.