Tàn phế vì... thảo dược

Thứ Sáu, 25/12/2009, 15:45
Chỉ với một vết bỏng nhỏ trên ngón tay cái, anh Nguyễn Anh Tuấn ở Sóc Sơn, Hà Nội, sau khi để cho thầy lang cùng xóm chữa trị bằng cách bôi một loại thuốc nam tự chế không chỉ vào vết thương mà còn khắp cả lòng bàn tay đã khiến cho bàn tay bị hoại tử hoàn toàn và cứng khớp dẫn đến phải tháo khớp tại Viện Bỏng Quốc gia.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên, duy nhất,  mà đã có rất nhiều bệnh nhân "tiền mất tật mang" như vậy, thậm chí còn tử vong khi chữa trị, sử dụng thuốc chỉ với lý do "nghe nói" là tốt, là công hiệu...

Suýt chết... vì “thần dược”

Như anh Nguyễn Anh Tuấn, mẹ đẻ của anh Khiêm ở Thụy Khuê, Hà Nội cũng là một bệnh nhân như vậy. Dẫu đã trải qua cơn nguy kịch, vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, nhưng sức khỏe của bà cụ đã sa sút trầm trọng. Khi chúng tôi tới, bà nằm co ro trong chiếc chăn bông, hơi thở yếu ớt, thều thào.

Anh Khiêm buồn bã kể: "Hơn một tuần trước, bà cụ còn túc tắc đi lại, ăn uống được chút ít. Nhưng kể từ khi uống cái thuốc được người ta giới thiệu như thuốc "tiên" thế là bà cụ phải đi cấp cứu, giằng co giữa sự sống và cái chết rồi thành ra thế này. Mà sự thể ấy là do tôi...". Kể đến đây, anh Khiêm nghẹn ngào không nói nên lời.

Phải một lúc sau anh mới kể tiếp: "Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa tôi và một vị khách đến nhà hàng của tôi. Sau khi nghe ông ta "mách" có một loại thuốc như "thần dược" có khả năng chữa bách bệnh, đặc biệt là đối với những người già có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Thế là tôi liền nhờ ông ấy mua hộ và rút ngay 5 triệu đồng để trả tiền thuốc mà không băn khoăn, lo lắng với hy vọng loại "thần dược" có thể mang lại sức khỏe và điều trị được bệnh cao huyết áp, tiểu đường cho mẹ. Tôi còn cảm ơn ông ta như ân nhân của mình".

Ngay ngày hôm sau, vị "ân nhân" của anh Khiêm đã mang thuốc đến cho anh. Đó là loại thuốc bột màu vàng, được chỉ định mỗi ngày uống 1 lần. Nhưng các thành phần của nó thì anh Khiêm không biết gồm những gì và như thế nào vì ngoài bao bì chỉ là tờ giấy gói trắng trơn.

Sau khi cho mẹ uống thuốc ba ngày, anh Khiêm nhận thấy người mẹ bắt đầu giữ nước. Nhưng nghĩ rằng có thể đó là biểu hiện "công hiệu" của thuốc nên anh Khiêm vẫn tiếp tục cho mẹ uống. Uống thêm 4 ngày nữa thì bà cụ bắt đầu bị phù căng, người thũng nước, có cảm giác chỉ châm nhẹ chiếc kim vào người, nước sẽ xối ra. Kèm theo đó là phản xạ của mẹ anh trở nên lờ đờ, kém linh hoạt. Bà cứ như nửa tỉnh nửa mê. Hoảng quá, anh Khiêm phải vội vàng đưa mẹ đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ ở đây đã kết luận: "Ngộ độc thuốc".

Kể đến đây anh Khiêm sụt sùi nói: "Chỉ tại tôi đã làm hại mẹ tôi. Tưởng rằng mang thuốc "tiên" về không những sẽ làm mẹ vui, hạnh phúc mà còn phục hồi sức khỏe cho mẹ. Nào ngờ, nó lại khiến mẹ tôi đến nông nỗi này. Đúng là "ma xui quỷ khiến" đã để tôi gặp gỡ người khách nọ. Sau khi mua hộ thuốc cho tôi, ông ta cũng mất hút luôn.

Thang thuốc đông y này đã khiến một bệnh nhân bị ngộ độc.

Nhưng, đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh nhân ngộ độc thuốc kiểu này rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Phương ở thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Chả là nghe người ta "truyền tụng" hết lời về Phòng Khám đa khoa Đông y Trung Quốc thuộc Công ty Liên Việt Hoa ở Hoàng Hoa Thám, chị Phương đã đến đây khám bệnh và sử dụng thuốc của các bác sĩ ở đây. Sau khi uống thuốc, không những không khỏi bệnh mà chị Phương còn phải đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vì bị ngộ độc thuốc.

Người nhà của chị Phương kể lại, mỗi khi thay đổi thời tiết, chị Phương thường hay bị ho, đau họng rất khó chịu. Bởi vậy, chị mới lặn lội đi hàng chục kilômét từ Bắc Ninh về Hà Nội để khám tại phòng khám của Công ty Liên Việt Hoa với hy vọng "tiệt" hẳn bệnh. Trong hai phương pháp tây y và đông y, chị Phương đã chọn đông y vì cho rằng điều trị theo phương pháp này "lành tính" do thuốc sử dụng chỉ là thảo dược.

Sau khi khám bệnh bằng cách bắt mạch và nghe tim, phổi... chị Phương được các "thần y" của Phòng khám Liên Việt Hoa kết luận bị "phế suy" và kê cho một đơn thuốc gồm 7 lọ khác nhau. 7 lọ thuốc ấy không được ghi bằng một chữ tiếng Việt nào mà hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Kể cả đơn thuốc cũng vậy, ngoại trừ đúng một chữ "phế suy" như đã nói. Uống thuốc được 2 ngày, chị Phương cảm giác đỡ ho. Nhưng ngày  thứ ba trở đi, chị Phương thấy người mệt mỏi, đau đầu dữ dội và lúc nào cũng buồn ngủ lơ mơ. Thấy vậy,  người nhà của chị đã nhanh chóng đưa chị đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, một trong những người điều trị trực tiếp cho chị Phương cho biết: "Chị Phương bị ngộ độc thuốc. Chúng tôi đã kiểm tra loại thuốc chị Phương đã uống. Thông tin duy nhất mà chúng tôi có được là thuốc dạng con nhộng. Còn trong đó có chất gì, thành phần như thế nào, chúng tôi hoàn toàn không biết. Vì nhãn mác, nguồn gốc, hướng dẫn... ghi trên lọ thuốc đều được ghi bằng tiếng Trung Quốc mà không có chữ Việt Nam". Với căn bệnh "phế suy" mà Phòng khám Liên Việt Hoa đã chẩn đoán cho chị Phương, bác sĩ Nguyên khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến bệnh này".

Trường hợp chị Phương có thể nói là may mắn trong điều trị, cấp cứu "giải độc" của Trung tâm Chống độc. Bởi theo các bác sĩ ở đây, trong trường hợp bệnh  nhân không biết đã uống thuốc, hóa chất gì vào người thì công tác điều trị  gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc lựa chọn sử dụng dược phẩm để "hóa giải" chất độc. Vì thông thường như công thức chất độc nào, sẽ có dược phẩm ấy để "hóa giải" chất độc. Thế nhưng trong trường hợp không biết cụ thể bệnh nhân đã ngộ độc chất nào, Trung tâm Chống độc phải điều trị theo phương pháp chung. Mà theo phương pháp chung thì quá trình giải độc của bệnh nhân có thể chậm lại.

"Tiền mất tật mang"

Cùng với thuốc uống, loại thuốc bôi vào vết thương, da tự chế, "gia truyền", không rõ nguồn gốc cũng gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.  Viện Bỏng Quốc gia là nơi đã cấp cứu rất nhiều bệnh nhân như vậy. TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia nhận định: "Bệnh nhân uống thuốc không rõ lai lịch, nguồn gốc, sử dụng do "truyền miệng"... đã nhiều nhưng số lượng bệnh nhân sử dụng loại thuốc này để bôi vết thương còn nhiều hơn, đặc biệt là người dân ở nông thôn,  vùng sâu, xa nơi có nhiều cây cỏ thuộc loại thảo dược".

Điển hình là bệnh nhân Hoàng Văn Tính, quê ở Nghệ An, vừa mới cấp cứu cách đây không lâu tại Viện Bỏng Quốc gia. Mặc dù bị bỏng nước sôi từ đùi xuống cẳng chân rất nặng, nhưng bệnh nhân đã không đi cấp cứu, điều trị tại bệnh viện mà lại chữa trị bằng thuốc của một thầy lang "vườn" ở Hà Tĩnh. Sau khi nghe người ta truyền miệng: "Có bài thuốc gia truyền hay lắm", thế là tay nải, tay xách, anh Tính tức tốc bảo người nhà đưa đi chữa bỏng.

Tưởng rằng với tình trạng bỏng của anh, thầy lang phải kỳ công lắm trong việc chữa trị, cấp cứu. Nào ngờ, thầy chỉ lấy một loại thuốc trông đen như bã cà phê đắp lên chỗ bỏng hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác. Nhưng đắp mãi đến 8 tháng chân anh Tính vẫn không khỏi mà mỗi ngày nó lại teo đi đến mức trơ cả xương. Còn toàn bộ phần thịt, đặc biệt là những phần đắp thuốc trực tiếp thì rữa ra và bị hoại tử, xơ hóa trầm trọng. Phần khớp thì không thể cử động được theo ý muốn.

Trước biến chứng nặng nề như vậy,  không còn cách nào khác, anh Tính hốt hoảng bảo người nhà đưa ra cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia với hy vọng "muộn còn hơn không". Do vết thương bị biến chứng quá nặng vì sử dụng không đúng thuốc và sử dụng quá lâu, các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia phải gọt bỏ toàn bộ phần thịt bị hoại tử của anh Tính. Sau đó cấy, ghép da mới vào chỗ vết thương đồng thời phục hồi chức năng của chân.

Mặc dù chữa trị như vậy, nhưng theo TS Đỗ Lương Tuấn, Trưởng Khoa Bỏng người lớn, người điều trị trực tiếp cho anh Tính thì: "Đôi chân của anh Tính không thể phục hồi như cũ. Thậm chí vào những ngày trái nắng trở trời, nó sẽ còn hành hạ anh bằng những cơn đau nhức nhối, tê buốt. Và những cơn đau ấy sẽ theo anh Tính suốt đời".

Thảo dược cũng có ... độc

Dẫu chỉ là 2 trong số rất nhiều "đầu mối" tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng do sử dụng thuốc truyền miệng, "gia truyền"... thế mà những ngày cuối năm này, có mặt tại Viện Bỏng Quốc gia và Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã được chứng kiến rất nhiều ca bệnh như anh Tính, chị Phương... Theo thống kê chưa chính thức, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tháng nào cũng có trường hợp bệnh nhân phải vào cấp cứu vì bị ngộ độc do sử dụng thuốc gia truyền, thuốc nam hoặc những bệnh nhân sử dụng thuốc không theo kê đơn của bác sĩ.

Còn tại Viện Bỏng Quốc gia thống kê, thì riêng trong năm 2008 đã tiếp nhận 607 ca cấp cứu bị biến chứng nặng nề do sử dụng thuốc đông y sai với chỉ định để điều trị bỏng. Ngoài ra, chưa kể những bệnh nhân bị rắn cắn, bị thương bởi tác động của vật nặng, sắc nhọn cũng bị biến chứng do sử dụng thuốc nam, đông y... như vậy.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, sở dĩ ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc nam, đông y... là vì họ quan niệm, loại thuốc này từ cây cỏ, động vật, khoáng vật cho nên lành tính, uống vào người cũng không gây phản ứng mạnh như tân dược. Tuy nhiên, đây là một quan niệm rất sai lầm. Bởi thảo dược, xét đến cùng vẫn là những hóa chất nhưng ở dạng tự nhiên. Mà ở dạng tự nhiên, cũng như tân dược, bên cạnh những chất có công hiệu, lợi ích cho sức khỏe của con người, thảo dược vẫn có những độc tố hoặc hóa chất phản ứng với cơ thể và khi chưa qua xử lý, chế biến, những độc tố, hóa chất ấy càng phát tán mạnh hơn.

Củ ấu Tàu hay còn gọi là Phụ tử thường hay có trong các bài thuốc đông y là một ví dụ. Thảo dược này có chất aconitin rất độc hại, có thể gây tử vong cho người sử dụng vì làm rối loạn nhịp tim. Nếu quá trình xử lý, sơ chế tốt, anicotin trong củ ấu Tàu sẽ mất đi và lại có ích cho sức khỏe. Bởi vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: "Dù là tân dược hay thảo dược, khi sử dụng thuốc nhất thiết người sử dụng phải nắm rõ mình đang uống thuốc gì, thành phần ra sao... Nếu không sẽ tự mình làm hại mình".

Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng khẳng định: "Thực tế hiện nay, loại thảo dược, thuốc nam dùng để bôi vết thương, đang bị lạm dụng một cách thái quá, nhất là trong trường hợp bị bỏng hay rắn cắn. Có một việc mà nhiều  người không biết đó là khi bị bỏng, việc sử dụng thuốc nào để điều trị không quan trọng bằng chẩn đoán bỏng nông hay sâu. Vì nếu bỏng nông, tế bào biểu mô vẫn còn tự nó sẽ tái tạo ngay phần da bị tổn thương. Và việc bôi thuốc chỉ giúp cho quá trình này nhanh hơn và thuận lợi. Nhưng trong trường hợp bị bỏng sâu, nếu chỉ bôi thuốc mà lại là thuốc được sản xuất không có cơ sở khoa học thì chuyện "lợn lành chữa thành lợn què" rất dễ xảy ra".

Thực tế Viện Bỏng Quốc gia đã phải cấp cứu rất nhiều trường hợp như vậy. Cho nên, TS Nguyễn Viết Lượng khuyến cáo: "Khi bị bỏng hoặc rắn cắn, nhất định các bệnh nhân phải đi điều trị tại bệnh viện mà không được sử dụng thuốc tự chế, thuốc nam, đông y "gia truyền"... để điều trị".

Nhân nói đến việc này, TS  Nguyễn Viết Lượng cũng nhắc đến Phòng khám số 3 Quang Trung. Mặc dù, đã bị Sở Y tế rút giấy phép hoạt động, nhưng phòng khám này vẫn điều trị "chui" cho các bệnh nhân bị bỏng và hậu quả là có rất nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc bôi ở đây đã bị biến chứng nặng nề như: hoại tử, nhiễm trùng...

Loại thuốc chuyên để điều trị bỏng của phòng khám ở Quang Trung, TS Lượng cho biết Viện Bỏng Quốc gia cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng. Thực tế nó chính là bài thuốc B76 của Viện Bỏng Quốc gia nhưng chủ phòng khám đã không giữ nguyên bản mà lại thêm một số chất như kháng sinh, nghệ, thuốc chống nhiễm trùng, và cả thuốc...  chống lao? Bởi vậy, bệnh nhân không nên đến đây điều trị.

"Có bệnh thì vái tứ phương", đó là tâm lý chung của tất cả những người bệnh. Tuy  nhiên, sau những dẫn chứng trên đây về tai biến nặng nề  do sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thuốc không nguồn gốc, tự chế... mới thấy rõ ràng nơi bệnh nhân cần  đến đầu tiên là bệnh viện và các phòng khám điều trị chính thống của Bộ Y tế. Và việc sử dụng thuốc nhất thiết phải theo kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không, hậu quả sẽ khôn lường...

Tú Anh
.
.