Tào Ngu và ba người vợ

Thứ Tư, 04/11/2015, 20:20
Tào Ngu từng được mệnh danh là “Shakespeare của Trung Hoa”, đồng thời là nhà nghiên cứu, nhà cách tân sân khấu hiện đại của Trung Quốc. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, những kịch bản văn học nổi tiếng của ông như “Tứ đại danh kịch”: “Lôi vũ”, “Nhật xuất”, “Đồng hoang”, “Người Bắc Kinh”… đã làm rung động sâu sắc trong lòng khán giả Trung Quốc và thế giới, giá trị nghệ thuật cho đến nay vẫn chưa ai vượt qua được.

Thế gia vọng tộc

Tào Ngu vốn tên thật là Vạn Gia Bảo, tự là Tiểu Thạch, quê gốc ở Tiềm Giang, Hà Bắc, sinh ra ở Thiên Tân vào ngày 24/9/1910 (năm Tuyên Thống thứ hai triều Thanh). Cha của Tào Ngu là Vạn Đức Tôn từng học Trường Sĩ quan Tokyo ở Nhật Bản, bạn với tướng Diêm Tích Sơn. Mẹ của Tào Ngu họ Tiết, xuất thân gia đình thương nhân, sinh ra Tào Ngu được 3 ngày thì bà qua đời vì sản hậu.

Sau này Tào Ngu thường nói: "Tôi từ nhỏ đã mồ côi mẹ nên tâm hồn luôn thấy vô cùng cô đơn và tịch mịch". Người dì của Tào Ngu là Tiết Vĩnh Nam trở thành mẹ kế, thay chị chăm sóc cháu như con và suốt đời không sinh nở. Bà Tiết vốn rất mê xem kịch và nhanh chóng truyền cảm hứng cho con.

Tào Ngu thời trẻ.

Năm  Tào Ngu 5 tuổi được người anh họ là Lưu Kỳ Kha đến nhà dạy học chứ không học tiểu học chính quy. Năm 1920, Tào Ngu vào học tiếng Anh tại Học quán dịch Hoa - Anh nổi tiếng ở Thiên Tân và bắt đầu tiếp xúc với các tác phẩm kinh điển của các tác gia nước ngoài như Shakespeare, Molie…

Năm 1922, Tào Ngu  học Trường trung học Nam Khai, bạn học với Cận Dĩ (Chương Phương Thuật). Giai đoạn này Tào Ngu đặc biệt thích các tác phẩm văn học mới của Lỗ Tấn và Quách Mạt Nhược như “Gào thét”, “Nhật ký người điên”, “Nữ thần”… Năm 15 tuổi, Tào Ngu chính thức gia nhập Học hội Văn học Nam Khai và Tân kịch đoàn Nam Khai. Kịch đoàn này ra đời từ năm 1900 do Nghiêm Phạm Tôn sáng lập. Chu Ân Lai từng là một thành viên năng động của kịch đoàn này. Kịch đoàn Nam Khai tổ chức cách tân sân khấu theo khuynh hướng phương Tây. Là diễn viên, Tào Ngu bước đầu có được những nhận thức cần thiết về đời sống sân khấu của một nhà soạn kịch.

Bắt đầu từ tiểu thuyết

Bước đường nghệ thuật đầu tiên của Tào Ngu không phải là ở soạn kịch hay diễn xuất. Năm 1926, tờ Dung báo ở Thiên Tân bắt đầu đăng tải nhiều kỳ tiểu thuyết "Đêm nay tỉnh rượu nơi nào" của tác giả Tào Ngu. Bút danh này được chiết tự từ họ "Vạn" của Vạn Gia Bảo, gồm bộ "Thảo" và chữ "Ngu", chữ "Thảo" hài âm giống chữ "Tào" nên thành bút danh Tào Ngu. Sau đó trên các tờ Quốc văn tuần báo, Tuần san Nam Khai liên tục đăng các bài thơ, bài viết, tạp văn, bản dịch tiểu thuyết Mopatsang của Tào Ngu.

Tào Ngu với người vợ đầu Trịnh Tú.

Những bài thơ đầu tiên của Tào Ngu như "Đầu tháng tư, tôi tiễn một người đi đường xinh đẹp" và "Nam Phong khúc" chịu ảnh hưởng sâu từ "Nữ thần" của Quách Mạt Nhược. Năm 1927, Tào Ngu tham gia diễn xuất trong các vở kịch của Đinh Tây Lâm, Điền Hán, Dịch Bốc Sinh. Tiếp đó, năm 1928 Tào Ngu làm biên tập kịch bản cho tờ Nam Khai song châu và bắt đầu xây dựng cấu tưởng vở "Lôi vũ".

Cha của Tào Ngu muốn ông trở thành bác sĩ, nhưng hai lần ông thi vào Trường y Hiệp Hòa đều hỏng. Nhờ thành tích học tập xuất sắc ở Trường trung học Nam Khai, Tào Ngu được miễn thi vào thẳng khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Nam Khai, nhưng ông chẳng có hứng thú. Mùa hè năm 1930, Tào Ngu đến Bắc Kinh cùng 8 người bạn thi đậu vào Đại học Thanh Hoa, khoa Văn học phương Tây.

Từ đây như cá gặp nước, Tào Ngu lao vào thưởng thức văn học phương Tây đặc biệt là nghệ thuật kịch của các tác giả nổi tiếng thế giới như: George Bernard Shaw, Chekhov, Henrik Ibsen, Eugene O' Neill, Aeschylus… Những lúc rảnh rỗi Tào Ngu thường cùng Ba Kim, Cận Dĩ thảo luận, đi xem kịch; cùng Tiền Chung Thư sáng lập tờ Tuần san Thanh Hoa. Từ đây, Tào Ngu nung nấu lý tưởng dùng kịch nói như một công cụ sắc bén để phơi bày hiện thực xã hội.

Đỉnh cao nghệ thuật kịch

Năm 1933, tình hình ở Bắc Kinh ngày càng trở nên hỗn loạn, giao tranh ác liệt. Tào Ngu không về Thiên Tân mà cùng người bạn gái học dưới 2 lớp là Trịnh Tú ở lại Đại học Thanh Hoa, suốt ngày vùi đầu trong thư viện để hoàn thành tác phẩm đã thai nghén suốt 5 năm: "Lôi vũ".

Tào Ngu với Phương Thụy và hai con Vạn Phương, Vạn Hoan.

Trong “Lôi vũ”, Tào Ngu đã khéo léo dùng "gió mưa sấm sét" bên ngoài để kích thích bản năng của con người đến mức cuồng loạn khủng khiếp. Vở kịch có nhiều tình tiết gay cấn đến nghẹt thở, nhất là chuyện loạn luân trong gia đình: dì ghẻ yêu con chồng, em gái có thai với anh trai, hai anh em cùng yêu một đứa ở... Rồi đến con chửi cha, em đánh anh, đầy tớ phản chủ, cha muốn bán đứng con gái để lấy tiền... Từ cấu tứ, sắp xếp cho đến thể hiện tâm lý nhân vật đều rất khéo léo không kém gì các vở kịch cổ điển phương Tây.

Số phận của "Lôi vũ" cũng lạ, khi viết xong, Tào Ngu đưa bản thảo cho bạn học là Cận Dĩ để đăng trên tờ Văn học quý san do Trịnh Chấn Phong làm chủ biên, còn mình thì về giảng dạy tại Trường trung học Dục Đức ở Bảo Định, Hà Bắc. Suốt một thời gian dài "đứa con tinh thần" của Tào Ngu vẫn nằm yên trong ngăn kéo do Cận Dĩ ngại tiến cử bạn mình. Mãi đến tháng 1/1934, khi nhà văn Ba Kim đọc được "Lôi vũ" thì lập tức lên tiếng  trân trọng giới thiệu, sau đó khởi đăng trên Văn học quý san, tuy lúc đầu không được nhiều người Trung Quốc chú ý nhưng các lưu học sinh Nhật Bản tại Trung Quốc lại rất quan tâm. Tháng 9/1934, Tào Ngu về lại Thiên Tân, giảng dạy tại khoa Ngoại văn Học viện Sư phạm nữ sinh Hà Bắc thì 'Lôi vũ" vẫn chưa gây ấn tượng gì.

Năm 1935, lưu học sinh tại Nhật là Hình Chấn Trạch dịch “Lôi vũ” sang tiếng Nhật, sau đó đoàn kịch nói Trung Hoa của các lưu học sinh tổ chức biểu diễn ngày 27/4/1935 tại Tokyo đã gây chấn động dư luận. Quách Mạt Nhược xem xong lập tức viết bài "Về Lôi vũ của Tào Ngu" khen ngợi hết lời. Ngày 17/8, "Lôi vũ" được Kịch đoàn Cô Tùng của Trường đại học Sư phạm Bắc Kinh trình diễn ở Thiên Tân liên tiếp 3 lần và lập tức làm dậy sóng. Kịch gia kiêm nhà bình luận nổi tiếng Lưu Tây Vị đã nhận xét: "Đây là vở kịch chấn động lòng người, là vở kịch mang tính vĩ đại".

Được sự khích lệ của các bạn văn như Ba Kim, Tào Ngu bắt tay soạn vở thứ hai. Ban ngày dạy học, ban đêm sáng tác, đến tháng 6/1936 vở kịch "Nhật xuất" (Mặt trời mọc) được hoàn thành và đăng tải trên Văn quý nguyệt san lại làm văn đàn chấn động. Tờ Đại công báo ở Thiên Tân đã tổ chức hai lần thảo luận với các nhân vật hàng đầu về văn học nghệ thuật như Mao Thuẫn, Ba Kim, Diệp Thánh Đào, Thẩm Tùng Văn, Chu Quang Tiềm, Lưu Cương, Lý Quảng Điền… khí thế hừng hực chưa từng có trong lịch sử kịch nói Trung Quốc.

Tào Ngu với vợ hai Phương Thụy và hai con.

Trong “Nhật xuất”, Tào Ngu tái hiện bộ mặt đen tối đến thê thảm của xã hội Trung Hoa thời ấy: cảnh sa đọa trụy lạc trong khách sạn, cảnh cờ bạc sát phạt nhau tàn bạo, cảnh tối tăm bệ rạc của một ổ điếm hạng tồi, cảnh cá lớn nuốt cá bé, nỗi khổ nhục của con người lương thiện mà phải lâm vào cảnh thất nghiệp, cảnh giết người, tự tử, cảnh thị trường chứng khoán chao đảo thất thường, nạn kinh tế khủng hoảng, xưởng máy đình công... Tuy nhiên, trong phần kết thúc, tác giả mở ra một chân trời mới với vầng thái dương mới mọc như báo hiệu một ngày tươi sáng với tiếng hát rì rầm của thợ thuyền.

Tháng 8/1936, Tào Ngu được mời về Trường quốc lập Hý kịch Nam Kinh giảng dạy các môn: Sáng tác kịch, Kịch phương Tây, Phê bình về kịch và kịch hiện đại. Tại đây, Tào Ngu đạo diễn vở "Độ kim" (Mạ vàng), đến tháng 4/1937 thì vở "Nguyên dã" (Đồng hoang) được hoàn thành. Tiếp đó, Tào Ngu đi Côn Minh đạo diễn vở 'Nguyên dã" và "28 chữ đen" (tức Toàn dân tổng động viên); về Trùng Khánh đạo diễn vở "Thoái biến" (Biến chất). Tưởng Giới Thạch xem xong ra lệnh cấm diễn. Năm 1940, Tào Ngu cho ra đời "Người Bắc Kinh", năm 1942 cải biên tác phẩm "Gia" (gia đình) của Ba Kim… Năm 1946, Tào Ngu và Lão Xá được Mỹ mời sang giảng dạy và hai lần gặp gỡ kịch tác gia lừng danh nước Đức là Bertolt Brecht.

Năm 1947, Tào Ngu về nước giảng dạy tại Trường thực nghiệm kịch Thượng Hải, viết kịch bản điện ảnh “Diễm dương thiên” và làm đạo diễn cho Công ty Điện ảnh Văn Hoa quay. Đầu năm 1949, ông được Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức để bí mật về Bắc Kinh tham gia Hội nghị Trù bị Hiệp thương chính trị.

Năm 1951, Tào Ngu sửa chữa lại các tác phẩm để làm tuyển tập, làm biên tập các tờ Nhân dân văn học, Kịch bản. Tháng 6/1952, ông là Viện trưởng Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh đồng thời sáng tác vở "Ngày sáng lạn" được giải thưởng xuất sắc nhất về kịch bản, đạo diễn, diễn xuất của Kịch nói Trung Quốc lần thứ nhất. Tháng 4/1956, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó đến năm 1962, Tào Ngu hoàn thành các tác phẩm "Đảm kiếm thiên", "Vương Chiêu Quân".

Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác Tào Ngu không tránh khỏi kiếp nạn, bị phê đấu thậm tệ, bị bắt đi cải tạo lao động, lâm bệnh nặng nhưng may không chết. Đến năm 1973, được Thủ tướng Chu Ân Lai đến thăm, Tào Ngu mới được sắp xếp về Đoàn Kịch nói Bắc Kinh. Năm 1978, ông được phục hồi làm Viện trưởng Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh, và sáng tác vở "Vương Chiêu Quân".

Năm 1992, giải thưởng sáng tác kịch bản xuất sắc Trung Quốc được đổi tên thành "Giải thưởng văn học hý kịch Tào Ngu". Ngày 13/12/1996, Tào Ngu qua đời, thọ 86 tuổi.

Ba người vợ và bốn người con

Người vợ đầu tiên của Tào Ngu chính là Trịnh Tú - người đầu tiên được đọc bản thảo "Lôi vũ" tại Đại học Thanh Hoa. Sau 3 năm yêu nhau, ngày 26/11/1936, hai người làm lễ đính hôn tại Nam Kinh và đến năm 1938 thì chính thức tổ chức hôn lễ. Đáng tiếc là ngọn lửa tình yêu không cháy được lâu. Sau khi Trịnh Tú sinh hai đứa con gái thì Tào Ngu đã yêu một người khác nên năm 1951 thì họ ly hôn. Trịnh Tú không tái giá và qua đời vào tháng 10/1989.

Tào Ngu với vợ ba Lý Ngọc Như.

Người vợ thứ hai của Tào Ngu là Phương Thụy, năm 1949 được Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức để bí mật sang Hồng Kông rồi trở về khu giải phóng, Tào Ngu đưa Phương Thụy đi theo. Đến thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Tào Ngu bị phê đấu, xuống nông trường cải tạo lao động, Phương Thụy vốn yếu đuối không thể chịu nổi cú sốc này. Thân thể suy nhược và bà phải sử dụng nhiều thuốc an thần. Một ngày đầu năm 1974, Phương Thụy được phát hiện đã chết tại nhà. Thời gian này, đỡ đần cho Tào Ngu là cô con gái Vạn Đại - con của Tào Ngu với Trịnh Tú. Lúc này mọi người cũng muốn tác hợp để Tào Ngu về lại với người vợ đầu. Nhưng rồi một hôm Tào Ngu tuyên bố là mình sắp… tái hôn.

Người mà Tào Ngu nói là diễn viên kịch nổi tiếng Lý Ngọc Như, sinh năm 1924 tại Bắc Kinh, năm 1932 thi đậu vào Trường chuyên nghiệp hý khúc Trung Hoa ở Bắc Kinh. Theo lời Lý Ngọc Như thì từ lâu Tào Ngu đã từng tâm sự về "sự bất hạnh trong hôn nhân" của ông với Trịnh Tú và thổ lộ tình yêu với bà, nhưng do mẹ của bà phản đối nên duyên nợ không thành. Sau Cách mạng văn hóa, Tào Ngu về Thượng Hải thăm Lý Ngọc Như, khi ấy cũng là một nạn nhân. Lúc này cả hai đều tự do và quyết định cùng tiến đến hôn nhân vào năm 1979.

Ngày 11/7/2008, bà Lý Ngọc Như qua đời tại Thượng Hải, thọ 84 tuổi.

Tào Ngu trải qua 3 đời vợ, có 4 người con đều là gái, trong đó người vợ đầu Trịnh Tú sinh hai con là Vạn Đại (bác sĩ), Vạn Chiêu (nhà soạn nhạc); vợ hai Phương Thụy sinh hai con là Vạn Phương (nhà soạn kịch) và Vạn Hoan.

Thiên Tường
.
.