Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an: Ấn tượng thuở ban đầu

Thứ Tư, 17/08/2016, 16:20
LTS: Ngoài 4 số thử nghiệm ấn hành trong năm 1995, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND) chính thức phát hành số đầu tiên kể từ tháng Giêng năm 1996. Qua hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Văn hóa - Văn nghệ Công an trước đây và Văn nghệ Công an ngày nay đã có bước tiến vượt bậc, từ một tờ tạp chí phát hành một tháng/kỳ đã trở thành tờ tuần báo, và hiện là ấn phẩm văn nghệ có số lượng phát hành cao nhất cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày ra đời Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2016), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, người có nhiều gắn bó với Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và Chuyên đề An ninh thế giới (ANTG) kể từ những ngày đầu thành lập đến nay.

Nhuận bút… “siêu tốc”

Tôi không phải là người về công tác tại Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an “dưới trướng” nhà văn Hữu Ước ngay từ những số đầu (danh hiệu này thuộc về các bậc đàn anh: Nguyễn Như Phong, Phan Quế, Đặng Vương Hưng, Trương Nam Hương...), song lại là người có bài vở cộng tác khá sớm. Từ góc độ này, cái nhìn của tôi có lẽ vì thế khách quan hơn chăng?

Một trong những điều mà tôi “ấn tượng” nhất ở tờ Tạp chí là mức nhuận bút... hấp dẫn. Tôi không rõ bấy giờ lãnh đạo tờ Tạp chí lấy đâu nguồn tiền để trả cho cộng tác viên một cách hậu hĩnh như thế. Có người nói, số tiền ấy là cắt chuyển từ tiền lãi của tờ ANTG, song ANTG tới tháng 8-1996 mới “ra lò”, vậy những số Tạp chí trước đấy, tiền nhuận bút từ đâu ra?

Tôi không tin một tờ Tạp chí mới ra đời, dù nội dung có hấp dẫn và mẹo mực phát hành thế nào chăng nữa lại có thể có mức nhuận bút cao như vậy (một bài viết tầm 2.000 chữ, nhuận bút tương đương hai chỉ vàng). Sau này, đọc tiểu thuyết “Kiếp người” của nhà văn Hữu Ước, mới biết, ấy là do ông xuất tiền túi để bù thêm cho cộng tác viên.

Tuy nhiên, nhuận bút cao là một chuyện, vấn đề được trả nhanh cũng tạo cho cộng tác viên một sức thu hút mạnh mẽ. Tôi còn nhớ lần mình ghé thăm một đồng nghiệp ở Tạp chí thì bất ngờ được nhân viên Ban Trị sự gọi vào lĩnh... nhuận bút. Điều đáng nói là tôi được lĩnh nhuận bút trong khi chưa nhìn thấy mặt mũi bài viết được in của mình ra sao.

Hỏi ra mới biết, Tổng Biên tập Hữu Ước căn cứ vào bản in thử để chấm nhuận bút, từ đó cho anh chị em tài vụ lập bảng nhuận bút phát cho cộng tác viên ngay, còn tờ Tạp chí thì bấy giờ vẫn đang... chạy in ở TP Hồ Chí Minh. Thật là tốc độ... tên lửa.

Nhà văn Hữu Ước và các cộng sự thời kỳ Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ra số đầu tiên cùng ôn lại kỷ niệm một thời làm báo.

Thu hút nhiều “cây đa cây đề”

Từng nhiều lần dự buổi gặp mặt cộng tác viên cuối năm của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an trước đây và Báo Công an nhân dân (trong đó có Chuyên đề Văn nghệ Công an) sau này, không ít nhà văn đã nhận xét, đó như thể một “đại hội” của giới văn nghệ sĩ cả nước.

Điều này đúng và hoàn toàn có lý, bởi từ trước tới nay, nguồn cộng tác viên dồi dào luôn là một lợi thế (so với các báo chí văn nghệ trong cả nước) của Văn hóa - Văn nghệ Công an và là điều luôn được thế hệ làm báo Văn nghệ Công an sau này chú trọng, phát huy.

Lần giở lại những số Tạp chí thời kỳ đầu, tôi không khỏi xúc động nhận thấy, nhiều văn nghệ sĩ gạo cội (trong đó không ít người nay đã giã từ cõi thế) từng nhiệt thành cộng tác với Văn hóa - Văn nghệ Công an. Đến những số tết thì mật độ xuất hiện của những tên tuổi trong văn giới càng “ken đặc”.

Có lẽ, mãi ấn tượng về hình ảnh này mà có lần chúng tôi bị Tổng Biên tập Hữu Ước “mắng oan”. Ông cho rằng những người làm báo thế hệ sau không biết quý trọng cộng tác viên, đã làm “mất hết cộng tác viên” của ông. Câu nhận xét làm chúng tôi hơi... choáng. Mới “rón rén” hỏi những người mà ông nói ấy là ai, Hữu Ước “choảng” luôn: “Thế những ông A, ông B, bà C... đâu? Sao lâu không thấy in ở báo ta?”.

Đến nước này đành phải giải thích với ông anh rằng, khi ông anh lên làm Tổng Biên tập, còn trẻ vậy (mới ngoài 40) mà nay đã 60 rồi, nói chi đến những cộng tác viên thuộc lớp đàn anh, lớp cha chú của anh, giờ không kể người đã mất, số còn lại cũng đã thành “ông già bà cả”, đâu có thể còn viết, còn “tung hoành” như thời cách đây gần hai chục năm được nữa. Vừa nói, chúng tôi vừa liệt kê một loạt tên tuổi cộng tác viên của Tạp chí bấy giờ đã ra người thiên cổ, như các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Xuân Thiều, Kim Lân, Bế Kiến Quốc, Lý Biên Cương, Phạm Tiến Duật, Vũ Bão, Nguyễn Khải, Tạ Hữu Yên, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Bùi Vợi, Băng Sơn, Vũ Hà... Nghe tới đó, Hữu Ước im lặng hồi lâu, rồi bất thần với tay lấy chiếc điếu cày, châm nõ, rít một hơi dài. Đoạn, ông vừa phả khói, vừa chớp chớp mắt nhìn lên trần nhà, xúc động lẩm nhẩm: “Thời gian mới vậy mà trôi nhanh thật!”.

Bộ máy luôn gọn nhẹ

Theo sự tìm hiểu của tôi thì trong lịch sử tồn tại và phát triển của Văn hóa - Văn nghệ Công an, số người tham gia công việc biên tập bài vở cho tờ Tạp chí không bao giờ quá... năm đầu ngón tay. Có thể ai đó cho rằng tôi có sự nhầm lẫn. Bằng chứng là căn cứ vào danh sách “Hội đồng biên tập” in ở trang bìa lót của tờ Tạp chí số thử nghiệm đầu tiên (ra tháng 2-1995), người ta thấy có những cái tên như: Trần Đăng Khoa, Phan Tường Niệm (phụ trách trang thơ, chuyện làng văn); Nguyễn Thị Thu Huệ (phụ trách phần truyện ngắn); Nguyễn Quang Thiều (phụ trách trang văn học dịch); Nguyễn Như Phong, Xuân Ba, Huy Bảo (phụ trách trang phóng sự, ghi chép); Hoàng Nhuận Cầm (phụ trách trang điện ảnh, sân khấu) - tổng cộng là 8 người.

hông, ghi thì ghi vậy, theo tiết lộ của nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đó chỉ là “hội đồng gật, lắc”, là danh sách mà nhà văn Hữu Ước (khi ấy đứng vai trò chủ biên) “mượn tạm” để hợp lý hóa bộ máy, còn người biên tập thực chỉ là mấy anh em “trong nhà”, gồm Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, sau thêm Phan Quế, Đặng Vương Hưng, Trương Nam Hương... Cơ bản như vậy mà thôi.

Nhắc tới những người từng tham gia công tác Thư ký tòa soạn của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an trước đây và Chuyên đề Văn nghệ Công an sau này, đầu tiên phải kể đến vai trò của nhà văn Nguyễn Như Phong (từ 1995-1997), tiếp đến là nhà thơ Trương Nam Hương (1997-2001); nhà thơ Phan Quế (2002), nhà thơ Phạm Khải (2003-2004; 2006-2014).

Thời gian từ giữa 2004 đến giữa 2006, hai nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nguyễn Xuân Hải thay nhau trực công tác Thư ký tòa soạn (nhà thơ Đặng Vương Hưng khi trực Thư ký tòa soạn là Phó Tổng biên tập Báo CAND). Từ đầu 2015 tới nay, công tác Thư ký tòa soạn được giao cho nữ nhà văn Như Bình.

Như trên đã nói, bộ máy biên tập của Văn hóa - Văn nghệ Công an luôn được cấu tạo gọn nhẹ (đặc biệt là so với một số báo bạn). Từ thời Tổng Biên tập Hữu Ước đã vậy, đến thời Tổng Biên tập Phạm Văn Miên vẫn vậy. Thậm chí có lúc, ở giai đoạn cao trào, như trong một trận bóng đá, mọi “tinh binh” đều được Tổng Biên tập Hữu Ước dồn cho việc “tấn công” (tức tập trung làm tờ ANTG), chỉ để lại một ít làm nhiệm vụ “gác gôn” (duy trì tờ Văn hóa - Văn nghệ Công an).

Bản thân người viết bài này, khi Tổng Biên tập Hữu Ước làm công văn xin điều chuyển từ Nhà xuất bản Công an nhân dân về Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, tiếng là để tăng cường biên tập bài cho tờ Tạp chí, song khi về, lại được giao nhiệm vụ chính là làm phóng viên, viết bài cho tờ ANTG, việc biên tập bài cho Văn hóa - Văn nghệ Công an chỉ là phụ. Chỉ đến khi Văn hóa - Văn nghệ Công an được làm maket và đưa ra in ở ngoài Bắc - cũng là giai đoạn nhà thơ Phan Quế sắp nghỉ hưu - Tổng Biên tập Hữu Ước mới quyết định đưa tôi về trực Thư ký tòa soạn. Đưa về trực tờ Tạp chí nhưng ông vẫn nhắc tôi phải viết bài cho ANTG.

Đã vậy, có lúc tôi còn được nhà văn Phan Quế kể lại chuyện bị ông mắng: “Một đống người như vậy mà làm tờ Tạp chí chẳng nên hồn”. Một biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (nơi có đội ngũ biên tập lên tới mươi, mười lăm người) chứng kiến việc này đã “mắt tròn mắt dẹt” khi biết rằng, cái gọi là “một đống người” mà nhà văn Hữu Ước nói tới ấy là gồm tôi và nhà văn Phan Quế, nghĩa là chỉ vẻn vẹn có... 2 người mà thôi.

Nhân đây cũng cần nói thêm, trong quan điểm của nhà văn Hữu Ước, làm báo hay không cần đông. Không ít lần ông tuyên bố xanh rờn trong cuộc họp cơ quan, rằng với những tờ như Văn hóa - Văn nghệ Công an, ANTG Cuối tháng, chỉ cần mình ông “làm trong ba ngày là xong, có gì ghê gớm đâu”. Tất nhiên, trong câu nói có kèm cả sự “khích tướng”, song thực tế là đã có lúc, cả ông, cả tôi (và một số đồng nghiệp khác) đã làm báo trong một hoàn cảnh và cường độ như vậy.

Bản thân tôi đã không hiếm lần tâm sự với thế hệ kế nhiệm rằng, làm báo ít người tuy vất vả song bù lại, nó có thể tránh cho ta tình trạng làm ăn theo kiểu hợp tác xã trước đây, nghĩa là đông người nhưng trong tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Thậm chí, theo quan điểm của tôi, ít người nhưng tinh nhuệ nhiều khi lại chính là lợi thế.

Giải Cây bút vàng bằng vàng thật

Một trong những ấn tượng sâu đậm mà Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ngay từ thời kỳ đầu đã để lại trong lòng bạn đọc cả nước là việc tổ chức thành công Giải Cây bút vàng (1996-1998).

Đây là một cuộc thi lớn, thu hút đông đảo các nhà văn, các cộng tác viên tham gia. Trong quá trình tổ chức Giải, đích thân Thượng tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hương đã đến dự và phát biểu với các nhà văn tham gia trại viết ở khu vực phía Bắc và Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã đến phát biểu và tâm sự với các nhà văn tham gia trại viết ở khu vực phía Nam.

Điều đặc biệt là 3 trong số 4 tác giả đoạt giải thưởng lớn (gồm giải đặc biệt và giải nhất) là các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng sau này đều được Nhà nước vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Ma Văn Kháng, người đoạt giải đặc biệt - Giải Cây bút vàng cuộc thi sau này kể lại: “Trước khi nhận Giải Cây bút vàng, mình nghĩ tên giải thưởng chỉ thuần túy mang tính biểu tượng, kiểu như một thứ huy chương vàng vậy. Không ngờ cây bút này bằng vàng thật, tới... 6 chỉ. Thú thật, nếu chuyển đổi ra tiền thì mình đã tiêu mất rồi, nhưng hiện cây bút này cùng với cái lồng kính của nó mình vẫn trân trọng đặt trên nóc tủ, trong buồng làm việc.

Có một điều lạ là ngay cái lồng kính này cũng được đặt làm rất kỳ công, nghe đâu thửa từ miền Nam mang ra. Đó là một khối vuông rubik, to hơn nhiều so với cây bút, mỗi cạnh tới 25cm, khá nặng. Mình nhắc kỹ chi tiết này để thấy, ngay từ thuở ban đầu dựng nghiệp, Hữu Ước đã có cách đi rất độc đáo, chẳng giống ai”.

Phạm Khải
.
.