Tây Ban Nha: Hiến trứng thụ tinh nhân tạo cho qua cơn khốn khó

Thứ Bảy, 20/07/2013, 16:35

Trong những năm gần đây, Tây Ban Nha trở thành điểm đến của những phụ nữ đơn chiếc và cặp vợ chồng hiếm muộn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, từ đó hình thành một đội quân bán trứng. Hiện nay, khi Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, du lịch y khoa là một trong những ngành công nghiệp đang bùng nổ mạnh của nước này.

Tây Ban Nha dẫn đầu châu Âu về hiến trứng cũng như cấy ghép trứng và bộ phận cơ thể. Chỉ riêng trong năm 2012, tại Bệnh viện Clinica Eugin đã thực hiện hơn 3.000 chu kỳ hiến trứng, chiếm khoảng 10% so với toàn châu Âu. Một trong những ngân hàng trứng, tinh trùng và phôi thai lớn nhất châu Âu cũng được thành lập tại Tây Ban Nha.

“Cái gì không cho sẽ mất, trứng cũng vậy”(!)

Cách đây gần 5 năm, Monica Campos lần đầu tiên sử dụng cơ thể mình để kiếm tiền. Khi ngành xây dựng của Tây Ban Nha sụp đổ, Eduardo - chồng của Campos - buộc phải ngừng kinh doanh và bán những chiếc ôtô sang trọng của mình do nguồn khách hàng cạn kiệt. Cũng chẳng bao lâu sau, hai vợ chồng mất khả năng trả tiền hằng tháng cầm cố căn nhà và khu vườn ở Macanet de la Selva. Ngân hàng đe dọa sẽ tịch thu tài sản thế chấp và gia đình Campos có nguy cơ ra đường ở.

Đứng trước tình cảnh đó, Campos tìm đến một bệnh viện phụ sản tư nhân ở Granollers, gần thành phố Barcelona, nơi tiếp nhận hiến trứng. Mỗi chu kỳ hiến trứng, Campos nhận được chưa đến 1.000 euro. Nhưng, đối với Campos, số tiền đó đủ giúp gia đình chị phần nào chống chọi được với cơn khốn khó tài chính. Bất chấp quy định pháp luật giới hạn chỉ 6 lần hiến trứng, Campos đã hiến đến 14 lần trong vòng chưa đầy 2 năm và kiếm được chừng 10.000 euro.

Vào lúc Campos cố sức kiếm tiền để nuôi sống gia đình, một phụ nữ Đức sống ở thành phố Freiburg nước này cũng khốn đốn trong một cuộc chiến khác - muốn mang thai nhưng không được toại nguyện. Sau nhiều lần thụ thai tự nhiên thất bại, người phụ nữ 40 tuổi này quyết định bay đến Barcelona vào đầu tháng 4 năm nay.

Tại Bệnh viện Clinica Eugin, các bác sĩ giúp người phụ nữ Đức thụ thai nhờ trứng hiến và tinh trùng của chồng. Sự can thiệp này được coi là bất hợp pháp ở Đức. Câu chuyện của hai phụ nữ chẳng dính dáng gì với nhau. Tuy nhiên, cả hai câu chuyện đều xảy ra ở Tây Ban Nha và cả hai đều là "sản phẩm" của cuộc khủng hoảng cá nhân.

Nhiều phụ nữ nước ngoài tìm đến Tây Ban Nha để được mang thai.

Trong hai thập niên qua, Tây Ban Nha trở thành điểm đến hấp dẫn cho những phụ nữ đơn thân và các cặp vợ chồng hiếm muộn ao ước có con. Họ đến Tây Ban Nha từ Bắc Phi, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Nga và Đức. Các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tiên tiến nhất được phát triển ở Tây Ban Nha và được luật pháp cho phép vào năm 2006.

Đứa bé ống nghiệm đầu tiên của Tây Ban Nha chào đời cách đây 30 năm tại Bệnh viện Đại học Dexeus ở Barcelona và ca sinh nở đầu tiên nhờ trứng hiến tặng cũng diễn ra tại quốc gia này. Song, hiện nay các bệnh viện phụ sản ở Tây Ban Nha có nhu cầu trứng hiến tặng rất lớn. Và, khi Tây Ban Nha rơi sâu vào cuộc khủng hoảng đồng euro - dẫn đến tỷ lệ 56% thanh niên thất nghiệp - thì ngày càng có thêm nhiều phụ nữ nước này sẵn sàng hiến trứng để có thu nhập.

Coroleu Lletget - Trưởng Khoa Dịch vụ sinh sản Bệnh viện Dexeus.

Những phụ nữ hiến trứng buộc phải được xét nghiệm các bệnh di truyền cũng như những khiếm khuyết di truyền. Họ được xét nghiệm máu, điện tâm đồ và đánh giá tâm lý. Sau đó, cứ 2 tuần 1 lần, Campos được chỉ định tiêm hormone để kích thích rụng trứng và sinh trứng. Khi trứng chín, các bác sĩ sẽ tiến hành thu hoạch 6 trứng 1 lần. Sau mỗi lần hiến trứng, Campos lại đến bệnh viện khác tiếp tục hiến trứng để duy trì nguồn thu nhập.

Theo Coroleu Lletget - Trưởng khoa Dịch vụ sinh sản Bệnh viện Dexeus. Lletget đánh giá hiện tượng này có mặt tích cực vì nó cung cấp cho các bác sĩ một kho trứng hết sức phong phú để có sự lựa chọn phù hợp giữa cho và nhận - về nhóm máu, màu da, mắt hay tóc, cũng như chiều cao và cân nặng. "Nhưng, chúng tôi rất khắt khe ở giai đoạn chọn lọc người cho trứng", Lletget nói. Ông giải thích: Chỉ có 35 trong số 100 phụ nữ cuối cùng được chấp nhận hiến trứng và 1/3 trong số họ là sinh viên đại học. Một tập ảnh em bé đặt cạnh bàn làm việc của Lletget đủ để chứng minh những câu chuyện thành công của Bệnh viện Dexeus.

Viện Y khoa Marques tư nhân cũng có chương trình quảng cáo tại các trường đại học với thông điệp hết sức ấn tượng: "Cái gì không cho sẽ bị mất. Ngay đến trứng cũng vậy!". Một buổi thẩm tra giữa người cho trứng và chuyên gia tâm lý học sẽ bảo đảm phụ nữ không hiến tặng mầm mống của mình vì lý do tài chính. Các bác sĩ cũng giải thích tận tường về nguy cơ đối với sức khỏe và yêu cầu phụ nữ hiến trứng ký tên vào một bản hợp đồng.

Người bán trứng gánh mọi hậu quả

Monica Campos hiến trứng đều đặn trong gần 2 năm cho đến khi hai buồng trứng của chị không còn đủ sức sản sinh ra trứng nữa. Campos cho biết chị đã tự tiêm cho mình liều hormone cao hết mức có thể, nhưng "nó sinh ra hiệu quả giống như nước". Bụng của Campos phình ra trong khi cơ thể vẫn không sản sinh thêm nhiều trứng như mong muốn. Đó là sự kết thúc các chu kỳ hiến trứng của Campos và sức khỏe của chị cũng suy sụp theo.

Ba năm sau lần tiêm hormone cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán Campos bị nở rộng hai buồng trứng một cách bất thường. Campos thường bị đau ở phần bụng dưới. Năm 2010, Campos bị chứng rối loạn gây đau cơ gọi là fibromyalgia - căn bệnh khiến chị đau đớn kinh niên về thể xác lẫn tinh thần. Cuộc hôn nhân của chị có nguy cơ tan vỡ. Chồng chị vẫn còn thất nghiệp.

Bệnh viện Dexeus.

Một hy vọng nhỏ nhoi giúp hai vợ chồng tiếp tục sống thêm một thời gian nữa là ngân hàng quyết định cho họ tạm ngưng trả nợ. Monica Campos muốn trở thành người mẹ mang thai hộ. Mang thai hộ bị cấm ở Tây Ban Nha, song các cặp vợ chồng giàu có ở Mỹ sẵn sàng trả đến 150.000 USD (khoảng 110.000 euro) để thuê bụng. Campos không ngại thú thật: "Nếu một cặp vợ chồng giàu có cung cấp cho tôi một con đường để sống thì tôi sẽ mang thai đứa con của họ ngay".

Những trường hợp như Campos thường xảy ra bởi vì Tây Ban Nha không có dữ liệu quốc gia về những phụ nữ hiến trứng. Elisabeth Clua, nữ chuyên gia sinh học ở Dexeus, cho biết bệnh viện này chỉ có thể được xem qua các bệnh án của một bệnh viện khác nếu có sự cho phép của người hiến trứng.

Do không muốn bị đánh giá là trục lợi nhờ khủng hoảng kinh tế nên các bệnh viện thường chuyển sang hình thức hiến trứng khác. Ví dụ như cô hầu bàn Tania Lorenzo - phụ nữ 33 tuổi có mái tóc màu đồng và nước da trắng rất thích hợp với một số phụ nữ người Anh có nhu cầu. Lorenzo biết được chương trình hiến trứng thông qua bạn bè vào năm 2008. Lorenzo cũng hiến máu và luôn mang theo trong ví tấm thẻ “người hiến tặng cơ quan nội tạng” của bệnh viện cấp

Duy Minh (tổng hợp)
.
.