Tây Ban Nha: “Người khổng lồ” dừng bước chinh phục

Thứ Bảy, 27/09/2014, 21:35

Ngày 10/9 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Santander - ông Emilio Botin một trong những người đàn ông quyền lực nhất tại Tây Ban Nha - đã qua đời ở tuổi 79 sau một cơn nhồi máu cơ tim. Khoảng trống quyền lực mà ông Emilio để lại được cho là sẽ do bà Ana Patricia Botin, 53 tuổi, con gái lớn của ông đảm nhiệm.

Con đường dẫn tới đỉnh vinh quang

Ông Emilio Botin Sanz de Sautuola y Garcia de los Rios, hay "Don Emilio", là người có công, không những chỉ biến Santander từ một ngân hàng cho vay loại nhỏ trong nước trở thành một nhà băng lớn nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà còn mở rộng thương hiệu Santander ra toàn thế giới. Ông là người giàu nhất xứ sở bò tót và là người giàu thứ 10 thế giới với khối tài sản 18,3 tỉ USD. Tập đoàn Santander của ông có 200.000 nhân viên, 65 triệu khách hàng trên toàn thế giới và 2,3 triệu cổ đông.

Sinh ngày 1/10/1934 tại Santander, tỉnh Cantabria thuộc bờ biển phía bắc Tây Ban Nha, Emilio theo học tại trường dòng Inmaculada ở thành phố cảng Gijón. Sau đó, ông học ngành Luật tại Đại học Valladolid ở Valladolid - thành phố phía bắc Tây Ban Nha, thủ phủ của tỉnh cùng tên, và Kinh tế ở Đại học Deusto ở Bilbao - thành phố hải cảng ở phía nam Tây Ban Nha. Ông Emilio kết hôn với bà Paloma O'Shea Articano, có 6 người con và 17 người cháu. Năm 1958, ông Emilio bắt đầu vào làm việc tại Banco de Santander (tên gọi ban đầu của Santander).

Năm 1986, ông thay cha giữ chức Chủ tịch Santander. Từ đó, ông bắt đầu kế hoạch chinh phục thế giới của mình. Đầu tiên, Emilio xây dựng quan hệ đồng minh với các ngân hàng Champalimaud của Bồ Đào Nha, Société Générale của Pháp, The Royal Bank of Scotland của Anh, Commerzbank của Đức, San Paolo của Italia và BCM của Maroc. Tiếp đó, ông mở rộng đầu tư ở châu Mỹ, mua lại nhiều ngân hàng ở Argentina, Chile, Colombia, Brazil, Peru, Venezuela, Mexico và trở thành cổ đông chính của First Fidelity - một ngân hàng của Mỹ.

Cố chủ tịch ngân hàng Santander Emilio Botin và Ana Patricia Botin.

Năm 1994, Emilio mua lại Ngân hàng Banesto trong một cuộc đấu giá và từ đó, Santander trở thành ngân hàng lớn thứ tư tại Tây Ban Nha. Từ năm 1998,ông bắt đầu mối quan hệ đối tác với Ngân hàng Central Hispano để một năm sau đó cho ra đời ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha và châu Âu: Ngân hàng Santander Central Hispano và sau đó đổi tên thành Ngân hàng Santander.

Năm 2004, gia đình Botin đã mua ngân hàng đầu tư khác của Anh là Abbey National với giá 13,4 tỉ euro. Abbey National có 741 chi nhánh, và cứ 1 trong 3 người của Liên hiệp Anh là khách hàng của ngân hàng này. Khi đó Ngân hàng Abbey National đang thua lỗ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Botin, nó trở thành 1 trong 10 ngân hàng của thế giới có số vốn đầu tư lớn nhất tại thị trường Anh.

Sau thương vụ này, ông tiếp tục mua lại Ngân hàng đầu tư Alliance & Leicester của Anh bằng một hợp đồng 1,3 tỉ bảng Anh, bơm thêm tiền để cứu vãn Alliance & Leicester, hiện đang có 254 chi nhánh và 5,5 triệu khách hàng. Emilio Botin chi thêm 1,254 tỉ euro để vực dậy ngân hàng này. Các chuyên gia tài chính ở phố Wall cũng phải lè lưỡi: Chỉ có tầm cỡ như Santander mới dám “lao vào lửa” như thế.

Tháng 6/2007, Santander bắt đầu một chiến dịch vô tiền khoáng hậu ở Tây Ban Nha: lần lượt đem ra bán hầu hết các bất động sản của mình - 44 tòa nhà trên khắp đất nước Tây Ban Nha, các cơ sở thuộc 1.200 chi nhánh của ngân hàng này cộng thêm 53.000m2 văn phòng tại thủ đô Madrid. Ít ai có thể hiểu được động thái này của gia đình Botin, nhưng kết quả là họ thu về 4 tỉ euro.

Cũng trong năm 2007, Santander còn bỏ ra 98 tỉ USD thực hiện chiến dịch mua lại "người khổng lồ" trong lĩnh vực tài chính của Hà Lan là ABN AMRO, đang trong tình trạng thoi thóp. Và Santander dùng ảnh hưởng của mình sau thương vụ này chi phối RBS của Anh và Fortis của Bỉ. Kết quả là Fortis bị Santander kiểm soát.

Tháng 4/2008, Emilio tiếp tục mua lại Ngân hàng Royal của Scotland, có mạng lưới 2,3 triệu khách hàng tại Đức, Áo, Hà Lan và Bỉ. Đến tháng 6-2008, Santander bắt đầu xâm nhập thị trường Đức, khi trở thành ông chủ của Ngân hàng General Electric Money, mà người Mỹ "bỏ lại" tại đây. Ngân hàng này cũng hoạt động tại Phần Lan, Áo. Tuy nhiên, điều này với Emilio còn quá ít. Ông toan tính chinh phục Citi Group tại Đức.

Ngày 11/7/2008, Santander đoạt danh hiệu “Ngân hàng tốt nhất thế giới” do tạp chí Euromoney bình chọn. Năm 2012, lần thứ 3 trong vòng 7 năm Santander được nhận danh hiệu "Ngân hàng tốt nhất thế giới". Cũng trong năm 2012, Santander còn nhận danh hiệu "Ngân hàng của năm" tại Anh, Mexico, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Argentina và Puerto Rico do tạp chí tài chính uy tín The Banker bình chọn.

Người kế nhiệm

Mỗi một thế hệ trong gia đình Emilio Botin đều biết cách làm ra tiền và nhân số vốn của mình lên. Họ phân chia thị trường và làm việc với nguyên tắc "nhanh nhưng không vội". Chẳng hạn ông bố Botin thì chinh phục nước Pháp, còn người con của ông là Emilio Botin (tất cả con trai dòng họ này đều bắt đầu cái tên như thế này) Sanz de Shautol chinh phục nước Mỹ.

Sau khi ông Emilio qua đời, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin rằng, chức Chủ tịch Santander sẽ do con gái lớn của ông, bà Ana Patricia Botín đảm nhận. Bà Ana Patricia, từng là Chủ tịch Banesto từ năm 2002 đến tháng 11/2010, hiện là Giám đốc điều hành của Santander chi nhánh Vương quốc Anh, kể từ tháng 12/2010. Nhà kinh tế từng theo học ở Đại học Havard này bắt đầu khởi nghiệp ở Tập đoàn tài chính JPMorgan của Mỹ và sau đó gia nhập công ty của gia đình năm 1988.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc bà Ana Patricia lên nắm quyền sẽ châm ngòi cho một loạt những lời chỉ trích, đặc biệt là sau vụ bê bối tại Ngân hàng Espírito Santo (BES) của Bồ Đào Nha - nhà cho vay được niêm yết lớn nhất nước này - khi gia đình Espirito Santo sáng lập BES đang bị điều tra về vấn đề tài chính. Trong khi đó, nhiều chuyên gia tư vấn khác lại cho rằng, Ana Patricia, người đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, đủ khả năng mang lại sự ổn định cho Santander.

Philip Saunders, đồng quản lý của Investec Asset Management, cho biết: "Vấn đề chính ở đây không phải là việc kiểm soát của một gia đình là tốt hay xấu. Việc này cuối cùng phụ thuộc vào yếu tố con người và con gái ông ta được làm từ một khuôn mẫu tương tự".

Còn đối với Enrique Quemada, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Đầu tư OnetoOne, những thành kiến của một số quỹ quốc tế về việc bổ nhiệm này sẽ nguội dần đi trước "sự thành công của một ngân hàng như Santander trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện hành, được dẫn dắt bởi một đội ngũ quản lý với kỷ luật quân đội".

- Slogan của Santander là “Giá trị nằm trong tư tưởng”. Hiểu slogan này theo cách nghĩ của gia đình Botin là tiền phải đẻ ra tiền. Tư tưởng này sinh ra ngay từ khi Ngân hàng Santander thành lập vào năm 1857. Ông cố nội của Emilio Botin bắt đầu các dịch vụ ngân hàng đa dạng hơn các đối thủ cạnh tranh ở phía bắc Tây Ban Nha. Nhờ thế mà Santander đã thôn tính nhiều ngân hàng ở các tỉnh, dần mở rộng “đế chế” của mình.

- Một trong những “vũ khí” tiếp thị lợi hại của Santander là đội đua Công thức 1 McLaren, do tập đoàn này tài trợ. Các trang báo ở châu  Âu và Mỹ nhiều lần đăng thông tin và hình ảnh Emilio Botin cùng con gái của ông là Ana Patricia Botin, và so sánh họ với các tay đua cự phách. Quả thực tốc độ của đội đua với tốc độ phát triển của gia đình ngân hàng Botin, có gốc gác từ thành phố Santander, Tây Ban Nha là đáng nể. Nó phá bỏ những trật tự vốn dĩ quá quen thuộc do những người Anglo-saxon thiết lập nên.

- Tháng 7/2008, Emilio đã ký kết hợp đồng tài trợ với đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.