Tết và chuyện giàu, nghèo

Thứ Ba, 01/02/2011, 12:35
Cùng với sự đi lên về kinh tế của đa số người dân, thì sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng càng lúc càng rõ nét qua việc mua sắm, hưởng thụ - nhất là vào những ngày tết.
Có những cái tết, một gia đình tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có những gia đình, kiếm được vài triệu đồng để sắm sửa thì đã là hạnh phúc lắm...

1. Khoảng chục năm trở lại đây, "túi quà tết" là một trong những mặt hàng bán rất chạy mỗi độ xuân về, và đẳng cấp của người mua, người nhận cũng thể hiện rất rõ qua giá tiền của những túi quà đó. Có những túi quà mà tổng trị giá của nó chỉ 150 nghìn đồng, gồm 1 chai rượu "vang", 1 hộp mứt bí, 1 hộp bánh xốp, một hộp kẹo cà phê, 1 gói chuối sấy khô - tất cả đều có xuất xứ từ những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nhưng cũng được bọc trong giấy kính, có thắt nơ xanh đỏ đàng hoàng, đến những gói quà mà chỉ riêng chai rượu thôi, đã là 6 triệu đồng.

Bà Lan, chủ một sạp hàng quà trên địa bàn quận 3, TP HCM, nói: "Loại túi quà có giá từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng bán chạy nhất vì các cơ sở kinh doanh thường mua cho công nhân. Còn túi quà 5 triệu, 10 triệu - thậm chí 20 triệu được người mua đặt riêng, chọn lựa từng món".

Nhìn vào một túi quà giá 20 triệu, tôi thấy ngoài chai rượu Johnnie Walker Blue Label loại 1 lít, thì có một hộp bánh bisquit do Đan Mạch sản xuất,  một hộp kẹo sôcôla Pháp, một hộp sâm Hàn Quốc, một hộp trà Nhật Bản và một hộp yến sào Hồng Công. Còn gói quà 10 triệu đồng gồm một chai rượu Blue Label Magnum giá 6 triệu đồng,  một hộp sôcôla Caoni Macadamia giá 1,9 triệu cùng mấy hộp bánh.

Vẫn bà Lan, cho biết: "Từ mùng 10 tháng Chạp đến nay, tôi đã bán được hơn 10 túi quà loại này, và mua lại 6 túi". Tôi hỏi mua lại là sao? Bà cười: "Thì người được tặng nhìn vào số điện thoại trong tờ danh thiếp của cửa tiệm để trong túi quà, họ gọi". Túi quà giá 20 triệu nhưng khi mua lại, bà Lan chỉ trả 15 triệu đồng nếu nó còn nguyên bao giấy kính, dây nơ buộc bên ngoài. Còn nếu nó đã bị bóc ra thì chỉ từ 10 đến 12 triệu.

Một anh bạn tôi là bác sĩ chuyên khoa Sản tại một bệnh viện sản tư nhân tầm cỡ ở TP HCM kể tôi nghe câu chuyện: Năm ngoái, anh mua cặp rượu Chivas 21 năm đem biếu sếp. Để tránh mua nhầm rượu giả, anh yêu cầu người bán làm dấu bảo đảm vào góc tờ nhãn dán trên chai. Một tuần sau, một đại gia trong ngành kinh doanh nhà đất đem biếu anh cặp rượu để cảm ơn anh vì anh đã đỡ cho ái nữ của ông ta mẹ tròn con vuông. Tới hồi mở  hộp ra coi, anh không tin vào mắt mình khi cặp rượu trị giá 5 triệu đồng mà anh đã biếu sếp, lại chính là cặp rượu anh vừa được tặng!

Không chỉ túi quà, nhiều món quà tết khác nhẹ nhàng hơn nhưng giá trị lại rất nặng, chẳng hạn như những phiếu mua hàng tại các cửa tiệm danh tiếng với chiếc áo vest với giá sơ sơ chỉ... 50 triệu đồng thôi! Hoặc những vé đi du lịch nước ngoài, chưa kể đến những chiếc phong bì "lì xì" mà trong đó, là tiền đôla Mỹ! Anh Trần Văn Thông, giáo viên THCS ở một quận ngoại thành, TP HCM, cười buồn: "Thấy người ta tặng quà cho nhau mà bắt ham".

Cô Phạm Thị Hạnh, công nhân ngành may thuộc một xí nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết: "Nghe nói tết này được thưởng 2 triệu, cộng với tiền lương 1,5 triệu nữa, gói ghém lại cũng đủ về quê, mua chút quà cho gia đình". Chỉ 2 triệu tiền thưởng thôi mà nhìn cô cũng đã thấy vui lắm.

2. Đó là chuyện quà. Còn chuyện ăn thì đâu phải chỉ mấy ngày tết thiên hạ mới ăn. Thời kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra rất rõ nét trong chuyện ăn uống. Ăn sáng chẳng hạn, có những đại gia sẵn sàng rút ví thanh toán 10 triệu đồng chỉ cho một  bữa điểm tâm với gia đình. Theo họ, thì "với tình hình vệ sinh thực phẩm gần như bị thả nổi hiện nay, nếu ăn uống ở những nhà hàng nhỏ, quán lề đường, không được ngành chức năng kiểm tra chất lượng nên chẳng biết lúc nào sẽ bị ngộ độc". Chả thế mà có tiệm phở, bước vào gọi một tô phở bò Kobe Gyu "5" - Nhật Bản - thì đồng nghĩa với việc sau khi ăn xong, thực khách sẽ móc túi ra trả 750 nghìn đồng. Nếu gọi phở bò Kobe "M" thì 500 nghìn đồng. Rẻ tiền hơn, có phở bò Wagyu Australia giá 220 nghìn đồng, còn rẻ hơn nữa là phở bò Mỹ giá 125 nghìn đồng mỗi tô.

Một thực khách lập luận: "Tiền nào của nấy. Nếu bảo rằng tôi chơi sang thì cũng chưa hẳn là đúng vì khi ăn một tô phở ngon miệng, vừa ý, thì việc trả 750 nghìn đồng cho sự ngon miệng ấy là việc bình thường". Tuy nhiên, sự bình thường này có lẽ sẽ không bình thường nếu so sánh với bữa sáng của một công nhân ở các khu công nghiệp: Bình quân chỉ là 3 nghìn đồng cho mỗi người và với họ, việc thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh chỉ là chuyện nhỏ bởi lẽ thà có cái để ăn còn hơn không.

Ăn uống và tết cũng có những liên quan mật thiết. Đó là những bữa tổng kết, tất niên mà thực khách lắm khi chỉ 5, 7 người cùng "cánh hẩu" với nhau. Nếu như trước đây, những món được coi là đặc sản, như rắn, rùa, cua đinh, chồn, nhím, trút, bàn tay gấu,... thì bây giờ "xưa rồi Diễm ơi". Bây giờ vào tiệc, bên cạnh chai rượu Louis XIV giá 80 triệu đồng, thì món khai vị là một chén súp yến huyết - mỗi chén 1,5 triệu đồng. Sau đó là trứng cá tầm phết lên trên miếng bánh mỳ bé tí xíu cùng với mù tạt vàng mà mỗi miếng chỉ... 500 nghìn đồng thôi!

Hình ảnh ấy tương phản với những bữa tiệc tất niên cho công nhân tại nhiều công ty, xí nghiệp với bia chai, nước ngọt, nem nướng, chả giò, gà nấu cà ri, cá tai tượng chiên xù, cơm "Dương Châu" - mỗi khẩu phần khoảng 300 nghìn đồng - nghĩa là chưa bằng một miếng bánh mỳ trứng cá tầm, hay như bữa tiệc tất niên của cánh thợ hồ ở trọ gần nhà tôi, tổ chức để chia tay về quê ăn tết. Bữa tất niên gồm mấy lít rượu đế, mấy quả xoài xanh cùng một nồi cháo vịt, tất cả chỉ khoảng 200 nghìn đồng.

Dẫu biết rằng ai cũng có quyền hưởng thụ theo khả năng và ý thích nhưng sự phân hóa đã khiến không ít người phải mủi lòng, nhất là những sinh viên nghèo, nhà ở xa, tết phải ở lại thành phố tìm việc làm thêm nhằm kiếm chút tiền trang trải cho việc học,  hoặc những công nhân gom góp chút tiền lương, tiền thưởng, nhờ bạn bè cầm dùm về cho gia đình vì không muốn số tiền ít ỏi ấy, lại phải hao hụt vì chiếc vé xe.

Không chỉ ăn, tết nhất lại còn là dịp đi du lịch. Ít tiền thì bà con chòm xóm hoặc bè bạn chung nhau lại, thuê một chiếc xe với lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống, ra Vũng Tàu, Phan Thiết, mướn những khách sạn nhà trọ phù hợp, còn nhiều tiền thì đi nước ngoài. Bây giờ, đi Thái Lan hay đi Singapore cũng... "xưa rồi Diễm ơi". Với những người có đẳng cấp, đi chơi xuân kết hợp mua sắm thì phải là Dubai, hoặc Sydney, California, Paris...

Tết năm ngoái, một đại gia nhà ở khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM, đưa cả gia đình đi Tokyo du xuân, đã bỏ tiền thuê 6 nhân viên bảo vệ - chia làm 2 ca, trông coi ngôi biệt thự của mình trong 6 ngày với tổng chi phí là 18 triệu đồng - bằng lương của một lao động phổ thông trong suốt 1 năm. Anh Lâm, lái taxi, nói: "Mấy ngày tết, trừ đi tất cả mọi chi phí, mỗi ngày kiếm được chừng 200 nghìn đồng là phấn khởi lắm rồi" trong lúc một cầu thủ sinh năm 90, vừa bị xử phạt 2,4 tỉ đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, còn  nhiều giáo viên ở một số tỉnh miền núi thì tết này tiền thưởng chỉ là mấy chục nghìn đồng. Vậy mà con số 2,4 tỉ đồng có vẻ chẳng nghĩa lý gì với một cầu thủ đang lên.

Một chủ tiệm bán phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, quận 5, TP HCM, nói: "Mới đầu tháng Chạp, đã có 6, 7 "thiếu gia" đem xe tới, đặt tôi độ giùm "đồ chơi". Những chiếc ôtô ấy đều là loại tiền tỉ và "độ" một món "đồ chơi", lắm khi mất vài ba chục triệu đồng, cốt chỉ để chứng minh rằng xe mình ngon hơn xe nó!

Nhộn nhịp hàng tết giảm giá.

3. Nói chuyện ăn tết, thì cũng phải nói đến mặc tết bởi lẽ theo phong tục, tết thường không thể thiếu bộ quần áo mới. Những ngày này, dọc đường Minh Phụng trước chợ Cây Gõ, hoặc đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Tân, TP HCM, tầm từ khoảng 5 giờ chiều trở đi, sẽ thấy cơ man nào quần, nào áo, nào dép, nào giày, rồi ví da bóp đầm, thắt lưng dây nịt xuống đường đại hạ giá trong ánh điện sáng rực. Tất cả đều là "hàng chợ" - nghĩa là hàng do những cơ sở nhỏ, lẻ sản xuất, hoặc hàng xuất khẩu nhưng bị trả lại do không đạt yêu cầu về chất lượng, nay tung ra bán thanh lý. Tại những chỗ ấy, chỉ cần khoảng 150 nghìn đồng là đã có thể có một chiếc quần jean, áo thun cùng một đôi giày hay đôi xăng đan diện tết.

Phượng, 23 tuổi, công nhân khu công nghiệp Tân Tạo, nói: "Ban ngày bận làm việc, tối mới đi mua nhưng mua buổi tối thì dù có điện, nhưng vẫn khó phát hiện đường may bị lỗi, hoặc dính những vết bẩn khó tẩy. Mà hàng khuyến mại thì mua rồi không được trả lại". Chả thế mà người mua cứ săm soi từng món một, lắm khi đứng cả nửa giờ chỉ để ướm thử một chiếc áo hay một chiếc quần.

Với những người giàu, chuyện mua sắm quần áo tết chỉ là chuyện nhỏ. Miền Nam những ngày tết khí hậu thường ấm áp nên hầu như chẳng ai mua áo lạnh. Vào các thương xá Parkson, Vincom, Diamond hoặc những cửa hàng thời trang, đại lý cho những hãng nước ngoài danh tiếng, hẳn lắm người sẽ chóng mặt khi nhìn thấy những chiếc áo thun, áo sơ mi với giá 5, 7 triệu đồng nhưng vẫn có người mua một lần vài ba chiếc.

Nghe kể vài năm trước, vợ một đại gia có tiếng trong làng kinh doanh bất động sản, lúc vào thương xá Tax và lúc nhìn thấy một món "nội y" ưng ý của hãng thời trang lừng danh Yves Saint Laurent, bà vợ ông đại gia đã xỉa ngay 6 triệu đồng để mua nhưng không lấy ngay, mà yêu cầu chủ cửa hàng dán lên trên món hàng một mảnh giấy, ghi rõ "Chị X đã mua". Chơi cho biết đẳng cấp! Còn nếu kể thêm thì phải kể đến những cây hoa kiểng mà có cây giá hàng trăm triệu đồng.

4. Cuối cùng, tết cũng là dịp để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tung hoành. Tại một "phố rượu" ở TP HCM, người mua lắm khi nghe một chủ hàng nào đó đặt thẳng vấn đề: "Mua về uống hay mua đi tặng?". Nếu mua về uống và nếu đồng ý đựng rượu trong một loại chai khác - nhưng cam đoan là rượu thật, thì tùy theo loại rượu mà người mua  sẽ được bớt từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Một "chuyên gia" về "nghề" này, tiết lộ: "Chủ tiệm dùng một mũi khoan đầu kim cương khoan vào đáy chai và dùng xơ-ranh rút rượu thật ra. Sau đó bơm rượu giả rồi chấm vào lỗ khoan một tí xíu keo epoxy trong suốt. Có thánh cũng chẳng biết vì nút chai, màng bảo hiểm, thậm chí niêm xi vẫn nguyên vẹn".

Nhưng dẫu sao, không phải bất cứ ai cũng có thể mua chai rượu giá từ vài triệu trở lên để đem về "ăn tết", mà có những thứ không mua không được. Đó là thịt, là giò chả, là các thứ gia vị, rau củ. Thịt chẳng hạn, chỉ với nước muối loãng và một loại hóa chất có tên gọi "săm-pết" (nitrat kali),  thì qua vài thủ thuật, miếng thịt heo, thịt bò đã "ra nhớt", phút chốc biến thành tươi roi rói như mới vừa từ lò mổ đưa ra. Để kẹo giòn lâu, không ỉu, không chảy nước, đã có cacbonnat canxi  - là bột đá vôi dùng trong công nghiệp. Giò chả muốn dai, để được lâu thì cứ vô tư cho hàn the vào. Còn mứt bí, bún, phở, các loại hải sản vừa trắng lại vừa bảo quản được lâu, thì đã có sẵn "phoóc môn". Ngay cả đến những loại gia vị bình thường như chai tương ớt, thì ngoài ớt khô, bột benzoat -  để chống mốc, người ta còn cho vào đó rhodamine B - là chất có khả năng gây ung thư.

Và dĩ nhiên, tất cả những thực phẩm đó, đều không dùng cho... người giàu!

Vũ Cao
.
.