Thách thức giữa bảo tồn với phát triển di sản: Hãy tránh “sự đã rồi”

Thứ Ba, 17/12/2019, 14:13
Di sản thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho địa phương từ việc đón khách tham quan và nhiều lợi ích khác. Song, quan niệm sai lầm tận thu di sản để đem lại nguồn lợi kinh tế đã và đang khiến nhiều di sản bị xâm hại, có nơi tới mức trầm trọng.

Xẻ núi, lấp biển bất chấp luật

Vài năm gần đây, tình trạng xâm phạm di sản hết sức báo động. Điều đáng nói là vi phạm ngày càng có quy mô lớn và xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các di sản tầm quốc gia, quốc gia đặc biệt và thậm chí di sản thiên nhiên thế giới.

Điển hình như vi phạm ở Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và gần nhất là ở Hà Giang.

Đầu tháng 11 vừa qua, khi dư luận vừa lắng xuống bởi công trình sai phạm trên Mã Pì Lèng thì lại sửng sốt bởi những hình ảnh phá núi xây dựng khu du lịch tâm linh ở gần nơi được coi là địa đầu Tổ quốc - khu di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú.

Những ngọn núi bị san phẳng đỏ au, nổi bật một cách nhức nhối, xoáy vào lòng người câu hỏi, phải chăng, để phát triển, chúng ta sẵn sàng bất chấp tất cả, bất chấp hủy hoại sinh thái, bất chấp bảo vệ di tích?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích. Đồng thời, vị trí xây dựng của dự án nằm trong lòng công viên cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010.

Ngược thời gian, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, liên tục những di sản thế giới ở Việt Nam bị xâm hại. Năm 2016, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận. Chỉ một năm sau đó, khi mà bản cam kết về chương trình hành động để bảo vệ di sản này còn chưa ráo mực thì một công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ mọc lên ngay khu vực I của di sản gây sững sờ dư luận.

Mặc dù sau đó, công trình đã bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu tháo dỡ nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi, vì sao một công trình dài vài km, được thi công trong thời gian dài như vậy mà cơ quan quản lý địa phương chỉ biết khi được báo chí phản ánh?

Cũng tại Tràng An, đầu năm 2019, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phải phát đi thông báo, khuyến cáo du khách tránh xa 20 cơ sở lưu trú trái phép do dân tự ý xây dựng. Đó là các cơ sở mọc lên trong vùng lõi di sản, không nằm trong quy hoạch xung khu danh thắng Tràng An được Thủ tướng phê duyệt trước đó.

Còn tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải lên tiếng về tình trạng bê tông hóa tại khu di sản, nhiều công trình trái phép xây dựng trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản cầu xử lý nghiêm sai phạm tại vịnh Hạ Long do một số dự án chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về đánh giá tác động môi trường.

Mặc dù hậu quả đã được khắc phục, vi phạm đã bị đình chỉ, tháo dỡ thì đó vẫn là những hình ảnh méo mó, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế về nỗ lực bảo tồn di sản mà chúng ta đã gây dựng bao năm qua.

Coi trọng phát triển, xem nhẹ bảo tồn!

Với hơn 4 vạn di tích được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú.

Di sản thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho địa phương từ việc đón khách tham quan. Theo thống kê, khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua.

Trong năm 2018, 8 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng hơn 2.500 tỷ đồng...

PGS.TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia.

Chỉ tính riêng với các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, số liệu thống kê đã chỉ ra sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh. Như quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu.

Đặc biệt quần thể danh thắng Tràng An, khi thống kê số liệu khách du lịch trong thời gian lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2018 (sau 4 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6 triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu. Nhờ đó, riêng nguồn thu hằng năm từ tiền bán vé tham quan của di sản này đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sự thay đổi này cũng hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện “sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”. Phải chăng, sự phát triển này dẫn đến tâm lý làm di sản để tận thu?

Nhưng có phải, di sản là để tận thu?

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: “Quan niệm như thế là không được, có danh hiệu để làm tiền hay sao?”.

Di sản là tài sản của quốc gia và dân tộc, các địa phương được giao nhiệm vụ quản lý chứ không thể coi đó là nguồn thu cho địa phương. Việc khai thác giá trị từ di sản là hợp lý và cần thiết nhưng không thể đặt mục tiêu tận thu từ di sản. PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng, một thách thức lớn nhất mà Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt là cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.

Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, mục tiêu bảo tồn để phát triển bền vững được UNESCO đặt ra và xem trọng. Cụ thể, tháng 9-2015, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, với 17 mục tiêu mang tính phổ quát, bao trùm và chuyển đổi, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng, thể hiện quyết tâm chuyển từ khát vọng sang hành động nhằm thay đổi thế giới theo hướng bền vững và nhân văn hơn.

Chương trình nghị sự 2030 đã mở ra những con đường mới để tích hợp văn hóa vào các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Trong nhiệm vụ đó, UNESCO là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc tăng cường giá trị đóng góp của văn hóa với tư cách là mục tiêu và động lực của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Công trình sai phạm trên núi Cái Hạ - Tràng An (Ninh Bình).

Tháng 11-2015, Đại Hội đồng Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên đã thông qua Nghị quyết 20 GA/13 về di sản và phát triển bền vững. Từ đó, Ủy ban Di sản thế giới đã tiếp tục triển khai các chương trình toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia nhằm đạt được sự cân bằng, tích hợp và thích hợp giữa việc bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thế giới với việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, kêu gọi các quốc gia đảm bảo các nguyên tắc phát triển bền vững được lồng ghép vào các quy định về bảo vệ di sản thế giới của quốc gia với 3 khía cạnh của phát triển bền vững, đó là bền vững môi trường, phát triển xã hội bao trùm và phát triển kinh tế toàn diện, cùng với việc thúc đẩy hòa bình và an ninh.

Điều này lý giải vì sao, năm 2018, UNESCO kêu gọi hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng (Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình). Trước động thái UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu để thực hiện lại dự án xây cáp treo tại Sơn Đoòng, UNESCO cho rằng, việc làm cáp treo đồng nghĩa với khả năng số lượng khách tham quan vào hang tăng mạnh. Điều đó đi kèm các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với môi trường nhạy cảm của hang động và các tác động tiềm tàng lên tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu.

Đó là một minh chứng sinh động cho thấy, việc khai thác di sản không phải lúc nào cũng chuộng yếu tố thu hút đông khách du lịch. Nhiều khi, tính độc đáo, hiếm có, hạn chế lượng người tiếp cận di sản lại càng làm di sản có sức hút riêng, tăng giá trị khai thác.

Hãy tránh “sự đã rồi”

Đối với Việt Nam, cho đến nay UNESCO đã công nhận 39 loại hình danh hiệu tại Việt Nam trong đó có 8 danh hiệu về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên. Các di sản quý giá này cùng với các danh hiệu quan trọng khác như Công viên địa chất toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, vinh dự đối với Việt Nam và góp phần quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh, lễ hội và góp phần từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững (7-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

Các công việc về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này ngày càng quan trọng và cấp thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết với UNESCO cũng như hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển cân bằng, hài hòa của quốc gia và địa phương có di sản.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này đòi hỏi nhiều nỗ lực với sự tham gia của nhiều chủ thể, hoạt động trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách, phối hợp thông tin, hoạt động giữa các đơn vị quản lý, tuyên truyền giáo dục cộng đồng.

Di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ được thừa nhận là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia dân tộc mà còn được coi là những tài sản chung của nhân loại. Do đó, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn và nhu cầu của công cuộc bảo vệ và phát huy các di sản của các quốc gia; đồng thời, ý thức sâu sắc về những nguy cơ trên phạm vi thế giới và trách nhiệm quốc tế trong lĩnh vực này, năm 1972, "Công ước về việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới" do UNESCO đề xướng và khởi thảo chính thức có hiệu lực.

Đây là một trong những sáng kiến quan trọng nhất của tổ chức hợp tác trí tuệ quốc tế này xuất phát từ một quan điểm mới cho rằng việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia mà còn là nghĩa vụ chung của toàn thể nhân loại.

Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đồ sộ, đa dạng, đem lại niềm tự hào, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ quá trình phát triển đất nước nhưng cũng đặt ra thách thức về công tác quản lý, bảo tồn. Đối với những di tích quốc gia, di sản thế giới mà vẫn còn những hiên tượng xâm phạm như vậy thì với những di tích thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền cơ sở càng cần nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện nguy cơ xâm hại di sản,

Một ngọn núi bị xây dựng công trình trái phép, tháo dỡ công trình đi rồi cũng phải hàng vài chục năm, trăm năm, cây cối, hệ sinh thái ở đó mới có thể phục hồi. Nhưng, với các di tích bị xâm hại, yếu tố gốc có thể vĩnh viễn mất đi, không cách nào lấy lại được.

Bởi vậy, hiệu quả bảo tồn di sản phụ thuộc vào việc có phát hiện sớm nguy cơ và kịp thời ngăn chặn được hành vi xâm hại hay không; nói cách khác là phụ thuộc phần lớn vào công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo tồn tại cơ sở.

Làm tốt điều đó thì mới tránh được "sự đã rồi"!

Thảo Nguyên
.
.