Thái Lan: Vùng đất “khó nhằn” của Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây

Thứ Hai, 13/10/2014, 15:20

Khi đến Thái Lan đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây hứa tiến hành đền “thật thỏa đáng” cho đất nông nghiệp và cây trồng trên đất của người dân sẽ bị mất để được cấp phép khai thác dầu. Chính phủ Thái Lan “trải thảm đỏ” chào đón cùng với hy vọng dự án sẽ giúp phát triển kinh tế. Nhưng những gì điễn ra sau đó là hàng loạt đơn khiếu nại của người dân tố cáo doanh nghiệp Trung Quốc đang kéo dài dối trá, sử dụng chiến thuật vừa trấn an vừa dùng vũ lực để tiến hành khoan thăm dò.

Quay ngoắt 360 độ sau khi có giấy phép đầu tư

Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây bắt đầu khai thác dầu ở 4 huyện thuộc phía bắc tỉnh Buri Ram vào tháng 1 năm nay, thuê Công ty thăm dò địa chất BGP tiến hành khoan khảo sát địa chất 3D khu vực. Vào ngày 10/2, hơn 400 nhân viên BGP đến tỉnh này và xin phép được khoan thăm dò.

Ông Suparerk Sitahirun, một cố vấn cấp cao Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây luôn miệng bác bỏ thông tin về doanh nghiệp của ông có mâu thuẫn lớn với người dân địa phương, đồng thời khẳng định tiền bồi thường đã cấp cho người dân mất 20% cây trồng nông nghiệp với mức giá trung bình cao hơn giá thị trường đều đúng theo quy trình bồi thường của các cơ quan chính phủ.

Ông Suparerk Sitahirun thông báo: Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây đã trình lên Văn phòng Chính sách - Kế hoạch Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Thái Lan một bản đánh giá tác động môi trường để được cấp phép khoan khai thác 8 giếng dầu. Đây là một quy trình "bình thường" mà phía doanh nghiệp Trung Quốc được yêu cầu chiểu theo một phần cam kết của họ với Bộ Nhiên liệu Khoáng sản Thái Lan.

Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây còn tuyên bố họ đã mở 2 phiên điều trần giải thích công khai về việc khoan thăm dò đồng thời đệ trình các biện pháp ngăn chặn tác động môi trường đối với địa phương. Họ cũng khẳng định hoạt động của họ gồm việc khoan 3 giếng dầu vào năm ngoái không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe người dân và môi trường.

"Mặc dù có một số người dân phản đối nhưng tất cả những vấn đề phát sinh đều được giải quyết thông qua thương lượng", ông Suparerk tự tin phát biểu trước báo chí Thái Lan.

Người dân Isan căng biểu ngữ kêu gọi đoàn kết chống lại dự án khai thác dầu của Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây Trung Quốc đang làm ô nhiễm môi trường, phá hoại đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Tawatchai Surat, 36 tuổi, là giáo viên tố cáo Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây và Công ty Khảo sát địa chất BPG đã dùng "chiến thuật răn đe" nhằm "bịt miệng" những người nông dân thấp cổ, bé họng: "Một số trưởng thôn có mối quan hệ với các cá nhân nên được hưởng lợi lớn này, thậm chí họ rút súng đe dọa những người dân lên tiếng phản đối".

Đúng như tố cáo của anh Surat, phía Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây liên tục nhắc lại tuyên bố theo kiểu "con kiến mà kiện củ khoai" rằng chỉ khi nào những người nông dân nghèo Thái Lan chứng minh được hoạt động của họ gây ra thiệt hại cho đất, cây trồng và vật nuôi, họ sẽ bồi thường.

Người dân, luật sư, các tổ chức hoạt động môi trường Thái Lan quyết kiện doanh nghiệp Trung Quốc

Trước khi đặt mũi khoan dầu đầu tiên trên đất Thái Lan, phía Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây từng hứa hẹn sẽ thu nhận người lao động địa phương vào làm việc. Tuy nhiên, khi có được giấy phép đầu tư, họ chỉ tuyển dụng một vài người, gây ra mối bất hòa giữa cộng đồng dân cư bản địa. Một số tổ chức phi chính phủ và môi trường tập hợp những người dân bất đồng phản đối dự án khai thác dầu của Trung Quốc.

Sau 2 tuần đàm phán, các nhà hoạt động môi trường và nông dân địa phương bắt đầu hình thành phong trào phản đối. Nhiều đoạn video clip cho thấy người dân địa phương nổi giận phản đối kịch liệt, nhân viên BGP thì cố giải thích quá trình khai thác của họ đã có sẵn minh họa trên Internet.

Một số người dân lo ngại quá trình khoan khảo sát của công ty Trung Quốc sẽ phá hoại sinh kế của họ, đồng thời cho biết BGP chưa xin phép hàng trăm hộ dân trước khi dùng vật liệu nổ để tiến hành công việc. Người dân thì lo lắng phản đối, trong khi BGP thì vẫn phớt lờ để thăm dò dầu. Họ dùng chất nổ để khai thác từ ngày 17/7 ở một số nơi, thậm chí cứ 30 giây sẽ có một vụ nổ mìn và hoạt động đó đã hoàn tất vào ngày 19/8 vừa qua.

Trong suốt 5 tháng qua, người dân nộp đơn kiện tập thể tố cáo Bộ Nhiên liệu Khoáng sản Thái Lan phải chịu trách nhiệm vì đã cấp giấy phép, một số thủ tục khác trái luật, sau khi có báo cáo nhiều nhà dân bị hư hại, thậm chí bị sập trong thời gian doanh nghiệp Trung Quốc dùng hàng ngàn kilôgam chất nổ phục vụ thăm dò địa chất.

Luật sư Srisu Janya, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 80 người dân cho biết, có nhiều tác động tiêu cực khác nhau bao gồm sự phá hỏng đất canh tác lưu niên, cạn kiệt nguồn nước dẫn đến năng suất cây trồng giảm. Vào ngày đầu tiên các quả mìn được kích nổ, ông Siruswan đã nộp đơn phản đối lên Tòa án Hành chính Trung ương. 

Ông tố cáo các quan chức năng lượng cho phép Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây tiến hành hoạt động khai thác bất chấp thiệt hại đối với đời sống của người dân. Trong một tháng qua đã có hơn 60 gia đình nộp đơn khiếu nại, tố cáo công ty Trung Quốc phá hỏng đất canh tác.

Người dân Buri Ram phản đối Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây, Trung Quốc.

Luật sư Srisu đại diện cho người dân gửi đơn kiện đến tòa án môi trường địa phương yêu cầu phía doanh nghiệp Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại vì làm hư hại nhà cửa trong quá trình nổ mìn thăm dò địa chất. "Tôi nghĩ ảnh hưởng lớn nhất không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe và môi trường, mà còn tác động tâm lý của người dân địa phương bởi họ nghĩ quyền và lợi ích của họ đã bị xâm phạm”.

Phó giáo sư Jumpol, giảng viên Trường đại học Mỏ - Địa chất Buriram Rajabhat nêu lên một trong những lý do khiến người dân phản đối dự án khai thác dầu mỏ của Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây.

Tawatchai Surat đã  kêu gọi người dân đoàn kết nộp đơn kiện để phản dối dự án của Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây. Kể từ khi BPG đến địa phương, Surat là một người dân sinh sống tại huyện Muang, tỉnh Buri Ram liên tục tổ chức nhiều cuộc họp cùng với người dân nhằm tuyên truyền cho họ hiểu ảnh hưởng tiềm tàng từ khai thác dầu mỏ.

"Kể từ đó cho đến nay, đã xuất hiện một bầu không khí phản đối. Khi sự phản đối xảy ra, công ty đã cố xoa dịu người dân bằng cách tăng (nhỏ giọt) số tiền bồi thường" - Surat nói.

Người dân Buri Ram đưa ra bằng chứng Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây bồi thường đất nông nghiệp và cây trồng với mức giá rẻ bèo trong khi việc nổ mìn khai thác dầu vật liệu đang làm ô nhiễm môi trường và hư hại nhà cửa của họ.

Ông Jumpol nói rằng, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Chính phủ Thái Lan dành cho doanh nghiệp Trung Quốc chẳng khác nào "mời những tên trộm đến cướp của người dân địa phương." Ông phản đối Chính phủ Thái Lan: "Chính phủ Thái Lan cho phép cái luật trời ơi này tồn tại. Họ không có bất kỳ cân nhắc kỹ lưỡng nào để có thể nghĩ điều này sẽ đem đến nỗi buồn và thiệt hại lâu dài cho người dân".

- Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây  quan tâm đến nguồn dầu mỏ Thái Lan từ khi nào?

Bắt đầu vào năm 2010 với 3 địa điểm khoan thăm dò ở Buri Ram và Surin. Theo ông Suparerk, khai thác dầu ở huyện Isan, tỉnh Buri Ram đặc biệt khó, rủi ro cao vì phải khoan sâu đến 3 km, với chi phí khoảng 3-5 triệu USD/giếng dầu. Tuy nhiên, có khi nhà đầu tư phải bỏ ra 10 triệu USD/giếng dầu ở địa phương này.

Tập đoàn Dầu khí Thiểm Tây được cấp phép khai thác khô dầu mỏ mã hiệu L31/50 từ tháng 2-2010 dưới thời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Năm ngoái, họ đã khoan 2 giếng ở tỉnh Buri Ram và một ở tỉnh Surin.

- Trữ lượng dầu của Thái Lan thuộc diện thấp nhất trong khối ASEAN

Thái Lan là một quốc gia nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu, mức tiêu thụ 1,21 triệu thùng dầu/ngày, và nhập khẩu 459.000 thùng dầu/ngày.

Theo Thống kê đánh giá Phân tích về Năng lượng Thế giới của Tập đoàn BP công bố vào tháng 6 vừa qua, có 1,69 nghìn tỉ thùng dầu (dự trữ) được chứng minh tồn tại rải rác khắp thế giới.  Trong tổng số đó có 400 triệu thùng ở Thái Lan so với 500 triệu thùng năm 2003 và 200 triệu thùng năm 1993. Thái Lan có trữ lượng dầu mỏ xếp sau Indonesia (3,7 tỉ thùng), Malaysia (3,7 tỉ thùng) và Việt Nam (4,4 tỉ thùng).

- Hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ trên mặt đất diễn ra như thế nào?

Có 3 phương pháp chính kiểm tra cấu trúc bên dưới lòng đất để tìm kiếm dầu mỏ, gồm: khảo sát từ tính, khảo sát trọng lực và khảo sát địa chấn. Sau đó, phương pháp phổ biến nhất và cũng đắt đỏ nhất: tạo ra sóng xung kích xuyên qua lớp đá ngầm và phân tích các bước sóng phản xạ trở lại mặt đất, tương tự như tiến hành siêu âm.

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.