Thâm nhập chợ sỉ thuốc tây ở TP HCM: Lọt vào ma trận

Thứ Tư, 05/03/2014, 18:15

Với những "ma trận" thuốc tây, người bệnh chẳng bao giờ biết được giá thật của một viên thuốc là bao nhiêu khi mà việc khám bệnh, mua thuốc ở Việt Nam vẫn là khám và mua theo từng liều, chứ không phải mua theo mã vạch hàng hóa in trên hộp thuốc…
>> Thâm nhập chợ sỉ thuốc tây ở TP HCM: Những điều trông thấy

1. Trong suốt mấy ngày đi thực tế ở các chợ sỉ thuốc tây tại địa bàn TP HCM, tôi được biết đầu nậu ở các chợ đều có sự liên kết với nhau rất chặt chẽ. Như đầu nậu tên Chi chẳng hạn, lúc đồng ý bán Morphine cho tôi thì ngay sau đó, Chi đã móc điện thoại ra, gọi cho một ai đó: "Còn "Mo" không mày? Đầu giờ chiều mang tới cho tao 10 ống".

Hay như một đầu nậu tên Sinh, nhận cung cấp cho tôi loại kháng sinh trị lao phổi Rifamycin với giá tiền chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng. Sinh giải thích: "Đây là hàng generic nên mới rẻ" (generic có nghĩa là thuốc phiên bản hay thuốc tương thích, có cùng hoạt chất và có tính năng trị liệu giống như thuốc gốc, được thử nghiệm khắt khe về tính tương đương sinh học và tính khả dụng sinh học nên chất lượng bảo đảm.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, một loại thuốc nào đó của một hãng nào đó sản xuất, khi hết thời gian sở hữu bản quyền - có thể là 10 năm hay 20 năm, thì công thức của loại thuốc này được phép sử dụng ở những quốc gia khác).

Tuy nhiên, khi cầm vỉ thuốc mẫu mà Sinh đưa, tôi biết nó là thuốc nhái - và cũng có thể là thuốc giả vì ngoài tên Rifacin, còn thì nơi sản xuất chỉ là một công ty ất ơ nào đó ở… ngoài hành tinh: "Universal Pharma Inc", không quốc gia, không địa chỉ. Lúc tôi hỏi một đầu nậu khác tên Hùng về mặt hàng Viagra, Hùng nói: "Hàng rời, 10.000 đồng/viên hàm lượng 50mg".

Chừng như để xóa tan nghi ngờ của tôi vì cái giá quá rẻ, Hùng giải thích: "Ở trong hãng, mỗi mẻ thuốc vừa mới được dập viên xong, chưa ép vỉ  thì công nhân lén lấy một ít bán lại cho tụi tôi vì quy định cho phép hư hao 5%. Nếu anh mua số lượng lớn, tôi tặng luôn vỏ hộp". Nghe qua thấy rất có lý nhưng ngày 5/12/2013, tôi đã tham dự phiên tòa do Tòa án nhân dân TP HCM, xét xử Nguyễn Thị Bích Châu về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Trước vành móng ngựa, Châu thừa nhận bắt đầu bán thuốc tân dược và kích dục giả từ đầu năm 2011. Nguồn gốc thuốc này mua ở chợ dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, của những người không rõ lai lịch với giá 20.000 đồng/ hộp. Sau khi mua về, Châu in vào vỏ hộp tên thuốc Viagra, Cialis - cũng do người bán cung cấp -  rồi dán tem, đem đi "phân phối" cho một số tủ thuốc lá ở đường Châu Văn Liêm, quận 5 với giá từ 150 đến 200.000/hộp. Làm ăn được một thời gian, Châu bị bắt khi nhờ chồng cùng một người khác, vận chuyển 1.000 vỉ Viagra giả đến nơi tiêu thụ.

Theo Hội đồng xét xử, mặc dù không có giấy phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề, từng bị xử phạt hành chính nhưng Châu vẫn tiếp tục bán các sản phẩm là thuốc giả nên tòa tuyên phạt Châu 3 năm tù giam. Chẳng rõ nguồn gốc xuất xứ của những viên thuốc giả ấy, có sự tham gia của đầu nậu tên Hùng này không?

Thuốc giả (hộp phía dưới) nhìn chẳng khác gì thuốc thật.

Theo những người am hiểu thị trường thuốc tây ở TP HCM, thì:  "Bọn làm thuốc giả bây giờ rất tinh vi, họ không làm tập trung như trước mà chia thành nhiều công đoạn, thí dụ như pha chế thuốc ở quận 6, tạo hình vỉ thuốc ở quận 8, dập viên ở quận Bình Thạnh, in bao bì ở Bình Chánh, còn khâu cuối cùng, cho ra thành phẩm thì làm ở Gò Vấp. Nếu cơ quan chức năng phát hiện - và nếu không phát hiện ở ngay công đoạn cuối cùng, hoặc đang trên đường vận chuyển thành phẩm, mà chỉ  phát hiện được từng công đoạn thì chỉ có thể xử lý bằng cách tịch thu, phạt hành chính vì người phụ trách công đoạn ấy sẽ khai rằng họ được một người không rõ họ tên, địa chỉ, thuê làm giùm…".

Xưa nay, khi nghe đến hai chữ "đầu nậu", hầu hết mọi người đều mường tượng đó là những tay đầu gấu, bặm trợn, tay chân xăm trổ, ăn nói lỗ mãng... nhưng ngoại trừ những người làm ăn chụp giật, còn thì hầu hết đều ăn mặc rất lịch sự, có kiến thức về ngành dược, thậm chí có người còn mang theo cả máy tính xách tay, iPad để vào Google tra cứu ngay nếu gặp một mặt hàng mới.

Không khó để nhận ra họ bởi lẽ họ thường ngồi tại những quán cà phê cóc gần ngay những cổng ra vào, hoặc trên vỉa hè đối diện với bức tường của chợ. Khi phát hiện ra khách hàng tiềm năng, họ tiếp cận bằng cách đặt vấn đề: "Anh, chị cần mua gì, bán gì?". Nếu khách hàng cắn câu, thì tiếp theo sẽ là công đoạn xem hàng mẫu, thảo luận giá cả và nơi giao hàng.

Khi mua được hàng, đầu nậu có 2 cách tiêu thụ: Cách thứ nhất là bán cho khách vãng lai hoặc những người biết rõ đấy là thuốc nhái, thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc mẫu, nhưng họ vẫn mua vì lợi nhuận. Những loại thuốc này sau đó sẽ được "phân phối" cho những người bán dạo, bán rong ở các chợ vùng quê, hoặc cho các "phòng mạch" của những "lang vườn".

Dược sĩ Nguyễn Văn Đạt - người đã góp phần làm ra loại dịch truyền Lactat Ringer, cứu sống hàng nghìn trẻ em ở TP HCM bị sốt xuất huyết vào những năm đầu mới giải phóng, hiện là chủ một nhà thuốc tây ở quận Tân Phú, nói: "Hầu như tất cả những tiệm thuốc tây đều không dám mua hàng của đầu nậu vì không biết chất lượng thế nào mặc dù họ sẵn sàng cung cấp hồ sơ chứng từ - dĩ nhiên là giả".

Ở các chợ nông thôn, thuốc tây bán nhiều như bánh kẹo.

Còn các phòng mạch tư thì theo bác sĩ Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nội BV An Bình: "Anh em tụi tôi cũng không ai mua thuốc từ đầu nậu mặc dù họ chào với giá rất rẻ. Khi cần, tôi gọi cho trình dược viên hoặc cho những quầy bán sỉ có uy tín, hoặc cho nhà phân phối sỉ". Bởi lẽ cả nhà thuốc lẫn phòng mạch tư, nếu gặp thuốc kém chất lượng thì vẫn có thể khiếu nại với trình dược viên, với quầy thuốc, với công ty phân phối sỉ, còn mua của đầu nậu mà mua nhầm thuốc giả thì chỉ có nước… kêu trời!

Cách tiêu thụ thứ hai là đầu nậu mạo nhận danh nghĩa của một vài quầy bán sỉ nào đó để hợp thức hóa về mặt nguồn gốc. Tiếp theo, thuốc được đưa đến các tiệm thuốc tây, phòng mạch bằng danh nghĩa này. Công bằng mà nói, hầu như chẳng quầy bán sỉ nào dám tiêu thụ thuốc giả vì điều đó đồng nghĩa với việc sập tiệm nếu cơ quan chức năng phát hiện ra.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, cũng có quầy liều mạng "chơi luôn" thuốc giả, thuốc nhái, thuốc gần hết hạn sử dụng nhưng đã được dập lùi lại thời gian, thuốc chưa được cấp phép hoặc thuốc đã bị Cục Quản lý dược rút giấy phép lưu hành vì chất lượng kém mà báo chí đã từng đưa tin. Vẫn theo dược sĩ Nguyễn Văn Đạt, những tiệm thuốc tây nhỏ lẻ, nhất là ở những vùng quê, vùng sâu, thường hay mua các mặt hàng này vì nó rẻ hơn so với hàng chính hãng.--PageBreak--

2. Có thể nói, chợ sỉ thuốc tây ở TP HCM là mô hình "lạ nhất thế giới" bởi lẽ tại những quốc gia khác, thuốc được các tập đoàn sản xuất dược phẩm phân phối thẳng về các bệnh viện, các hiệu thuốc, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa đôi bên chứ không qua trung gian - hoặc nếu có thì chỉ có những công ty con của tập đoàn - chuyên về môi giới hay bán buôn.

Ở Pháp chẳng hạn - là một trong những quốc gia có nền y học tiến bộ nhất thế giới, việc phân phối thuốc do 4 nhà bán buôn chính, là Groupe OCP, Liên minh Sante, Reseau CERP, Phoenix Pharma, và nhân viên của những nơi này đều là những người được đào tạo bài bản về ngành dược.

Còn ở chợ sỉ thuốc tây Tô Hiến Thành, hơn 300 nhà cung cấp - bao gồm các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.... - trong đó 3 nhà phân phối sỉ lớn tại Việt Nam là Zuellig Pharma Thụy Sĩ, Mega Products Thái Lan, Diethelm Vietnam - nắm giữ khoảng 40% thị phần, cùng hơn 800 nhà phân phối trong nước - cả quốc doanh lẫn tư nhân - thông qua các quầy thuốc ở chợ, đưa thuốc đến các nhà thuốc, bệnh viện, phòng mạch tư mà không phải người nào đứng ra kinh doanh quầy thuốc cũng là dược sĩ. Có quầy, người bán mới chỉ học qua lớp "nhân viên nhà thuốc" trong 6 tháng!

Ông Kim, một người lão làng trong nghề mua bán thuốc tây, cho tôi biết: "Khoảng hơn 10 năm trước, thị trường thuốc tây tại TP HCM rất hỗn loạn. Ngoài các hiệu thuốc của các công ty dược quận, huyện, còn có cả một hệ thống chợ trời thuốc tây, tập trung ở khu vực hồ Kỳ Hòa, quận 10, chợ Huỳnh Thúc Kháng, chợ Tân Định, quận 1 và đường 3-2 quận 11. Giới kinh doanh thuốc tây làm ăn chụp giật, giá cả hỗn loạn. Thuốc đưa tới đây từ nhiều nguồn, trong đó có hàng giả, hàng trôi nổi, hàng xách tay, hàng tuồn ra từ các bệnh viện...".

Trước tình hình đó, nhằm ổn định thị trường, Sở Y tế và các cơ quan chức năng TP HCM đã quy hoạch lại bằng cách thành lập các trung tâm bán sỉ dược phẩm. Tuy nhiên, có vẻ như mục tiêu ổn định thị trường bằng cách quy hoạch các chợ sỉ thuốc tây xem ra chưa đạt hiệu quả cao bởi lẽ qua mấy ngày thâm nhập thực tế, tôi thấy nó như một "ma trận". Ngay khi bước vào cổng, đã có vài đầu nậu cả nam lẫn nữ, xúm lại hỏi tôi cần mua gì, bán gì. Và mặc dù trong tất cả các quầy thuốc, lúc tôi hỏi tên một số loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau có nguồn gốc từ á phiện thì ai cũng lắc đầu, rằng "không có" nhưng với các đầu nậu, thì loại nào cũng có, miễn là "chịu giá".

Ở một số quầy trong chợ, nhiều mặt hàng lẽ ra phải bán theo quy định thì ai mua cũng bán. Khi tôi nói đang cần tìm những loại thuốc ngăn ngừa mỡ trong máu, ngừa tai biến do cao huyết áp, cô bán hàng đã mau mắn lấy ra 6, 7 hộp. Tất cả những mặt hàng này đều do Ấn Độ sản xuất và có loại, tôi không thấy số visa - là số đăng ký lưu hành do Cục Quản lý Dược Việt Nam cấp, in trên hộp.

Nghe tôi nêu thắc mắc, cô bán hàng giải thích: "Ở đây tụi em bán sỉ cho những nhà thuốc tây, phòng mạch. Bệnh nhân nếu mua ở nhà thuốc tây thì phải có toa của bác sĩ, còn đến khám tại phòng mạch thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng". Tôi hỏi tiếp: "Thế nhưng vừa nãy, tôi hỏi mua có 1 hộp thôi mà sao cô ta vẫn bán?" thì cô… im!

3. Đi thực tế qua nhiều quầy thuốc, tôi rút ra một nhận định: Đó là người bán không cần quan tâm người mua là ai, ở đâu, mua về làm gì mà họ chỉ cần biết khách hàng muốn mua những chủng loại nào, mua bao nhiêu. Lấy thí dụ một quầy thuốc tây nằm trong lô J, chỉ trưng bày một ít các mẫu thuốc nhưng lúc tôi đặt vấn đề, là muốn mua hơn một chục chủng loại với số lượng lớn thì cô bán hàng tên H gật đầu ngay: "Anh cho em biết tên thuốc, số lượng rồi em báo giá. Trả tiền mặt hay chuyển khoản cũng được. Hàng sẽ giao cho anh trong ngày, ngay tại nhà. Nếu cần hóa đơn để vận chuyển trên đường thì em làm luôn".

Nhằm tăng thêm lợi nhuận, có những mặt hàng quầy thuốc "găm" lại để làm giá, hoặc bán theo kiểu "nhìn mặt, đặt tên". Dược sĩ Đạt thách tôi: "Vào thời điểm hiện nay, đố anh tìm mua được một hộp Bepanthene chích - là thuốc trị rụng tóc". Quả đúng như vậy, mặc dù mới khoảng một tháng trước, giá của nó chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng suốt cả ngày 7/2 vừa qua, tôi vào gần 30 tiệm thuốc tây ở một số quận nội thành, và chừng chục quầy bán sỉ ở chợ thuốc tây Tô Hiến Thành, tất cả đều lắc đầu: "Hết hàng".

Dược sĩ Đạt nói: "Bepanthene không phải là biệt dược hay thuốc quý mà nói là khan hiếm. Nhiều quầy bán sỉ còn trữ cả vài chục thùng nhưng họ không bán vì đang chờ giá mới đó thôi".

Dược sĩ Gia, trước công tác ở Công ty dược phẩm P., nay đã nghỉ hưu, cho tôi biết thêm: "Chợ sỉ nắm trong tay quyền lực ngầm, có thể chi phối cả các công ty phân phối sỉ. Họ đủ tài chính để gom hết hàng của công ty phân phối sỉ trong những đợt khuyến mại rồi sau đó, bán lại cho nhà bán lẻ với giá của họ. Bên cạnh đó, họ sẵn sàng bán chịu cho các nhà bán lẻ - nhất là những loại hàng xách tay, hàng trôi nổi không hóa đơn trong khi các công ty phân phối sỉ thì không làm được điều này".

Với phương cách mua bán như trên, không khó để lý giải vì sao người tiêu dùng cuối cùng - là bệnh nhân, trong nhiều năm qua - và có lẽ trong tương lai sẽ vẫn còn phải tiếp tục gánh chịu giá thuốc cao đến chóng mặt. Điều ấy tỉ lệ thuận với sự giàu lên của các nhà kinh doanh bởi lẽ thuốc được đưa từ hãng sản xuất đến đầu mối phân phối sỉ với một số tiền lãi nào đó. Tiếp theo, những đầu mối này giao lại cho các nhà bán lẻ và giá thuốc tăng lên - thường là 10%. Cuối cùng - nhà bán lẻ - là hiệu thuốc, bệnh viện, phòng mạch tư sẽ tăng 10 hoặc 20% - thậm chí 50% khi đến tay người bệnh tùy theo từng mặt hàng.

Vẫn theo dược sĩ  Đạt: "Ở chợ sỉ, có 2 dạng kinh doanh, một là bán hàng "nổi" - là những mặt hàng phổ thông và hai là hàng "chìm" - là những loại biệt dược rất ít người cần nhưng khi cần thì giá nào cũng phải mua để chữa trị". Vì thế, có những ống thuốc mà giá của nó lên đến 10 triệu đồng. Hầu hết những mặt hàng “chìm” đều là "hàng xách tay" hoặc thu mua trôi nổi bởi lẽ theo một chủ quầy trong chợ thì: "Nếu nhập theo đường chính thức, giá thường đắt nhưng nếu không bán được vì không có người cần dùng, thuốc hết hạn sử dụng là coi như mất trắng. Còn mua trôi nổi giá rẻ hơn, nếu phải bỏ cũng không tiếc"…

Cuối cùng, với những "ma trận" thuốc tây như thế, người bệnh chẳng bao giờ biết được giá thật của một viên thuốc là bao nhiêu khi mà việc khám bệnh, mua thuốc ở Việt Nam vẫn là khám và mua theo từng liều, chứ không phải mua theo mã vạch hàng hóa in trên hộp thuốc…

Vũ Cao
.
.