Thần Kim Quy… đổ lệ

Thứ Tư, 05/03/2014, 20:45

Xếp thứ 3 trong nhóm tứ linh gồm long - lân - quy - phụng, rùa (quy) là linh vật có thật duy nhất, gắn bó mật thiết nhất với con người, đặc biệt trong lĩnh vực tâm linh. Rùa đội bia, rùa đội hạc, rùa có mặt ở khắp các đình - đền - chùa - miếu từ Nam chí Bắc, thậm chí hiện diện ở chốn hoàng cung, thể hiện qua các chạm trổ, vật trang trí cung đình. Rùa còn hiện diện cả trên Cửu đỉnh - biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn.

Bao đời qua, người dân trọng rùa, xem rùa là linh vật thiêng liêng vì rùa là loài biểu trưng cho sự trường thọ, vững bền, và vì rùa từ thuở ngàn xưa đã hóa thân thành thần, vị thần đức độ một lòng vì dân vì nước.

Theo truyền thuyết, rùa là thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Và cũng chính thần Kim Quy về sau đã trao cho anh hùng áo vải Lê Lợi gươm báu để đánh tan giặc phương Bắc. Chính truyền thuyết trao gươm thần này đã khai sinh Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm, viên ngọc quý của Thủ đô ngàn năm văn hiến!

Ngưỡng mộ thần Kim Quy, một chiều đầu xuân, có dịp đến Hà Nội, tôi đến thăm hồ Hoàn Kiếm, hòa mình vào dòng người đông đúc qua cầu Thê Húc viếng đền Ngọc Sơn, để được nghiêng mình trước tiêu bản cụ rùa - linh vật thiêng liêng được bảo quản ở đây.

Nhưng buồn làm sao, tại nơi này, nói theo kiểu mà người ta hay bảo là “ngoa ngôn”, tôi thấy dù được thiện nam tín nữ dành cho sự quan tâm, ưu ái đặc biệt nhưng người ta càng như thế thì cụ rùa - linh vật thiêng liêng trong tâm thức dân tộc Việt... càng đổ lệ!

Vì sao lại có cớ sự trớ trêu ấy?!

Không có tên trong danh mục 12 con giáp nhưng có đến các đình -đền - chùa - miếu trong khắp cả nước, đặc biệt tại Văn Miếu (Hà Hội), Văn Miếu (Huế), chùa Thiên Mụ… nơi có những thạch quy đội hạc, đội bia mới thấy năm nào cũng vậy, dẫu là năm Tị, năm Thìn, năm Dần… hay năm gì đó thì rùa vẫn được người đời xem là linh vật, vẫn đều đặn được nhiều người đến tham quan, sờ nắn, van vái và có khi cúng kính thành tâm. Rùa ở những địa danh nói trên chỉ là những con rùa đá mà còn được người đời trọng vọng đến như vậy, nói gì cụ rùa Hồ Gươm bằng xương bằng thịt được lưu thờ trong ngôi đền thiêng Ngọc Sơn. Vì tôn quý hình ảnh cụ rùa hiền lành, sống lâu muôn tuổi, mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, tâm linh và đặc biệt gắn với các vị vua nổi danh trong lịch sử nước Việt… mà bao năm qua, khi đến Hà Nội, không chỉ người dân phương Nam mà người ở các tỉnh phía Bắc cũng không bỏ lỡ cơ hội đến Hồ Gươm diện kiến dung nhan cụ rùa.

Thả mình quanh Hồ Gươm, nếu không may mắn gặp được cụ rùa bằng xương bằng thịt nổi lên giữa hồ thì khách nhàn du vào đền Ngọc Sơn viếng tiêu bản của cụ. Không ai vào đền gặp cụ rùa mà không tỏ lòng thành kính. Có điều còn nhẫn tâm hơn thái độ của sĩ tử, những kẻ háo danh, phường vô ý thức khi có những hành động xoa-sờ-nắn bỗ bã, thậm chí rạch mặt, cắt thịt, thẻo da các cụ thạch quy ở Văn Miếu - chùa xưa, tại đền Ngọc Sơn, tôi thấy người ta đã không ngại làm điều báng bổ làm hổ thẹn "danh tiếng" cụ rùa để đạt những mưu cầu công danh tài lộc!   

Trên mai và chân thạch quy ở chùa Thiên Mụ chi chít các dòng chữ lố lăng, các vết rạch khắc tàn bạo.

1. Trước khi đến Hà Nội viếng đền Ngọc Sơn, người viết ghé Huế, vùng đất của những ông hoàng bà chúa, nơi gắn với lịch sử cầm quyền của 13 đời vua Nguyễn qua 143 năm trị vì với vị vua đầu là Hoàng đế Gia Long - Nguyễn Ánh và vị vua cuối cùng, Vua Bảo Đại.

Đến Huế, cùng với Đại Nội, sau khi tham quan các lăng vua Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Khải Định…, trước khi ghé chùa Thiên Mụ, người viết ghé Văn Thánh Miếu (chính thức xây dựng năm 1808 dưới triều Vua Gia Long) nằm ở phía tây kinh thành Huế. Đã "hành nghề" liên quan đến chữ nghĩa, ai đến Huế mà bỏ quên việc ghé thăm Văn Thánh Miếu quả là thiếu sót lớn. Nơi này nổi bật với hình ảnh 32 tấm bia đá khắc tên 293 vị tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng năm Khải Định thứ 4 (1919).

Có rất nhiều điều về Văn Thánh Miếu xứ Huế mà những ai ghé thăm cần đào sâu tìm hiểu như miếu thờ Vạn Thế Sư Biểu (Người thầy của muôn đời - đức Khổng Tử), cuộc đời - sự nghiệp của  293 vị tiến sĩ thi đỗ trong 39 kỳ  thi Hội, thi Đình... và đặc biệt là công tác khuyến học, trọng dụng nhân tài của các vị vua thời bấy giờ. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, người viết dành sự quan tâm đến 32 con rùa đá mà dân gian quen gọi thạch quy cõng bia tiến sĩ.

Rùa đá ở Văn Miếu xứ Huế được tạc từ cẩm thạch xanh với con lớn nhất dài 1,35m, rộng 0,77m và cao 0,6m. Trong quá khứ, đến thời Bảo Đại, do ảnh hưởng lối sống phương Tây nên vị vua cuối cùng của triều Nguyễn này không xem trọng truyền thống nho học, cũng từ đây Văn Miếu bị bỏ bê. Rồi chiến tranh nổ ra, hết kháng Pháp lại đánh Mỹ, lại thêm sự bào mòn của thiên nhiên và bàn tay hủy hoại của con người mà nhiều công trình ở Văn Miếu bị biến thành bình địa.

Trong cơn bĩ cực ấy, các cụ rùa đội bia tiến sĩ cũng bị vạ lây, nhiều cụ mẻ trán, sứt đầu, thân mình đầy thương tích cũng vì những tác động không mong đợi ấy! May mắn là về sau, Văn Miếu được Trung tâm Bảo tồn di tích Huế trùng tu, xây dựng nhà che mà các cụ thạch quy đội bia tiến sĩ thoát khỏi cảnh bị phơi mình giữa trời sau gần 2 thế kỷ bị gió mưa bào mòn.

Ở Văn Thánh Miếu xứ Huế, tôi khâm phục ý chí, tài học của gần 300 vị tiến sĩ triều Nguyễn cũng như tài đẽo tạc những phiến đá vô tri vô giác thành thạch quy, bia tiến sĩ tinh xảo, sống động của các nghệ nhân thời bấy giờ. Nhưng buồn một nỗi, khi "nghía" kỹ dung nhan của các cụ rùa, mới thấy hỡi ơi khi phát hiện nhiều cụ, từ đầu đến chân chi chít những nét vẽ, khắc thô bạo của du khách, sĩ tử đến tham quan và cầu đỗ đạt.

Hỏi ra mới biết người ta tin rằng các cụ thạch quy đội bia tiến sĩ rất linh thiêng, ai đó gặp chuyện trúc trắc khó giải quyết, ai đó mưu cầu thi thố được đỗ đạt, đường công danh được hanh thông chỉ cần đến tỏ lòng thành với các cụ, sẽ được các cụ đoái thương. Ngặt một nỗi, có lắm kẻ ngu muội, ấu trĩ tin rằng nếu chỉ van vái bình thường thì các cụ rùa chẳng để tâm, nên phải để lại gì đó trên mình các cụ mới hy vọng những mong ước nguyện cầu của mình được các cụ đoái hoài, để tâm mà... phù hộ.--PageBreak--

2. Còn đang buồn cho dung nhan các cụ rùa ở Văn Miếu thì khi ghé chùa Thiên Mụ - ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất xứ thần kinh với truyền thuyết có thật về pho tượng vàng kích cỡ bằng người thật đặt ở tháp Phước Duyên (sẽ nói rõ ở bài viết khác) thì người viết lại mục kích những chuyện đau lòng tương tự về các cụ rùa đội bia, hay nói đúng hơn là cách người ta thể hiện lòng thành với các cụ thạch quy bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch ở ngôi chùa cổ thiêng linh này.

Những gì diễn ra sờ sờ kia khiến những ai quan tâm đến sự oai linh của các cụ rùa càng thêm.... khiếp đảm cho cái gọi là lòng thành của con người.

Nằm bên tả ngạn sông Hương, trên đồi Hà Khê, chùa Thiên Mụ (hay Linh Mụ) được khởi lập năm 1601 vào đời Chúa Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở xứ Đàng Trong.

Tại đây, nếu để tâm quan sát, ai cũng thấy có 4 con rùa đá đội bia ở khoảnh sân phía trước, hai bên tháp Phước Duyên đều thương tích đầy mình vì thói lưu danh và cơn cuồng vọng được đỗ đạt, công danh của nhiều người, mà lại là những người trẻ lẽ ra cần phải sống văn minh, hành xử có văn hóa.

Còn thê thảm hơn mấy cụ rùa đội bia đá thời Vua Thiệu Trị, cụ rùa đội bia đá (cao 2,6m, rộng 1,2m) chạm khắc công phu nói rõ công đức của Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) khi cho trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến thiết quy mô, hay chuyện chúa cho người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ kinh ca ngợi triết lý đạo Phật về đặt tại lầu Tàng Kinh... chi chít các vết rạch khắc tàn nhẫn của con người.

Trên toàn thân của linh vật được người đời sùng mộ này, cùng với những vết rạch khắc chồng chất, người ta còn viết, vẽ, ghi chú đủ thứ ngôn từ thô tục, xằng bậy kiểu như "T. ơi anh yêu em"..., "Mình sống với nhau trọn đời V. nhé". Có kẻ "văn hóa" hơn khi dùng vật sắc nhọn tương lên dòng chữ "Cầu mong cụ rùa phù hộ độ trì cho gia đình con gặp được may mắn".

Người ta mong cầu được gặp may bằng cách xả dao lên linh vật thiêng liêng, thật xằng bậy, ấu trĩ vô kể!

Biển người viếng thăm đền Ngọc Sơn.

3. Còn đang buồn trước cách thiện nam tín nữ bày tỏ lòng thành kính với các cụ thạch quy ở xứ Huế thì khi viếng đền Ngọc Sơn nằm ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, những gì người viết thấy còn "rợn" hơn rất nhiều. Nơi đây người ta không ghi, viết, cạo, rạch, khắc, "chém" lên tiêu bản của cụ rùa Hồ Gươm vì cụ được đặt trong lồng kính. Nơi đây người ta chỉ tỏ lòng thành với "cụ" bằng cách dúi tiền cho cụ.

Thông tin mà người viết thu thập được cho biết tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm được lưu giữ khoảng 300-400 năm tuổi, cụ được phát hiện bị trọng thương và chết vào năm 1967, là 1 trong 4 cụ rùa từng sống ở Hồ Gươm. Khó có thể diễn tả được cảnh xô bồ ở khu vực đặt tiêu bản cụ rùa.

Rất nhiều thiện nam tín nữ ăn vận sang trọng khi vào đền đa phần cầm trên tay xấp tiền lẻ mới cáu sau khi van vái khấn lạy nhét tiền bừa bãi ở khu thờ thánh thần ở chánh điện đã ập vào "phòng" của cụ rùa lạy cụ, rồi van vái, mưu cầu. Do cụ rùa nằm trong chiếc tủ kính kín mít nên không thả tiền vào trong được, vậy là nhiều người trước hoặc sau khi khấn vái đã ném tiền lên trần tủ và tranh nhau dúi tiền vào khe lọng gỗ ốp tủ kính trông vô cùng phản cảm!

Không chỉ có nam thanh nữ tú, những người lớn tuổi, buồn làm sao khi giữa dòng người đang "hối lộ" cụ rùa kia có cả những đứa trẻ. Để con được tích phước tụ đức hay được thông minh, giỏi giang, học giỏi... hay gì gì đó, vậy là không ít ông bố bà mẹ gí tiền vào tay con, bày chỉ cho đứa trẻ cách nhét tiền cho cụ rùa. Những đứa trẻ mới dăm bảy tuổi đã được người lớn "luyện" như thế, chả trách gì mai này khi lớn lên, với các em, có lẽ chuyện dúi tiền "hối lộ" thánh thần và "hối lộ" người này người kia để đạt được việc này việc kia trở thành chuyện đời thường. Chợt nghĩ văn hóa phong bì biết đâu chừng bắt nguồn từ cái thói hư này mà ra?

Lặng đứng ở góc phòng quan sát người ta tranh nhau dúi tiền cho cụ rùa Hồ Gươm, tôi chợt thấy thương, thấy xót cho "cụ" khi bị người đời tầm thường hóa, xem nhẹ, xem rẻ bằng cách dúi mấy đồng bạc lẻ để mong đạt được lời khấn cầu. Nhiều người tranh nhau nhét quá, tiền rơi lã chã bị người đến sau giẫm đạp trông chẳng thể nào phản cảm hơn. Giả sử rằng cụ rùa hiển linh, cụ sẽ nghĩ gì khi chứng kiến đám đông xô bồ dúi tiền như thế, cụ sẽ ban phước, ban tài lộc cho họ nhờ có công nhét tiền, nhờ lòng thành dúi tiền thay vì chỉ cần đến với mình bằng cái tâm, tấm lòng trong sáng.

Ba hình ảnh về cụ rùa - về những linh vật thiêng liêng mà người viết gặp ở Huế và Hà Nội tuy khác nhau về ngữ cảnh, thời gian và cách thức nhưng có điểm chung là người ta đang rẻ hóa, chà đạp, hành hạ lên linh vật vốn dĩ chỉ cần họ đến thăm viếng bằng cái tâm chứ không phải bằng các kiểu rạch mặt khắc thân và nhồi tiền thô thiển!

N.Thành Dũng
.
.