Thận trọng với “đá khô”

Thứ Năm, 10/07/2014, 08:10

Vừa qua, một bạn đọc đã đến Văn phòng phía Nam Chuyên đề ANTG - Báo CAND, cho biết trước cổng trường nơi con anh đang theo học lớp hè, có một người bán kem làm theo phương pháp thủ công và khi con anh mua, họ cho que kem vào trong bịch nylon, kèm theo mấy viên đá. Điều đặc biệt là những viên đá này không tan ra nước như thường thấy, mà nó bốc hơi rất chậm còn que kem sau 2 tiếng vẫn lạnh cứng. Khi con anh vô tình hít hơi từ đá bốc ra, nó thấy chóng mặt, nhức đầu…

Mấy viên đá anh Tâm mang đến cho chúng tôi xem chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay trỏ, màu trắng đục chứ không trong suốt và khi sờ vào, nó lạnh gấp nhiều lần loại nước đá vẫn dùng hàng ngày. Thậm chí nó còn dính chặt vào đầu ngón tay tôi, nếu không nhanh chóng nhúng vào nước thì khi gỡ ra, e rằng mảnh da cũng… ra theo!

Anh Tâm cho biết, lúc hỏi người bán kem thì họ nói trước đây họ vẫn làm kem bằng phương pháp hỗn hợp sinh hàn - nghĩa là sau khi cho kem dạng lỏng vào khuôn, họ trộn lẫn muối ăn với đá rồi quay đều cho đến khi kem đặc lại, mất khoảng từ 45 phút đến 1 tiếng. Còn với loại "đá" này, chỉ 20 phút là có ngay kem thành phẩm, vừa nhanh lại vừa lâu tan dù để giữa trời trưa nắng gắt. Vẫn theo anh Tâm, thứ "đá" ấy người bán kem mua ở một cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu, loại thải bỏ, giá 10 nghìn đồng/kg.

Đem những viên "đá lạ" hỏi thầy giáo Nguyễn Long Thành, Thạc sĩ Hóa học, hiện giảng dạy tại Trung tâm giáo dục Thầy Đồ, quận Gò Vấp, TP HCM, thầy Thành cho biết: "Nó được gọi là đá khô, hoặc đá khói, băng khói… Còn trong ngành Hóa thì nó là dioxyt carbon (CO2) ở thể rắn. Công dụng của nó là để làm lạnh thực phẩm, bảo quản mô sinh học, bảo quản vắc xin phòng bệnh, phục hồi vết lõm trên bề mặt kim loại hoặc vệ sinh máy móc.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp, nó còn được dùng để bảo quản thi thể người chết ở những nơi không có phòng lạnh. Tại các đám cưới, người ta vẫn thường bỏ đá khô vào những chiếc ly xếp theo hình tháp. Lúc cô dâu, chú rể rót rượu sâmpanh vào, đá khô bốc khói, tạo ra hiệu ứng đẹp mắt".

Khác với loại đá thông thường chúng ta vẫn dùng hàng ngày, là cho nước vào buồng kín có nhiệt độ từ -0oC đến -10oC để nước đông đặc lại, thì đá khô được sản xuất bằng cách nén khí CO2 với áp suất cao để nó trở thành dạng lỏng, loại bỏ nhiệt trong quá trình nén. Sau đó cho CO2 lỏng giãn nở nhanh. Kết quả là CO2 bị đóng thành băng tuyết và băng tuyết này sẽ được ép thành viên. Nhiệt độ của đá khô vào khoảng -78,50oC. Khi tan, nó không tan thành nước như đá bình thường mà nó bốc hơi (từ chuyên môn gọi là "thăng hoa"), và tỏa ra khí CO2.

Nếu cho nó vào ly sữa tươi chẳng hạn, nó làm sữa lạnh rất nhanh nhưng sữa không bị loãng. Thạc sĩ Nguyễn Long Thành nói: "Về mặt hóa học, loại đá này vô hại. Nếu ta bỏ đá khô vào một ly nước rồi uống thì ta sẽ uống cả một lượng nhỏ khí CO2 tan trong nước, giống như ta uống Coca Cola, Seven Up, sôđa hay Pepsi - là những loại thức uống có chứa CO2 mà thôi".

Anh Giang, người chuyên bỏ mối hải sản tươi sống từ Phan Thiết cho một số nhà hàng  tại TP HCM cho biết: "Mỗi ngày tôi chỉ vận chuyển khoảng 100 kg, gồm ghẹ, tôm, mực, cá mú, cá bớp… nên tôi không thuê xe lạnh mà tôi dùng đá khô xếp thành nhiều lớp vào những chiếc thùng "mốp" chứa hải sản, gửi theo xe tốc hành. Trong suốt chuyến hành trình dài 5 - 6 tiếng, mực, cá vẫn tươi nguyên đồng thời giá thành cũng thấp. Nếu ướp bằng đá bình thường, tôi phải tốn 10kg, giá 12.000đồng/kg nhưng lúc vào đến nơi, đá tan hết khoảng 1/3 còn ướp bằng đá khô thì cần 2kg, tổng cộng là 70.000 đồng, đá bốc hơi chỉ khoảng 1/5. Từ đó tới giờ tôi chưa nghe nói ai ăn hải sản ướp đá khô mà bị ngộ độc".

Trong đời sống, CO2 dạng rắn, lỏng hoặc dạng khí được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Ngoài việc là chất làm lạnh của ngành công nghiệp thực phẩm, nó còn dùng để sản xuất nước giải khát cacbonat hóa và nước sôđa. Cũng chính vì điều này nên khi mở một chai sâmpanh, một lon bia hay lon nước ngọt, ta sẽ nghe thấy tiếng nổ nhẹ. Do không cháy và có khả năng dập tắt lửa nên CO2 là thành phần chính của bình chữa cháy.

Các áo phao cứu hộ cũng được gắn kèm những bình khí nén CO2 với mục đích làm phồng áo phao thật nhanh. Và không chỉ những người bán kem làm kem thủ công bằng đá khô, mà nhiều quán giải khát vẫn cho đá khô vào ly nước ngọt để tạo ra hiệu ứng bốc khói nhằm thu hút khách hàng, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, nhiều quán nhậu cũng cho ra lò đặc sản "bia đặc" bằng cách ướp bia với đá khô.

Một nhân viên phục vụ tại một quán nhậu trên đường số 7, khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân nói: "Mỗi lần mở thùng lạnh lấy bia cho khách, em phải nín hơi vì nếu hít vào - nhẹ thì choáng váng, nặng thì nhức đầu, nghẹt thở".

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, chuyên khoa Hồi sức chống độc, giải thích: "CO2 là loại khí không màu. Và mặc dù ở điều kiện bình thường, nó vô hại nhưng nếu hàm lượng tăng cao, nó có thể làm thay đổi tính chất hóa học của không khí như làm giảm nồng độ oxy trong không khí. Ở những khu vực thoáng đãng, thông gió thì điều này không đáng lo ngại nhưng ở không gian kín - chẳng hạn trong phòng đóng kín cửa, nó có thể trở thành mối nguy hiểm cho con người…".

Một điều nữa, nếu trong nhà có chứa đá khô thì khi bốc hơi, khí CO2 do nặng hơn không khí nên nó thường nằm chìm dưới nền nhà, mà trẻ con thì hay bò chơi dưới nền nhà nên rất dễ ngộ độc. Bình thường, hàm lượng CO2  trong không khí là khoảng 0,04% nhưng nếu nó tăng lên 5%, như trong môi trường kín chẳng hạn thì lúc các cháu bé mở túi nylon đựng kem, đựng nước ngọt rồi hít vào, nó gây chóng mặt, khó thở, tạo ra vị chua trong miệng và cảm giác buốt ở cuống họng mà nguyên nhân là do khí CO2  hòa tan trong màng nhầy vòm họng và nước bọt. Bác sĩ Hương nói: "Nếu gặp phải trường hợp này, chỉ cần đưa cháu bé ra chỗ thoáng mát, tránh xa bịch đá khô thì sẽ nhanh chóng ổn định".

Một số quán giải khát sử dụng đá khô để tăng thêm phần hấp dẫn.

Một trong những nguy hiểm khác của đá khô là gây bỏng da - y học gọi là "bỏng lạnh". Do độ lạnh xuống đến -78,5 oC nên nếu chạm tay hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể vào đá khô thì ngay lập tức, phần da đó sẽ dính chặt vào viên đá mà nguyên nhân là do hiện tượng hút nhiệt. Nếu cố dứt mạnh, sẽ dẫn đến hiện tượng lột da.

Bác sĩ Hương còn cho biết: "Nếu cơ thể tiếp xúc với đá khô trên 1 phút thì những tế bào ở vùng tiếp xúc sẽ chết, gây hoại tử. Nếu nuốt phải, nó làm bỏng thực quản, dạ dày, gây đau đớn rất dữ dội". Điều này lý giải vì sao một số nhà leo núi ở những ngọn núi quanh năm tuyết phủ, bị rụng mất mũi hoặc phải tháo bỏ khớp ngón chân, ngón tay vì bỏng lạnh mặc dù nhiệt độ của tuyết không thể sánh bằng nhiệt độ của đá khô.

Theo bác sĩ Hương, nếu chẳng may bị dính da vào đá khô thì ngay lập tức, nhúng tay vào một thau nước - loại nước máy bình thường hoặc đổ nước vào chỗ dính. Nếu lỡ bị dính vào lưỡi thì nên ngậm ngay một ngụm nước để đá bong ra: "Tuyệt đối không nên nhúng tay, chân hoặc ngậm nước quá nóng với suy nghĩ "càng nóng thì càng mau tan" vì như vậy, ngoài chuyện bỏng lạnh, còn có thể bị thêm "bỏng nóng".

Tóm lại, với đá khô thì nên thận trọng khi sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Theo Thạc sĩ Nguyễn Long Thành, người nhà cần hướng dẫn cho các em khi mua những loại thức ăn được làm lạnh bằng đá khô thì tuyệt đối không nên sờ mó, ngửi hay nếm thử những viên đá đó. Ăn uống xong, vứt bỏ ngay những vật dụng chứa đá khô như ly giấy, bịch nylon vào thùng rác. Đừng vì tò mò mà lấy ra nghịch ngợm".

Với những cơ sở sản xuất, những hộ kinh doanh sử dụng đá khô làm chất làm lạnh thì theo Thạc sĩ Nguyễn Long Thành: "Đá khô không gây cháy hoặc nổ, nhưng nó tạo ra áp suất do chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái khí CO2 khi bay hơi. Nếu bỏ đá khô vào một thùng nhựa đậy kín thì sẽ có nguy cơ vỡ thùng hoặc bật tung nắp thùng khi ta mở nắp. Lúc đó, nó phát ra tiếng nổ lớn làm hại thính giác hoặc có thể bị thương tích vì những mảnh thùng bắn ra".

Để tránh mối nguy hiểm này, không để đá khô trong chai, lọ hoặc thùng nhựa cứng, thùng kim loại đậy nắp kín. Cách tốt nhất là bọc đá khô trong một túi giấy hoặc đặt nó trong một thùng bằng giấy và để xa tầm với của trẻ em. Khi phải tiếp xúc trực tiếp với đá khô, nên làm ở nơi thoáng khí và dùng kẹp gắp, thìa múc hoặc đeo găng tay bằng vải dày…

V.C.
.
.