Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:

Thăng Long hay Hà Nội, tên nào cũng đẹp

Thứ Hai, 26/01/2009, 08:00

Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010) sẽ là cơ hội ngàn năm có một để tìm kiếm sự đồng thuận trong việc  có nên trả lại tên gọi Thăng Long cho thủ đô nước Việt hay không. Việc có được một phương thức hợp lý và hợp lòng người để lấy lại tên Thăng Long là điều cần bàn để thăm dò và tìm sự  đồng thuận trong  nhân dân.

Diện mạo Hà Nội hôm nay

Từ ngày 1/8/2008, địa giới Hà Nội được mở rộng bao gồm thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Diện tích mở rộng lên 3.344,47km2 với dân số 6,23 triệu người. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành 1 trong 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Chính trong bối cảnh đó, có vẻ như cái tên Hà Nội đã trở thành một tấm áo nếu không phải là hẹp thì dường như cũng không trùng khít với quy mô và tầm của một nước Việt Nam đang trên đà phát triển vươn tới công bằng, văn minh, dân chủ và hội nhập bình đẳng cùng năm châu bốn bể. Và đã vang lên những ý kiến cho rằng, nên chăng thủ đô trở lại với cái tên truyền thống đầy tính biểu tượng Thăng Long?

Thực ra, theo nhà sử học Lê Văn Lan, ý kiến cho rằng Hà Nội nên trở lại  với tên gọi Thăng Long không phải hôm nay mới được đặt ra mà ngay từ năm 1976, khi miền Nam vừa được giải phóng, non sông nối liền một dải và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Lúc đó ý tưởng này đã bị bác bỏ vì nhiều người cho rằng, cái tên Hà Nội đã quá quen thuộc với đồng bào ta và với cả bạn bè quốc tế. Mỗi một buổi sáng thức dậy, tôi muốn làm người Hà Nội! Hà Nội là lương tri, là trái tim của nhân loại!

Cũng phải nói rằng, lúc đó, ngay cả những người không đồng ý đổi tên Hà Nội cũng phải công nhận rằng, cái tên Thăng Long là cực hay đối với một thủ đô của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến.

Nhà sử học Lê Văn Lan nói:  "Bây giờ, sau hơn 30 năm, ta mới thấy rằng trở lại cái tên Thăng Long  là rất có lý, đặc biệt sau khi di tích Hoàng thành Thăng Long mới được phát lộ lại. Ta mới bỗng hiểu, thì ra nếu tính về sự quen thuộc tên Thăng Long cũng không thua kém gì tên Hà Nội, thậm chí còn hơn vì ta có thể cộng vào đây cả giá trị vĩnh hằng của nó từ thời Cụ Lý Thái Tổ chọn đây là chốn định cư cho muôn đời con cháu mai hậu. Một cái tên mang ý nghĩa rất đẹp. Hà Nội chỉ là một sự định vị ở trong sông, còn tên Thăng Long mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, triết học sâu xa… Nó là biểu tượng của một nền chính trị đầy chất thăng hoa, luôn vươn mình bay cao, luôn hướng tới phát triển… Nó còn là một biểu tượng linh thiêng...".

Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, nếu đặt lại tên gọi cho thủ đô hôm nay thì chúng ta sẽ tạo ra được một lối thoát cho tình trạng hiện tại, "xóa đi một cấn cá, phi lý rất tệ" là  thủ đô đang có ba thành phố ở trong một thành phố. Có một thành phố (TP) Hà Nội, lại có một TP Hà Đông thêm một TP Sơn Tây... (Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được tin chính quyền Hà Nội đề nghị “chuyển” TP Hà Đông xuống cấp... quận; chuyển TP Sơn Tây về cấp... thị xã - BBT). Chỉ riêng việc đặt tên phố thôi cũng lắm sự phiền nhiễu vì theo thống kê còn chưa đầy đủ, đang có tới ở 3 cấp tỉnh, thành đó của thủ đô ít nhất 70% tên phố trùng nhau. Rồi việc lấy tên Hà Nội trùm lên cả 3 thành phố như vậy dễ làm nảy sinh tâm lý anh này thôn tính anh kia, anh nọ chịu lép vế anh kia. Trong khi đó chúng ta rất cần sự bình đẳng đoàn kết của chuyện hội nhập. Vì thế nên nhà sử học Lê Văn Lan cũng đã đề xuất việc đưa trở lại  với cái tên TP Thăng Long với khu vực hành chính thủ đô hiện nay, theo ông, làm được như thế sẽ "giải cứu được cái tình trạng rất nhiều điều khập khiễng khi chúng ta vội vàng  không tính tiến độ lộ trình mà ta  cứ "ý chí luận", hay theo một nhu cầu bức xúc nào đấy ta làm rất nhanh cái chuyện này...". Theo mong muốn của ông, TP Thăng Long 3.000km2 với hơn 6 triệu dân trong đó có TP Hà Nội, TP Hà Đông, TP Sơn Tây. Sơn Tây hay Hà Đông trở xuống thành một quận thì không được, vì nó có truyền thống của nó, mà truyền thống này lại do chính chúng ta tạo ra, nên không thể hạ thấp xuống một bậc như thế. Nhưng TP Sơn Tây hay TP Hà Đông không thể ở trong TP Hà Nội  vì nó cần sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Việc mang tên TP Thăng Long là trở về đúng tên cội nguồn, và kết tinh của sự hội tụ cùng nhau trong một chỉnh thể mới có sự tự nguyện, tự giác, đồng đẳng, bình đẳng, phấn khởi…

Một góc Hà Nội hôm nay.

Về thuật ngữ và tư tưởng, chính trị, nhà sử học khẳng định chắc chắn: Cần phải có một sự giải thích rõ ràng, không phải Hà Nội trở lại tên cũ mà để xứng tầm với một đô thị mới trong thời điểm hiện tại mà sự xứng tầm ấy lại nhân danh truyền thống, nhân danh quá khứ tổ tiên, thì tên Thăng Long (ý nghĩa rất hay) là thích hợp nhất.

Cũng về vấn đề này, nhà sử học kiêm đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: "Việc mở rộng Hà Nội đã trở thành hiện thực theo Nghị quyết của Quốc hội kể từ ngày 1/8 vừa qua. Các cơ quan có trách nhiệm đang nỗ lực triển khai. Mọi người thì đang cố làm quen. Cơ hội thì đang còn ở xa nhưng khó khăn thử thách lại đang ở trước mắt. Ngay việc khắc phục những vấn đề "vi hiến" như lựa chọn đơn vị hành chính thích hợp với hiến pháp cũng đang nan giải. Sơn Tây và Hà Đông không thể giữ đơn vị thành phố vì không thể có công thức 3 trong 1. Đổi thành thị xã có thể thích hợp nhưng một "bước lùi như thế" thì không chỉ khó điều chỉnh về cơ chế mà khó ngay cả trong tâm thức vì vẫn bị mặc cảm thua thiệt. Nhất là với Sơn Tây vừa lên thành phố không lâu nay lại quay về "thị xã" Sơn Tây đã từng là một "trấn" quan trọng, thời Minh Mạng đổi thành tỉnh tương đương với Hà Nội... Vì vậy nếu chỉ bàn về tên gọi thuần túy thật khó".

Ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Ở Quốc hội khi bàn về phương án mở rộng tôi có nhiều băn khoăn đâm ra nghĩ ngợi nhiều nên tôi cảm thấy nếu chúng ta lập tỉnh Hà Nội trong đó có 3 đơn vị thành phố, với Sơn Tây và Hà Đông thì như cũ, còn với Hà Nội thì vẫn là thủ đô. Khi đó đổi tên thủ đô Hà Nội là "Thăng Long" với một diện tích mở rộng vừa phải nằm trong không gian của tỉnh Hà Nội là tối ưu. Như thế lãnh đạo tỉnh Hà Nội vẫn có thể điều hành trong phạm vi tỉnh Hà Nội rộng lớn và cùng với thời gian, theo điều kiện cho phép mở rộng dần không gian của Thăng Long cho thích hợp... Và đến một ngày nào đó thì Thăng Long sẽ bao gồm toàn bộ không gian đã mở rộng. Một tiến trình "quá độ" như vậy  sẽ phù hợp...".

Theo ông Dương Trung Quốc, trong việc đổi tên Hà Nội  không cần "nghĩ đến một sự "nhất thiết" hay "nhất quyết" nào mà cố gắng tìm một sự đồng thuận cao bằng những lý lẽ thuyết phục khi trở lại với tên "Thăng Long" như phản ánh một sự chuyển đổi về nhận thức và cũng xác định một bước chuyển đổi phát triển về chất của thủ đô đất nước...". Cũng như nhà sử học Lê Văn Lan, ông Dương Trung Quốc coi việc đề nghị đổi tên Hà Nội thành Thăng Long không phải là một câu chuyện mới mẻ: "Tôi nghe nói ngay sau khi Quốc hội thống nhất (năm 1976) đã có người đặt vấn đề này. Tôi tìm hiểu thì thấy sự đồng thuận cũng nhiều và sự e ngại cũng có lý. Bởi lẽ, cái tên "Hà Nội" xuất hiện trong một cuộc cải cách hành chính to lớn của Vua Minh Mạng. Ngay cái tên "Hà Nội" cũng là một sự phá cách đối với tên gọi trong lịch sử các triều đại đặt cho các đơn vị hành chính. Nhưng phải nhận thấy rằng đặt tên Hà Nội là đơn vị tỉnh, tương đương với mọi tỉnh khác trong cả nước, không gian của kinh đô Thăng Long xưa bị lọt thỏm vào một không gian cũng rộng gấp 3 lần trước (từ 1 phủ thành 4 phủ). Đó là cách "pha loãng" kinh đô xưa vào những không gian chủ yếu là thôn quê nhằm hạ thấp và "giải thể" vị thế của một trung tâm đất nước, nay đã được chuyển vào Huế...".

Ông Dương Trung Quốc cũng công nhận rằng niềm lưu luyến với tên gọi Hà Nội đang hiện hữu trong lòng không ít người dân Việt là rất dễ hiểu:  "Ít ai nhớ đến sự kiện cách đây 120 năm (1888), Vua Đồng Khánh phải ban sắc dụ trao lại không gian của Thăng Long xưa cho Pháp làm "nhượng địa" và Tổng thống Pháp ra sắc lệnh trao quy chế "thành phố" cho Hà Nội. Nhưng cũng vì thế mà khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam độc lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập trở lại vị thế của TP Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam độc lập. Có thể vì thế mà chúng ta lưu luyến với một TP Hà Nội đã là thủ đô của "chế độ ta" đến nay đã 63 năm với bao nhiêu truyền thống...".

Cầu Long Biên năm 1897.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng,  "ý kiến cá nhân tôi thì chỉ nên trở lại với tên "Thăng Long" mang một nội hàm lịch sử không chỉ có ý nghĩa từ 1000 năm trước gắn với hình tượng "Rồng bay lên" mà cũng thích hợp với thời đại hiện nay khi “Rồng” là biểu tượng cho một sự thay đổi và phát triển vượt bậc của quốc gia. Lấy tên Thăng Long thay cho toàn bộ đơn vị hành chính Hà Nội đã mở rộng hiện nay quả thực chưa thích hợp, vì chất lượng của thành phố sau mở rộng còn nhiều phấn đấu mới tương xứng với danh xưng lịch sử cao quý ấy...".

Theo ông Dương Trung Quốc, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010) sẽ là cơ hội ngàn năm có một để tìm kiếm sự đồng thuận trong việc  có nên trả lại tên gọi Thăng Long cho thủ đô nước Việt hay không. Việc có được một phương thức hợp lý và hợp lòng người để lấy lại tên Thăng Long là điều cần bàn để thăm dò và tìm sự đồng thuận trong  nhân dân. Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Có lẽ cũng ý thức như vậy mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam đã gửi tới Hội một bức thư gợi ý nên có những nghiên cứu thận trọng để nếu thấy sự đồng thuận và tính khả thi cao thì Hội Sử học sẽ chính thức kiến nghị khoa học đặt vấn đề với Nhà nước việc lấy lại tên Thăng Long cho thủ đô của Việt Nam kể từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI...".

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Tên Hà Nội cũng vô cùng có ý nghĩa với chúng ta, tất cả những thiên áng hùng văn ca ngợi cuộc chiến đấu của nhân dân Hà Nội như "Hà Thành chí khí ca", và cho đến tận bây giờ thủ đô ta vẫn gắn bó với tên TP Hà Nội. Tên Hà Nội được sáng lập ra do một ông vua "sáng" nhất, minh quân của thời  Nguyễn. Đợt hội thảo vừa qua người ta ca ngợi Vua Minh Mạng đã có cuộc cải cách hành chính lớn, (trong khi đó lịch sử Việt Nam có hai ông cải cách hành chính lớn đó là Vua Lê Thánh Tông và Vua Minh Mạng),  việc đặt tên Hà Nội là do ông ấy đặt. Mà theo tôi Thăng Long cũng chỉ là tên kinh đô từ thời Vua Lý Công Uẩn đặt cho kinh đô mới vừa mới thiết lập gồm 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà và một phần quận Đống Đa).

Ban đầu kinh thành Thăng Long chỉ có vậy, vì là kinh đô cho nên tên gọi đó trở thành thiêng liêng. Xem trong bản đồ Hồng Đức năm 1494, ta thấy kinh thành Thăng Long thêm được vùng Hồ Tây, phía nam vẫn như cũ, vượt quá Hồ Tây là đất của trấn Sơn Tây, qua phố Ô Cầu Dền là phố Trần Khắc Chân, Lê Đại Hành đã là trấn Sơn Nam, còn bên kia sông là Kinh Bắc không nói làm gì. Như vậy cho đến thế kỷ thứ XV, lần đầu tiên ta có bản đồ, thời Vua Lê Thánh Tông thì ta thấy kinh thành Thăng Long tiếp thu từ đời Lý, Trần nó chỉ tương   ứng với 4 quận nội thành. Và tên Hà Nội có từ năm 1831, nó không có tội tình gì để ta bác bỏ, phủ định nó.

Thưa ông Nguyễn Vinh Phúc, có người cho rằng tên Hà Nội ở trong sông, còn tên Thăng Long tượng trưng cho sự thịnh vượng? Một đô thị mới xứng tầm nên chọn một tên chung mang đầy mầu sắc và ý nghĩa rất đẹp - truyền thống -Thăng Long?

Cứ vin theo định nghĩa thì vô cùng, như Sơn Tây là phía tây của núi hay như Kinh Bắc là phía bắc của kinh đô chẳng hạn. Hiện giờ Hà Nội vẫn được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đáy đấy thôi. Hay Hà Nội bên này là sông Hồng uốn khúc quanh co, bên kia là sông Đà dào dạt nước chảy. Cái tên Thăng Long chỉ tương ứng với quận nội thành nó ra đời từ thủa đó nên trở thành thiêng liêng. Nhưng tên Hà Nội không có gì đáng trách, chúng ta không nên phủ định nó. Có lẽ chúng ta cần phải cân nhắc mà chưa nói rằng mai mốt lấy tên là TP Thăng Long thì TP Hà Nội sẽ xử lý thế nào, 900 cây số vuông này xử lý thế nào? 11 quận, huyện cũ của Hà Nội xử lý thế nào? Gọi nó bằng cái gì? Phải chăng vẫn gọi nó là TP Hà Nội, để tương ứng với TP Sơn Tây, TP Hà Đông. Và TP Thăng Long bao gồm 3 TP ở bên trong lòng thì nghe lủng củng quá. Bây giờ, với một vị thế khác, theo tôi nên đổi thủ đô thành một tỉnh, gọi là tỉnh Thăng Long, trong đó có cả 3 TP Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Và các thành phố đều có bộ máy riêng. Bao trùm lên là tỉnh Thăng Long nếu ta muốn đổi tên thủ đô. Vậy là 3 TP trong một tỉnh. Ví như tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc ôm lấy thành phố Bắc Kinh ở trong...

Trang trí bức tường gốm sứ chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân

Thành phố thuộc thành phố, không biết sau này TP Hà Đông hay TP Sơn Tây có bị đổi thành quận hay thành cái gì đó không, nhưng  thế nào rồi cũng phải đổi thôi, không thể để là thành phố được. Theo tôi, cái tên Thăng Long đúng là truyền thống thật, nhưng mà tên Hà Nội cũng đã quen thuộc rồi. Thế giới bây giờ nói đến Việt Nam là gắn liền với Hà Nội, chứ họ không nói Việt Nam Thăng Long. Tên Thăng Long có ý nghĩa sâu xa là chỉ đối với nhân dân Việt Nam, đối với truyền thống dân tộc, chứ còn địa danh giao thiệp, địa danh ngoại giao, địa danh về kinh tế thì tên Hà Nội có vị thế hơn.

Tôi nghĩ rằng, thực ra cũng không cần phải đổi tên Hà Nội sang một tên khác, vì khi mà thay đổi đi như thế, nó sẽ làm đảo lộn rất nhiều thứ, về hành chính, về tổ chức, về quản lý, tất cả các thứ giấy tờ sổ sách, khai sinh, giấy giá thú, đủ các loại giấy tờ sẽ phải thay đổi lại như thế nào... Tốn công của lắm! Sau khi tỉnh Hà Tây nhập vào Hà Nội, việc làm lại hộ khẩu, chứng minh thư cũng đã phải tốn bao nhiêu công sức. Vậy thì mình nên nghĩ xem, không  biết việc đổi tên Hà Nội thành Thăng Long giải quyết được điều gì lớn không? Mà nếu chỉ để mang tính truyền thống thì tôi nghĩ rằng không cần thiết.

Người ta biết tới thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội là quan trọng, Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là ở Hà Nội. Cái tên Thăng Long rất hay nhưng đất Thăng Long xưa đâu có rộng như ngày nay. Bây giờ nếu gọi là tỉnh Thăng Long mà trong đó có TP Hà Nội, TP Hà Đông, TP Sơn Tây thì tôi nghĩ cũng không hợp lý lắm...

T.M.H.
.
.