Thành công không phải vì… tiền

Thứ Bảy, 20/08/2011, 18:45

Không dùng những “siêu xe” hàng hiệu bóng loáng. Không sở hữu những du thuyền siêu sang như những lâu đài trên đại dương. Cũng không phải là những bữa tiệc xa hoa xứng với đẳng cấp “ông trùm”... Các ngôi sao công nghệ trẻ ở thung lũng Silicon vẫn đang miệt mài đổ tài sản của bản thân cho xã hội và lại tiếp tục lao vào những cuộc đầu tư mạo hiểm.

Văn hóa từ xưa nay đã định mức thành công bằng những gì nhà doanh nghiệp xây dựng lên được, không phải bằng những gì họ mua.

"Chủ nghĩa "tối thiểu"

Aaron Patzer sống trong một căn hộ khiêm tốn chưa tới 70m2, một phòng ngủ tại Palo Alto. Trong phòng anh lỏng chỏng những chiếc ghế bành sờn rách và một chiếc tivi loại thường. Chiếc máy thu hình quá cũ này không thể đọ được với chiếc tivi Apple - một món quà giáng sinh do người thân tặng nằm lỳ trên sàn nhưng anh cũng chẳng buồn mở ra. Đôi giày yêu thích của Patzer là đôi giày da màu nâu cũ kỹ trông còn "già" hơn cả ông chủ của nó đang ở tuổi 39. Patzer cũng thường cắt tóc ở tiệm bình dân với giá 12USD. Anh lái chiếc Ford Contour đời 1996 cho tới khi đạt ngưỡng 150.000 miles mới chịu đổi sang chiếc Subaru Outback trị giá 29.000 USD.

Nếu được nghe mô tả như vậy, bạn sẽ không thể ngờ được rằng đó là cuộc sống của một ủy viên đứng đầu trong Ban quản trị của Tập đoàn Intuit, một tập đoàn phần mềm tài chính lẫy lừng thế giới và Aaron Patzer chính là người cách đây 2 năm đã bán dịch vụ Internet với giá 170 triệu USD.

Dù có một vài ngoại lệ nhưng người ta vẫn nhận thấy rằng, những ngôi sao trẻ đang lên của thung lũng Silicon đang ngày càng có xu hướng chối bỏ những biểu tượng truyền thống của thân thế và tài sản như siêu xe hay du thuyền và những tư dinh sang trọng. Với lớp trẻ, họ lăn vào xã hội và tìm kiếm những công việc làm ăn mạo hiểm mới. Patzer nói: "Tiền bạc cần một mục đích "cao đẹp" hơn là nhà to hay xe hơi xịn".

Ở tuổi 27, Dustin Moskovitz là tỉ phú trẻ tuổi nhất trên thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes. Anh sinh sau bạn cùng phòng tại Harvard, Mark Zuckerberg - người sáng lập ra Facebook, chỉ 8 ngày. Moskovitz có thể chi trả bất kỳ căn nhà nào mà anh muốn, nhưng anh chỉ chọn một căn hộ khiêm nhường ở San Francisco. Moskovitz thường đạp xe tới chỗ làm việc ở Asana, nơi khởi động mọi dự án và cũng là nơi triển khai những dự án quản lý phần mềm cho kinh doanh của mình. Còn chiếc xe Volkswagen R32 thì Moskovitz  để trong gara. Anh nói: "Vật chất không thể mang đến cho bạn hạnh phúc. Tôi đã từng mường tượng hình ảnh bản thân mình sở hữu những thứ đắt tiền. Nhưng tôi nhanh chóng đi đến một kết luận rằng, tôi không thể sở hữu một cuộc sống có ý nghĩa thiết thực hơn khi có khối tài sản khổng lồ đó".

Quen thuộc hơn, một người làm việc tại thung lũng Silicon là Joe Greenstein, người đã bán Công ty Flixster của mình tại San Francisco cho Tập đoàn Time Warner với giá 80 triệu USD. Nhà kinh doanh 33 tuổi này vẫn ở một căn hộ tại  San Francisco, nơi mà anh đã thuê 10 năm nay với giá khiêm nhường 1.000USD. Anh còn cảm thấy mình thật tốt số khi không phải luôn kiểm tra khoản chi này đến khoản tiêu khác hoặc lo lắng bị mất việc. Và quan trọng hơn cả là anh luôn được làm điều mình thích mỗi ngày. Greenstein còn nói: "Tôi có thể còn cảm thấy có tội vì sự hy sinh cống hiến của mình là chưa đủ".

Còn Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook cũng là một tỉ phú trẻ nổi tiếng đang sống dưới mức thu nhập. Trong nhiều năm, anh sống trong một căn hộ nhỏ với một tấm nệm trải trên sàn và đường truyền Internet qua mạng điện thoại (dial-up Internet access). Gần đây, Zuckerberg mới mua căn nhà đầu tiên tại Palo Alto với giá 7 triệu USD, và đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì anh đủ khả năng chi trả.

Trên trang cá nhân Facebook, Zuckerberg  bày tỏ rằng, anh theo chủ nghĩa "tối thiểu" và "loại trừ thèm muốn, khát vọng". Hình ảnh thường gặp của Zuckerberg trong đời thường hay trên tivi luôn luôn là chiếc áo phông giản dị một màu ghi hay xám cùng quần Jean bạc hệt như một cậu sinh viên. Tuy nhiên, "cậu sinh viên" này năm ngoái đã quyên góp  100 triệu USD giúp đỡ cho Trường công cộng Newark, N.J, một trong số những trường học có hệ thống cơ sở vật chất tồi nhất cả nước.

Joe Greenstein, người gần đây bán công ty Flixster của mình với giá khoảng 80 triệu USD, vẫn đang sống trong căn hộ khá xoàng xĩnh tại San Francisco mà anh thuê 10 năm nay.

Kịch bản dựng sẵn?

Những người hay hoài nghi hẳn sẽ nghi ngờ rằng, tất cả những điểm đáng chú ý đó đều đã được lên kịch bản sẵn. Bởi vì những người "khổng lồ" của công nghệ biết họ có thể "ăn điểm" quan hệ công chúng như thế nào khi thể hiện những điểm tương đồng với xã hội, chủ yếu là hình ảnh giản dị, chân chất. Nhưng, có thể chứng minh đó không phải là một vở kịch. Theo Alice Marwick, một nhà nghiên cứu của Tập đoàn Microsoft, người đã làm luận án tiến sĩ tại Đại học New York trong lĩnh vực truyền thông thì không có nghĩa rằng, thế hệ những ông trùm công nghệ trẻ hiện nay không mưu cầu vật chất. Họ chỉ sử dụng chúng theo một cách khác mà thôi.

Marwick nói: "Các triệu phú trong ngành công nghệ thông tin không đàn đúm với "sao" hay mua một "con xe" thật đắt tiền. Nhưng người ta có thể thấy họ du lịch đây đó hay quyên góp tiền làm từ thiện. Những việc làm đó cũng tiêu tốn không kém những sở thích phù phiếm kia, nhưng đó là đặc điểm của "những tay hacker cổ điển". Họ làm những việc đánh giá cao đầu óc chứ không phải vật chất bề ngoài. "Quan tâm tới ngoại hình, đi mua sắm quần áo hay trang trí nhà cửa, đó là việc của phụ nữ. Những tay triệu phú công nghệ thông tin thường coi đó là những việc làm ngu ngốc và phù phiếm". Thung lũng Silicon định mức thành công bằng những gì nhà doanh nghiệp xây dựng lên được, không phải bằng những gì họ mua. Quan trọng nhất là sự tự do và độc lập để có thể xây dựng lên một cái gì đó cho rất nhiều người.

Triệu phú hồi thập niên 90 thế kỷ trước mua xe ôtô thể thao Lamborghini và cả dãy nhà nhỏ để xây dựng nên khu dinh thự của họ. Những nhà kinh doanh hiện nay trưởng thành lên từ những vết xe đổ. Họ nhận định: "Nó sẽ là một mâu thuẫn nếu tôi kiểm tra từng đồng xu ở công ty tôi và sau đó mua một chai rượu 5.000USD". Kevin Hartz, 41 tuổi, người sáng lập và là CEO của công ty bán vé trực tuyến Eventbrite tuyên bố như vậy.

Edward Wolff - một giáo sư kinh tế tại Đại học New York chuyên nghiên cứu về thu nhập và sự giàu có cho biết, những người mới giàu  không biết may mắn của họ sẽ kéo dài bao lâu, vì vậy họ rất thận trọng. Hay như trường hợp Kevin Rose, 34 tuổi,  người sáng lập Digg, một dịch vụ giúp người dùng khám phá và chia sẻ nội dung từ khắp nơi trên web. Anh này từng xuất hiện trên trang bìa của BusinessWeek 5 năm trước đây dưới tiêu đề: "Làm thế nào đứa trẻ này kiếm được 60 triệu USD trong 18 tháng?" cho biết, anh đã kiếm được vượt quá 60 triệu USD rất nhiều lần. Song, anh không bao giờ mua những gì xa xỉ phù phiếm. Hiện tại, Rose dành những ngày cuối tuần xem thể thao, ăn uống tại nhà ở San Francisco của mình với bạn gái và con chó nhỏ. Rose đã bán chiếc xe thể thao và giờ chỉ dùng một chiếc Mini Cooper. “Tôi biết có người có tàu thuyền và máy bay hoành tráng, và đó là cái bạn có thể làm khi nghỉ hưu. Nhưng tôi không muốn nghỉ hưu"

Nguyễn Phương Linh (theo LosAngeles Times)
.
.