Thanh tra thú y – Nghề đặc biệt

Thứ Năm, 22/12/2016, 07:15
Trong quá trình tìm hiểu về “những cung đường thực phẩm bẩn”, chúng tôi nhiều lần được theo các thanh tra thú y (TTTY) tới những lò giết mổ không phép cũng như tới các cơ sở chăn nuôi để tìm chất cấm... mới thấy được việc “phòng thủ từ xa” thực phẩm bẩn vào mâm cơm của mỗi gia đình không hề đơn giản.

Cái nghề chuyên đi “xin” heo tí nước tiểu, tí phân để về nghiên cứu đúng là có một không hai. Nhất là những khi thanh, kiểm tra lò giết mổ lậu thì nguy hiểm luôn rình rập, có người bị dọa giẫm, bị phi dao, nếu không tránh kịp đã mất mạng, có người bị đối tượng ném đá vào nhà, chưa kể là bị mua chuộc.

“Nghề nào chả vất vả, nguy hiểm có gì đâu mà nói.. Đảm bảo được một bữa cơm sạch của bà con là chúng tôi vui rồi...”, một cán bộ TTTY, Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết.

Cán bộ TTTY kiểm tra cơ sở giết mổ của bà N.T.A.T.

1. TTTY nói chung, Phòng TTTY, Chi cục Thú y Đồng Nai, nói riêng, với quân số 7 người, cả cán bộ, nhưng phải quán xuyến toàn tỉnh. Địa bàn thì rộng, công việc thì nhiều, lực lượng lại mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế, vừa thanh, kiểm tra theo kế hoạch, vừa phải kiểm tra đột xuất các cơ sở vi phạm, nhưng để ngăn chặn thực phẩm bẩn len lỏi vào từng bữa ăn của người dân, chỉ nghe thông tin báo ở đâu đó có cơ sở giết mổ lậu là các anh sẵn sàng, có lệnh là lên đường.

Vào một đêm cuối tháng 10 vừa qua, theo chân đoàn liên ngành Đồng Nai (TTTY, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường), chúng tôi tới lò giết mổ của bà N.T.A.T. tại xã Long An, huyện Long Thành, cơ sở này nằm sâu trong một hẻm nhỏ, xe của đoàn kiểm tra không thể vào được, không có giấy phép giết mổ. Trên đường đi, các TTTY đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về quá trình kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ không phép, sự chống đối, kể cả mua chuộc của chủ cơ sở...

Mặc chiếc áo chống đạn vào người, leo lên xe máy của cán bộ thú y địa phương đi tiền trạm, trưởng đoàn kiểm tra dặn chúng tôi: “Khi nào có tín hiệu, anh em mới được vào”. Lúc sau, nhận được tín hiệu, đoàn kiểm tra ập vào. Trong lò mổ, 1 con đã được “xử lý” xong. Bên cạnh 4 con đã được tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị “lên thớt”. Phía ngoài 9 con heo khác cũng “xếp hàng” chờ tới lượt. 2 chậu huyết đầy, không che đậy, được đặt trước cửa chuồng, nơi 9 con heo đang “xếp hàng”, chúng có thể sục mõm vào bất cứ lúc nào.

Nhân viên lò mổ cho biết họ mới mổ được 1-2 con. Nhưng theo nhận định của cán bộ thú y thì 1-2 con không thể có 2 chậu huyết đầy như vậy. Quan sát quá trình mổ heo, chúng tôi thấy sau khi giết xong, heo được vứt trên nền xi măng, nhân viên lò mổ thì ở trần, xăm trổ khắp người, tay cầm dao giơ lên liếc qua liếc lại trước mặt nhân viên đoàn liên ngành.

Chỉ cần rạch một đường, nhân viên giết mổ nhanh chóng lôi được nội tạng của heo ra ngoài, quẳng xuống nền xi măng, sát cạnh khu vực thoát nước. Giải quyết xong phần nội tạng, thợ mổ múc một xô nước ở thùng phuy bên cạnh dội lên con heo rồi tay thì mài dao, mắt liếc nhìn các cán bộ kiểm tra, chân đi dép gạt nước trong bụng heo. Tiếp theo, anh ta cầm con dao bản lớn chặt heo ra từng khúc và vứt lên nền xi măng. Trong khi nam nhân viên ra thịt thì một nhân viên nữ dùng vòi xịt những tạp chất trên nền và những tạp chất đó theo nước bám cả vào những khúc thịt.

Cán bộ thú y lấy nước tiểu heo về xét nghiệm.

Hầu hết nhân viên nam ở trần, trên người chỉ có chiếc quần đùi loang lổ máu. Thôi thì họ cứ vô tư đi lại tha dép từ trong ra ngoài và vào khu vực giết mổ. Nhân viên nữ thì quần xắn rất cao, dang rộng chân giải quyết bộ đồ lòng mà người mổ heo vừa vứt ra. Quy trình giết mổ như vậy, có lẽ đã được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Lượng thịt hằng ngày cơ sở này đưa ra thị trường sẽ đi về đâu? Và đâu chỉ cơ sở của bà N.T.A.T.

Sau khi lực lượng kiểm tra ra quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ cơ sở xử lý số thịt heo vừa giết mổ bằng cách sơ chế bằng chính nồi nước sôi để làm lông. Một cơ sở giết mổ có phép phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh như heo giết mổ phải được treo lên cao, nhân viên phải có bảo hộ lao động, heo trước khi đưa vào lò mổ phải được kiểm dịch... Ở lò giết mổ lậu thì ngược lại.

Kiểm tra những lò giết mổ lậu không hề dễ dàng đối với lực lượng liên ngành, nhất là với lực lượng thú y. Trước tiên họ phải trinh sát, tìm hiểu cơ sở rồi báo cáo lãnh đạo.

Một cán bộ thanh tra của Chi cục Thú y Đồng Nai kể: “Hầu hết các cơ sở giết mổ không phép đều nằm trong khu vực vắng người qua lại, hoặc ở cuối những con hẻm nhỏ, dễ vào, khó ra. Nhân viên phục vụ trong lò mổ không là bà con thì cũng là láng giềng thân thiết. Thợ giết mổ thường là những người có... máu liều. Một người từng vận chuyển heo cho một lò mổ cho biết, để có “dũng khí”, có người trước khi giết mổ đã làm vài xị đế, cũng có người do thường xuyên tiếp xúc với máu nên đã sử dụng chất kích thích. Có tí “vắc-xin liều”, thợ giết mổ sẵn sàng “ăn thua đủ” với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.

Quốc, cán bộ thú y thuộc Phòng TTTY, Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết, hầu hết các cơ sở giết mổ lậu nằm khuất sâu trong những con hẻm, khu vực vắng người hoặc “đóng đô” ở những nơi “hiểm yếu” dễ vào khó ra. Có cơ sở nuôi cả đàn chó dữ. “Ngửi” thấy “mùi” đoàn kiểm tra, chủ cơ sở thả chó ra, bầy chó sủa inh ỏi, bà con lối xóm tưởng trộm đạo vào nhà, vác dao, gậy gộc ra tương trợ nhưng khi được giải thích lý do có mặt, họ mới để anh em làm nhiệm vụ.

Thịt heo được vứt trên sàn nhà.
2 chậu huyết đầy được để ngay mõm heo sống.

Để đối phó với cơ quan chức năng, có lò mổ gắn camera ngay từ đầu hẻm, nếu có người lạ hoặc bóng dáng của đoàn kiểm tra, chủ cơ sở kịp thời tẩu tán tang vật. Lúc đó chỉ có vào... uống trà rồi rút. Phải khó khăn lắm, năm lần bảy lượt mới bắt được quả tang họ đang giết mổ trái phép. Hôm kiểm tra cơ sở của bà N.T.A.T., cũng vậy, cùng cán bộ cơ sở “trinh sát” nhiều lần, cán bộ thanh tra Chi cục Thú y Đồng Nai mới phát hiện được hành vi giết mổ lậu. Phối hợp với các đơn vị chức năng, TTTY đã ập vào, bắt quả tang.

Thấy trên lưng nhân viên giết mổ xăm trổ những hình thù kỳ quái, cán bộ thú y nói vui sao không bôi màu lên cho đẹp? Anh ta vừa mài dao, vừa trả lời như hăm dọa: “Thế này ăn thua gì, con bà chủ còn xăm nhiều hình dữ tợn hơn, nó mà không bị đi tù thì hôm nay mấy anh đâu có vào đây bắt được”.

2. Sau một thời gian dài, chất tạo nạc Cebutamol, chất gây ung thư, được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi gia súc gia cầm bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa vào danh mục cấm sử dụng, đã có một vài cơ sở tìm cách đưa chất tăng trưởng mới vào thức ăn gia súc. Chất tăng trưởng mới có tên Cysteamine. Nhưng làm sao người dân phân biệt được đâu là chất cấm, chất tạo nạc và chất đó được sử dụng như thế nào?

Đem thắc mắc này hỏi một nữ chủ hộ chăn nuôi ở Long Thành, Đồng Nai, chị cho biết, thời gian gần đây bà con (cả gia đình chị) không sử dụng bất cứ chất gì ngoài những thứ thuốc mà các cửa hàng thuốc thú y hay đại lý thức ăn gia súc bán. Tuy nhiên, chị cũng loáng thoáng nghe rằng, vẫn có hộ vì hám lợi đã sử dụng chất tạo nạc mới và cách sử dụng cũng thay đổi. Thay vì chỉ cho ăn khoảng 20 ngày trước khi xuất chuồng, giờ khi heo được khoảng 50-60kg, bà con bắt đầu cho ăn chất tạo nạc và cho ăn cách quãng cho đến khi xuất chuồng.

Cebutamol đã bị cấm, nhưng chất tương tự Cysteamine (được trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm với hàm lượng nhỏ nên bà con không thể biết) chưa nằm trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT.

Đồng Nai, địa phương từng “nổi tiếng” về sử dụng chất Cebutamol. Do vậy, các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, ngăn chặn không cho chất cấm đi vào... chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đúng là chất Cysteamine chưa nằm trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT, nhưng cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi, nếu không sẽ là “thảm họa”.

Có nguồn tin cho biết một vài trang trại chăn nuôi và một công ty sản xuất thức ăn gia súc nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có sử dụng chất Cysteamine, chúng tôi tìm tới Chi cục Thú y Đồng Nai để nắm tình hình. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng cho biết, hiện Chi cục chưa biết phải xử lý thế nào về chất này. Nếu có trong danh mục cấm thì dễ xử lý.

Ông Quang cũng rất nhiệt tình khi chúng tôi đề xuất việc kiểm tra trang trại chăn nuôi và công ty sản xuất thức ăn có sử dụng Cysteamine. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một vài khó khăn, chẳng hạn như: Lấy lý do gì để kiểm tra chất chưa bị cấm sử dụng? Kiểm tra, lấy mẫu xong làm sao xét nghiệm, xét nghiệm ở đâu, kinh phí thế nào, mục đích của việc xét nghiệm?...

Còn nữa, về mặt thủ tục, muốn lập đoàn kiểm tra  các cửa hàng buôn bán thuốc thú y, công ty sản xuất phải có quyết định thành lập đoàn của Sở, phải có địa chỉ rõ ràng... trong khi bên cung cấp thông tin yêu cầu giữ bí mật. Mặc dù vậy, việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm vẫn được tiến hành. Trưởng đoàn vẫn là cán bộ TTTY hôm kiểm tra cơ sở giết mổ lậu. “Hành trang” đoàn kiểm ra mang theo là xô chậu, bao nilon và quần áo vô trùng.

Hầu hết nhân viên nam của lò mổ ở trần, mặc quần đùi.

Đoàn kiểm tra có mặt tại trang trại chăn nuôi của ông P.H.H., ở xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai. Cổng trang trại mở ra, tiếp đoàn là một cậu thanh niên chừng 20 tuổi. Tại đây, khi cán bộ TTTY, Cảnh sát môi trường thông báo lý do và quyết định kiểm tra trang trại. Cậu thanh niên cho biết, cậu là con trai chủ trang trại, cha cậu hiện không có ở nhà. Cậu điện thoại cho cha, nhưng lấy lý do bận công việc, cha cậu xin khất hẹn gặp... lần sau.

Công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. “Ông chủ nhỏ” thông báo, trang trại hiện có khoảng 400 heo nái, gần 1.000 heo thịt, vừa mới xuất chuồng số lượng lớn, tổng quy mô trang trại có thể lên tới gần 3.000 con. Từng chiếc vỏ bao đựng thức ăn cho heo cũng được nhân viên đoàn kiểm tra kỹ lưỡng. Công thức, thành phần thức ăn được các anh ghi nhận đầy đủ.

Khó nhất là việc lấy mẫu nước tiểu heo. Việc đầu tiên là nhân viên thú y phải mặc bảo hộ để đảm bảo an toàn cho bầy heo theo yêu cầu của chủ nhân (nếu không may xảy ra chuyện gì thì các cán bộ kiểm tra lãnh đủ). Có trang trại công nhân, kể cả giám đốc, trước khi vào chăm hay kiểm tra quy trình chăn nuôi, buộc phải qua phòng vô trùng, phải thông báo cho nhân viên kiểm dịch trước khi muốn vào. Ở đây cũng vậy, “ông chủ nhỏ” yêu cầu nhân viên thú y phải mặc quần áo vô trùng mới được vào.

Trong bộ đồ vô trùng màu xanh rộng thùng thình trông như người “ngoài hành tinh”, chúng tôi theo chân cán bộ thú y vào chuồng heo. Thấy động, bầy heo nháo nhào, ngước mắt lên nhìn những người “ngoài hành tinh”. Kết hợp với công nhân của trang trại, sau một hồi lâu “năn nỉ” bầy heo các anh cũng “xin” được khoảng 1 lít nước tiểu. Cẩn thận, đổ nước tiểu vào 2 túi nilon rồi “nai nịt” chặt chẽ, gọn gàng, niêm phong cẩn thận, có chữ ký của đại diện trang trại lên từng bịch nước tiểu sau đó chuyển về trung tâm xét nghiệm.

Quy trình bảo vệ mẫu để xét nghiệm, tìm kiếm chất tăng trưởng mới thật là nhiêu khê. Đó mới là công việc lấy và bảo quản mẫu, việc chuyển mẫu cũng phải đúng quy trình. Nơi tiếp nhận phải kiểm tra niêm phong, lập biên bản tiếp nhận mẫu... công tác xét nghiệm có khi kéo dài 2-3 tuần. Theo cán bộ TTTY, kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm thì dễ xử lý, còn âm tính thì coi như toi công, nhưng cũng mừng.

Việc ngăn chặn thực phẩm bẩn là trách nhiệm của không chỉ lực lượng thú y, mà của toàn xã hội. Trên đây chỉ là một vài việc làm của TTTY. Bất kể thời gian, địa điểm, từ cơ sở chăn nuôi đến nơi sản xuất thức ăn, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, làm hết trách nhiệm của mình, TTTY là lực lượng “tiên phong” trên “phòng tuyến” bảo vệ an toàn bữa cơm cho mỗi gia đình.

Đức Hà
.
.