Thay đổi, bổ sung một số quy chế TS ĐH-CĐ: Vẫn giải pháp "ba chung"?

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:40
Khởi động cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố những điểm mới trong tuyển sinh, ấn hành xuất bản phẩm “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ năm 2009”, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin dự tuyển của thí sinh... Có thể nói hiện nay đang là giai đoạn chuẩn bị rất sôi động cho đợt tuyển sinh mới này.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học, Bộ GD&ĐT xung quanh những vấn đề về tuyển sinh để từ đó có thể hiểu rõ nguyên nhân bổ sung những quy chế mới cũng như chủ trương ra đề thi...

Phóng viên (PV): Được biết, Bộ GD&ĐT đã công bố những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. Ông có thể cho biết cụ thể những điểm mới này?

PGS.TS Ngô Kim Khôi (PGS.TS NKK): Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, về cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) như năm 2008.

Tuy nhiên, năm nay, thay đổi và bổ sung một số điểm mới và 7 điểm mới này rất “sát sườn” với quyền lợi của thí sinh. Trong đó đặc biệt lưu ý với những nội dung: thay đổi khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, doanh nghiệp).

Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm. Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1 điểm.

Thứ hai, cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đối với các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh: đề ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; Phần riêng: ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy. Cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung. Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, không có phần riêng và đề ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Thứ ba, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt. Những trường hợp này phải do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định...

Quy chế mới cũng rất nghiêm khắc đối với những thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định: tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm và tước quyền dự thi tuyển sinh hai năm tiếp theo đối với những thí sinh này.

Như vậy có thể coi đối với những thí sinh đó 3 năm liền không có cơ hội bước chân vào cửa trường ĐH, CĐ. Còn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, năm nay phải công khai mức thu học phí hằng tháng (hoặc năm học hoặc cả khóa học) đối với khóa tuyển sinh năm 2009 trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009). Thông tin về loại hình trường cũng được làm rõ trong cuốn này.

PV: Ông có thể cho biết tại sao lại có những thay đổi, bổ sung như vậy?

PGS.TS NKK: Trước hết, phải nói rõ những bổ sung, thay đổi mới này của Bộ GD&ĐT dựa trên cơ sở đóng góp ý kiến của toàn xã hội gồm các thành phần như: các nhà khoa học, giáo dục, giảng viên ĐH, CĐ, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh... thông qua Hội nghị Tuyển sinh được tổ chức qua cầu truyền hình tại 6 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những bổ sung, thay đổi ấy nhằm đến một mục đích rất rõ: nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nhân lực mà đầu tiên là nâng cao chất lượng khâu tuyển chọn đầu vào. Để nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào thì công tác tuyển sinh phải bảo đảm nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, an toàn hơn...

Từ sự nghiêm túc, an toàn hơn... ấy trong công tác tuyển sinh mới cho kết quả phản ánh đúng thực chất học tập của thí sinh. Như vậy mới tạo ra công bằng trong môi trường tuyển sinh. Ví dụ cụ thể, đối với điểm ưu tiên cho đối tượng và khu vực vì sao phải giảm hơn so với năm ngoái? --PageBreak--

Vì Bộ GD&ĐT muốn các thí sinh thuộc đối tượng này phải đạt một trình độ nhất định chứ không thể chỉ có kiến thức chừng mực mà lại ngồi ghế giảng đường ĐH, CĐ một cách dễ dàng quá. Hay đối với những thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp, phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc và hình thức ấy phải có tính răn đe đối với người khác.

Hoàn toàn không thể có chuyện người có hành vi không trung thực nhưng lại đường hoàng bước vào giảng đường ĐH, nơi mà nhiều thí sinh khác phải dày công mới đạt được. Tóm lại, tất cả những nội dung mới trong quy chế tuyển sinh năm nay, đều hướng đến mục đích như đã nói nâng cao chất lượng đào tạo.

PV: Còn nội dung: các trường ngoài công lập phải công khai hóa học phí. Thay đổi này có phải xuất phát từ tình trạng tài chính “có vấn đề” của các trường không thưa ông?

PGS.TS NKK: Bổ sung nội dung này, Bộ GD&ĐT muốn các trường phải công khai hóa, minh bạch hóa các thông tin về tuyển sinh, trong đó đặc biệt là học phí.

PV: Thưa ông, đề thi tuyển sinh năm nay dự đoán khó hay dễ?

PSG.TS NKK: Với mục tiêu: kiểm tra được kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành và khả năng vận dụng của học sinh đồng thời phân loại rõ ràng thí sinh, Bộ GD&ĐT chủ trương ra đề dựa trên nguyên tắc: không đánh đố, không lắt léo, phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh.

Và để ra được đề như vậy, chúng tôi hoàn toàn dựa trên chương trình các em đã học, chủ yếu ở lớp 12. Nội dung: Cấu trúc đề thi  đề cập ở trên phần nào đã nói lên điều này. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản được học ở lớp là có thể làm tốt đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

PV: Ông có thể cho biết, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay biến động như thế nào?

PGS.TS NKK: Đối với hệ ĐH, CĐ, chỉ tiêu tuyển sinh tăng 12% so với năm ngoái, tương đương với khoảng 502.000 học sinh. Còn đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 17%. Việc tăng chỉ tiêu này phụ thuộc vào khả năng của từng trường như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị...

Tuy nhiên, với các trường không có truyền thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp như một số trường ĐH hiện nay, chỉ tiêu sẽ điều chỉnh theo hướng giảm dần từ năm 2009 đến năm 2012 để những trường này tập trung vào đào tạo ĐH và sau ĐH. Dự kiến mỗi năm giảm từ 15% đến 20%.

PV: Vừa rồi, có dư luận cho rằng, “Những điều cần biết về tuyển sinh năm 2009” mặc dù năm ngoái đã sai sót một số nội dung vậy mà năm nay, không rút kinh nghiệm vẫn  để xảy ra tình trạng này, nhất là thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương?

PGS.TS NKK: Chúng tôi đã kiểm tra thông tin này và xác định thông tin đó không sai. Có thể do nhầm lẫn hoặc thiếu thông tin nên dư luận đã xảy ra việc hiểu không đúng như vậy. Còn việc sai sót trong việc xuất bản một ấn phẩm cũng là chuyện dễ hiểu, đặc biệt là với “Những điều cần biết...”.

Bởi đây là cuốn sách có thông tin đa dạng, đồ sộ. Nhưng dù sao chúng tôi cũng rút kinh nghiệm trong trường hợp sai sót xảy ra.

PV: Cũng về "Những điều cần biết về tuyển sinh năm 2009", có ý kiến: đây là cẩm nang "độc quyền" của Bộ GD&ĐT?

PGS.TSNKK: Đây là ấn phẩm mà Nhà Xuất bản Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đăng ký bản quyền xuất bản, phát hành. Theo tôi không có chuyện độc quyền ở đây. Vì nếu độc quyền thì báo Tuổi trẻ đã không ra xuất bản phẩm  có tên gọi và nội dung tương tự như vậy.

PV: Vào thời điểm này, đối với các thí sinh, ông sẽ nói câu gì với tư cách là nhà giáo, nhà quản lý, thành phần trong Ban tuyển sinh?

PGS.TS NKK: Nỗ lực học tập, lựa chọn trường, nghề phù hợp để dự thi. Khi thi thật bình tĩnh, tự tin, sáng suốt và không gian lận thi cử.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Tú Anh (thực hiện)
.
.