Thế giới trước nguy cơ chiến tranh môi trường

Thứ Năm, 02/04/2009, 09:25
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang khiến các quốc gia lơ là với công cuộc bảo vệ môi trường. Đó là cảnh báo mới nhất vừa được Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra. Trước thực trạng này, 2 hội nghị quốc tế về môi trường đã được nhóm họp vào trung tuần tháng 3 vừa qua để cảnh tỉnh mọi người không thể vì những khó khăn kinh tế mà bỏ quên việc bảo vệ môi trường.

Nguy cơ thiếu nước đe doạ ổn định toàn cầu

Thế giới đang bị đe dọa thiếu nước ngọt để sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi. Theo một kết quả nghiên cứu với nội dung báo động của LHQ, nếu tiếp tục quản lý nguồn nước một cách vô tội vạ như hiện nay thì nhiều vùng đất trên trái đất sẽ không tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, kinh tế và cho con người.

Trong nỗ lực tìm một giải pháp lâu dài để cứu nguy nhân loại trước một thách thức khổng lồ này, Diễn đàn thế giới về nước được tổ chức 3 năm một lần, diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 16 cho đến 22/3. 3.000 tổ chức và hơn 10.000 người trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng môi trường trên toàn cầu đã về dự đại hội do LHQ triệu tập này.

Hiện nay trên trái đất có gần một tỉ người không có nguồn nước uống và 2,5 tỉ người trên tổng số 6 tỉ người không có nước sinh hoạt. Theo LHQ, nguồn nước ô nhiễm sẽ giết hại con người cao gấp 10 lần so với chiến tranh. Nhưng điều nguy hiểm hơn nữa là thiếu nước để trồng trọt và chăn nuôi. Dân số trái đất tăng thêm mỗi năm 80 triệu, do vậy nhu cầu sử dụng nước cũng tăng thêm 64 tỉ m3 mỗi năm.

Tại châu Phi cũng như châu Á, nước đã trở thành khan hiếm do nhiều yếu tố: dân số tăng, khí hậu thay đổi làm tình hình chính trị và kinh tế căng thẳng thêm, đặc biệt là ở những vùng biên giới, việc quản lý nguồn nước còn rất hạn chế. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng xảy ra bạo loạn vì nước tương tự như bạo loạn vì đói hồi năm 2008. Tại Trung Quốc, một nửa lãnh thổ phía bắc trong đó có thủ đô Bắc Kinh nằm trong vùng khô hạn thường trực. Những nơi không bị hạn hán, thì nước ô nhiễm.

Hiện nay, báo cáo của LHQ chưa nói đến khả năng chiến tranh. Nhưng hệ quả được mô tả là rất đáng ngại. Theo LHQ, thách thức hiện nay là chính phủ các nước phải đưa chính sách quản lý nước ưu tiên ngang hàng với phát triển kinh tế, năng lượng và an ninh. Hợp tác quốc tế là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa xung đột  giành nhau nguồn tài nguyên càng ngày càng hiếm này.

Thay đổi khí hậu: Hiểm họa toàn cầu

Trước đó, ngày 13/3, các nhà khoa học trên thế giới đã tới Copenhagen để tham dự hội nghị với tiêu đề "Thay đổi khí hậu là hiểm họa toàn cầu". Hội nghị tổ chức tại Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch, với sự hợp tác của 9 trường đại học khác để tổng hợp những ý kiến cần thiết, cung cấp cơ sở quyết sách cho Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu dự định tổ chức tại Copenhagen vào cuối năm nay.

Các chuyên gia môi trường tham dự hội nghị chủ yếu thảo luận tình hình xấu đi do biến đổi khí hậu gây nên. Báo cáo nghiên cứu công bố cùng ngày cho thấy, tốc độ nước biển dâng cao hiện nay khiến người ta kinh ngạc, dự tính đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao 1m thậm chí cao hơn. Nếu loài người không thể nhanh chóng giải quyết hữu hiệu vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì đến cuối thế kỷ này, tối thiểu các vùng ven biển có độ cao tương đối thấp so với mặt biển, với dân số chiếm 1/10 dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao gây nên.

Các nhà khoa học nêu rõ, hiện nay nhiệt độ nước biển không ngừng tăng lên, diện tích biển không ngừng mở rộng, núi băng trên biển không ngừng tiêu tan, nhất là lớp băng trên đảo Greenland và khu vực địa cực tiêu tan đã khiến mặt biển dâng cao nhanh chóng.

Báo cáo đánh giá do Ủy ban chuyên môn liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ công bố năm 2007 đã nhấn mạnh, sự biến đổi khí hậu sẽ khiến thiên tai lũ lụt, hạn hán xảy ra dồn dập, thời tiết xấu thường xuyên xuất hiện. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia còn cho thấy, trên thực tế sự ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây nên sẽ càng thêm nổi cộm, hậu quả của nó còn tội tệ hơn so với sự tưởng tượng, đồng thời sẽ đến sớm hơn so với thời gian dự tính.

Nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu là hoạt động của con người, một số nhà khoa học tham dự hội nghị cho rằng, hành động đối phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, cộng đồng quốc tế cần phải áp dụng biện pháp can thiệp khẩn cấp và hữu hiệu. Các chuyên gia mong nhân dịp triệu tập hội nghị lần này kêu gọi nhà lãnh đạo các nước hãy phá vỡ tình trạng bế tắc về chính trị, cùng nhau đối phó với vấn đề khí hậu toàn cầu ấm lên.

Cũng tại hội nghị, các nhà khoa học còn chia sẻ thành quả nghiên cứu mới nhất, tập trung những tiến bộ khoa học, công nghệ, chính sách mới và sẵn có, cung cấp sự tham khảo cho quyết sách hữu quan của bộ ngành chính phủ. Chuyên gia khí hậu các nước tham dự hội nghị đã trình lên hội nghị 1.600 bản báo cáo nghiên cứu và phát hiện mới nhất về biến đổi khí hậu.

Những thành quả thảo luận về biến đổi khí hậu của hội nghị lần này sẽ tổng hợp thành báo cáo, cung cấp cho đại biểu tham dự hội nghị các bên ký kết "Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu" lần thứ 15. Theo quy định của "Lộ trình đảo Bali" năm 2007, tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần này, cộng đồng quốc tế cần phải đi đến hiệp nghị mới về đối phó biến đổi khí hậu sau năm 2012.

Hiện nay, các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn còn bất đồng rõ rệt về một số vấn đề mấu chốt liên quan tới môi trường. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với thách thức và cơ hội lớn hơn trong việc đối phó biến đổi khí hậu năm nay. Hội nghị khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu đang diễn ra không chỉ cung cấp mặt bằng giao lưu mà còn là cơ hội để giới khoa học trình bày tính bức xúc của biến đổi khí hậu.

Đứng trước những thách thức gay cấn của biến đổi khí hậu hiện nay, các nhà khoa học cần phải giúp đỡ các nhà chính trị tìm hiểu những diễn biến đang xảy ra trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.