“Thế hệ internet” chuộng thế giới thật

Thứ Hai, 21/11/2011, 10:10
Những thế hệ đi trước có thể coi Internet như là một môi trường mang tính cách mạng, tán dương những gì thể hiện trên dịch vụ Twitter. Nhưng Jetlir thì thích chơi với bạn bè hơn với con chuột vi tính.

Cậu bé không bao giờ thích chăm sóc một blog. Internet đóng một vai trò nghịch lý trong đời sống của Jetlir. Mặc dù sử dụng Internet liên tục song, Jetlir nhấn mạnh rằng cậu không hề thật sự quan tâm đến nó - Internet chỉ cần thiết khi cậu bé không có kế hoạch gì khác. Bởi vì "Internet không phải là tất cả".

Thái độ "dễ vào dễ ra" Internet của Jetlir chính là điển hình của thiếu niên Đức ngày nay, theo vài nghiên cứu mới đây cho thấy. Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng đó là sự thật: chỉ 3% số người trẻ tuổi chăm sóc blog cá nhân và không hơn 2% thường xuyên đóng góp cho Wikipedia hay các dự án nguồn mở tương đương khác. Tương tự, phần đông lớp trẻ ở Đức không biết đến các trang web dán nhãn xã hội như  là Dilicious và các cổng chia sẻ ảnh như là Flickr và Picasa. Đó là phát hiện trong một nghiên cứu chuyên đề của Viện Đức Hans Bredow.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã bàn bạc nhiều về một nhóm tuổi trẻ mới hiểu biết công nghệ - những người dường như sống cộng sinh gần như suốt đời với máy vi tính và điện thoại di động như là công nghệ nối mạng đã ăn sâu vào gien của họ. Do đó giới truyền thông nhanh chóng gán cho nhóm này tên gọi là "những cư dân kỹ thuật số", "Thế hệ @" hay đơn giản là "Thế hệ Net".

Giới trẻ ngày nay sử dụng internet như một kỹ năng tương tác với thế giới.

Hai trong số những người đề cập nhiều nhất đến trào lưu này là Marc Prensky, 64 tuổi, người Mỹ và đồng nghiệp Tapscott, 62 tuổi, người Canada. Prensky đặt ra cụm từ "dân kỹ thuật số" để mô tả những người may mắn chào đời trong kỷ nguyên những thuật số này. Ông phân loại những người quá 25 tuổi là "dân nhập cư kỹ thuật số" - tức là những người tiếp cận Internet muộn hơn và tự để lộ chân tướng do sự thiếu hiểu biết về các phong tục địa phương, giống như dân nhập cư trong đời thật nói tiếng nước sở tại theo nét riêng của họ.

Một nhóm nhỏ các nhà văn, cố vấn, và nhà liệu pháp thường xuyên diễn đạt cùng một ý tưởng cũ - cụ thể là tuổi trẻ chúng ta hoàn toàn thông minh nhờ vào môi trường online đã nuôi dưỡng chúng lớn lên. Họ tuyên bố những ngôi trường của chúng ta phải dành cho tuổi trẻ những giải pháp hoàn toàn mới, bởi  hệ thống giáo dục truyền thống chắc chắn đã không còn thích hợp với thế hệ này nữa. Tuy nhiên, không có mấy bằng chứng làm hậu thuẫn cho những lý thuyết như thế.

Nhiều cuộc nghiên cứu đã tiết lộ về việc giới trẻ hiện nay sử dụng Internet như thế nào. Những phát hiện đã cho thấy hình ảnh của "Thế hệ Net" hoàn toàn sai lầm - cũng như sự tin tưởng rằng sức mạnh công nghệ đang thay đổi mọi thứ.

Viện Hans Bredow của Đức đã tiến hành một cuộc nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này có tên gọi là "Lớn lên cùng mạng xã hội". Ngoài cuộc điều tra điển hình, các nhà nghiên cứu còn thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với 28 thanh thiếu niên. Thêm một lần nữa thấy rõ rằng tuổi trẻ trước tiên sử dụng Internet để tương tác với bạn bè hoặc với một vài mục đích khác. Nhưng phần đông những người trả lời phỏng vấn đều nhìn thấy Internet chỉ đơn thuần là một sự mở rộng hữu ích của thế giới thật hơn là một thế giới hoàn toàn mới.

Ingrid Paus-Hasebrink, nhà nghiên cứu lãnh đạo cuộc nghiên cứu của Viện Hans  Bredow đặt trụ sở ở Salzburg, nói: "Chúng tôi không hề tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy Internet chi phối mạnh đời sống của tuổi trẻ".

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, những người trẻ tuổi có năng khiếu được cho là những công dân mạng này thậm chí không thông thạo Internet. Rolf Schulmeister, nhà nghiên cứu trong ngành giáo dục ở Hamburg chuyên sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong lớp học nói: "Giới trẻ có thể sử dụng mọi thứ. Họ biết cách khởi động các chương trình, biết tìm nhạc và phim ở đâu. Nhưng chỉ một số ít thật sự sử dụng tốt Internet".

Schulmeister mới đây đã đọc kỹ những phát hiện của hơn 70 nghiên cứu liên quan từ khắp nơi trên thế giới. Ông cũng đi đến kết luận rằng Internet chắc chắn không thay thế được thế giới thực.

Theo số liệu thống kê thuần túy dễ thấy rõ là giới trẻ tập trung thời gian trong ngày rất nhiều cho công nghệ. Theo nghiên cứu mới đây do nhóm MPFS của giới truyền thông ở Stuttgart, 98% giới trẻ từ 12 đến 19 tuổi ở Đức hiện nay hướng đến Internet. Và theo đánh giá của nhóm, bọn trẻ online trung bình 134 phút một ngày - ít hơn thời gian ngồi trước tivi đúng 3 phút!

Tuy vậy, những con số này vẫn chưa nói lên được bao nhiêu về những gì mà những người được cho là cư dân mạng này làm trên Internet. Mà hóa ra là bọn trẻ hiện nay rất giống với những thế hệ trẻ tuổi trước đó: bọn chúng chủ yếu quan tâm đến việc giao tiếp với những người cùng trang lứa. Bọn trẻ hiện nay sử dụng phần lớn thời gian của chúng để tương tác trực tuyến như e-mail, tán gẫu, và mạng xã hội.

Sự sử dụng Internet phổ biến nữa là lĩnh vực giải trí. Theo cuộc điều tra do Đại học Leipzig tiến hành năm 2008, phần đông giới trẻ hiện nay thưởng thức âm nhạc thông qua nhiều dịch vụ phát thanh trực tuyến hơn là nghe trên radio. Do đó cổng YouTube chia sẻ video đã trở thành một loại "máy hát tự động toàn cầu" phục vụ cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ trên toàn thế giới. Tìm kiếm nội dung đặc biệt trên YouTube dễ đến mức khó tin.

Nhưng thật ra Internet chưa thể gây nên một cuộc cách mạng về lối sống. Nghiên cứu năm 2009 của MPFS cho thấy 9/10 thiếu niên ưu tiên gặp bạn bè trong đời thực hơn là trên Internet. Phần đông tuổi trẻ là những người thạo sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng - vừa thực hiện những cuộc gọi điện thoại, đồng thời tìm bạn bè trên Facebook và nghe nhạc.

Có vẻ như bọn trẻ chỉ sử dụng Internet vào những lúc không biết phải đi đâu. Jetlir nói: "Tôi online khi không có chuyện gì hay ho hơn để làm". Giới trẻ ngày nay thậm chí không dùng từ "Internet" mà thay vào đó là nói về "Google", "YouTube" và "Facebook"

Duy Minh (Tổng hợp)
.
.