Thế kỷ hội họa của Titian

Thứ Bảy, 10/03/2018, 15:41
Cùng với các danh họa đồng hương Leonardo da Vinci (1452-1519) và Michelangelo (1475-1564), cây cọ huyền thoại Tiziano Vecelli (1488-1576) với nghệ danh Titian là 3 họa sĩ Italia đa tài nhất của thời Phục hưng, được công chúng ngưỡng mộ tôn vinh bằng biệt danh “Mặt trời giữa những ngôi sao nhỏ” - dựa theo câu thơ cuối trong trường ca “Thần khúc” của đại thi sĩ Italia thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321).

Sinh thời, Titian là một con người nổi tiếng hiếm thấy. Giới quân chủ thủ cựu, cũng như những vĩ nhân cấp tiến lừng lẫy khác từ London (Anh) tới Madrid (Tây Ban Nha), từ Vienna (Áo) đến Paris (Pháp) đều đặt ông vẽ tranh. 

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật sành sỏi thì Titian là một trong 10 cây cọ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, vì vậy mà số lượng các họa sĩ vẽ theo trường phái của ông thật hùng hậu. Những sáng tạo bất hủ của Titian - trừu tượng cũng như thân tình - là đỉnh cao của nghệ thuật trong thế kỷ XVI mà ông sống, cũng như các cây cọ Peter Paul Rubens (1577-1640) của thế kỷ XVII, hoặc Eugène Delacroix (1798-1863) của thế kỷ XIX vậy.

Chân dung tự họa (1567).

Là con của một nhà chiêm tinh học, Titian chào đời năm 1488 ở thị trấn Pieve di Cadore phía đông bắc Italia. Chú bé Tiziano bắt đầu cộng tác với giới họa sĩ thành Venice ngay từ năm mới lên 10 tuổi, sau đó Titian bắt tay vào công cuộc “tân trang” lại trường phái của Giovanni Bellini (1430-1516), cũng như của Giorgio Barbarelli da Castelfranco (1477-1510) - nổi danh với nghệ danh Giorgione trong thế kỷ XVI. 

Tài năng của Titian trở thành nguồn động lực chính thúc đẩy những tuyệt đỉnh nghệ thuật của giai đoạn hậu Phục hưng. Vì vậy không có gì quá mức khi giới sử gia gọi thế kỷ XVI trong lịch sử sáng tác nghệ thuật của nhân loại là “Thế kỷ hội họa của Titian”. 

Nên biết rằng rất ít các họa sĩ làm chủ được “đời sống nghệ thuật” riêng của mình, cũng như thống lĩnh được bộ môn nghệ thuật đặc trưng cho từng giai đoạn lịch sử như “anh chàng Titian xứ Venice” vĩ đại này. Sự nghiệp sáng tác của ông nảy nở song hành với sự chuyển dịch của thời gian - bước qua thế kỷ mới, vào khoảng năm 1505 và vẫn tiếp tục duy trì mãi cho đến tận năm 1576. Titian mất trước giá vẽ của mình vào năm ông xấp xỉ 90 tuổi.

Đại danh họa Titian được coi là một nhà sáng tạo phi thường trong việc sử dụng màu sắc: chói chang, rực rỡ song song với những mảng tối đặc thù. Ông là người thợ thực thụ của những biểu tượng bi tráng, vốn là đặc tính bao trùm toàn bộ sáng tác của cây cọ thời Phục hưng tiêu biểu này. Rõ ràng, nhưng không máy móc lặp lại, khăng khít máu thịt với phong thái cổ điển. Titian thể hiện một cách thông minh rất đỗi tự nhiên “vai trò trung gian” giữa thế giới thần thoại và cuộc sống đương đại. Đồng thời ông đã khẳng định một trường phái họa chân dung thống lĩnh khắp Âu châu. 

Ví như có bức họa về một sĩ quan, hay vị tướng lừng danh nào khác có thể sánh nổi với chân dung của Công tước xứ Urbino Francesco Maria I della Rovere (1490-1538); hoặc bức họa khuôn mặt Giáo hoàng Paul III (1468-1549) do Titian vẽ.

Sản phẩm của sự hợp tác sáng tạo giữa Titian và Giorgione - một nhà sáng tạo phi thường khác - là những bức hoành tráng về đề tài tôn giáo. Cặp danh họa kỳ tài này đã tạo nên bộ luật bất thành văn cho những biến thể nghệ thuật thời Phục hưng: hội họa cần được hướng tới hiệu suất văn hóa cùng nét thi ca của tín ngưỡng.

Những phụ nữ mình trần - khỏa thân trong tranh của Titian có thể không phù hợp với “gu” của giới thưởng thức nghệ thuật hiện đại, bởi họ quá “thô” giữa những nét đặc thù cho phái giới, nhưng cây cọ đầy sáng tạo trong tay ông đã biến đổi hình thể lý tưởng của tấm thân trần cổ điển, thay vào là mối tương quan đầy sắc dục, tạo cảm giác khó quên trong niềm hưng phấn tinh thần thuần túy. 

Chân dung Giáo hoàng Paul Đệ tam.

Trong những năm sau này nhất là trong “giai đoạn thứ 3” - giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của mình, Titian đã gạt bỏ mọi dự định xưa cũ, tìm lối đi mới cho các giá vẽ nhằm thể hiện thứ cảm xúc sâu sắc và bi tráng nhất. Biến một Titian già cỗi thành người tiên phong về mặt tinh thần của trường phái “sốc thực”.

Trong những sáng tạo cuối cùng, nỗi u sầu luôn hiện hữu trong tranh ông, ngược hẳn với những bức vẽ thời trẻ đầy ắp sự ca ngợi - thiên về sức sống của lòng yêu đời. Ông cũng tập trung khai thác mảng đề tài tôn giáo - phần lớn theo đơn đặt hàng của vua Tây Ban Nha Philip II (1527-1598), cho đến nay vẫn đang tô điểm cho các sảnh đường ở quần thể cung điện và tu viện Hoàng gia El Escorial gần Madrid. 

Nhưng có thể một sáng tạo duy nhất đã “vượt quá tầm vóc thế kỷ” của cây cọ Titian xứ Venice là bức “Crucifixion” (Đóng đinh lên thập giá). Titian hoàn thành bức kiệt tác này vào năm 1558, thể theo yêu cầu của giới chức sắc cai quản ngôi giáo đường San Domenico ở thành phố Ancona miền trung Italia. 

Ông đã đạt tới đỉnh cao của sự bi tráng, khiến ngay cả họa sĩ lỗi lạc Tintoretto (1518-1594) - một trong những cây cọ hàng đầu trong lịch sử hội họa thế giới - cũng phải công nhận rằng “chịu... không thể thực hiện nổi”.

Quang Long (theo The Times)
.
.