Thể thao mạo hiểm bơi vượt eo biển Manche

Thứ Sáu, 24/11/2017, 09:55
Đối với dân leo núi, đỉnh Everest là thách thức cuối cùng; còn với vận động viên bơi lội thì đó là eo biển Manche (hay English Channel) – eo biển thuộc Đại Tây Dương nằm giữa nước Anh và phía bắc nước Pháp, dài 562km với phần hẹp nhất là 33km. Eo biển cũng là một trong những tuyến thủy lộ nhộn nhịp nhất với khoảng 55 chiếc tàu băng qua mỗi ngày.

Bơi vượt eo biển Manche được coi là thách thức ghê gớm cho ý chí. Hàng năm, nhiều người đổ xô về eo biển để thử sức và tìm cảm giác mạnh. Mặt trời chói lóa trên đầu, trời sáng trong và mặt nước phẳng lặng ở eo biển Manche, nhưng chớ nên nhầm lẫn trước điều kiện tự nhiên như thế. Bởi vì, người ta cũng đã ghi nhận có 8 người tử nạn khi cố vượt biển.

Vào cuối năm 2012, tổng cộng 1.341 tay bơi lội đã chinh phục được eo biển và mỗi năm càng có thêm nhiều người muốn tìm đến chinh phục. Năm 2013, đã có chừng 300 người đến vùng biển tham gia mùa bơi kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 song chỉ có 1 trong 5 người lập được kỳ tích. Một kỷ lục được ghi nhận: Kevin Murphy được gọi là Vua eo biển Manche vì đã chinh phục nó đến 34 lần, tức hơn bất cứ người nào khác trong lịch sử.

Gino Deflorian và chiếc thuyền Rowena đi theo anh suốt hành trình thử thách vượt eo biển Manche.
Sau mỗi 40 phút, Deflorian dừng bơi để ăn…

Kevin Murphy, chào đời năm 1949, là đứa trẻ béo phì không thể chơi bóng đá cho nên thay vào đó là môn bơi lội. Một dãy các giấy chứng nhận thành tích thể thao của Murphy treo đầy trên tường phòng khách nhà anh ở Dover. Trong quá trình thử thách của mình, Murphy từng được giải cứu khỏi mặt nước vì bị bất tỉnh, trải qua phẫu thuật cả hai vai và mắc bệnh tim.

Murphy đã không còn vùng vẫy dưới nước trong 7 năm. Cuối cùng, eo biển Manche cũng lôi kéo Murphy trở lại với môn thể thao bơi lội nhưng lần này anh ở vị trí khác. Những người muốn bơi vượt eo biển Manche bắt buộc phải đăng ký với một trong hai tổ chức. Murphy là thư ký danh dự của một trong hai tổ chức đó – Channel Swimming & Piloting Federation.

Để được Murphy cấp phép bơi, người đăng ký phải cung cấp bằng chứng cho thấy đã từng bơi suốt 6 giờ liên tục không ngừng nghỉ dưới vùng nước có nhiệt độ không quá 16oC. “Chúng tôi cân nhắc tăng thời gian bắt buộc lên 8 giờ. Bởi vì nguyên do bắt nguồn từ Susan”, Murphy cho biết. Người mà Murphy muốn nói đến là Susan Taylor, phụ nữ Anh tử nạn giữa tháng 7-2013 tại nơi cách bờ biển nước Pháp chưa đầy 2km sau 16 giờ bơi liên tục cố sức vượt eo biển Manche. Murphy là thầy dạy cho Susan tại Trung tâm huấn luyện ở đảo Mallorca, phía tây Địa Trung Hải, trong tháng 4-2013.

Murphy nói: “Tôi không nghĩ là Susan sẽ gặp vấn đề”. Susan Taylor nôn mửa do kiệt sức và đã uống quá nhiều nước. Khi gần đến bờ biển nước Pháp, Susan chuyển sang kiểu bơi ếch nhưng sau đó cô không còn cảm giác với hai chân của mình nữa. Murphy nhận định về cái chết của Susan: “Tôi nghi ngờ Susan Taylor bị hạ thân nhiệt đột ngột hay cơ thể mất nước, và cũng có thể do đau tim”.

Gino Deflorian, 24 tuổi, là gương mặt khác đã bơi được 8 giờ liền dưới biển. Anh bơi tự do với 54 sải trong một phút, đều đặn như bộ máy đồng hồ. Hai vai, nách, cổ và vùng đáy chậu của Deflorian được thoa mỡ lông cừu để tránh bị phồng rộp da. Chiếc thuyền đánh cá màu xanh Rowena luôn luôn đi kèm theo Deflorian để đề phòng sự cố, song anh không được phép chạm tay vào thuyền hay người trên thuyền nếu không sẽ bị tuyên bố không đủ tư cách tham gia cuộc thi bơi và bị loại khỏi cuộc chơi nguy hiểm tột cùng này. Một người thanh tra trên thuyền chú ý theo dõi thời gian và tốc độ các sải bơi của Deflorian.

Gerard Moerland, huấn luyện viên của Deflorian, ngồi trên thuyền tập trung quan sát anh cùng với 7 người thi bơi khác mà không hề để tâm đến những chiếc phà, tàu container và tàu chở dầu khổng lồ đang lưu thông trên mặt biển. Sau mỗi 40 phút, Moerland thông báo thuyền trưởng cung cấp thực phẩm cho Deflorian để nạp năng lượng. Đó cũng là khoảng thời gian cho người bơi nghỉ ngơi. Lúc đó, chiếc thuyền đi chậm lại và Moerland chuyển cho Deflorian chai nước cùng với túi thực phẩm.

Khi ăn, Deflorian trôi dạt xa chiếc thuyền 120 đến 150m. Deflorian ăn uống rất khó khăn vì các ngón tay cứng đờ với đôi môi tái nhợt vì lạnh. Eo biển Manche rất lạnh và vào cuối tháng 8 này nhiệt độ nước là 16,8oC. Có những người bơi bị hạ thân nhiệt xuống còn 31oC – mức đe dọa mạng sống – khi đến được đích.

Mỗi giờ trôi qua, cơ thể Deflorian đốt cháy hết khoảng 800 kilocalorie. Lớp mỡ trong cơ thể người bơi rất có lợi thế trên eo biển Manche. Bởi vì nó giúp thân người nổi trên mặt nước đồng thời cung cấp năng lượng. Deflorian cao 1,85m và cân nặng 92kg. Nhưng, anh chỉ có 14% lượng mỡ trong cơ thể.

… và uống tại chỗ nạp năng lượng trong hành trình dài ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Cuối cùng Deflorian đã chạm đến bờ biển nước Pháp và giơ cao hai quả đấm mừng chiến thắng!

Deflorian đã bơi được 25.326 sải từ 9 giờ 25 phút sáng khi bắt đầu hành trình vượt biển từ bãi biển ở công viên Samphire Hoe thẳng tiến đến Eurotunnel (đường hầm xuyên biển nối liền Pháp va Anh). Bây giờ, Deflorian đã thực hiện được 25.410 sải rồi tăng lên 25.912 sải.

Khi vượt eo biển Manche, một số người bị say sóng trong khi số khác cố chịu đau do bị loài sứa bờm sư tử tấn công. Nhưng, Moerland đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Ông mang theo acetaminophen để giảm đau, antihistamine để chống dị ứng, caffeine để chống mệt mỏi và cinnarizine chữa chóng mặt và nôn mửa.

Nước triều mạnh ở eo biển Manche có thể đánh dạt người bơi theo các hướng khác nhau (theo hướng đông bắc rồi theo hướng tây nam) như chiếc chai rỗng – đó là lý do tại sao không ai có thể bơi đến bờ biển nước Pháp theo đường thẳng. Những người bơi băng qua eo biển Manche trên thực tế phải vượt quãng đường ít nhất 44km. Đối với người bơi, sự dẫn đường của hoa tiêu là rất quan trọng.

Hoa tiêu của Deflorian là một ngư dân đã hành nghề 40 năm trên biển nhưng phục vụ cho những người bơi đem lại nhiều tiền hơn. Mỗi lần dẫn đường băng ngang eo biển Manche, ngư dân dẫn đường được trả công 2.735 euro. Ước chừng có khoảng 13 ngư dân chuyển sang nghề dẫn đường cho những người bơi ở eo biển Manche hiện nay.

Lúc này, Deflorian đã vùng vẫy dưới nước lạnh được 10 giờ 25 phút và vẫn còn bơi với 54 sải một phút. Mặt trời đã ở đằng sau lưng Deflorian và ngay trước mặt anh đã lộ ra hình bóng của mũi Gris Nez. Theo quy định của lực lượng tuần duyên Pháp, không quá 12 chiếc thuyền cổ vũ được phép băng qua eo biển mỗi ngày.

Moerland đến từ Hà Lan, quốc gia có truyền thống lâu đời về môn thể thao bơi đường dài. Moerland huấn luyện cho các vận động viên bơi lội trong 4 mùa Thế vận hội. Hai đội camera – một trên chiếc Rowena và một trên chiếc máy bay trực thăng – chịu trách nhiệm ghi hình nỗ lực của Deflorian trên mặt biển.

Cuối cùng, chiếc Rowena dừng lại cách Mũi Gris Nez 1.160m vì nước quá cạn và thay vào đó là chiếc thuyền mái chèo đi kèm theo Deflorian đến kilômét cuối cùng chạm vào bờ biển nước Pháp. Trời đang tối dần, mà Deflorian vẫn bơi miệt mài. Cuối cùng, Deflorian đã chạm đích, đứng trên bờ biển giơ cao hai quả đấm lên trời! Deflorian nở nụ cười mãn nguyện. Anh đã băng qua eo biển Manche sau 11 giờ 6 phút và 35.100 sải bơi tự do. Đó là vào năm 2014.

Di An (tổng hợp)
.
.