Thêm lý giải về nhục thân của thiền sư chùa Đậu

Thứ Ba, 02/04/2019, 18:05
Chùa Đậu, ngôi chùa nổi tiếng nằm ở huyện Thường Tín, Hà Nội, với một quần thể không gian xanh mát tĩnh lặng, nơi thờ Pháp Vũ (thần mưa) một trong hệ thống thờ tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của người Việt cổ.

Chùa không chỉ là một trong những dấu tích đầu tiên thờ Pháp Vũ, mà còn là nơi có hai Nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Đây là trường hợp cực kì hiếm gặp trong chặng đường tu tập Phật giáo của các bậc thiền sư trong nước và trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (đứng giữa) cùng các cộng sự làm công tác phục chế bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu (ảnh tư liệu).

5 tên gọi cho ngôi chùa cổ

Đi hết đường Giải Phóng, xuôi về hướng Nam, chùa Đậu nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đó là một ngôi chùa cổ được xây cất vào thời Lý và được trùng tu vào thời Lê, đến nay trải qua bao lần tôn tạo, tu bổ, ngôi chùa vẫn mang dáng vẻ cổ kính xa xưa. Qua mỗi chặng đường lịch sử, chùa có nhiều tên gọi khác nhau: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà, ngày nay gọi là chùa Đậu.

Từ xa nhìn ngôi chùa như một bức tranh yên bình, êm ả với mái cổ cong cong, bức tường bạc màu rêu úa, gần đó là cây đa già, tán lá sum sê tỏa bóng mát rượi. Chùa Đậu không chỉ đặc sắc bởi có nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường mà chùa còn nằm trong hệ thống tứ pháp của người Việt cổ.

Theo cuốn “sách Đồng” còn lưu lại ở chùa thì chùa Đậu được xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp. Ông là một vị quan thái thú nhân từ của Giao Chỉ, được người đời truyền tụng gọi là Nam Giao cổ học (người đem chữ Hán vào Việt Nam) và dùng phương pháp cai trị yêu dân như con. Kinh đô thời ấy nằm ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Khi Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa, đã hình thành nên hệ thống thờ tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp), thể hiện vũ trụ quan của con người đất nước nông nghiệp, nơi mà một nền văn minh lúa nước cần mưa thuận, gió hòa. Và từ “pháp” ở đây trong tinh thần Phật giáo: mọi pháp do duyên sinh, do nhân duyên mà tạo thành. Có 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu (Bắc Ninh) là nơi Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam, thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ.

Thiền sư Vũ Khắc Trường với nhục thân viên mãn.

Tại sao ngôi chùa thiêng lại có nhiều tên gọi đến vậy? Đại đức Thích Thanh Nhung, trụ trì chùa cho biết: Tương truyền, thời Sĩ Nhiếp, ở phía nam kinh thành có luồng khí, Quách Thông theo lệnh vua về đến làng Gia Phúc mới thấy thế đất trông tựa dáng hình một đôi hoa sen đang nở. Người xưa cho rằng hoa sen là nơi đất Phật nên về tâu với vua. Biết là đất lành chim đậu, hoa nở đất thiêng bèn lập một ngôi chùa đặt tên là Thành Đạo Tự. Thành Đạo Tự rước Pháp Vũ Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ.

Do nhà vua chọn đất làm chùa và chỉ dành cho bậc vua chúa đến tế lễ, còn người dân quanh vùng chỉ được lễ trong 3 ngày hội nên chùa được gọi là chùa Vua. Chùa lại thờ Pháp Vũ Bồ Tát (vị nữ thần cai quản mưa), người ta gọi chệch đi không động vào tên húy của thần nên chùa còn được gọi là chùa Bà. Ngôi chùa không chỉ có bậc vua chúa lui tới lễ bái, cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an rất linh ứng, các hàng Nho sinh, vương tôn, công tử đến đây cầu nguyện đăng khoa, công danh rạng rỡ, sự nghiệp viên thành, người nông dân thì cầu nguyện cây cối đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu và tất cả đều được như ý nguyện nên chùa còn có tên là chùa Đậu.

Bí ẩn nhục thân của hai vị thiền sư

Hôm nay, về nơi đất Phật, trong bái đường của chùa Đậu, giữa lời kinh sâu mầu, tiếng chuông chùa trầm lắng vang xa và cả mùi nhang khói vấn vương, đảnh lễ chiêm bái nhục thân Bồ Tát của hai vị thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Hai vị thiền sư tu hành chứng đắc, trải qua bao mưa nắng, giông bão của thời gian vẫn còn lưu lại với hậu thế trong dáng ngồi an nhiên, tự tại.

Câu chuyện về hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 300 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi trong đời sống Phật giáo trong nước và cả thế giới. Phật giáo các nước như Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Tích Lan, Nhật Bản... cũng từng có câu chuyện để lại toàn thân xá lợi hay còn gọi là nhục thân Bồ Tát. Để lưu lại nhục thân là điều vô cùng hi hữu.

Riêng ở Việt Nam có đến 4 nhục thân của thiền sư (sư tổ viên tịch trong tư thế ngồi tọa thiền sau hàng trăm năm vẫn giữ được hình hài nguyên vẹn) nằm tại 3 ngôi chùa nổi tiếng tại miền Bắc: Thiền sư Tự Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh); Thiền sư Tự Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) nằm ở chùa Đậu; Thiền sư Như Trí, chùa Tiêu; Thiền sư Chuyết Chuyết, chùa Phật Tích. Riêng chùa Đậu có đến 2 vị thiền sư.

Người đời nay lưu truyền lại chùa Đậu có 2 vị thiền sư kế cận nhau, thay nhau trụ trì ở ngôi chùa cổ, các ngài tính đếm, biết là giờ lành đã tới bèn nói với đệ tử: “Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật, khi các con nghe không còn tiếng mõ hãy mở cửa vào sẽ thấy xác thân ta được giữ nguyên”. Quả nhiên, sau 100 ngày nhập định, các đệ tử của thiền sư không còn nghe thấy tiếng mõ bèn mở cửa bước vào, vị thiền sư đã ra đi tự lúc nào nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ như đang ngồi thiền. Hương thơm thoang thoảng tỏa khắp căn phòng.

Sách cổ có ghi lại đây là lối thiền - tịnh song tu mà các đệ tử hậu bối bây giờ vẫn đang theo học các vị sư tổ. Năm 1983, hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã được khoa học khẳng định chứng minh chụp bằng X-quang, nhục thân của hai vị không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút não và các khớp xương dính chặt với nhau ở thể tự nhiên. Mỗi nhục thân cân nặng 7kg.

Bác sĩ Trần Quốc Bình, nguyên Trưởng khoa E Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “Khoa học thế giới ngày nay đã khẳng định: muốn ướp xác phải thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện (phải có thuốc để bảo quản, phải hút ruột, hút não, phải để xác trong hòm kín”. Điều đặc biệt là với một người bình thường, để lưu xác cần phải có những điều kiện trên nhưng hai vị thiền sư chùa Đậu không cần đến những yếu tố tác động khoa học đó.

Sau khi nhập định, trải qua vài chục năm, áo vải của hai vị thiền sư bị mục, rơi rụng lộ ra thiền sư chỉ còn da bọc xương. Các thiện tín đã mặc cho thiền sư một lớp áo vải bằng sơn ta, trải qua bao năm tháng nhưng người dân trong làng Gia Phúc từ nhiều đời qua vẫn thấy lớp áo ấy còn nguyên vẹn như ngày đầu. 

Tại sao lại là nhục thân Bồ Tát chứ không phải là viên xá lợi?

Từ trước đến nay, các vị sư tổ trên thế giới và Việt Nam để lại nhiều xá lợi. Xá lợi là sau khi các sư viên tịch đi hỏa táng, tro cốt đấy sẽ cho ra những khối nhỏ rắn chắc được gọi là xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí và thời gian bào mòn.

Theo Đại đức Thích Thanh Nhung trụ trì chùa Đậu: Quy luật của vũ trụ vật chất chỉ có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác mà Phật giáo gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không. Xá lợi không bị chi phối bởi không gian, thời gian và quy luật của vũ trụ. Chính vì vậy xá lợi được coi như là một vật báu, một quốc bảo thiêng liêng được cung kính như đức phật sống. Theo quy luật của đạo Phật, xá lợi chỉ để lại trên trái đất 5-10% của toàn thân xá lợi hay còn gọi là toái thân xá lợi.

Thiền sư Vũ Khắc Minh với nhục thân an nhiên tự tại.

Ở Việt Nam có xá lợi Tổ sư Từ Đạo Hạnh, Không Lộ thiền sư (Nguyễn Minh Không), Giác Hải thiền sư, Đơn Điền thiền sư và hai pho tượng toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Trường, Vũ Khắc Minh. Đó là một biểu tượng cho hàng thánh tăng Việt Nam có những bậc vĩ nhân siêu thoát đã chứng đạt một cách thấu triệt viên mãn giáo lí Phật Đà. Một dân tộc có nền văn minh sớm còn tồn tại những chứng tích, báu vật, tư liệu văn hóa cổ hiện đang được bảo tồn.

“Toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư tại chùa Đậu đã kết thành giới thân bất hoại trường tồn với lối nhập định song tu thiền - tịnh. Đệ tử Phật phải hiểu được điều căn bản muốn tu tập đạt kết quả phải có tự lực và tha lực. Tự lực là tự nơi của mình, còn tha lực là nương vào tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát đạt đến sự đắc quả, viên mãn.

Đại đức Thích Thanh Phương chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc Tự), xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội kể: Việt Nam là một đất nước có truyền thống đạo Phật lâu đời, vừa kế thừa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ, vừa kết hợp với bản sắc riêng của dân tộc. Trải qua những triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến thời đại ngày nay các vị sư tổ đã để lại cho chúng ta những xá lợi như Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ ngai vàng cung điện, lầu son để lên núi Yên Tử thành lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau này viên tịch, ngài để lại toái thân là những viên ngọc nhỏ gọi là xá lợi.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vị Phật sống, Bồ Tát Thích Quảng Đức thiêu thân phát nguyện sau khi ngài tẩm xăng tự thiêu, trong ngọn lửa bừng bừng cháy, người ta thấy trái tim của ngài vẫn còn nguyên không bị thiêu rụi, hiện nay vẫn được lưu giữ như một quốc bảo thiêng liêng.

Theo Đại đức Thích Thanh Phương: Nhìn vào lịch sử thời Lý, Trần, những vị sư tổ sau khi viên tịch đã để lại những viên xá lợi nhưng sang đến thời Lê, Nguyễn thì lại là nhục thân. Thời Lý, Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh ở nước ta nhưng sang đến thời Lê, đặc biệt là hậu Lê (1428-1527) và Nguyễn sơ (1802-1883), Nho giáo chiếm vị trí độc tôn tác động mạnh mẽ đến văn hóa Việt, tác động lên các giai cấp, giai tầng trong xã hội.

Tam cương: Quân - thần, phu - tử, phu - phụ (vua - tôi, cha - con, vợ - chồng), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) đề cao nhưng vẫn không ngoài mục đích bề tôi phải trung thành vớí vua, để phục vụ tầng lớp xã hội. Những châm ngôn như: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Vua bắt thần phải chết, thần không chết là bất trung. Cha bắt con phải chết, con không chết là bất hiếu) là một triết lí sống của các nhà Nho, những bậc chính nhân quân tử chung quy lại là trung thành vô điều kiện.

Trong khi đó, các bậc cao tăng đắc đạo, thấu đạt ý nghĩa của đạo Phật đã dùng hình ảnh viên tịch để lại nhục thân của mình để chứng minh sự tu tập chứng đắc, chứng ngộ, để con người đời nay và đời sau có niềm tin vào ánh sáng của Phật pháp với triết lí vô vi (từ bi, hỉ xả), gieo nhân gặt quả, vượt lên trên hết là Tánh Không của đạo Phật, giải thoát và giác ngộ.

Hình ảnh nhục thân của các vị thiền sư như một minh chứng sống về thánh nhân siêu thoát, thấu triệt viên mãn giáo lí Phật Đà, để củng cố góp phần chấn hưng Phật giáo, với nền tảng triết học trí tuệ sâu mầu Phật pháp vượt không gian, thời gian và đỉnh cao là ngự tại nhân sinh trong thời kì cực thịnh của Nho giáo.

Trần Mỹ Hiền
.
.