Thị trường đen bộ phận cơ thể người lan rộng tại châu Âu

Chủ Nhật, 15/07/2012, 21:45

Đối mặt với suy thoái kinh tế như căn bệnh trầm kha, không ít công dân châu Âu tìm cách kiếm tiền bằng cách bán thận, phổi, tủy xương hay giác mạc và từ đó dẫn đến tình trạng buôn bán trái phép bộ phận người lan tràn ở châu Âu. Với sự tiếp tay của Internet cùng với nhu cầu cấy ghép tạng đang tăng, bọn vô liêm sỉ sẵn sàng lợi dụng sự khốn khổ của người dân để trục lợi.

Một lá phổi có giá 250.000 USD!

Hiện tượng được coi là tương đối mới tại Serbia - quốc gia bị chiến tranh xé nát và đang vật vã với cuộc khủng hoảng tài chính quét qua châu Âu. Cứ mỗi 15 phút, ông Pavle Mircov và vợ ông là Daniekka lại nóng lòng kiểm tra e-mail  vì  mong tìm được người sẵn lòng chi ra 40.000 USD để mua một quả thận của họ. Hai vợ chồng người Serbia này rao bán thận trực tuyến tại một trang web bí mật cách đây 6 tháng sau khi Mircov, 50 tuổi, mất việc làm.

Sau 6 tháng loay hoay trên Internet, cuối cùng ông Mircov cũng tìm được một người đàn ông sống ở thành phố Mannheim nước Đức đồng ý mua thận. Ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Nga ngày càng có thêm nhiều người rao bán trái phép bộ phận cơ thể (kể cả tóc, tinh trùng và sữa mẹ) trên Internet - với giá một lá phổi vào khoảng 250.000 USD! Vào tháng 5 vừa qua, cảnh sát Israel đã bắt giữ 10 thành viên của một băng nhóm tội phạm quốc tế vì nghi ngờ buôn bán trái phép bộ phận người ở châu Âu.

Theo báo cáo của cảnh sát, các nghi phạm chọn mục tiêu là những người nghèo ở Moldova, Kazakhstan, Nga, Ukraina và Belarus. Jonathan Ratel, công tố viên đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU), đang điều tra vụ án 7 người bị buộc tội dụ dỗ các nạn nhân nghèo khổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Đông Âu đến Kosovo để bán thận với lời hứa hẹn sẽ trả giá đến 20.000 USD một quả thận. Nhưng tất cả chỉ là lời hứa suông.

Jonathan Ratel cho biết: "Buôn lậu bộ phận người đang là ngành kinh doanh béo bở ở châu Âu. Các tổ chức tội phạm lợi dụng kiếm chác từ cả hai phía - một bên là những người nghèo khổ vô phương sinh sống và một phía là những bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng để sống sót".

Nguồn cung cấp nội tạng truyền thống chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Philippines. Nhưng theo các chuyên gia, hiện nay cả đến người châu Âu cũng có nhu cầu bán tạng để kiếm tiền. Theo thống kê của Organs Watch - nhóm nhân quyền theo dõi thị trường đen bộ phận người đặt trụ sở ở Berkeley, bang California (Mỹ) - có khoảng từ 15.000 đến 20.000 quả thận được bán trái phép trên toàn cầu mỗi năm. Còn theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ 10% nhu cầu cấy ghép tạng được ghi nhận trên toàn cầu.

Bán bộ phận người ở Serbia được coi là bất hợp pháp và có thể bị phạt 10 năm tù. Nhưng khung hình phạt đó vẫn không thể ngăn cản người dân Doljevac, cộng đồng nghèo khổ 19.000 người ở miền nam Sebia, sẵn sàng bán nội tạng và cả máu ra nước ngoài để kiếm tiền. Tỷ lệ thất nghiệp ở Doljevac là 50% và hơn 3.000 người muốn tham gia vào mạng lưới bán nội tạng trái phép này. Do không có thị trường hợp pháp cho nên người dân Doljevac tìm cách bán một phần cơ thể mình sang Bugaria hay tại Kosovo.

Pavle Mircov rao bán thận trực tuyến sau khi bị mất việc làm.

Giới quan chức chính quyền nhấn mạnh: Serbia không nghèo đến mức người dân phải bán đi một phần cơ thể của mình, trong khi cảnh sát tuyên bố trong 10 năm qua ở nước này không có một vụ án bán nội tạng trái phép nào bị truy tố ra trước pháp luật. Nhưng các chuyên gia nhận định, những vụ truy tố hiếm thấy bởi vì những ca cấy ghép tạng thường chỉ diễn ra ở các quốc gia thứ 3 khiến cho việc điều tra bắt giữ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Đua nhau hiến trứng và tinh trùng

Luật pháp Tây Ban Nha cấm bán trứng và tinh trùng nhưng các trung tâm trợ giúp sinh sản lại được phép trả một khoản tiền cho người hiến tặng. Bác sĩ Buenaventura Coroleu - Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Sinh sản Tây Ban Nha (SEF) và trưởng khoa Sinh sản Bệnh viện đa khoa Dexeus ở Barcelona - cho biết sau khi được chấp nhận, người hiến tặng sẽ cung cấp tinh trùng vào mỗi tuần trong vòng 3 tháng và được trả 50 euro cho mỗi lần. Phụ nữ được trả 1.000 euro khi hiến tặng trứng, nhưng tiến trình can thiệp y khoa kéo dài, gây đau và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Ervin Balo (trái) bán thận để nuôi sống gia đình ở Serbia.

Theo quy định, người hiến tặng (thường trong độ tuổi từ 18 đến 30) sẽ được giữ bí mật danh tính. Nhưng kể từ khi Tây Ban Nha chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Khoảng 80 đến 90% nam giới và 60 đến 70% phụ nữ hiến tặng trứng và tinh trùng đều vượt quá độ tuổi cho phép. Thậm chí, nhiều người nghèo khó đổ xô đến các bệnh viện phụ sản để kiếm tiền sau khi cho trứng và tinh trùng - một hình thức buôn bán trái phép bộ phận người.

Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền Tây Ban Nha nên cấm trả tiền cho những người hiến tặng trứng và tinh trùng vì lý do đạo đức y khoa cũng như ngăn ngừa nạn buôn bán bộ phận người bất hợp pháp. Nhưng bác sĩ Coroleu không tán đồng và nhấn mạnh quyết định cấm trả tiền sẽ tác động đáng kể đến số lượng người hiến tặng, dẫn đến việc các bệnh viện sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của phụ nữ trong và ngoài nước.

Theo Tổ chức cấy ghép tạng quốc gia Tây Ban Nha (SNOT), tỷ lệ những ca hiến tặng cơ quan ở nước này là cao nhất thế giới. Hiện thời, Tây Ban Nha cung cấp 75% trong tổng số trứng hiến tặng ở châu Âu. Tại các bệnh viện phụ sản như Dexeus, 50% những bà mẹ tương lai đến từ nước ngoài, do sự hấp dẫn của mức giá thấp và luật lệ thoáng hơn ở Tây Ban Nha. Ở Tây Ban Nha, phụ nữ đơn thân và đồng tính nữ cũng được phép nhận trứng và tinh trùng để có con. Trước nhu cầu ngày một tăng cao, người ta lo ngại thị trường đen trứng và tinh trùng sẽ lan rộng ở Tây Ban Nha giữa thời suy thoái kinh tế

Duy Ân (tổng hợp)
.
.