Thị trường mũ bảo hiểm: Giá trên trời chất lượng thả nổi

Thứ Bảy, 22/09/2007, 11:05
Những ngày này, thị trường mũ bảo hiểm Hà Nội đang "nóng" hơn bao giờ hết. Các con "phố mũ" như phố Huế, Nguyễn Công Trứ, Hàng Đậu...lúc nào khách cũng ra vào tấp nập. Cung không đủ cầu khiến cho giá mũ bị đẩy lên một cách vô tội vạ. Còn chất lượng những loại mũ này đến đâu thì... có trời mới biết.

“Mê hồn trận” mũ bảo hiểm

Chúng tôi có mặt tại một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên phố Huế vào sáng 15/9 là ngày cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Ở đây có rất nhiều loại mũ bảo hiểm khác nhau. Người chủ hàng xởi lởi: “Anh mà không mua nhanh ngày mai hết hàng tăng giá đấy!”.

Nhặt một chiếc mũ hiệu Amoro lên, chỉ cần xem qua cũng có thể thấy chiếc mũ này có ba lớp. Một lớp nhựa cứng, một lớp xốp và một lớp vải đệm trong. Có lẽ chỉ cần rơi từ trên tay xuống là nó có thể vỡ. Hỏi giá, người chủ “hét”: 100 ngàn đồng.

Nhặt một chiếc mũ (loại dành cho trẻ nhỏ), chất liệu cũng không khác là bao so với loại trên, chỉ được cái hình thức bắt mắt hơn một chút, thế mà giá lên tới 120 ngàn đồng. Mũ có kính chắn là 180 ngàn đồng. Tay tôi không may động vào một chồng mũ xếp chênh vênh khiến nó suýt đổ. Anh chủ hàng vội đỡ, buột miệng: “Ấy ấy cẩn thận không thì rơi...vỡ” (?!).

Tôi lách vào sâu gian hàng, nhặt một chiếc mũ có kính chắn và có hàm che. Chiếc này có vẻ cứng cáp hơn. Anh chủ quán tiếp tục quảng cáo: “Mũ này thì khỏi chê anh ạ. Có mà xe container kẹp cũng... không vỡ” (!).

Gõ vào kính chắn, anh ta tiếp tục ba hoa: “Giả sử có vật cứng đập vào thì hai cái ốc bên sẽ tự bung ra, không ảnh hưởng gì đến đầu óc cả”. Hỏi giá, anh ta “hét” một triệu mốt. Tôi mặc cả: “Đúng giá bao nhiêu?”. “Thôi thì bớt cho anh giai 1 lít. Một triệu tròn nhé. Anh lấy mẫu nào em gói cho”.

Sang một cửa hàng cách đó vài bước, vẫn những chiếc mũ giống bên này và giá cũng không đổi. Lấy lý do đặt hàng với số lượng lớn cho công ty, tôi đòi giảm giá. Chị bán hàng thẽ thọt: “Nếu lấy trên 100 cái thì chị chiết khấu cho em 10%, giá không đổi. Mà em giai kỳ kèo gì kinh thế, “tiền chùa” mà!?”.

Theo một chủ cửa hàng mũ bảo hiểm bật mí, hầu hết hàng nhà chị đều được “đánh” từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) về. Giá gốc chỉ là 15-20 ngàn đồng/chiếc. “Thế chị lấy đâu ra tem đảm bảo? - Tôi hỏi”. Chị nháy mắt: “Thì cũng từ Trung Quốc”.

Quản lý kiểu gì đây?

Theo thống kê, cả nước hiện có 37 doanh nghiệp (DN) sản xuất mũ bảo hiểm (MBH), trong đó có 10 DN đăng ký 19 nhãn hiệu hàng hóa, còn lại 27 DN sản xuất MBH không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Những DN này tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên...

Theo quy định, các DN phải thực hiện công bố hàng hóa phù hợp TCVN 5756:2001 và gắn dấu “CS” (dấu chứng nhận MBH sản xuất trong nước) lên sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, việc thực hiện quy định dán nhãn hiệu hàng hóa cũng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

 Số MBH sản xuất trong nước có dấu “CS” chiếm 63,4% số lô mũ được kiểm tra, không có dấu “CS” chiếm 36,6%. Cá biệt, một số sản phẩm MBH được dán hai dấu “CS”.

Số liệu kiểm tra cũng nêu lên hiện tượng “giật mình” là có đến 62,9% các lô mũ lưu thông trên thị trường vi phạm Nghị định 89 của Chính phủ, như thiếu tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.

Đối với các lô mũ nhập khẩu, phần lớn không có tem chứng nhận và lôgô chứng nhận chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả thử nghiệm MBH lưu thông trên thị trường HN, Đà Nẵng cũng cho thấy, có đến 46% số mẫu được kiểm tra cũng không đạt yêu cầu.

Một cán bộ tại Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) cho biết, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 20 triệu xe gắn máy, nhưng qua đánh giá những năm trước đây thì số lượng người đội MBH chỉ đạt từ 15-20%, một con số rất khiêm tốn.

Theo ông, không nên kiểm tra chất lượng MBH theo cách “ra nhặt vài cái bán ngoài thị trường”, mà nên siết chặt từ khâu sản xuất từ các cơ sở sản xuất trong nước và các đơn vị nhập khẩu.

Theo ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Việt Nam là nước có mật độ xe máy lớn nhất thế giới, và chúng ta cũng chưa tính được điểm “đỉnh” tiêu thụ mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng lên con số bao nhiêu.

Do đó, việc đảm bảo an toàn giao thông đối với người sử dụng phương tiện này là vấn đề hết sức quan trọng. Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt từ đơn vị cung cấp sản phẩm MBH, cũng cần có thêm chế tài để người sử dụng tự giác nhận thức được vấn đề.

Vẫn theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong thì trong tháng 9 này sẽ công bố công khai các loại MBH đảm bảo chất lượng và những cơ sở sản xuất, nhập khẩu MBH đảm bảo chất lượng.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) kiến nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN cần ra một chỉ thị gửi về các địa phương để cùng kiểm soát chất lượng mặt hàng MBH. Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, nên để Bộ Công thương quản lý chất lượng MBH ở khâu sản xuất. Khi sản phẩm lưu thông trên thị trường thì bộ này sẽ phối hợp với Bộ KH&CN cũng như các đơn vị chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, về mặt pháp lý trong công tác quản lý MBH thì chúng ta tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng nên đặt vấn đề “xử điểm” một vài cơ sở sản xuất MBH không đảm bảo chất lượng, có thể số MBH sẽ phải kiểm tra, xử lý đến hàng vạn chiếc chứ không phải vài nghìn chiếc như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo được tính răn đe.

Ông Phong nhấn mạnh thêm, điểm “bí” hiện nay là một số điểm nút vẫn chưa được tháo gỡ. Một trong những điểm nút đó là phải hướng dẫn dư luận để có sự lựa chọn, và sớm công bố các cơ sở kinh doanh và cơ sở được nhập khẩu cũng như danh mục các loại MBH đảm bảo chất lượng”.

Vừa qua, Công an TP Hà Nội phối hợp với Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 4 kho hàng thuộc ga Giáp Bát, phát hiện nhiều mặt hàng MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ trong đó có số lượng lớn MBH nhái. Lô 270 chiếc MBH được dán nhãn mác Amoro (nhái theo mác Amaro) có xuất xứ từ Trung Quốc.

Loại MBH trên được sản xuất bằng nhựa tái sinh, dễ vỡ và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chủ lô hàng là Công ty TNHH thương mại Hồng Trường. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này không đưa được ra giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc lô hàng hóa trên. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ lô hàng để xác minh, xử lý

Đoàn Tiến Minh
.
.