Chương trình nghệ thuật từ thiện "Ngẫu hứng Hữu Ước" do Báo CAND tổ chức tại Nhà Hát lớn, Hà Nội, từ 10 đến 16/3:

Thơ - Nhạc được cất lên từ trái tim

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:00
120 phút của chương trình tạm khép lại, khán giả đến với “Ngẫu hứng Hữu Ước” không chỉ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật phong phú, dàn dựng công phu mà còn được cảm nhận cái Tình của những người làm báo chí, văn học, nghệ thuật của lực lượng CAND...

120 phút của chương trình dường trở nên quá ngắn. Rất nhiều người đã ngỡ ngàng khi đến xem chương trình nghệ thuật này. Bởi lâu nay, khi đi xem các chương trình nghệ thuật từ thiện họ vẫn mang tâm lý "đến để cho tiền vào thùng từ thiện là chính, nghe hát là phụ".

Nhưng với chương trình này, đã được các nghệ sĩ dàn dựng công phu nhất, với sân khấu hoành tráng, một ê kíp những người thực hiện chuyên nghiệp nhất (Chỉ đạo nghệ thuật: Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước; Đạo diễn: NSND Trần Bình; Chỉ huy dàn nhạc: NSƯT, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi; Dẫn chương trình: hoa hậu Giáng My và NSND Trần Hiếu).

Những nghệ sĩ đang thuộc hàng "đỉnh" nhất của làng ca nhạc Việt Nam hiện nay với những tên tuổi đã quen thuộc với công chúng: Thanh Lam, Thái Bảo, Đức Long, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, nhóm AC&M; dàn nhạc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam... và đặc biệt là sự tham gia của 7 NSND của các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, sân khấu: Trần Hiếu, Trần Tiến, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh, Quang Thọ và Doãn Châu với tư cách là ca sĩ.

Nhà văn Hữu Ước và các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất chính là những sáng tác đa dạng về phong cách của tác giả Hữu Ước. Lâu nay, nói tới Thiếu tướng - Hữu Ước, nhiều người mới chỉ biết ông là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch với nhiều tác phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi vậy khi đến xem chương trình nghệ thuật này, nhiều người đã ngỡ ngàng khi thấy một Hữu Ước "khác" đầy đặn hơn khi có thơ, có nhạc, có họa.

Chương trình "Ngẫu hứng Hữu Ước" được chia làm 3 phần: Phần 1 - 10 ca khúc do tác giả Hữu Ước sáng tác; phần 2 - Thơ của tác giả Hữu Ước và phần 3 - Các ca khúc phổ thơ của tác giả Hữu Ước. "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới, chỉ tiếc mùa thu vừa mới qua rồi, còn sót lại bên bàn bông cúc tím, bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi..." những lời thơ da diết ấy của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã nhận sự đồng cảm của nhà văn Hữu Ước và ông đã phổ nhạc rất thành công. Sự thành công ấy thêm một lần nữa được thăng hoa qua sự thể hiện ấn tượng của ca sĩ Tùng Dương.

Đến với chương trình này, ca sĩ Thanh Lam đưa người nghe vào những giai điệu đắm say của ca khúc “Em vẫn đợi”: “Em đã đợi đã chờ/ Qua bao mùa mưa nắng? Em đã đợi đã chờ/ Qua bao tháng bao năm/... Mai anh lại trở về/ Mai anh lại trở về/ Với em...”.

Trong số những ca khúc mà nhà văn Hữu Ước đã phổ thơ thành công của các tác giả, không thể không nhắc tới ca khúc "Lời ru cỏ non", phổ thơ Nguyễn Thị Kim Châu. Là người lính đi ra từ cuộc chiến, đã quá thấu hiểu những mất mát đau thương của chiến tranh, vì thế mà nhà văn Hữu Ước đã chia sẻ sâu sắc với nỗi niềm của những người mẹ liệt sĩ khi đứng bên ngôi mộ của đứa con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Rất nhiều người đã khóc khi nghe những lời ca đầy cảm động: “Run run gió thổi trưa hè, mãi không đỏ nổi đầu que hương buồn. Mẹ già tay mẹ run run, thương con khói vờn cỏ non. Nắng chiều nhuộm đỏ chân mây, con yêu của mẹ đã nhuộm hồng trời xanh...".

Dù không nhận mình là nhạc sĩ, nhưng nhà văn Hữu Ước đã rất thành công với những ca khúc trữ tình. Nghe những ca khúc trữ tình của Hữu Ước, với những lời ca mênh mang một nỗi buồn: "Bể dâu cũng một kiếp người, Tình đời như sợi tơ vò, Làm tiếng lòng bâng khuâng, Vòng đời ai hiểu, Nỗi buồn của tôi" trong ca khúc "Phiêu diêu" (ca sĩ Phương Anh thể hiện); hay trong ca khúc "Mẹ tôi" (ca sĩ Trọng Tấn trình bày) với những lời ca da diết: “Mẹ tôi cả đời đi chân đất, một tấm áo nâu sồng, một chiếc váy lấm bùn quanh năm. Tuổi thơ mẹ ở đâu, tuổi trẻ mẹ ở đâu?

Con nào có biết, chỉ biết rằng mẹ thường khóc trong đêm...” khó có thể ngờ được lại là sáng tác của một nhà văn, nhà báo đầy sắc sảo. Bởi đó là những lời tự sự, sự gửi gắm tâm trạng của một nghệ sĩ đa cảm.

Nhưng, nói như NSND - MC Trần Hiếu điều bất ngờ là ngoài những ca khúc trữ tình, trong sáng tác nhạc của Hữu Ước lại bừng sáng một chất rock hừng hực nhiệt tình, đầy sôi động, trẻ trung và hiện đại với ca khúc "Hãy đốt lên ngọn lửa". Cả khán phòng đã được hâm nóng qua phần trình diễn của ca sĩ Kasim Hoàng Vũ cùng tốp ca nam.--PageBreak--

Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội với hương hoa sữa mùa thu, với mặt Hồ Gươm lung linh mây trời, với mùa đông cây bàng lá đỏ, với ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó. Nhưng, với nhà văn Hữu Ước, ông lại viết về một Hà Nội bình dị đến thô rám nhất, chật hẹp mà đa dạng nhất, đó là "Vỉa hè Hà Nội" với "nơi nào cũng có cà phê, quán phở, hàng rong quán cóc, bia cỏ thuốc lào, muối vừng, cơm nắm, cắt tóc và đánh giày...". Ca khúc này đã được Nhóm AC&M trình bày rất ấn tượng.

Trong chương trình "Ngẫu hứng Hữu Ước" có một tiết mục vô cùng đặc sắc. Đó là ca khúc "Chúng tôi người nghệ sĩ" (nhạc và lời Hữu Ước) với sự trình bày vui nhộn của của 7 NSND: NSND Trần Hiếu (với tư cách ca sĩ, chứ không phải với tư cách người dẫn chương trình), cùng NSND Trần Tiến, NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Quang Thọ, NSND Doãn Châu. Khán phòng Nhà hát Lớn như muốn vỡ ra bởi những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả.

Nhà văn Hữu Ước chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ, bởi ông tự nhận thơ - nhạc - họa chỉ là ngẫu hứng. Nhưng nói tới các sáng tác của nhà văn Hữu Ước, không thể không nói đến phần thơ.

Đó là cả một nỗi trăn trở, bức xúc; là tiếng lòng; là tâm trạng; là sự chắt lọc những gì của cả một đời người từng trải, bổng trầm. Nói như chính các đồng nghiệp của Hữu Ước - các nhà văn - thì đó là vinh quang và tủi nhục; là hạnh phúc và đắng cay; là nồng nàn và lạnh lẽo; là vui sướng và buồn tủi; là sum họp và cô đơn; là ồn ào và lặng lẽ... dường như tất cả những gì mà báo chí, văn xuôi, kịch không thể chuyển tải được đã được ông gửi vào thơ để trải lòng mình với những nỗi niềm đau đáu không dễ gì chia sẻ.

Nhóm AC&M với ca khúc "Vỉa hè Hà Nội".

Và trong chương trình "Ngẫu hứng Hữu Ước”, khán giả đã được nghe thơ Hữu Ước, qua phần trình bày của NSƯT Phan Muôn với hai bài thơ: "Hạnh phúc" và "Cho và nhận". NSƯT Hoàng Thanh ngâm hai bài thơ "Đêm không ngủ" và "Ngày xuân nghe tiếng chuông chùa".

Dù là viết văn, viết kịch, làm thơ, sáng tác ca khúc hay vẽ tranh, ở lĩnh vực nào, các sáng tác của Hữu Ước cũng trước hết bắt nguồn từ những cảm xúc trong sâu thẳm trái tim mình.

Đồng cảm với những tâm sự của nhà văn Hữu Ước, nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ ông và trong chương trình này, khán giả được nghe những ca khúc “Hạnh phúc” (thơ Hữu Ước, nhạc Quang Vinh), qua sự trình bày của tốp ca Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; "Ngày xuân nghe tiếng chuông chùa" (thơ Hữu Ước, nhạc Đăng Nước) qua phần thể hiện của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và tốp ca nữ Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam; "Trái tim tôi" (thơ Hữu Ước, nhạc Tuấn Phương) do ca sĩ Trọng Tấn trình bày.

120 phút của chương trình tạm khép lại, khán giả đến với “Ngẫu hứng Hữu Ước” không chỉ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật phong phú, dàn dựng công phu mà còn được cảm nhận cái Tình của những người làm báo chí, văn học, nghệ thuật của lực lượng CAND.

NSND Đoàn Dũng đã tâm sự: “Chúng tôi không quản ngại khó khăn về sức khỏe và tuổi tác, tham gia với mong muốn chương trình sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng, từ đó thêm lan tỏa lòng nhân ái và sự cưu mang, giúp đỡ nhau trong cộng đồng”.

Cho tới lúc này, chương trình đã quyên góp được số tiền lên tới 17 tỉ 80 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dùng để mua 1.200 con trâu, bò tặng cho đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc bị thiệt hại trong đợt rét vừa qua, đồng thời dành tiền để xây dựng trường trung học nội trú tại khu căn cứ địa cách mạng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Nguyễn Thiêm
.
.